CÙNG VẠN VẬT

Một phần của tài liệu Con người nhân văn trong tiến trình văn học trung đại thơ Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm và Nguỹễn Du (Trang 70 - 114)

1. Nguyễn Trãi với niềm vui sống giữa thiên nhiên

Suốt một đời lo nước thương dân, lý tưởng cống hiến và tình thần đại dụng luôn nung nấu trong lòng; dù ở bất cứ nơi đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào, ơn vua nợ nước vẫn không hề khuây khỏa… Đó là những chiều kích làm nên con người vĩ nhân nơi Nguyễn Trãi. Song bên trong con người lớn lao cao cả đó còn có một con người rất đỗi bình thường, và chính con người bình thường này đã làm cho con người vĩ nhân được trọn vẹn hơn. Đó là khi người anh hùng dân tộc hòa mình vào thiên nhiên bằng một sự trải lòng vô cùng chân thành của người nghệ sĩ. Có thể nói tình yêu tạo vật cũng là một chiều kích khác nữa để đo tâm hồn Ức Trai.

Thiên nhiên vốn là nguồn cảm hứng chung của thi ca kim cổ, và là đề tài quen thuộc trong thơ của nhà Nho – “cổ thi thiên ái thiên nhiên mỹ”, điều này cũng có nguyên nhân mỹ học của nó. Thứ nhất, Nho giáo quan niệm, nhân cách nhà Nho là do tiên thiên – có nguồn gốc thiên nhiên, vì thế nhân cách ấy bao giờ cũng hướng về thiên nhiên như hướng về môi trường trong sạch để di dưỡng tinh thần. Thứ hai, cũng theo quan niệm của Nho giáo, cái mẫu mực thuộc về quá khứ, còn cái trong sạch lại chủ yếu ở trong thiên nhiên. Thứ ba, với nhà Nho, điều đáng phô bày, đáng tự hào nhất ở con người mình là việc biết thụ cảm, biết chiêm ngưỡng cái đẹp của thiên nhiên vĩ đại, không những thế thiên nhiên cũng là người bạn chân chính để nhà Nho thổ lộ tâm sự của mình.

Nguyễn Trãi cũng là một nhà Nho, một nhà Nho với nhân cách sạch trong như “băng giá đựng trong bình ngọc”, nên Nguyễn Trãi cũng có lúc không tránh khỏi thụ cảm thiên nhiên theo phương thức chủ quan hóa nó – nghĩa là dùng thiên nhiên như những biểu tượng thay thế cho một phẩm chất nào đó của người quân tử. Vì vậy, những mẫu hình thiên nhiên mang tính quy phạm đều có mặt đầy đủ trong thơ Nguyễn Trãi. Ông ca ngợi cây tùng – “một mình lạt thuở ba đông” – vì cây tùng là hình ảnh của người đại trượng phu; yêu quý cây trúc – “ưa mày vì bởi tiết mày thanh” – vì cây trúc là hình ảnh của người quân tử. Trong thơ ông, cúc, mai xuất hiện rất nhiều vì đó là những loài hoa biểu trưng cho sự trắng trong, tinh khiết; thơ ôngcũng nói đến ngư, tiều, canh, mục vì đó đều là những nghề nghiệp sạch trong; tuyết, nguyệt, phong, hoa không thể thiếu vì đó đều là những thú chơi tao nhã.

Là một nhà Nho nhập thế trọn vẹn với một tấm lòng yêu nước thương dân luôn nung nấu như “lửa lò luyện đan” – Nguyễn Trãi cũng rất có cảm hứng trước thiên nhiên hùng vĩ

của đất nước. Thần Phù hải khấu, Bạch Đằng hải khẩu, Long Đại nham, Vân Đồn…đều là

những bức tranh hoành tráng của giang sơn gấm vóc.

