GIẢI PHÁP MỞ RỘNG TÍN DỤNG ĐỐI VỚI DNV&N TẠI CHI NHÁNH HÀ THÀNH TRONG THỜI GIAN TỚ
3.3.1. Kiến nghị với các Cơ quan quản lý Nhà nước
Giữa Ngân hàng và các DNV&N luôn tồn tại một khoảng cách mà để thu hẹp nó, sự nỗ lực và tự hoàn thiện của mỗi bên thôi là chưa đủ. Cơ chế giám sát, quản lý từ phía Nhà nước thông qua việc hoạch định, hoàn thiện chính sách là yếu tố rất quan trọng, nếu không nói là quyết định để giúp cho cả hai bên hoàn thành mục tiêu của mình và có cơ hội đến gần nhau hơn.
Thứ nhất, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho tổ chức hoạt động kinh doanh của các DNV&N. Nhà nước cần xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, gỡ bỏ hết những điều kiện ưu đãi cho các DN quốc doanh nhằm tạo ra môi trường bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, tạo sân chơi thực sự thông thoáng cho các DNV&N. Đặc biệt, hệ thống pháp luật phải được xây dựng trên cơ sở phù hợp với thực tiễn, xuất phát từ cuộc sống, phải ổn định, minh bạch và được thực thi nghiêm chỉnh để tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, để các DN yên tâm và mạnh dạn đầu tư, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh. Nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi cho các DNV&N thực hiện quyền kinh doanh và khuyến khích mở rộng thị trường xuất khẩu để nâng cao cơ hội và hiệu quả kinh doanh. Bên cạnh đó, Nhà nước cần đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước đối với các DNV&N, các cơ quan công quyền phải tăng cường kiểm tra, điều tiết, hậu kiểm để tránh hình thành những DN ma, tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh cho DNV&N hoạt động.
Thứ hai, Nhà nước cần tạo thêm nhiều cơ hội xúc tiến thương mại cho các DNV&N. Nhà nước tiến hành xây dựng hệ thống thông tin DN, mở rộng việc tổ chức hệ thống thu thập và xử lý thông tin cả trong nước và quốc tế để cung cấp cho các DNV&N, giúp DN mở rộng hợp tác quốc tế,
tiếp cận công nghệ hiện đại. Từ đó, góp phần giúp các DNV&N thuận lợi trong kinh doanh, nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng tiềm lực về mọi mặt. Hoạt động của các Hiệp hội, câu lạc bộ của DNV&N trên địa bàn cần được tăng cường, củng cố hơn trên cơ sở hoàn thiện cơ chế, mô hình tổ chức, hoạt động và tăng cường các cuộc đối thoại, trao đổi định kỳ giữa Cơ quan quản lý Nhà nước với các Hiệp hội này để hiểu rõ những khúc mắc và cùng tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn cho DNV&N thông qua tiếng nói đại diện của Hiệp hội.
Thứ ba, Nhà nước cần hỗ trợ kinh phí và tổ chức những chương trình hành động cụ thể để đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho các DNV&N đặc biệt là đội ngũ quản lý DN nhằm khắc phục tình trạng thiếu hụt về kiến thức, kỹ năng quản trị, nắm bắt thông tin và mở rộng thị trường. Đây là một điểm yếu nổi bật của các DNV&N, tạo nên những hạn chế trong việc thiết lập những chiến lược kinh doanh hiệu quả cũng như khả năng điều hành, từ đó làm giảm uy tín và sức cạnh tranh của DN trên thị trường.
Thứ tư, Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ tài chính cho các tỉnh, thành phố để đưa các Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNV&N đi vào hoạt động được nhiều hơn nữa. Ngoài ra, Nhà nước có thể nghiên cứu, xem xét và có biện pháp hỗ trợ đưa vào hoạt động quỹ đầu tư mạo hiểm để hỗ trợ những nhà đầu tư có ý tưởng kinh doanh mới nhưng gặp khó khăn về vốn, điều này rất sát với những chủ DNV&N, họ đều là những người có những ý tưởng kinh doanh táo bạo nhưng do hạn chế về nhiều mặt mà không thể biến những ý tưởng đó thành hiện thực.
Thứ năm, Nhà nước cần thúc đẩy nhanh sự hình thành các cơ quan định giá tài sản, trung tâm tư vấn tín dụng, các trung tâm thông tin, chuyên môn thẩm định chuyên nghiệp. Bởi hiện nay, các tài sản đảm bảo cho khoản vay của DN hầu như bị NH đánh giá thấp hơn giá trị hợp lý của nó, một phần bắt nguồn từ ý định chủ quan của NH, một phần do trình độ thẩm định, đánh giá tài sản của cán bộ NH hạn chế, không gắn với thực tế thị
trường, hơn nữa các căn cứ định giá giữa các NH lại không thống nhất, nên gây ra khó khăn rất lớn cho DNV&N khi vay vốn. Vì thế, sự hình thành trung tâm định giá tài sản có sự quản lý, điều chỉnh thống nhất của Nhà nước là rất cần thiết.
Thứ sáu, Nhà nước cần thống nhất giao cho một cơ quan thực hiện nhiệm vụ dăng ký giao dịch bảo đảm để tạo thuận lợi cho DNV&N vay vốn. Bởi hiện nay, những tài sản bảo đảm khác nhau lại phải đăng ký giao dịch bảo đảm ở những cơ quan thuộc các Bộ, Ngành khác nhau, gây phức tạp và mất thời gian cho cả NH và DNV&N. Các cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm bao gồm: Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện đăng ký đối với quyền sử dụng đất, Cơ quan đăng ký tàu biển và thuyền viên khu vực thực hiện đăng ký đối với tàu biển, Cơ quan đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm và các chi nhánh, cục Hàng không dân dụng Việt Nam…