II. THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG NHẬN TÁI BẢO HIỂM CỦA VINARE GIAI ĐOẠN 2004 –
1. Kết quả hoạt động nhận tái của VinaRe
1.2 Theo loại hình nghiệp vụ
Theo số liệu thống kê được qua các năm 2004 - 2007, ta có thể thấy tổng doanh thu phí nhận tái bảo hiểm trong vòng 4 năm qua có sự khác nhau giữa các nghiệp vụ. Đóng góp lớn nhất vào tổng doanh thu phí nhận tái giai đoạn này là nghiệp vụ tái bảo hiểm hàng không với doanh thu phí đạt 1.021,667 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng trung bình 31,59% tổng doanh thu phí nhận tái bảo hiểm của công ty. Đứng thứ hai là nghiệp vụ tái bảo hiểm xây dựng lắp đặt với tổng doanh thu phí nhận tái bảo hiểm là 562,633 tỷ đồng, chiếm 17,39% tổng doanh thu phí nhận tái cả thời kỳ. Tiếp đến là nghiệp vụ tái bảo hiểm cháy và P&I với tỷ trọng lần lượt là 14,93% và 11,66% tổng doanh thu phí nhận tái. Nghiệp vụ có đóng góp thấp nhất là tái bảo hiểm nhân thọ và các nghiệp vụ khác với tổng doanh thu chỉ chiếm 0,95% tổng doanh thu phí nhận của công ty trong 4 năm qua.
Tái bảo hiểm xây dựng - lắp đặt: Sau khi tiến hành cổ phần hoá thành công, năng lực nhận tái của VINARE đã tăng lên một bước đáng kể. Nhiều nghiệp vụ có tốc độ tăng trưởng doanh thu phí nhận tái cao. Trong đó, nghiệp vụ tái bảo hiểm xây dựng lắp đặt (XDLĐ) là có tốc độ tăng trưởng bình quân cao nhất (33,82%/năm) và có sự ổn định qua các năm. Đây cũng là một trong nghiệp vụ chính mang lại phần lớn doanh thu phí nhận tái cho VINARE.
Để giải thích cho những kết quả trên phải kể đến những ảnh hưởng tích cực từ nền kinh tế nói chung và thị trường bảo hiểm nói riêng. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng cao, đầu tưa trực tiếp nước ngoài không ngừng gia tăng qua nhiều năm gần đây đã là những động lực thúc đẩy thị trường bảo hiểm kỹ thuật phát triển. Mặt khác hàng loạt các dự án trọng điểm quốc gia về thủy điện và cơ sở hạ tầng được khởi công xây dựng trên toàn quốc…khiến nhu cầu về loại hình bảo hiểm này càng tăng cao. Trong bối cảnh có nhiều thuận lợi này, doanh thu phí của các công ty bảo hiểm gốc không ngừng tăng cao. Trong đó thị phần của các cổ đông lớn của VINARE là Bảo Việt, Bảo Minh, PVI, PJICO luôn chiếm phần lớn trên thị trường bảo hiểm kỹ thuật đã tạo điều kiện cho công ty tăng phí nhận tái cam kết, từ đó tăng doanh thu phí nhận tái của cả nghiệp vụ.
Tái bảo hiểm dầu khí: Mặc dù doanh thu phí nhận tái của nghiệp vụ dầu khí trong 4 năm mới chỉ chiếm 9,89% tổng doanh thu phí nhận tái của VINARE nhưng tốc độ tăng trưởng bình quân của nghiệp vụ này lại khá ấn tượng 26,82%/năm, đứng thứ hai sau nghiệp vụ XDLĐ. Nếu như năm 2005, tốc độ tăng trưởng của nghiệp vụ này mới chỉ đạt ở con số khiêm tốn là 2,79% thì sang năm 2006 khi mà tốc độ tăng trưởng bình quân tổng doanh thu phí nhận tái của công ty đạt con số âm, thì nghiệp vụ lại có tốc độ tăng trưởng cao nhất là 52,84%. Và sang năm 2007, nó vẫn duy trì ở mức cao là 29,83%. Nguyên nhân là để đối phó với tình trạng khan hiếm nguồn năng lượng mà trong giai đoạn qua hoạt động phát triển mỏ có quy mô lớn diễn ra hết sức sôi động. Tình hình đó có tác động làm tăng nhu cầu bảo hiểm trên thị trường. Nắm bắt được diễn biến
trên, VINARE đã tích cực đàm phán để thu hút thêm các dịch vụ nhận tái từ các công ty bảo hiểm gốc hoạt động trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên tốc độ tăng trưởng của nghiệp vụ này lại giảm nhẹ vào năm 2007 là do bị ảnh hưỏng bởi cạnh tranh giảm phí trên thị trường của các loại hình bảo hiểm liên quan đến nghiệp vụ dầu khí như bảo hiểm thân tàu/giàn khoan, bảo hiểm khống chế giếng…Thêm vào đó là do tình hình tổn thất trên thị trường đang diễn biến thuận lợi cho người mua bảo hiểm, do tỷ lệ bồi thường còn ở mức chấp nhận được nên các công ty bảo hiểm năng lượng trong các năm trước đều có lãi. Kết quả là những người tham gia bảo hiểm đều có xu hướng đòi giảm tỷ lệ phí và mở rộng điều kiện, điều khoản hợp đồng.
