Con người “rất có thể đáng yêu nếu không đói cơm”.

Một phần của tài liệu CÁI ĐÓI – CHỦ ĐỀ ÁM ẢNH TRONG CÁC TÁC PHẨM CỦA NAM CAO (Trang 50 - 56)

Đây là một tư tưởng hiện thực quan trọng và rất có ý nghĩa nhân văn mà Nam Cao đã đặt ra qua các tác phẩm của mình. Khi Nam Cao viết về cái đói, một mặt người đọc có thể nhận thấy con người vì cái đói, vì cái ăn mà trở nên vô cùng dị mọ, xấu xí, “ghê tởm”.

Không chỉ ở hình thức bên ngoài mà cả trong đời sống tinh thần. Cái đói là đầu mối của hàng loạt những vấn đề nghiêm trọng làm tha hóa con người, biến cuộc sống con người ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Con người trước cái đói có nguy cơ bị vật hóa. Nhưng một mặc khác, nhà văn cũng chứng minh quan niệm rất lạc quan về sự thay đổi của con người: con người rất có thể đáng yêu hơn nếu như họ được ấm no.

Trước hết, với những kẻ xấu xí, dị mọ, tầm thường… do bị cái đói hành hạ mà tha hóa, nhà văn thể hiện một thái độ thông cảm sâu sắc. Nam Cao cho rằng họ là những người đáng thương nhiều hơn là đáng giận, đáng trách. Nam Cao qua Thứ (Sống mòn) đã từng quan niệm: “Không một người nào không đáng cho ta thương xót và an ủi”. Đó không phải là một tình thương chung chung. Tình cảm đó xuất phát từ cơ sở hiện thực thuyết phục, từ sự phân tích sắc sảo của trí tuệ. Ở họ vẫn ẩn chứa bao nét đẹp cuộc đời, nhất là người phụ nữ.

Nam Cao khác với một số nhà văn lãng mạn cùng thời, họ thường nhìn những người phụ nữ thôn quê theo một cái nhìn mơ mộng và phi thực tế, ông miêu tả họ theo cách riêng của mình. Ông không tô vẽ, không tưởng tượng, mà nhà văn miêu tả họ bằng “đôi mắt”

của một người sống bên cạnh họ. Vì sao họ lại thèm khát miếng ăn một cách không bình thường như vậy? Không chỉ ở những tác phẩm có những nhân vật ấy, mà qua nhiều tác phẩm khác, Nam Cao đã chỉ ra nguyên nhân. Họ bị đói cơm. Chính Nam Cao đã từng chỉ ra họ rất có thể đáng yêu nếu không đói cơm: “Chao ôi! Thì ra những cô gái quê rất đẹp, rất hiền, rất ngây thơ kia phần nhiều chỉ nghĩ đến ăn. Họ là những kẻ không mấy được thỏa cơm. Đối với họ, cái ăn có lẽ còn cần hơn cả tình yêu. Tơ đã bán cái xú vơ nia của Hàn đi để ăn bánh đúc chăng? Hàn đỏ mặt lên, hắn thấy hắn đã làm một việc quá buồn cười. Nhưng mà hắn chẳng giận Tơ đâu. Hắn cũng không khinh. Hắn chỉ sáng mắt ra thôi. Điên rồ thay là cái dự định dắt Tơ đi! Bọn trẻ con tưởng rằng, người ta có thể sống bằng tình yêu mà chẳng cần ăn. Hỡi những cô gái quê rất có thể đáng yêu nếu không đói cơm kia.”

(Một chuyện xú vơ nia). Cũng chỉ vì họ quá khổ sở, quá đói khát. Họ thường xuyên phải tằn tiện từng hạt gạo, phải nhịn đói để dành cơm, dành tiền cho những kẻ đương nhiên được ăn no.

