Con người dân tộc Mông chân chất, mạnh mẽ và tài hoa

Một phần của tài liệu MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM CỦA THƠ CA DÂN TỘC MÔNG THỜI KỲ HIỆN ĐẠI (TỪ 1945 ĐẾN NAY) (Trang 46 - 51)

6. Cấu trúc luận văn

2.2.1.Con người dân tộc Mông chân chất, mạnh mẽ và tài hoa

Sống giữa một thiên nhiên vừa hùng vĩ hoang sơ, vừa thơ mộng trữ tình đến như vậy, con người dân tộc Mông cũng mang những đặc trưng riêng cả về hình thức, tâm hồn và tính cách, dễ nhận ra và khó có thể trộn lẫn với bất cứ một dân tộc nào khác. Thơ ca dân tộc Mông thời kỳ hiện đại đã phần nào khắc hoạ được những hình ảnh con người Mông đầy cá tính và bản lĩnh. Đó là những con người vừa chân thật chất phác đến thơ ngây, vừa mạnh mẽ phóng túng đến ngang tàng; khéo léo đến độ tài hoa; vừa chan hoà giữa thiên nhiên vừa nổi bật giữa thiên nhiên như những nghệ sĩ của núi rừng.

Chân thật, chất phác là đặc điểm dễ nhận thấy ở người miền núi nói chung và người dân tộc Mông nói riêng. Những người Mông dù mang họ Mã, họ Thào, họ Sùng hay họ Giàng đều có thể đối xử với nhau một cách chân thành, đều là “người Mông ta”(pêz HMôngz) như câu nói cửa miệng hàng ngày, hay

cách nói hình ảnh mà rất đỗi thân thương: “Ta cùng một giống lanh với nhau”. Có thể khẳng định một điều, trong tâm thức người Mông, không có một niềm tin nào lớn hơn niềm tin vào những người cùng dòng tộc. Giao tiếp với các dân tộc khác, người Mông có thể ít lời nhưng khi đã quây quần giữa những người Mông với nhau bên chén rượu ngô ngất ngây men đất men rừng thì ít ai có thể cởi mở, nồng nhiệt bằng họ. Chân thật đến hồn nhiên là đặc tính của người Mông. Những người con của núi cao “hồn nhiên như chim khướu chim ri” (Mã A Lềnh) thách thức những khó khăn, thách thức cả những buồn khổ lo toan trong cuộc sống. Bản tính của người Mông chất phác đến ngây thơ, luôn “sống hiền hậu như con gà nhà”, “sống hiền lành như con chim núi”( Hùng Đình Quí). Hồn nhiên giữa cao nguyên đá, những mái nhà, những xóm làng, những con người dân tộc Mông chụm vào nhau mà “sống tưng bừng như một tổ ong mật”, “sống ầm vang như một tổ ong khoái”. Hình dáng, trang phục của người Mông là sự tự biểu hiện nét chân thực hồn nhiên, dường như chưa có sự pha trộn của cuộc sống hiện đại. Hình ảnh những cô gái Mông với đôi gò má ửng hồng, với ánh mắt tinh anh và cái nhìn vừa rụt rè, vừa táo bạo; với bắp chân to khoẻ và dáng đi uyển chuyển mềm mại trong chiếc váy Mông rực rỡ trông tựa như những bông hoa di động trên các đỉnh non cao. Cô gái Mông “trắng đẹp trắng xinh như hoa mạch hoa lan nở lưng rừng” với những khát

khao mơ ước thầm kín và mãnh liệt: “… đã từng thao thức/ vẽ vào gấu váy

của mình/ Và thêu ngọn gió hoang thổi vào mơ ước”, dẫu cho “đầu ngón tay em kim nhọn đâm nát biết bao lần”. Hình ảnh những chàng trai Mông mắt sáng, mày sắc, mạnh mẽ và tài hoa, cốt cách như dao chém đá, ý chí như những ngọn núi cao. Khi yêu, yêu đến nồng nàn đam mê với trái tim chân thành và một sự chung thuỷ hiếm thấy. Sau tiếng khèn khắc khoải chờ đợi bạn tình, sau những phút giây đắm say tình tự đến thâu đêm, chàng trai Mông “…lê bước về nhà/ Mà hồn như còn ngủ ở thắt lưng em” (Dân ca Mông).

