Những người đói trong tác phẩm của Nam Cao dường như đã bị đói từ rất lâu. Cái đói, cái nghèo của họ là cái đói, cái nghèo truyền kiếp: “Bà Thứ đã khổ suốt cả một đời. Thuở bé, bố chết mẹ đi lấy chồng, bà đã phải đi làm con nuôi nhà người, cùng với người em. Người ta nuôi, có phải vì hiếm hoi gì đâu, chỉ là cầu lấy việc đó thôi. Nghĩa là đi ở không công. Cái khổ còn biết nói thế nào cho xiết. Lớn lên lấy chồng nghèo. Chồng lại cờ bạc, rượu chè. Cứ vợ làm ra được tý nào, chồng lại phá đi. Vợ chồng đánh, chửi nhau. Rồi nhân một chuyến thua ông chồng cầm cố sạch nhà cửa, ruộng, vườn, bỏ làng đi biệt tích, chẳng bao giờ còn về nữa.” (Sống mòn). Bà ở vậy nuôi con, những mong đời con mình sẽ đỡ khổ hơn, và tuổi già của bà sẽ được an nhàn, thảnh thơi mà hưởng phước bên con cháu. Nhưng mãi đến tuổi về già mà lại vẫn phải lo: “Hết lo ăn, lo mặc, lo tiền thuốc than lúc ốm đau, lại còn lo sao dành dụm được một món tiền vài ba trăm, để lúc chết làm ma, khỏi phải để khổ đến con, đến cháu.” Chính vì thế, chỉ ra được những nguyên cớ sâu xa dẫn họ đến cảnh sống đói khát không phải là một sự nhìn nhận giản đơn. Đây thực sự là một quá trình phân tích hiện thực hết sức sâu sắc.
Nam Cao cho rằng người ta đói vì người ta quá dốt. Vì sao dốt lại sinh ra đói? Bởi vì dốt nát sẽ làm cho người ta cam chịu, an phận. Thứ (Sống mòn) cho rằng: “Họ sống dò dẫm, tối tăm, nhút nhát, suốt đời chỉ những sợ cùng lo: mưa nhiều, lo; nắng nhiều, lo; nước lớn, lo; gió to, lo… Họ lo những tai họa của trời, của đất, của sông, họ lo sự nhũng nhiễu của thần, thánh, quỉ, ma; họ lo trộm, cướp ban đêm và những trộm cướp ban ngày. Bất cứ cái gì cũng có thể khiến họ lo, họ sợ. Họ là những người nhẫn nại đến cực độ, luôn luôn nhận mình là con sâu cái kiến, con giun cái dế, ai muốn giẫm lên cũng được; những kẻ bị bốc lột, đè nén, ức hiếp, đánh chửi đã quá quen rồi, nên hầu như không còn biết phẫn uất gì… Nói tóm lại, trong cách sống, trong việc mưu sinh, trong sự giao tiếp của người
dưới đối với người trên, của người nọ đối với người kia, chẳng có một chút gì có thể gọi là lạc thú. Bị người ta cưỡi lên đầu, lên cổ hay cưỡi lên đầu lên cổ người ta, thì chẳng qua cũng chỉ là những kẻ dốt nát, ngu muội, bị giam hãm lâu đời trong cái khổ, trong sự tù túng và thối nát.” Vì thế nên, Thứ cho rằng: “Người ta cần biết khổ, cần nhìn nhận rõ rang cái khổ, để tìm cách mà diệt khổ. Nhắm mắt không phải là can đảm, cũng không phải là một phương sách tốt. Cố quên cũng không phải là một phương sách tốt. Sự tìm tòi, sự suy nghĩ sẽ khiến cho nhân loại dần dần hiểu biết, và sự hiểu biết sẽ vạch ra những con đường, sẽ chỉ cho người ta phải làm như thế nào… Y bực tức bảo San:
- Tôi cáu vô cùng, cáu mà lại thương, lại chán nản, lại buồn khi thấy những người khổ mà không còn biết rằng mình khổ. Họ cam chịu quá. Họ hầu như tin rằng đời họ không thể còn đổi thay được nữa.”
