6. Cấu trúc luận văn
1.2.1. Khái niệm tiểu thuyết, tiểu thuyết luận đề và tiểu thuyết luận
1.2.1. Khái niệm tiểu thuyết, tiểu thuyết luận đề và tiểu thuyết luận đề củaTự lực văn đoàn Tự lực văn đoàn
Khái niệm tiểu thuyết
Tiểu thuyết xuất hiện sớm ở Châu Âu, vào thời kì cá nhân con người không còn cảm thấy ích lợi và nguyện vọng của mình gắn liền với cộng đồng xã hội cổ đại. Nhưng phải tới thế kỉ XIX với sự xuất hiện của những cây bút “đại thụ” như Xtăngđan, Banzăc, L. Tônxtôi, Đôxtôiepxki… thể loại tiểu thuyết mới đạt tới sự hoàn thiện.
Nhà nghiên cứu M. Bakhtin cho rằng: tiểu thuyết là loại văn chương duy nhất luôn luôn biến đổi bởi nó phản ánh được một cách sâu sắc, cơ bản và nhạy bén hơn sự chuyển biến của bản thân hiện thực. Từ điển thuật ngữ văn học định nghĩa tiểu thuyết là “Tác phẩm tự sự cỡ lớn có khả năng phản ánh hiện thực đời sống ở mọi giới hạn không gian và thời gian. Tiểu thuyết có thể phản ánh số phận của nhiều cuộc đời, những bức tranh phong tục, đạo đức xã hội, miêu tả các điều kiện sinh hoạt giai cấp, tái hiện nhiều tính cách đa dạng” [19, 328]. Đây là một trong những thể loại quan trọng nhất của văn chương hiện đại “Tiểu thuyết không đơn thuần chỉ là một thể loại trong nhiều thể loại. Đó là thể loại duy nhất nảy sinh và được nuôi dưỡng bởi thời đại mới của lịch sử thế giới và vì thế mà thân thuộc sâu sắc với thời đại ấy” [2, 21].
ở Việt Nam, thể loại tiểu thuyết phát triển muộn. Mãi tới đầu thế kỉ XVIII với sự xuất hiện của Nam Triều công nghiệp diễn chí, Hoàng Lê nhất thống chí, nước ta mới có tác phẩm có quy mô tiểu thuyết. Tuy nhiên những tác phẩm này vẫn thuộc loại hình cổ điển phương Đông. Phải sang đầu thế kỉ XX, tiểu thuyết Việt Nam mới mang tinh thần của thời đại mới, thời đại từ xã
hội phong kiến chuyển sang xã hội thực dân nửa phong kiến. Với sự giao lưu và tiếp nhận những tinh hoa của nền văn hóa phương Tây, tiểu thuyết Việt Nam mới thực sự trở thành tiểu thuyết hiện đại.
Tiểu thuyết luận đề
Tiểu thuyết luận đề được hiểu là tiểu thuyết mà cốt truyện và số phận nhân vật được dùng để chứng minh cho một vấn đề triết học, đạo đức, xã hội (tức luận đề) có trước.
Cần phải phân biệt tiểu thuyết luận đề với luận đề của tiểu thuyết. Luận đề của tiểu thuyết chính là chủ đề, là vấn đề: “Triết lý xã hội, đạo đức và các loại hình tư tưởng khác được đặt ra trong tác phẩm” [1, 46]. Chủ đề được hình thành từ hiện thực cuộc sống thông qua sự khái quát hóa của nhà văn, chủ đề toát ra từ ý nghĩa khách quan của tác phẩm.
Với tiểu thuyết luận đề, luận đề là cái có trước. Cốt truyện và nhân vật được tác giả sử dụng nhằm chứng minh cho luận đề. Nhà nghiên cứu Phạm Thế Ngũ cho rằng: “Tiểu thuyết luận đề là tiếng để dịch thành ngữ Pháp Roman à thèse. Luận đề đây là chỉ cái chủ trương, cái quan niệm có hệ thống của một tác giả về một vấn đề trọng đại của tư tưởng và liên quan đến xã hộ i nhân sinh. Nhà văn viết ra một câu chuyện với chủ ý trình bày những nhân vật, dẫn dắt các tình tiết để đi đến một kết cục, tất cả nhằm bênh vực cái quan niệm riêng của mình… Người ta nhận ra tiểu thuyết luận đề ở chỗ, tác giả đã rõ rệt chủ ý bênh vực một quan niệm, để chống lại một quan niệm khác và rõ rệt uốn nắn câu chuyện, khuôn đúc nhân vật, phục vụ cho chủ ý của mình” [53, 244].