Với mảng thiên nhiên này, cảm hứng của Nguyễn Trãi luôn là cảm hứng của người nhìn từ trên cao xuống cảnh vật mình miêu tả. Vì thế, dưới cặp mắt nhà thơ, biển Thần Phù hiện lên với “sóng rồng như kình phun”, “núi liền như giáo dựng”; cửa biển Bạch Đằng với “núi từng khúc như cá sấu bị chặt, cá kình bị mổ / Bờ lớp lớp như cây qua chìm, cây kích

gãy”; và ngọn núi Đầu Rồng bên bờ Nam cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa) trong bài “Long Đại

nham” thì lại hiện lên như một câu chuyện thần thoại: “Ngao đội núi lên núi có động / Kình

bơi lấp biển biển thành ao”… Cảm hứng vũ trụ hòa trong cảm hứng anh hùng đã tấu thành khúc tráng ca về thiên nhiên kì vĩ trong thơ Nguyễn Trãi.

Có thể nói, bằng con đường kéo thiên nhiên về với mình, Nguyễn Trãi đã phô diễn những phẩm chất cao quí của một nhà Nho, đó là cốt cách thanh cao, bản lĩnh cứng cỏi và tấm lòng tha thiết yêu quê hương đất nước.

Là nhà thơ của thiên nhiên, cảnh vật trong thơ Ức Trai không chỉ có thế mà vô cùng phong phú, phong phú như chính bản thân vũ trụ vậy. Thế nên, bên cạnh “giang sơn như tạc anh hùng thệ” còn có “con lều be bé đẹp sao”. Xen giữa tùng, trúc, cúc, mai là vô vàn những “sản hằng” của quê ta giàu có. Mảng thơ thiên nhiên này chủ yếu gắn liền với quê nhà Côn Sơn, đến với thi nhân khi ông về ở ẩn tại nơi này. Và đây mới thật sự là lúc Nguyễn Trãi hòa mình vào thiên nhiên, mở lòng đón nhận mọi rung động của muôn loài vang âm bằng chính tâm hồn của một nghệ sĩ thuần túy. Chính vì thế, thiên nhiên bước vào thơ ông mang một nét độc đáo rất riêng, không nhầm lẫn được.

Với Nguyễn Trãi, thiên nhiên là món quà vô giá mà tạo hóa ban tặng cho con người. Vì thế, những gì thuộc về thiên nhiên đều được ông nâng niu, yêu mến. Tùng, trúc, cúc, mai là những loài cao quí vì nó tượng trưng cho những phẩm chất tốt đẹp của người quân tử, song bè rau muống, lãnh mồng tơi, vị núc nác …cũng có giá trị thiết thực vì nó mang lại no ấm cho lương dân. Hồn thơ rộng mở của Nguyễn Trãi đã phá vỡ rào cản của tính quy phạm để mở cánh cửa cho những cảnh vật rất đỗi bình dị của thôn quê bước vào. Vườn thơ Nguyễn Trãi càng sinh động hơn khi có mặt những cỏ cây hoa lá gần gũi, dân dã:

“Tả lòng thanh vị núc nác Vun đất ải luống mồng tơi”

(Ngôn chí, bài 9)

“Ai có của thông phòng thết khách Một ao niềng niễng mấy đòng đòng” “Ao cạn vớt bèo cấy muống

Đìa thanh phát cỏ ương sen”

(Thuật hứng, bài 24)

Đó đều là những công việc quen thuộc của nhà nông, những sản vật quen thuộc của ruộng đồng mà chỉ những ai thật sự am hiểu và gắn bó mới có thể đưa vào thơ một cách tự nhiên đến thế.

Được sống trong thiên nhiên là một lạc thú lớn đối với Nguyễn Trãi. Ông vốn không thích chốn quan trường, rất nhiều lần trong thơ Nguyễn Trãi bộc bạch “tường đào ngõ mận ngại thung thăng”, ngược lại luôn tự nhận mình có duyên cùng non nước. Sở dĩ “hài hoa còn bợn dặm thanh vân” cũng chỉ vì “nợ quân thân chưa báo được”. Để rồi, suốt những năm tháng làm quan, bên cạnh lý tưởng cống hiến cho dân cho nước thì thiên nhiên luôn như là một tiếng gọi huyền bí, một mối dây ràng buộc thiêng liêng với tâm hồn nhà thơ, thường xuyên thúc giục ông quay về.