Người Mông chân thật, chất phác nhưng cũng thẳng thắn bộc bạch lòng mình bằng tình yêu mạnh mẽ đến tan chảy, đến “chín rụng cõi lòng”:

Nếu ta là bông tuyết trắng Ta xin tan dưới bàn chân nàng Là chàng trai rừng núi

Ta xin tan trên thân thể nàng

(Mã A Lềnh)

Khi yêu, trai gái Mông thương đến từng nỗi nhớ, nỗi tương tư của người yêu: “Em đừng nhắc đến anh, anh sẽ không nhắc đến em/ Kẻo hai đứa nhặt phải cái điều ốm đau” (Hùng Đình Quí) Có lẽ cũng chính vì bản tính chân thực mà những tình cảm yêu ghét của người Mông nhiều khi được đẩy tới độ cực đoan. Yêu đến đam mê, đắm say là vậy nhưng khi đã ghét, đã căm giận thì cũng hết sức quyết liệt:

Kẻ nào bụng không tốt tỏ lời từ trong quả bầu, ta sẽ bóp chết ngay từ trong trứng

Tỏ lời qua khe cửa và lỗ hổng chái nhà, ta sẽ bịt ngay để không một ai thấy

(Núi mọc trong mặt gương- Mùa A Sấu) Đó là những suy nghĩ, những lời nói thẳng, không e dè, không cần viện đến bất cứ một sự vòng vo, bóng bẩy nào khác. Người Mông không chấp nhận những gì nửa vời, nhất là trong tình cảm. “Bóp chết ngay từ trong trứng” là thái độ và hành động của người Mông đối với kẻ thù. Ta ít gặp trong thơ của các dân tộc khác một cách diễn đạt “không thơ lắm” như vậy. Nhưng đó là tính cách của người Mông. Trong vốn thơ ca không nhiều lắm của các tác giả Mông thời kỳ hiện đại, ta cũng thường bắt gặp những cách nói, cách thể hiện như vậy. Hùng Đình Quí diễn tả thái độ, hành động của anh trai Mông

đánh Mỹ ngoài mặt trận: “Đi gặp giặc Mỹ giữa đường/ Anh trai Mông đánh như sét đánh chó/ Đi gặp giặc nguỵ giữa lối/ Anh trai Mông đánh như sét đánh rắn”. Bản tính chân thực của người Mông cũng hồn nhiên đi vào thơ Mông hiện đại, và chính nó đã trở thành một nét bản sắc để người đọc thêm cảm thấy quí mến thơ ca Mông.

Con người dân tộc Mông không chỉ chân thật, chất phác đến hồn nhiên mà còn mạnh mẽ đến quyết liệt. Mạnh mẽ từ bước đi chắc nịch với “đôi chân trần đạp trên đá sắc” (Mã A Lềnh). Mạnh mẽ trong lao động sản xuất để làm ra từng bắp ngô, hạt thóc nơi đỉnh núi cao nguyên khắc nghiệt: “Muốn bật đất lên trời” để mà “Be bờ ruộng bậc thang mỗi năm một vụ" (Mã Én Hằng). Không khuất phục là bản lĩnh của người Mông đã được kiểm chứng từ trong lịch sử bằng các cuộc khởi nghĩa chống lại sự áp bức, đô hộ của người Hán, người Mãn. Ý chí mạnh mẽ cũng chính là một thứ vũ khí được tôi luyện từ bản năng sinh tồn của người Mông trước sự đe dọa của thú dữ và thiên nhiên. Cuộc sống du canh, du cư trước đây đã hun đúc cho người Mông những phẩm chất và ý chí, dám đương đầu với những khó khăn, khốc liệt nhất, can hệ đến cả sinh mạng của cá nhân và dòng tộc. Không có bản lĩnh mạnh mẽ thì không thể có được triết lý vừa giản dị vừa sâu sắc như thế này: " Chỉ có con cóc mới đi không hết đường/ trở về chết dưới bàn tay vợ". Quan niệm về lẽ sống chết ở đời của các anh hùng hào kiệt xưa nay như "Chết vinh còn hơn sống nhục" hay "Ngọc nát còn hơn giữ ngói lành", xem ra cũng không phải là xa lạ với người Mông, bởi họ có quan niệm về sống chết rõ ràng, như một chân lý: "Có chết/ chết trên lưỡi sắc/ chớ chết sau sống dao". Chính vì vậy mà người Mông luôn thường trực một tư thế hiên ngang ngẩng đầu mà sống, mà thách thức với cuộc đời, thể hiện rõ ràng, dứt khoát một phong cách mạnh mẽ đến ngang tàng: "nghênh ngang, xù xì như hòn đá tảng giữa ngàn lau".