Người ta ngại thay đổi, người ta không dám tìm những “mảnh đất mới”. Thân phận của họ chẳng khác kiếp của những con trâu. Những con trâu đương nhiên là dốt nát, luôn luôn bị ràng buộc bởi một sợi dây thừng và một cái cọc. Nó không dám nhổ cọc, dứt thừng mà đi bởi nó được con người điều khiển. Đau đớn ở chổ, nó biết đằng xa kia có “cỏ ngập sừng” mà vẫn phải quanh quẩn với sự cực khổ ở hiện tại: “Đời họ là một đời tù đày. Nhưng cũng như một con trâu, họ vẫn cắm cúi kéo cày, ăn cỏ, chịu roi. Ở bên kia những cành đồng bùn lầy, là rừng xanh, cuộc sống tự do, cỏ ngập sừng. Con trâu có lẽ cũng biết vậy, nhưng chẳng bao giờ nó dám đi, chẳng bao giờ nó dám dứt sợi dây thừng. Cái gì giữ con trâu lại đồng bằng và ngăn người ta đến một cuộc đời rộng rãi hơn, đẹp đẽ hơn?” Và Thứ đã chỉ ra nguyên nhân mà họ chấp nhận sống một cuộc đời tù đày khổ ải: “Ấy là do thối quen, lòng sợ hãi sự đổi thay, sợ hãi những cái gì chưa tới.”
Người ta cam chịu, an phận với thân phận thấp cổ bé họng, con sâu cái kiến của họ. trong trật tự xã hội hay trật tự gia đình, những người thuộc tầng lớp trên có đặc quyền, đặc lợi mà tầng lớp dưới mặc nhiên thừa nhận. Họ không bao giờ dám đặt vấn đề xem xét lại hay thay đổi những quy ước, luật lệ cũ. Có những kẻ đương nhiên được ăn và có những kẻ đương nhiên bị đói. Hiệp (Sao lại thế này) đương nhiên được ăn no, “hắn chưa bao giờ phải đói”. Mẹ Hiệp, vợ Hiệp và các em của Hiệp đương nhiên là phải nhịn đói để có tiền cho Hiệp học hành. Thứ (Sống mòn) đã từng chứng kiến cảnh bà mình, mẹ mình, các em mình đói khát, trong khi riêng mình vẫn có riêng một phần cơm trắng với thức ăn ngon.
Thứ thấy khó chịu khi trong mâm y “lại có một đĩa cá kho, còn mâm kia chỉ toàn là rau. Y cau mặt, khẽ trách Liên. Liên chưa kịp trả lời thì bà mẹ y nhận thấy, đã cười và đáp hộ Liên:
- Dào ôi! Nhà chẳng có đâu. Chúng tôi ở nhà thì đến cơm không cũng chẳng có mà ăn, còn có tiền đâu mà sắm thức ăn? Mọi khi nó cũng chỉ có rau không. Đây là hôm nay, cụ bá thấy nói con rễ cụ về, sợ con rễ cụ xưa nay chỉ ở tỉnh thành, chịu kham khổ không quen nên bảo vợ mày đem về cho mày một đĩa cá kho đấy chứ!” Bà giả thích như vậy, nhưng Thứ không chịu, anh bảo “lấy một dĩa nữa, xẻ dĩa cá ra, bỏ sang mâm kia một nửa cho bà và các em ăn”. Nhưng “mọi người nhao nhao phản đối”. Cũng như bà, mẹ và các em, vợ Thứ cũng vậy: “Mọi ngày Liên cũng chỉ ăn môt bữa thôi. Nhưng biết chồng từ bé đến nay, chưa phải ăn ngày một bữa bao giờ, bữa trưa y đã lấy thừa ra một suất cơm. Lúc xới cơm, y đã xới ba lượt đầy, lồng lại, cất đi. Đó là buổi tối cho mình Thứ… Thứ thấy vô lí quá.” Thứ cảm thấy đau xót vì sự bất bình đẳng đó. Nhưng bà anh, mẹ anh, vợ anh và các em anh lại không bao giờ dám thay đổi lệ cũ ấy.
