I. Bản chất bộ phận của sự cấu trúc hóa ẩn dụ
1.1. Ẩn dụ cấu trúc tham gia sắp xếp hoạt động thường nhật của con người
Đoá hoa là hiện tượng có ở khắp nơi trong thiên nhiên: ở vùng ôn đới, nhiệt đới, vùng bắc cực, vùng sa mạc. Bông hoa nào mà không bắt đầu nở ra từ nụ hoa? Có hoa nhanh nở, chóng tàn, có hoa nở ra, khép lại, sau đó nở ra nữa nhưng rồi cũng tàn. Một số loài hoa với thời gian sống dài hơn...Dù chóng nở, chóng tàn hay lâu tàn thì cũng là một đời hoa. Không có bông hoa nào không tàn.
ĐỜI NGƯỜI và ĐOÁ HOA VÔ THƯỜNG là những HIỆN TƯỢNG khác nhau: đời người dùng để chỉ người, còn hoa dùng để chỉ thực vật. Trong mỗi trường hợp, đời người và đoá hoa VÔ THƯỜNG thực hiện những hành động có bản chất khác nhau. Vấn đề là ở chỗ một phần “hoa” trong tính chất “VÔ
THƯỜNG” được hiểu, được sắp xếp như là “đời người”. Như thế khi nói về “đời người” bằng những thuật ngữ “ĐOÁ HOA VÔ THƯỜNG”, ý niệm được điều chỉnh lại theo kiểu ẩn dụ, hoạt động tương ứng được điều chỉnh lại theo kiểu ẩn dụ, và do đó ngôn ngữ cũng được điều chỉnh theo kiểu ẩn dụ.
Bản thân các quá trình tư duy của con người ở mức độ đáng kể đều mang tính ẩn dụ. Chính đó là điều chúng tôi muốn nói khi khẳng định rằng hệ thống ý niệm của con người được sắp xếp lại và được xác định theo kiểu ẩn dụ. Ẩn dụ
với tư cách là biểu thức ngôn ngữ trở nên khả dĩ chính bởi vì có tồn tại ẩn dụ trong hệ thống ý niệm con người. Cấu trúc nghĩa biểu trưng của “ĐOÁ HOA VÔ THƯỜNG” bao gồm những thuật ngữ như: nụ, loài, đoá, cánh, hương thơm,
màu sắc, nở, tàn, rụng, khô héo, tươi, thắm, phai, chớm, khép, mật ngọt, mật đắng…
Phụ thuộc vào cách dùng nghĩa biểu trưng của từ “ĐOÁ HOA VÔ
THƯỜNG”, mà chúng được coi là ẩn dụ tri nhận hay chỉ là những yếu tố định tính của danh từ. Với ẩn dụ tri nhận, những nét nghĩa biểu trưng không bộc lộ
ra ngoài, chúng là những nét nghĩa hàm ẩn.
Ẩn dụ của người Việt Nam phong phú, cao, thâm sâu mà lại gần gũi. Nó lan tỏa khắp trong cuộc sống: từ những lời ru của mẹ, những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ quen thuộc....Và chúng tôi chọn ca từ Trịnh Công Sơn để minh hoạ cho ẩn dụ ý niệm là phù hợp vì ngôn ngữ của ông đa số bao gồm những từ ngữ bình thường nhưng cách ông sử dụng chúng, cách tạo ra những hình ảnh
nơi chúng thì quả là khác thường, song không tách khỏi nền văn hoá Việt Nam. Trịnh Công Sơn còn tạo được sự khác thường nơi thế giới của mình bằng cách sắp đặt các ý tưởng, các hình ảnh bên nhau một cách bất ngờ. Cái tài của ông là tạo ra những cuộc hôn phối kì lạ của chữ nghĩa, của hình ảnh [2]. Phải chăng, để khám phá được cái tài của ông, ta phải giải mã được tư duy và cảm xúc của ông. Trịnh Công Sơn đã từng nói: "Tôi vốn thích triết học và vì thế, tôi muốn đưa triết học vào những ca khúc của mình"[37]
Như hầu hết các triết lý khác, “triết lý” của Trịnh Công Sơn để lại cho chúng ta rất nhiều thắc mắc. Tuy vậy, triết lý của Trịnh Công Sơn và những sáng tác của ông, thật ra không khó hiểu như khi vừa tiếp cận, một khi chúng ta nhìn chúng từ tư tưởng triết học Phật giáo và Dịch học phương Đông. Trịnh Công Sơn đã từng nói ông muốn đặt một “triết học nhẹ nhàng” vào những bài hát của ông. Trịnh Công Sơn giải thích “nhẹ nhàng” ở đây có nghĩa là “như ca dao
hoặc những lời ru con của mẹ. Triết học Việt Nam có ở đó nhưng không được hệ thống hoá vì nó bàng bạc trong đời sống nhân gian”. Triết học nhẹ nhàng của Trịnh Công Sơn là triết học của quê nhà, đó là lý do tại sao quê nhà và quê hương được nhắc đến nhiều lần như vậy trong ca từ của ông.