Tái bảo hiểm thân tàu: Tốc độ tăng trưởng bình quân của nghiệp vụ này đứng thứ ba, chỉ kém nghiệp vụ dầu khí khoảng 1%, tức đạt 25,89%/năm. Mặc dù tỷ trọng của nghiệp vụ này trong tổng doanh thu phí nhận tái bảo hiểm của công ty còn ở mức thấp 3,67%. Nhưng với tốc độ tăng trưởng cao qua các năm cho thấy tiềm năng của nghiệp vụ này còn rất lớn. Tiềm năng đó một phần đến từ thực trạng trong những năm trở lại đây, đội tàu biển Việt Nam vẫn tiếp tục đầu tư mua tàu từ nước ngoài và đóng mới trong nước. Đội tàu sẽ tăng nhanh cả về số lượng và giá trị. Đồng nghĩa với nó là sự gia tăng nhu cầu bảo hiểm thân tàu là doanh thu phí bảo hiểm thân tàu toàn thị trường tiếp tục tăng với tốc độ cao, gián tiếp tạo điều kiện cơ hội giúp VINARE nâng cao doanh thu phí nhận tái nghiệp vụ này.
Tuy nhiên tốc độ tăng trưởng của nghiêp vụ này lại đang có xu hướng giảm. Lý do vì tỷ lệ phí bảo hiểm gốc ngày càng giảm, trong khi mức khấu trừ nhỏ và công tác đánh giá rủi ro lại được các công ty bảo hiểm gốc tiến hành sơ sài đã ảnh hưởng đến khả năng tái bảo hiểm ra nước ngoài. Vì thận trọng cũng như vì khả năng tài chính còn giới hạn mà công ty luôn phải cân nhắc giữa chấp nhận hay từ chối nhận tái bảo hiểm một cách cẩn thận, không chạy đua theo doanh thu luôn là khẩu hiệu được VINARE đề cao trong hoạt động kinh doanh.
Tái bảo hiểm cháy: Đây là một trong những nghiệp vụ chính mang lại phần lớn doanh thu phí nhận tái cho VINARE trong giai đoạn vừa qua. Mặc dù chỉ đứng thứ tư về tốc độ tăng trưởng bình quân (15,58%/năm) nhưng trong năm 2007 nghiệp vụ đã vươn lên đứng thứ hai sau XDLĐ với tốc độ tăng trưởng đạt 43,94%, cao nhất trong vòng 4 năm qua. Xét về tỷ trọng trong tổng doanh thu phí nhận tái của VINARE, nghiêp vụ tái bảo hiểm cháy chiếm 14,93% đứng thứ ba sau hàng không và XDLĐ.