Đặc điểm nổi bật của tiểu thuyết luận đề là tính định hướng trong khai thác nhân vật và cốt truyện. ở đó, người đọc dễ dàng nhận ra sự can thiệp của tác giả. Nhà văn luôn luôn xây dựng hai tuyến nhân vật đối lập, có mâu thuẫn, xung đột gay gắt với nhau, trong đó nhân vật chính diện luôn là “phát ngôn viên” cho tư tưởng của chính tác giả. Nhân vật cũng thường được khai thác ở
diện có lợi cho luận đề. Kết thúc của Tiểu thuyết luận đề thường là kết thúc có hậu. Vì thế tiểu thuyết luận đề thường mang màu sắc đạo đức và duy lý.
Tiểu thuyết luận đề của Tự lực văn đoàn
Đầu thế kỉ XX, tầng lớp trí thức Tây học ở nước ta ngày càng phát triển mạnh mẽ. Họ tiếp nhận và chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa phương Tây hiện đại. Vì thế ý thức cá nhân trong họ trỗi dậy mạnh mẽ, trong khi đó chế độ gia đình phong kiến vẫn đầy rẫy những tập tục phong kiến lạc hậu. Cuộc đối đầu giữa hai phe Cũ - Mới ngày càng căng thẳng và quyết liệt, khó có thể dung hòa. Trước thực trạng trên của xã hội, Tự lực văn đoàn đã nhanh chóng nắm bắt tình hình và cho ra mắt độc giả nhiều tác phẩm có nội dung chống lễ giáo phong kiến, đòi giải phóng con người cá nhân. Những tác phẩm ấy ngay từ khi mới ra đời đã nhận được sự ủng hộ và lòng yêu mến của đại đa số những người trẻ tuổi đang khát khao được sống cuộc đời tự do, được hưởng hạnh phúc cá nhân.
Mở đầu cho cuộc chiến chống lễ giáo phong kiến, giải phóng con người cá nhân là cuốn tiểu thuyết Hồn bướm mơ tiên của Khái Hưng. Mặc dù luận đề chống lễ giáo phong kiến chưa được đặt ra trực tiếp ở tiểu thuyết này, nhưng thông qua những hành động, suy nghĩ của các nhân vật, nhà văn đã gián tiếp phê phán lễ giáo phong kiến với những tập tục lạc hậu đã kìm hãm quyền được yêu, được tự do lựa chọn hạnh phúc lứa đôi của tuổi trẻ. Sự đón nhận nồng nhiệt của độc giả là minh chứng cho luận đề chống lễ giáo phong kiến, giải phóng con người cá nhân. Tự lực văn đoàn đã nhận được sự ủng hộ tích cực từ phía bạn đọc nói chung và của tầng lớp thanh niên nói riêng. Đây chính là nguồn động lực thúc đẩy, cổ vũ nhóm tiếp tục sáng tác các tiểu thuyết có luận đề chống lễ giáo phong kiến.
Tiếp sau Hồn bướm mơ tiên, các tiểu thuyết: Đoạn tuyệt, Nửa chừng xuân, Lạnh lùng, Gia đình, Thoát ly, Thừa tự đã trực tiếp tấn công vào thành
trì bảo thủ của lễ giáo phong kiến. Các tiểu thuyết này đã phơi bày mặt trái của nền luân lý bảo thủ - cái mà phái cũ gọi đó là truyền thống, là gia phong nền nếp. Đó là chế độ đa thê với quan niệm “trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên một chồng” trong tiểu thuyết Nửa chừng xuân, Đoạn tuyệt; là mâu thuẫn muôn đời giữa mẹ chồng với nàng dâu với quan niệm nghiệt ngã “mất tiền mua mâm bà đâm cho thủng” trong Đoạn tuyệt; là chế độ hôn nhân gả bán và quan niệm môn đăng hộ đối trong Đoạn tuyệt và Nửa chừng xuân; là nghĩa vụ tam tòng và bổn phận thủ tiết của người đàn bà theo quan niệm “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” đã kìm hãm hạnh phúc của biết bao người phụ nữ trẻ bất hạnh trong Lạnh lùng.
