d) Cơ sở vật chất
3.3.1. Giải pháp, kiến nghị về xây dựng pháp luật và hoàn thiện pháp luật
Để thực hiện chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp trong giai đoạn khởi tố - điều tra các vụ án hình sự có hiệu quả cao thì điều kiện quyết định là phải có hệ thống pháp luật hình sự, pháp luật tố tụng hình sự quy định thống nhất, đồng bộ. Đặc biệt là các quy định của BLTTHS phải chặt chẽ, cụ thể về trình tự, thủ tục điều tra, kiểm sát điều tra.
Bộ luật hình sự năm 1999 có hiệu lực thi hành từ lâu, nhưng có một số quy định của Bộ luật về các cấu thành tội phạm mới sơ với Bộ luật hình sự năm 1985 nay chưa được hướng dẫn thi hành, vi dụ như cấu thành của các tội "tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy"; "tội sử dụng trái phép chất ma túy", hoặc chưa có văn bản hướng dẫn của liên ngành trung ương để làm rõ ranh giới pháp lý giữa "tội phạm" với các tranh chấp có tính chất dân sự, kinh tế dẫn đến những vướng mắc trong quá trình áp dụng của các cơ quan tiến hành tố tụng, cụ thể theo chúng tôi đề nghị cần tập trung giải thích hướng dẫn làm rõ các dấu hiệu đặc trưng của tội phạm chiếm đoạt ví dụ như các tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" (Điều 139); "tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" (Điều 140); "tội sử dụng trái phép tài sản".
Liên ngành trung ương sớm có thông tư hướng dẫn một số khái niệm cơ bản, tình tiết cấu thành tội phạm hoặc khung hình phạt ở một số tội phạm cụ thể quy định trong BLHS năm 1999, không nên để tình trạng từng ngành có hướng dẫn riêng, nhất là những tội phạm trong thực tế thường xảy ra như các tội phạm liên quan đến giá trị tài sản; các tội phạm về ma túy, ví dụ như các tội "tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy" và "tội sử dụng trái phép chất ma túy". Đồng thời tổ chức sơ tổng kết rút kinh nghiệm để sửa đổi, bổ sung một số thông tư liên tịch hướng dẫn áp dụng một số điều của BLHS trước đây không còn phù hợp với thực tế và diễn biến của tình hình tội phạm, ví dụ như các Thông tư số 01/1998/TTLT- TATC- VKSNDTC-BNV ngày 2/1/1998 và Thông tư số 02/1998 ngày 5/8/1998 hướng dẫn thi hành các quy định của BLHS về các tội phạm ma túy.
Ngoài ra, trong BLHS năm 1999 phần lớn các loại tài sản phạm pháp đều được tính thành tiền Việt Nam đồng để làm một trong những căn cứ xác định cấu thành cơ bản hoặc tình tiết định khung tại các khoản, điều của nhiều tội danh khác nhau, ví dụ như các tội "cướp tài sản"; "trộm cắp tài sản"; "cướp giật tài sản"... Việc quy đổi trị giá tài sản phạm pháp thành tiền Việt Nam đồng để xác định trách nhiệm hình sự thay thế cho cách quy đổi tính bằng số lượng gạo như các văn bản hướng dẫn áp dụng BLHS năm 1985 trước đây đã tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình giải quyết các vụ án hình sự nhanh chóng và dễ dàng hơn. Mặc dù việc xác định giá trị tài sản đã có thông tư của liên ngành trung ương hướng dẫn thi hành, nhưng việc vận dụng hướng dẫn đó vào thực tiễn đã phát sinh nhiều trường hợp định giá tài sản không bảo đảm được đầy đủ cơ sở pháp lý và mang nặng tính chủ quan của các cơ quan tiến hành tố tụng, vấn đề thực trạng việc xác định giá trị tài sản phạm pháp chúng tôi đã đề cập ở phần trước, qua thực trạng này chúng tôi xin đưa ra một số kiến nghị sau:
Thứ nhất, việc định giá tài sản phạm pháp đã qua sử dụng thì trước khi định giá
phải trưng cầu giám định phần chất lượng còn lại của tài sản phạm pháp, đối với những tài sản phức tạp khó định giá thì phải trưng cầu giám định của cả hội đồng định giá thì mới xác định chính xác giá trị các loại tài sản này.
Thứ hai, những tài sản phạm pháp còn mới 100% thì việc định giá cần có qui
định hướng dẫn thống nhất là giá thị trường nào được áp dụng để làm căn cứ tính giá trị tài sản phạm pháp. Có nghĩa phải lấy giá thị trường nơi tội phạm xảy ra hay giá thị trường chung của toàn quốc, hoặc giá thị trường nơi tổ chức định giá để làm căn cứ áp dụng tính giá trị tài sản phạm pháp?
Đối với BLTTHS năm 1988 quy định trường hợp khởi tố theo yêu cầu của người bị hại (Khoản 1 Điều 88), trong đó quy định: "chỉ được khởi tố vụ án hình sự khi có yêu cầu của người bị hại". Đây là quy định gây không ít khó khăn cho CQĐT cũng như VKS trong quá trình thực hiện chức năng của mình. Trong thực tiễn đấu tranh chống tội phạm, nhiều vụ việc khi xảy ra tội phạm, người bị hại thường đề nghị cơ quan pháp luật để cho họ và đối tượng phạm tội tự giải quyết, nhưng sau đó do không thỏa mãn về vấn đề bồi thường hay lý do khác, người bị hại khi đó lại có đơn yêu cầu khởi tố vụ án hình sự. Khi
CQĐT, VKS nhận được đơn yêu cầu khởi tố thì đã quá thời hạn khởi tố vụ án hình sự theo quy định của Điều 86 BLTTHS và hơn nữa trong những trường hợp này việc xác định dấu hiệu phạm tội gặp rất nhiều khó khăn vì tội phạm đã xảy ra từ lâu. BLTTHS đã không quy định căn cứ để CQĐT, VKS có thể bác đơn yêu cầu khởi tố vụ án của người bị hại trong trường hợp nêu trên và vấn đề này BLTHS năm 2003 nhà làm luật vẫn chưa bổ sung.
Do vậy, theo chúng tôi cần có văn bản hướng dẫn việc khởi tố theo yêu cầu của người bị hại, trong đó quy định cụ thể như sau: "Đối với những vụ án khởi tố theo yêu cầu của người bị hại thì trong thời hạn không quá hai mươi ngày kể từ khi tội phạm xảy ra người bị hại phải gửi đơn yêu cầu khởi tố vụ án hình sự hoặc không khởi tố vụ án hình sự cho CQĐT hoặc VKS, trong trường hợp có những lý do khách quan dẫn đến việc gửi đơn chậm thì thời hạn gửi đơn không được quá hai tháng kể từ khi tội phạm xảy ra. Nếu quá thời hạn nói trên thì CQĐT, VKS có quyền bác đơn yêu cầu khởi tố vụ án hình sự của người bị hại".
Trên cơ sở các quy định của BLTTHS mới năm 2003, đề nghị liên ngành trung ương xây dựng quy định về " phối hợp hoạt động giữa các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, cụ thể là giữa CQĐT và VKS", trong đó quy định những vấn đề cần thiết để hạn chế việc trả hồ sơ, cần phân định rõ trách nhiệm của mỗi ngành khi thực hiện chức năng để xảy ra sai phạm, tránh việc đùn đẩy, đổ lỗi cho nhau hoặc thiếu sự phối hợp trong quá trình giải quyết án.