Những người cha, những người chồng đường hoàng, đỉnh đạt một cách vô liêm sỉ. Họ thỏa mãn sự đói khát của mình trong khi vợ con họ đang phải nhịn đói. Ông bố và ba vị khách trong truyện Trẻ con không được ăn thịt chó là tiêu biểu cho loại người đó: “Ba ông khách ngồi. Chủ nhân chắp hai tay trước ngực, rồi lại đưa tay phải lên đầu gãi, lầm rầm như khấn ông vải về ăn cổ:
- Bẩm các cụ, chả mấy khi các cụ có lòng chiếu cố đến chơi nhà chúng cháu…Gọi là có chén rượu nhạt, xin rước các cụ cứ thật thà đi cho.
- Ờ!
Nghe tiếng “ờ” rất sang rung lên trong cái cổ họng của binh Hựu bắt chước giọng ông chánh Ngạc, cả bốn anh cùng cười. Chủ nhân rót rượu ra hai cái bát. Hai người uống chung một bát. Chúng bắt đầu ăn, uống, tranh nhau nói và cười rung cả mái nhà.” Trong khi đó: “Người mẹ còm cõi và bốn đứa con gầy ốm, quây quần với nhau trong xó bếp.”
Bởi vì “trong gia đình này, năm mẹ con thường giống như một bọn dân hèn yếu, cùng chung phận con sâu, cái kiến dưới ách một ông bạo chúa.” Vậy nên, khi họ ăn uống no say rồi, người bố kêu cái Gái dẹp mâm thì mẹ con họ mừng lắm, vì họ nghĩ rằng: “Đợi trên nhà ăn xong, còn thừa thì ta ăn.” Nhưng, “một lát sau, Gái bê mâm xuống. Nó cũng nâng
lên ngang mày như cha nó lúc nãy. Các em nó đứng cả lên, chực đu lấy cái mâm. Nó càng nâng cao hơn, mồm thét:
- Khoan! Khoan! Kẻo vỡ… Cu Nhớn thét:
- Thì bỏ xuống!
Gái vênh mặt lên, trêu nó:
- Không bỏ. Không cho chúng mày ăn. - Có sợ thành tật không?
- Không cho ăn thật đấy.
Cu Nhỡ sốt ruột, khoặm mặt lại, vầng nhau với chị: - Làm trò mãi! Có bỏ xuống đây không nào?
Gái hạ nhanh mâm xuống đất bảo: - Này, ăn đi.
Nó ngẩn mặt nhìn các em, cười the thé. Người mẹ xịu ngay mặt xuống. Trong mâm chỉ còn bát không. Thằng cu con khóc òa lên. Nó lăn ra, chân đập như một người giẫy chết, tay cào xé mẹ. Người mẹ đỏ mũi lên và mếu xệch đi, rưng rức khóc. Cái Gái và cu Nhớn, vu Nhỡ cũng khóc theo.” Đến lúc này, thì mẹ con họ chỉ còn biết ôm nhau mà khóc cho đỡ tủi mà thôi. Chúng ta khó mà quên được tiếng khóc vỡ òa, tức tưởi ấy của mẹ con họ.