Nam Cao không miêu tả những người phụ nữ bằng cái nhìn châm chọc, đả kích, mà ông miêu tả họ bằng sự thông cảm, đồng cảm cao độ. Nhà văn đã chứng tỏ mình rất hiểu

họ. Ông bày tỏ sự chia sẻ của mình với nỗi nhọc nhằn, sự thèm khát ở họ. Qua những nhân vật này, Nam Cao đã bộc lộ quan điểm nghệ thuật của mình một cách sinh động nhất. Vẫn là vấn đề nhìn nhận con người, Nam Cao không thi vị hóa họ, không bóp méo họ mà ông thể hiện họ theo quan điểm hiện thực triệt để: “Người ta không phải là thánh.” Con người là sản phẩm của môi trường, hoàn cảnh. Tính cách con người được quyết định bởi hoàn cảnh. Ít nhiều qua một vài tác phẩm ông còn để lộ thái độ phủ định của mình đối với những quan điểm nhìn nhận con người một cách thơ mộng, ảo tưởng. Điều đó được thể hiện qua sự nhiễu nhại trong một vài tác phẩm. Ngay trong truyện Một chuyện xú vơ nia ta cũng có thể tìm thấy được điều đó. Khi Hàn đi tìm Tơ với cái dự định là sẽ “dắt Tơ đi”. “chúng tự do lập gia đình sống với nhau rồi ra sao mặc kệ! Cái dự định ấy, Hàn nghiền ngẫm đã ba tháng trời nay. Hàn quả quyết lắm rồi.” Nhưng, khi anh thấy những cô con gái “lẫng cẫng và gọn ghẽ” ngồi ăn bánh đúc thì anh ái ngại. “Bởi họ ăn ngon lành quá, hăm hở quá, mắt hùm hụp nhìn xuống đất, nhìn xuống chỗ bánh của mình, nhìn chỗ bánh của người khác, của nhà hàng… Hình như họ tính thầm rằng: mình ăn hết chỗ này cũng chưa no… người kia ăn sung sướng hơn mình… giá không tiếc tiền thì mình phải ăn thêm một cái tấm kia, tấm kia… của bà hàng nữa… Chỗ bánh vơi dần. Họ ăn chậm chạp hơn, như kiểu ăn dè. Và đến lúc chỉ còn trơ cái lá không, họ đã buông đũa xuống rồi, còn nghĩ tiếc rẻ thế nào, bê bát nước rêu thừa lên húp một vài húp nữa, rồi mới chống tay vào đầu gối để đứng lên, sau khi đã nhìn cái mẹt của bà hàng với vẻ luyến tiếc…”

Sau khi đứng nhìn họ ăn hàng giờ như thế, thì Hàn lại nhớ đến Tơ và nghĩ: “Nếu Tơ của Hàn có đi xem, tất thị cũng ngồi sụp xuống trước một hàng bánh đúc kia. Thị sẽ bảo bà hàng thái cho ba xu bánh đúc và múc một xu riêu. Thị sẽ và, sẽ húp kêu soàn soạt. Và đôi môi thị, đôi môi tròn và đỏ tựa san hô sẽ sườn sượt, nước riêu cá diếc nó chảy xuống cả cái cằm xinh xinh của thị, khiến thị phải lấy cái ống tay áo quệt… Hỡi ôi! Có cái gì là đẹp quá như Hàn vẫn tưởng đâu? Hắn tự nhiên thấy mỏi mệt vô cùng. Hắn ngồi phệt xuống gốc đa. Hắn buồn nôn.” Và tất cả những mơ mộng của Hàn bỗng dưng tan biến, hắn thấy rằng: “Mong manh thay tình yêu bồng bột của tuổi hai mươi! Người ta tưởng có thể chết vì một người, rồi đột nhiên người ta thấy chẳng có nghĩa lí gì đối với lòng mình nữa.”

Nhân vật Hàn đã từng vỡ mộng đẹp với Tơ chẳng qua vì anh ta là một con người mơ mộng, ý nghĩ, cảm xúc của anh ta về tình yêu đặc sệt chất tiểu thuyết lãng mạn đương thời: “Hàn

nằm gác chân lên cột xem tiểu thuyết. Những tiểu thuyết hồi ấy đua nhau tả những cuộc tình duyên của trai thành thị với gái đồng quê. Vai chủ động đàn bà trong các truyện ấy đều là những cô thôn nữ rất đẹp, rất hiền, rất ngây thơ. Họ khiến Hàn ước ao như ao ước một mớ rau tươi. Bởi vậy khi Hàn ra đánh chó cho Tơ, hắn đã nhìn Tơ rất kỹ. Tình cờ thế nào Tơ là một cô con gái xinh xinh. Thị có đôi mắt bồ câu, cái miệng rất tươi, và đôi má hây hây. Thị bẽn lẽn chào Hàn với một vẻ e lệ đáng yêu. Hàn có cảm giác như hắn đột nhiên đổi khác đi. Hắn tự bảo: “Cuốn tiểu thuyết của đời ta đã bắt đầu…” Và hắn cố tìm một câu rất văn hoa để nói.”