Người Mông không chỉ "sống hiền lành như con chim núi" cũng không phải chỉ là những "thợ rừng" lành nghề. Ở người Mông còn tiềm ẩn và thường trực một tâm hồn nghệ sĩ rất mực tài hoa. Không phải ngẫu nhiên mà dân tộc Mông lại sở hữu những điệu khèn, những tiếng kèn lá, đàn môi hết sức độc đáo và đặc sắc. Con người dân tộc Mông không chỉ cần mẫn siêng năng mà còn rất khéo léo. Bàn tay người đàn ông Mông chai sạn thô ráp, khai phá ruộng nương, săn bắn chim muông thú dữ. Đôi bàn tay rèn ra khẩu súng, con dao, cũng là đôi bàn tay tạo nên những chiến khèn Mông và sử dụng tài tình, mở ra những thanh âm ngọt ngào tình tứ. Những chiếc lá trên cây đâu có vô tri, đâu phải vô tình, qua bàn tay của chàng trai, cô gái Mông là có thể "đặt lên môi thành tình tứ thành lời":

"Nhớ buổi tiễn chân ta qua đồi Em ngắt lá thổi bài kèn réo rắt"

(Dân ca Mông)

Trên những triền núi cao, khắp các xóm bản của người Mông, luôn tràn đầy những thanh âm rất đặc trưng như là những sứ giả của tâm hồn người Mông: "Điệu khèn vui xóm núi/ Tiếng kèn môi giục lòng" (Lên cao nguyên - Giàng Xuân Hồ).

Khéo léo, tài hoa là nét bản tính đặc trưng của con người dân tộc Mông. Người Mông rất yêu ca hát, yêu âm nhạc. Có lẽ đặc trưng hoàn cảnh sống đã chi phối và góp phần tạo nên những diện mạo tâm hồn ấy của người Mông. Đó là một trong những nét bản sắc mà thiên nhiên và cuộc sống ban tặng cho con người: "Do sống giữa một vùng rừng núi nhấp nhô, đa dạng với muôn ngàn hoa lá khác nhau, nên con mắt của người miền núi có nhiều màu sắc, dáng hình kì vĩ, ít chấp nhận những cái gì bằng phẳng đơn điệu, lặp đi lặp lại đến sáo mòn... Do sống giữa một vùng thiên nhiên như thế, phải đấu tranh

chống thú dữ để sinh tồn và bảo vệ mùa màng nên có tác phong hùng dũng đến dữ dội? Hoặc sống trong khoảng không gian bao la mà tâm hồn phóng khoáng nhiều khi đến phóng túng [30]. Đó là tính cách và diện mạo tâm hồn con người dân tộc Mông.

Một phần của tài liệu MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM CỦA THƠ CA DÂN TỘC MÔNG THỜI KỲ HIỆN ĐẠI (TỪ 1945 ĐẾN NAY) (Trang 46 - 51)