Đó thực sự là một sự phân biệt vô lí, một sự bất công không thể chấp nhận được. Nhà văn đau đớn khi thấy những kẻ thấp cổ bé họng không bao giờ dám đấu tranh giành lại quyền lợi xứng đáng của mình, và làm cho xã hội công bằng hơn. Nam Cao cho rằng, đấu tranh là hoàn toàn cần thiết và chính đáng. Thứ (Sống mòn) nghĩ về hoàn cảnh bản thân mình và suy rộng ra quan hệ xã hội: “Y không phải lao lực như bất kì ai ở trông nhà. Y lại đã được no mãi rồi, bây giờ có đói một vài bữa cũng không sao, mà có lẽ cũng là sự công bình. Ấy thế mà tại sao y lại cứ cần phải ăn, phải ăn no một mình như vậy. Thứ suy rộng ra và chua chat nhận ra rằng, cái sự buồn cười ấy lại là một sự rất thường, chẳng riêng gì trong một nhà y, mà có lẽ chung cho khắp mọi nơi. Bao giờ và ở đâu thì cũng thế thôi. Thằng nào đã chịu khổ quen rồi thì chịu khổ mãi đi! Mà thường thường những kẻ ăn nhiều nhất, hưởng nhiều nhất thì lại chính là những kẻ không cần ăn một tí nào hoặc không đáng
hưởng một li nào cả. Anh chẳng cần phải phích chân, nhích tay làm một việc gì ư? Phần anh tất cả những cái gì ngon lành, béo bổ ở trên đời! Còn cái thằng phu xe nó đang thở hòng hộc vì vừa mới kéo anh qua một quãng đường dài hai lăm cây số ngần kia, nó chỉ đáng hưởng một bữa ba lượt cơm gạo vàng và một cái đầu cá diếc của mụ hàng cơm toét mắt và cạu nhạu. Vô lí quá!...”
Chỉ ra sự “vô lí” đó, Nam Cao đã mang đến cho người đọc một tư tưởng hết sức tiến bộ về một sự công bằng – công bằng triệt để. Sự công bằng đòi hỏi phải được thực hiện ở mọi nơi, mọi lúc, trong các quan hệ xã hội và quan hệ gia đình. Tư tưởng công bằng của Nam cao thức tỉnh những kẻ quen cam chịu, quen bị thống trị, quen chịu roi vọt, quen cày bừa… Phải nhận thức rõ về thân phận đáng xấu hổ, nhục nhã của mình, từ đó mà vùng lên đấu tranh. Tư tưởng này làm cho Nam Cao vượt xa các nhà văn hiện thực cùng thời.
Ở phương diện tái hiện, khám phá hiện thực xã hội. Nếu Nguyễn Công Hoan chỉ ra những cảnh đời trớ trêu, ngang trái; Ngô Tất Tố tố cáo sự bốc lột, hà hiếp của bọn cường hào, địa chủ - mâu thuẩn giai cấp… thì Nam Cao không chỉ nói về hiện thực đó, mà ông nói một cách sâu sắc hơn. Ông chỉ ra những nguyên cớ bên trong của bản thân những kẻ bị trị đã làm cho họ ngày càng cực khổ, đói khát. Từ đó, ông giúp họ có phương hướng, phương pháp đấu tranh đúng đắng và có hiệu quả. Đó chính là một trong những yếu tố cơ bản tạo nên giá trị tư tưởng nghệ thuật lớn cho tác phẩm của Nam Cao.
Mặt khác, người ta đói còn bởi vì người ta quá nhỏ nhen, ti tiện. Họ kìm hãm nhau, kéo nhau xuống bùn, không ai trong họ có thể vượt được lên trước, có thể ngốc đầu lên được. Hơn thế nữa, người ta đói còn bởi vì trong đầu người ta chứa đầy những tư tưởng lệch lạc. Đó là thói quen hà tiện và háo một cái danh hão huyền đến vô lối. Thứ (Sống mòn) cho rằng, họ cả đời dành dụm, chắt bóp từng đồng xèng nhưng “rất có thể vứt ra đôi, ba trăm để được người ta gọi là ông phó”. Họ “luôn luôn tính toán nhưng lại rất nhầm: họ tiếc, không dám giết một con gà cho bố mẹ ăn, nhưng nếu bố mẹ chết đi, lại rất có thể giết đến mấy con bò để làm ma thật lớn”.