Không chỉ thể hiện con người bằng một quan điểm hiện thực triệt để, mà hơn thế, Nam Cao còn đưa ra giải pháp rất thực tế để làm cho con người đáng yêu hơn. Nhà văn cho rằng, để những cô gái quê lam lũ coi chuyện cái ăn còn hơn cả tình yêu trở nên dễ thương hơn không phải cho họ những lời tán tỉnh văn hoa, gán cho họ những hình ảnh tưởng tượng thơ mộng, phi thực tế, mà chính là hãy cho họ được ăn trước đã: “Hỡi những cô gái quê rất có thể đáng yêu nếu không đói cơm kia! Các cô đã dạy khôn Hàn. Bây giờ Hàn mới biết rằng, trước khi đặt những cái hôn lên cái miệng hoa của người yêu, cũng nên nghĩ đến việc đổ cơm vào đấy đã. Cái ý nghĩ có lẽ chẳng được thơ cho lắm, nhưng cuộc sống vốn không tha thứ những cái gì quá thơ. Đúng là “cuộc sống không tha thứ những cái gì quá thơ”, cho nên những kẻ mơ mộng, viễn vong như Hàn cuối cùng đã tự nhận thấy mình là một người tội nghiệp vì vỡ mộng.

3.5.3. “Hoàn cảnh đổi, rất có thể người đổi, tâm tính đổi”.

Trong câu chuyện giữa Hiệp, ông Hưng Phú (Sao lại thế này), ông Hưng Phú đã nói với Hiệp: “- Có phải không anh Hiệp? Khi người ta phải bán những cái vuốt ve để sống… Tôi có lạ gì chuyện ấy? Nhưng tôi thích y thì cứ lấy. Cái quá khứ của y, chỉ mình y có quyền quan tâm đến. Đó là một lẽ. Lẽ thứ hai là một cô gái giang hồ với một người đàn bà lương thiện không khác nhau là mấy. Chỉ có những hoàn cảnh khác. Hoàn cảnh đổi, rất có thể là người đổi, tâm tính đổi. Tôi đã tính không sai mấy. Bởi tôi có thể nói mà không phải ngượng, rằng: từ ngày lấy tôi, vợ tôi thật là một người đàn bà không thể trách. Tôi sung sướng lắm.” Chỉ qua một câu đối thoại như vậy thôi, ta có thể xếp nhân vật Hưng Phú vào hạng độc đáo nhất trong các nhân vật của Nam Cao trước Cách mạng tháng Tám. Ông Hưng Phú là người đã bộc lộ một quan điểm sống hoàn toàn mới. Trong các nhân vật của

Nam Cao, không riêng Hưng Phú có quan điểm đó. Cái làm cho Hưng Phú trở nên độc đáo, là anh ta đã dám hành động và hành động thành công. Anh ta như người đối mặt, đối thoại với hàng loạt những con người đang u mê trong biết bao đói khát, định kiến, giáo điều mà Nam Cao đã tái hiện và phê phán. “Chỉ có những hoàn cảnh khác. Hoàn canh đổi, rất có thể là người đổi, tâm tính đổi” cũng chính là quan điểm nhìn nhận con người trong mối quan hệ qua lại hoàn cảnh và tính cách của Nam Cao.