Thế nên, khi có điều kiện trở về với thiên nhiên, dù trong hoàn cảnh bất đắc dĩ, song Nguyễn Trãi cũng có được cảm giác thanh thản khi thỏa được giấc mơ ngày nào:

“Hà thời kết ốc vân phong hạ

Cấp giản phanh trà chẩm thạch miên” (Bao giờ làm được nhà dưới núi mây

Múc nước suối nấu chè, gối đầu lên đá mà ngủ)

(Loạn hậu đáo Côn Sơn cảm tác)

Và cũng chính nơi đây, ông đã tìm được niềm vui dù chưa trọn vẹn sau những thất vọng chốn quan trường. Trên hành trình về với thiên nhiên Nguyễn Trãi đã cố gắng bỏ lại những phiền toái hư ngụy của cuộc đời để tìm cho mình một thú vui riêng:

“Dù bụt dù tiên ai kẻ hỏi Ông này đã có thú ông này”

(Mạn thuật, bài 6)

Với một người yêu thiên nhiên như Nguyễn Trãi, thì cái thú ấy là gì nếu không phải là thú thanh nhàn, thú nhà quê, được giao cảm với muôn loài và trải nghiệm cuộc sống lao động của những người chân bùn tay lấm. Ở đó không còn nữa hình ảnh của một vị quan đầu triều,

chỉ còn lại ông già Nguyễn Trãi cũng xắn áo, lột hài bước xuống ruộng vườn như một lão nông:

“Một cày một cuốc thú nhà quê Áng cúc lan xen vãi đậu kê”

(Thuật hứng, bài 3)

Còn nữa:

“Đạp áng mây ôm bó củi Ngồi bên suối gác cần câu”

(Thuật hứng, bài 5)

Cuộc sống cứ thế trôi qua, bình yên, vô sự mà không hề đơn điệu khi con người vượt xa những mong cầu vinh hoa phú quý tầm thường, vượt lên trên những khen chê của thói tục để thụ hưởng cái đẹp thuần hậu nhất của thiên nhiên. Và một khi cuộc sống vật chất đã không còn được coi trọng thì đời sống tinh thần chắc chắn sẽ thăng hoa:

“Am trúc hiên mai ngày tháng qua Thị phi nào đến cõi yên hà

Bữa ăn dầu có dưa muối Áo mặc nài chi gấm là

Nước dưỡng cho thanh đìa thưởng nguyệt Đất cày ngõ ải luống ương hoa

Trong khi hứng đọng vừa đêm tuyết Ngâm được câu thần dắng dắng ca”

(Ngôn chí, bài 3)

Con người hiện lên giữa thiên nhiên với một phong thái thanh cao, nhẹ tênh như mây như khói, phong thái đó chỉ có thể có được khi con người được sống trong một bầu không khí sạch trong, tinh khiết mà rất đỗi hiền hòa của cảnh vật.

Đôi khi chỉ cần một vài nét chấm phá là Ức Trai đã có một bức tranh thiên nhiên giản dị nhưng vô cùng trong sáng, gợi cảm giác bình yên nhẹ nhàng khiến người đọc soi vào như thấy tâm hồn mình trong trẻo hơn :

“Đêm thanh nguyệt hiện ngoài hiên trúc Ngày vắng chim kêu cuối khóm hoa”

Có một điều lạ là thiên nhiên trong thơ Nguyễn Trãi thường thiếu vắng sinh hoạt nhân sự. Con người duy nhất chính là thi nhân, hiện lên thông qua cảnh, vậy mà cảnh chưa bao giờ rơi vào cô liêu, ngược lại vẫn tươi vui một cách yên ả, thanh bình. Phải chăng vì Ức Trai đã thổi hồn vào trong cảnh nên cảnh cũng như người, cũng biết sẻ chia và thấu hiểu? Câu hỏi đó thiết nghĩ cũng chẳng khó trả lời. Bởi trên thực tế, Nguyễn Trãi đã tìm thấy tình tri âm nơi cảnh vật. Đặc biệt là sau khi trở về từ chốn tường đào ngõ mận với thói nhà quan lạnh nhạt, miệng lưỡi người như gươm mác, lòng người thì quanh co như ruột ốc, lại càng nhận ra “còn một non xanh là cố nhân”. Dù năm tháng trôi qua, cỏ cây sông núi vẫn thủy chung đợi chờ, vẫn luôn chân thành, nồng thắm, được sống bên những tri âm tri kỉ như thế thì làm sao còn cảm giác cô đơn:

“Rượu đối cầm đâm thơ một thủ Ta cùng bóng lẫn nguyệt ba người”

(Tự Thán, bài 6)

Tìm về với hương đồng gió nội, Nguyễn Trãi đâu còn giữ mình ở vị trí của chủ thể thưởng ngoạn khách thể, mà bước vào thế giới đó với tư cách là một thành viên, “nhà thơ và cảnh vật tự nguyện hòa lẩn với nhau như bầu bạn, như anh em, tình trong cảnh ấy, cảnh trong tình này. Cho nên, đọc thơ Nguyễn Trãi, ta thấy rất thoải mái ; thơ đầy cá tính, cá tính rất mạnh mẽ, sâu sắc nhưng lại thanh đạm như nước, hòa hảo như gió, bao dung như dòng sông rộng. Không vào giữa thiên nhiên để làm vương làm tướng, làm ông chủ, mà vào giữa đất trời, cỏ cây như vào trong cái nhà lớn mà tâm hồn mình vẫn ở. Thật là ung dung, hoằng đại, sảng khoái, phóng khoáng” [52. tr231]

“Cò nằm hạc lẩn nên bầu bạn Ủ ấp cùng ta làm cái con”

(Ngôn chí, bài 20)

“Núi láng giềng, chim bậu bạn Mây khách khứa, nguyệt anh tam”

(Thuật hứng, bài 19)

Vậy là, dẫu trở về với núi rừng, song Nguyễn Trãi không hề bị cô lập. Ở đó ông vẫn thiết lập một xã hội mới, với những mối quan hệ đặc biệt, bạn bè là trăng gió, chim muông , nô bộc là quýt cam, cái con là cò hạc, khách khứa là núi mây... Quan hệ với những nhân vật này, Nguyễn Trãi có được sự thanh thản và dễ chịu vì chúng thật vô tư, hồn nhiên và thú vị :

“Nô bộc ắt còn hai rặng quýt Thất gia chẳng quản một con lều”

(Mạn thuật, bài 2)

Và :

“Láng giềng một áng mây bạc Khách khứa ngàn núi xanh”

(Bảo kính cảnh giới, bài 42)

Mở lòng cùng thiên nhiên, tự xem mình như một thành viên trong tổng hòa trời đất xung quanh, Nguyễn Trãi cảm nhận được trong những cảnh vật nhỏ bé như cũng có linh hồn, sống hòa hợp và cảm thông được với con người, biết đáp lại tình yêu thương của con người bằng sự vuốt ve, mơn trớn:

“Hái cúc, ương lan, hương bén áo Tìm mai, đạp nguyệt, tuyết xâm khăn”

(Thuật hứng, bài 15)

Và để cho thiên nhiên gần gũi và yêu mến mình hơn, thi nhân thay đổi cả cách ăn mặc, sử dụng chất liệu từ cỏ cây làm trang phục cho mình, vị quan ngày xưa giờ trở về với núi rừng, bình dị mà thanh thoát như một bậc cao sĩ:

“Hài cỏ đẹp chân đi đủng đỉnh Ao bô quen cật vận xênh xang”

(Tức sự, bài 4)

Cuộc sống giữa thôn quê của Nguyễn Trãi có thể nghèo vật chất song lại vô cùng giàu có về tinh thần. Bởi nơi đây nhà thơ được đón nhận tình yêu thương hiền hòa của tạo vật, cái tình đậm đà của muôn loài đủ làm nguôi đi bao phiền muộn, ưu tư để có thể vui với cỏ cây hoa lá, bắt nhịp được với thế giới tâm hồn vốn rất vi diệu của thiên nhiên:

“Khách đến chim mừng, hoa xảy động Chè tiên nước kín, nguyệt đeo về”