Ảnh hưởng tích cực từ thị trường bảo hiểm tài sản đã giúp VINARE không ngừng nâng cao tổng doanh thu phí nhận tái bảo hiểm của nghiệp vụ này. Nghị định 130 của Chính phủ về cháy nổ bắt buộc và Quyết định số 28/QĐ của Bộ tài chính về việc ban hành quy tắc và biểu phí bảo hiểm cháy nổ được áp dụng rộng rãi tuy khó có thể tạo ra ngay một bước tăng vọt về doanh thu phí song tác động của nó trong tương lai sẽ tạo ra sự phát triển bền vững của thị trường bảo hiểm này. Mặt khác cũng phải kể đến những nỗ lực không ngừng của các cán bộ phòng tái bảo hiểm phi hàng hải trong việc thoả thuận, thu xếp nhận tái bảo hiểm với các công ty nhượng trong và ngoài nước. Tuy nhiên tình hình cạnh tranh giảm phí trên thị trường cũng đã có những ảnh hưởng tiêu cực nhất định đến hoạt động nhận tái của nghiệp vụ này trong những năm gần đây. Điều đấy được thể hiện ở tốc độ tăng trưởng không đồng đều qua các năm. Các cán bộ phòng phi hàng hải phải cân nhắc giữa nhận dịch vụ tái bảo hiểm và khả năng tái bảo hiểm ra nước ngoài một cách an toàn khi tỷ lệ phí bình quân trên thị trường đã giảm hơn 30%. Chính vì vậy nhiều dịch vụ đã bị công ty từ chối do tiềm ẩn quá nhiều rủi ro.
Tái bảo hiểm hàng hoá: Mặc dù đóng góp của nghiệp vụ này trong tổng doanh thu phí nhận tái của VINARE trong vòng 4 năm qua là khá với 10%. Nhưng tốc độ tăng trưởng bình quân qua các năm mới chỉ đạt 9,35%/năm. Tốc độ này trong hai năm 2006 và 2007 đều thấp hơn năm 2005, và cũng cho thấy nó chưa tương xứng với tiềm năng của thị trường bảo hiểm hàng hoá cũng như với tiềm năng phát triển mạnh mẽ của thị trường hàng hoá xuất nhập khẩu.
Một mặt do thị phần của các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam trong lĩnh vực này còn khá khiêm tốn, ước chỉ có khoảng 5% - 7% hàng hoá xuất khẩu và 33% hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam tham gia bảo hiểm tại các công ty bảo hiểm có mặt trên thị trường Việt Nam. Mặt khác cạnh tranh giảm phí đã khiến doanh thu phí bảo hiểm tăng không đáng kể ngay cả khi giá trị hàng hoá tham gia bảo hiểm tăng cao. Thêm vào đó tỷ lệ tổn thất của nghiệp vụ này còn ở mức cao trên 50% mà với số vốn còn quá khiêm tốn, VINARE còn tỏ ra dè dặt trong việc nâng cao doanh thu phí nhận tái của nghiệp vụ này.
Tái bảo hiểm hàng không: Đây là nghiệp vụ có đóng góp lớn nhất vào tổng doanh thu phí nhận tái của VINARE trong vòng 4 năm qua với 31,59%. Mặt khác đây cũng là nghiệp vụ có doanh thu phí nhận tái tự nguyện cũng như tỷ trọng trong doanh thu phí nhận tái cao nhất, trung bình cả 4 năm phí nhận tái tự nguyện bằng 74,85% tổng phí nhận của nghiệp vụ. Tuy nhiên những con số này liên tục giảm qua các năm, và kết quả là tốc độ tăng trưởng bình quân doanh thu phí nhận tái của nghiệp vụ này là - 18,33%/năm. Sự giảm sút đột ngột về lượng phí nhận tái của nghiệp vụ hàng không năm 2006 là nguyên nhân chủ yếu làm giảm tổng doanh thu phí nhận tái của VINARE năm này xuống thấp hơn năm 2005.
Tái bảo hiểm P&I: Đây là nghiệp vụ có đóng góp đứng thứ tư trong tổng doanh thu phí nhận tái của VINARE trong 4 năm với tỷ trọng là 11,6%. Tốc độ tăng trưởng bình quân của nghiệp vụ là cao với 18,29%. Mặt khác tỷ trọng doanh thu phí nhận tái bảo hiểm tự nguyện của nghiệp vụ này cũng rất cao trung bình trong 4 năm là 64,14%. Điều đó cho thấy khả năng thu hút các nhà nhượng tái trong lĩnh vực này của VINARE là rất tốt. Tuy nhiên tốc độ tăng trưởng qua các năm của nghiệp vụ tái bảo hiểm P& I là rất không đồng đều. Đặc biệt vào năm 2007, doanh thu phí nhận tái của nghiệp vụ này đã đột ngột giảm xuống, với tốc độ tăng trưởng là -11,31% so với năm 2006. Có thể coi đây là một kết quả không được mong đợi bởi năm 2007 được coi là một năm khá sôi động của thị trường P&I Việt Nam.