Nhà văn đã chứng minh cách nhìn nhận ấy của mình qua sự biến đổi của các nhân vật trong các hoàn cảnh khác nhau. Bà Hưng Phú, là vợ của Hiệp trước đây là một người phụ nữ quê kệch, lại “cứng như cái đanh, bẩn thủi và cục mịch”. Đã làm cho Hiệp sợ đến nỗi không dám về quê. Vì mỗi lần về nhà “hắn lại phải thấy một đứa con gái đét đóng, gầy guộc, đầu bù tóc rối, quần áo lôi thôi, mặt ngơ ngác, da xanh bủng, cả ngày chả nói một câu, mà ăn thì thô tục, thì cắm mặt chẳng lúc nào rời cái bát. Mới chỉ trông đã ghét.” Đã vậy, vợ Hiệp lại còn mất nết. Cả làng chẳng ai còn không biết vợ Hiệp “đã vụng, đã lười, đã ăn không nên đọi, nói chẳng nên lời, lại còn có tính gian: thị chúa đời là hay ăn cắp và ăn vụng”. Mà khi sống trong một gia đình quý phái đã trở thành một quý bà lịch thiệp, đáng yêu, đáng kính trọng: “ Bà chủ nhã nhặn và ý tứ. Bà có tư cách của một người quý phái, giao thiệp khéo. Dù ở cùng một nhà, nhưng gặp hắn ở trong vườn hay đi chơi về, hoặc đi ra… bao giờ bà cũng cúi chào. Mỗi sáng, bà sai đem lên phòng hắn một bó hoa tươi cùng với bữa điểm tâm. Và buổi trưa, khi hắn ngủ dậy, bà cho mời hắn xuống căn phòng khách mát rượi hương sen, để uống bia, uống nước chanh, uống trà do chính bà pha, hoặc ăn một món ăn mát do bà làm lấy. Hai người nói chuyện. Bà lễ phép hỏi về sức học từng đứa cháu, hoặc trao đổi với hắn ít nhiều ý kiến về thời tiết, về thời sự, về cuộc sống của dân quê ở chung quanh, về tất cả… Cái tài nói chuyện của bà thật hiếm có. Bà biết vui mà không lơi lả. đứng đắn mà không nghiêm nghị, nhẹ nhàng mà không phù phiếm. Cách trang điểm của bà cũng vậy: đẹp, nhưng nhũng nhặn. Thật là một người đàn bà kiểu mẫu.” Khi Hiệp nhận ra vợ mình, thì anh chua chát nghĩ: “cả một người vợ hư với một người vợ không hư cũng thế, họ gần nhau lắm lắm!... Và hắn chợt thấy trong óc một chân trời vừa hé mở. Một quan niệm mới về người, về cuộc sống. Những ý nghĩ rất lan man về đời…”

Hoàn cảnh đổi không chỉ người đổi mà cả tâm tính đổi. Thứ (Sống mòn) đã từng phát biều: “Thời thế đổi, lòng người đổi. Thế kỷ sau sẽ lọc máu cho chúng ta trong trẻo lại.” Thời thế đổi, hoàn cảnh đổi sẽ rột rửa tâm tính cho biết bao kiếp sống đang chìm trong những định kiến, giáo điều; những “nhỏ nhen”, “ích kỉ”, “khốn nạn”, “đê tiện”, biến họ trở thành những con người đáng yêu, có ích cho xã hội; những con người biết thiết tha, biết thương yêu.

Với quan điểm tiến bộ trong cái nhìn con người này, Nam Cao đã thổi vào trong đời sống văn học đương thời nói chung và văn học Hiện thực phê phán nói riêng một luồng gió mới. Quan điểm đó mở ra cho những kết cục bế tắt của hiện thực như trong “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố, “Bước đường cùng” của Nguyễn Công Hoan,… một niềm tin mới về khả năng chuyển biến tốt đẹp của con người.

Con người “rất có thể đáng yêu nếu không đói cơm”“hoàn cảnh đổi, rất có thể là người đổi, tâm tính đổi”. Chính là những cơ sở chắc chắn để nhà văn khẳng định tính đúng đắng của tư tưởng: “Chúng ta phải chống lại nạn đói”. Đặt tư tưởng này trong bối cảnh xã hội thực dân phong kiến vô cùng đen tối ngổn ngang, chúng ta càng thấm được tầm cao, độ lớn của trí tuệ, của tư tưởng nghệ thuật mà Nam Cao đã gởi gắm qua các hình tượng của mình.

Một phần của tài liệu CÁI ĐÓI – CHỦ ĐỀ ÁM ẢNH TRONG CÁC TÁC PHẨM CỦA NAM CAO (Trang 50 - 56)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(70 trang)
w