(Thuật hứng, bài 3)

Không biết ra đời trước hay sau câu thơ trên của Nguyễn Trãi, nhưng trong kho tàng ca dao Việt Nam cũng có một hình ảnh tương tự đã làm say lòng bao thế hệ người Việt: “Hỡi cô tát nước bên đàng, Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi” – Người nghệ sĩ bình dân bỗng thăng hoa cảm xúc trước một bức tranh lao động tuyệt mỹ, hình ảnh cô gái quê tát nước đêm trăng, từng gàu nước múc lên lóng lánh ánh vàng như đang tát cả ánh trăng đổ vào ruộng lúa,

và cứ thế trăng tan rồi tụ, tát mãi không bao giờ vơi. Có lẽ, với nhân loại nơi hạ giới này, trăng không chỉ là nữ hoàng của sắc đẹp mà còn là nguồn thi hứng dạt dào của thi nhân, và với Nguyễn Trãi, điều đó cũng không ngoại lệ. Trăng trong thơ Nguyễn Trãi là nguyệt, là người bạn tri âm tri kỷ - “ Ta cùng bóng với nguyệt ba người”. Thơ ông viết về trăng rất nhiều, sáu mươi hai lần mà lần nào trăng hiện lên cũng đẹp, cũng trong sáng và gần gũi, trăng đến với nhà thơ khi ông gánh nước, khi uống rượu, lúc ngâm thơ…, khi vui cũng như khi buồn trăng đều nồng nàn tha thiết.

“Đêm thanh hớp nguyệt nghiêng chén Ngày vắng xem hoa bợ cây”

(Ngôn chí, bài 10)

Sự tương giao với thiên nhiên không chỉ giúp Nguyễn Trãi chạm đến được nhịp thở nằm sâu trong lớp vỏ bề ngoài tưởng chừng như vô tri vô giác của cảnh vật mà còn gọi dậy năng lực cảm thụ đặc biệt nơi tâm hồn vốn đã vô cùng tinh tế và nhạy cảm của thi nhân. Đó là khi Ức Trai nhận ra sự diệu kì của âm nhạc có thể tương giao được với vũ trụ:

“Ngư ca tam xướng yên hồ khoát Mục địch nhất thanh thiên nguyệt cao”

(Tiếng hát của ông chài ba lần cất lên làm cho mặt hồ phủ khói như mở rộng ra.

Trẻ mục đồng thổi một tiếng sáo làm cho trăng trên trời như cao hơn)

(Chu trung ngẫu thành)

Hai câu thơ tuyệt vời này dễ làm người đọc liên tưởng đến những bài thơ Haikư độc đáo của nhà thơ Basho:

“Từ bốn phương trời xa cánh hoa đào lả tả gợn sóng hồ Bi – wa” “Vắng lặng u trầm thấm sâu vào đá tiếng ve ngâm”

Hai nhà thơ ở hai đất nước khác nhau đã gặp nhau trong một triết lý về thiên nhiên vô cùng sâu sắc.

Trước thiên nhiên, một nhà thơ bình thường thì chụp ảnh lại nó, chỉ những thi sĩ tài hoa và thật sự rung động mới nắm bắt được cái thần thái của cảnh vật. Nguyễn Trãi chính là nhà thơ như thế, với ông, một tiếng chim kêu, một làn gió thoảng, một thoáng hương bay, mấy hạt mưa thu rơi nhẹ… tất cả đều có thể chạm đến tơ lòng thi nhân khiến trái tim ông cứ run lên thổn thức trước những biểu hiện âm thầm và vi diệu nhất của tạo vật:

“Am rợp chim kêu hoa xảy động Song im hương tịn khói sơ tàn Mưa thu rưới ba đường cúc Gió xuân đưa một lảnh lan”

(Ngôn chí, bài 16)

Cái thần thái của bức tranh nằm ở sự chuyển động hài hòa của mọi bộ phận, tất cả hiện

Một phần của tài liệu Con người nhân văn trong tiến trình văn học trung đại thơ Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm và Nguỹễn Du (Trang 70 - 114)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(155 trang)