Trong các tiểu thuyết luận đề, Tự lực văn đoàn đã dụng công xây dựng nên những nhân vật lý tưởng nhằm chứng minh cho luận đề của mình, cho tôn chỉ, mục đích hoạt động văn chương của nhóm. Giáo sư Hoàng Xuân Hãn nhận xét Tự lực văn đoàn là tập hợp những cây bút “thấm nhuần văn hóa Pháp”. Các sáng tác của văn đoàn này chịu ảnh hưởng của văn hóa phương Tây mới mẻ, họ là lớp nhà văn tiên phong trong công cuộc đổi mới tư duy nghệ thuật thời bấy giờ, họ ca ngợi và cổ vũ cho cái mới. Nhanh chóng nắm bắt và phản ánh được những xung đột giữa mới - cũ trong xã hội, họ đã dùng văn chương như một thứ vũ khí đấu tranh chống lại các nền nếp, ý thức, tư tưởng đã lỗi thời. Vì vậy tiểu thuyết luận đề đã nhanh chóng trở thành mộ t hình thức văn chương có hiệu quả, phù hợp với mục tiêu đấu tranh của Tự lực văn đoàn. Tiểu thuyết luận đề của Tự lực văn đoàn thường đi theo hai hướng:
Thứ nhất là đấu tranh chống lễ giáo phong kiến và giải phóng con người cá nhân. Thể hiện những khát vọng về cuộc sống tự do, được hưởng hạnh phúc cá nhân, được quyền tự do yêu đương. Trong các tác phẩm của Tự lực văn đoàn, chúng ta nhận ra cái tôi cá nhân mạnh mẽ, luôn khát khao được sống, được yêu, luôn muốn bứt phá khỏi sự ràng buộc của lễ giáo phong kiến
với những hủ tục, luật lệ quá khắt khe kìm hãm hạnh phúc cá nhân. Cuộc đấu tranh quyết liệt giữa hai phe cũ – mới đã diễn ra. Một bên là những thanh niên trí thức đại diện cho những tư tưởng tiến bộ của thời đại. Một bên là những nhân vật đại diện cho nền luân lý truyền thống với những quan niệm đã quá cũ kĩ, lạc hậu luôn khăng khăng giữ lấy quan điểm của mình. Thông qua các tác phẩm, tiểu thuyết luận đề của Tự lực văn đoàn phê phán mạnh mẽ lễ giáo phong kiến đã chà đạp lên quyền sống, quyền được hưởng hạnh phúc cá nhân chính đáng của con người.
Thứ hai là cải cách xã hội: các tiểu thuyết luận đề mang nội dung cải cách xã hội của Tự lực văn đoàn mang đậm màu sắc cải lương tư sản. Những tiểu thuyết luận đề theo hướng này gồm: Gia đình của Khái Hưng, Con đường sáng của Hoàng Đạo. Trong Gia đình, Khái Hưng đã ca ngợi những địa chủ tân học có tấm lòng nhân ái, quan tâm tới cuộc sống khổ cực của người nông dân. Họ làm nhà Ánh sáng, đào giếng, mở trường học nhằm khai sáng cuộc sống của người nông dân. ở tiểu thuyết Con đường sáng, Hoàng Đạo lại vẽ lên bức tranh đẹp đẽ về một cuộc sống mới của người nông dân: có sân vận động, có thư viện… Địa chủ và nông dân cùng nhau liên hoan vui vẻ mỗi khi được mùa. Tất cả chỉ là một hiện thực giả tạo, những viễn cảnh không bao giờ có thật.
Hiện thực được vẽ lên trong tác phẩm qua lăng kính của các nhà văn là một hiện thực không có thật, mà nó được vẽ lên bởi trí tưởng tượng quá ngây thơ của các nhà văn. Vì thế mà tiểu thuyết luận đề đi theo hướng này không thu được thành công. Bởi cốt truyện và nhân vật được xây dựng một cách quá khiên cưỡng và gượng ép nhằm chứng minh cho luận đề mà nhà văn đã đưa ra.