Sơn La là một tỉnh miền núi phía tây bắc nước ta, có diện tích 1.405,5 km2, với dân số 906.800 người (tương đương tỉnh Bắc Ninh). Trong đó, người trong độ tuổi lao động chiếm 46% dân số. Tỷ lệ lao động khu vực nông thôn chiếm 78,88% số lao động của tỉnh. Tỷ lệ thời gian sử dụng lao động còn thấp mới đạt 68 - 70%. Như vậy 1/4 thời gian nông nhàn cần các ngành nghề, dịch vụ tạo nguồn thu nhập cho bà con nông dân Sơn La. Vấn đề này đặt ra cho tỉnh Sơn La một bài toán khó cần phải giải quyết. Mặt khác, mỗi năm Sơn La có khoảng 7.000 học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở chỉ có 1700 - 2000 em
vào học tiếp các trường trung học phổ thông còn khoảng 5.000 em cần được đào tạo nghề, hướng nghiệp. Hàng ngàn học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp ra trường, bộ đội xuất ngũ bổ sung cho lực lượng lao động trong tỉnh hàng năm.
Trong 10 năm qua (1996 - 2005) đặc biệt là 5 năm gần đây tình hình kinh tế xã hội ở tỉnh Sơn La có nhiều khởi sắc; chuyển dịch cơ cấu kinh tế đi đúng hướng, nhịp độ tăng trưởng kinh tế khá, GDP đạt mức trung bình 9,6%/năm, tổng sản phẩm quốc dân tăng gấp đôi, tỷ lệ đói nghèo giảm từ 31,4% xuống còn xấp xỉ 15%. Thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội ở Sơn La có thể rút ra một số bài học về giải quyết việc làm, sử dụng nguồn nhân lực nông nghiệp nông thôn trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa như sau:
- Hạ thấp tỷ lệ tăng dân số, góp phần giảm áp lực gia tăng về dân số và lao động đối với việc làm.
- Tổ chức cân đối lại lực lượng lao động giữa các khu vực thị xã, thị trấn với khu vực nông nghiệp, giữa công nghiệp, dịch vụ với sản xuất nông nghiệp. Nhờ đó đã tạo ra hàng vạn việc làm giúp cho hàng chục nghìn hộ gia đình sản xuất ổn định, thu nhập ngày một cải thiện.
- Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất hàng hóa, phá thế độc canh, du canh du cư, tự cung tự cấp, hình thành mô hình kinh tế trang trại cây công nghiệp, cây ăn quả và chăn nuôi đại gia súc, gia súc và gia cầm đang được nhân rộng và phát triển ở các vùng, tạo thêm nhiều việc làm cho nông dân vùng cao.