sáng tác đến tiếp nhận. Chúng ta dễ dàng nhận thấy quan niệm ấy được phát biểu công khai qua sáng tác của nhiều tác giả:
“Đao bút phải dùng tài đã vẹn, Chỉ thư nấy chép việc càng chuyên. Vệ Nam mãi mãi ra tay thước, Điện Bắc đà đà yên phận tiên.”
(Nguyễn Trãi)
“Học theo ngòi bút chí công,
Trong thơ cho ngụ tấm lòng Xuân Thu.”
(Nguyễn Đình Chiểu)
“Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm, Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà.”
Cái gốc của văn chương là đạo lý:
“Văn và đạo tuy có tên khác nhau nhưng nội dung của nó thì bắt nguồn từ đạo”
(Nguyễn Văn Siêu).
“Văn của thánh nhân là để chở đạo, văn của văn nhân là để luận đạo. Cho nên bàn về văn của thánh nhân – như sự trong sáng, tinh tế của Chu dịch, sự thông thoát chí lý của Thượng thư, sự uyển chuyển trung hậu của Kinh thi, sự cung kính trang nghiêm của Kinh lễ, sự khen chê có cân nhắc của sách Xuân Thu – văn đến năm kinh là tột đỉnh…” (Nguyễn Tư Giản)
Lực lượng sáng tác của văn học thời kỳ trung đại từ sau thế kỷ XIII chủ yếu là nhà
nho, những người được đào tạo từ “cửa Khổng sân Trình”. Họ thấm nhuần giáo huấn của Tứ thư, Ngũ kinh, họ tha thiết trung thành với đạo của người quân tử. Thơ văn là để nói lên cái
chí của người quân tử, nó không tách rời với mục đích giáo huấn. Nguyễn Bỉnh Khiêm đã
khẳng định: “Ôi, nói tâm là nói về cái chỗ mà chí đạt tới vậy, mà thơ là để nói chí”. Văn là
để chở đạo, thơ để nói chí mà đạo và chí thì noi theo mẫu mực thánh nhân, còn cách thức tư duy và hình thức biểu đạt cũng tuân theo những kiểu mẫu có sẵn, đã trở thành công thức,… nên văn học thời kỳ trung đại nhìn chung có xu hướng bị xóa nhòa phong cách, mang tính
“phi ngã”….
Về quy mô và phạm vi kết tinh, văn học trung đại có phạm vi kết tinh ở văn vần hơn là văn xuôi; quy mô kết tinh vừa và nhỏ. Quy mô nghệ thuật này sẽ thiên về bút pháp chấm phá, điểm nhãn, gợi hơn là tả. Các tác giả văn học thời kỳ này thường hướng về cái đẹp trong quá khứ, thiên về cái đẹp xinh xắn, thanh cao, tao nhã . Do vậy, trong sáng tác của mình, họ luôn thể hiện kiểu tư duy nghệ thuật giàu khả năng nắm bắt cái bản chất, cái tinh túy, cái thần của sự vật, của tâm trạng con người hơn cái vẻ bề ngoài của sự vật.
Văn học Việt Nam cho đến đầu thế kỷ XX mới thực sự bước vào thời kỳ hiện đại hóa để hình thành nên một nền văn học mới. Đó là một nền văn học phát triển trong xu hướng
tiếp cận cùng văn học thế giới với những nét đặc thù. Nói như Phạm Thế Ngũ trong Việt Nam Văn học sử giản ước tân biên, đó là “hầu như tân tạo trong một giai đoạn lịch sử mới”,
khác hẳn với văn học trung đại cả về nội dung tư tưởng lẫn hình thức thể loại.
Ở phương diện nội dung, nếu như văn học trung đại chịu ảnh hưởng và chi phối chủ yếu bởi tư tưởng, học thuật Trung Hoa; luân lý, đạo đức Khổng Mạnh, thì sang thế thế kỷ XX, văn học hiện đại chủ yếu chịu ảnh hưởng của tư tưởng, học thuật phương Tây với những lý thuyết về dân chủ, về ý thức cá nhân,… Do vậy, tuy vẫn tiếp thu và kế thừa những truyền
thống lớn của văn học dân tộc đó là yêu nước và nhân đạo, nhưng văn học hiện đại đã phát huy lên một bước mới: tinh thần dân chủ.
Về nội dung yêu nước, văn học hiện đại không còn bị ràng buộc bởi cái vòng kim cô của tư tưởng trung quân như trong văn học trung đại nữa mà đã thực sự giải phóng với sự biểu hiện phong phú trên tinh thần dân chủ. Các tác giả là những nhà cách mạng theo xu
hướng tư sản, chẳng hạn như Phan Bội Châu, ngay từ đầu thế kỷ đã quan niệm: “Dân là dân nước, nước là nước dân”. Các tác giả thuộc bộ phận văn học cách mạng vô sản thì gắn chủ
nghĩa yêu nước với lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Với bộ phận văn học hợp pháp, do nhiều lý do khách quan, tinh thần yêu nước được thể hiện một cách kín đáo hơn nhưng cũng không kém sâu sắc và cảm động qua tình yêu đối với những đường nét, dáng vẻ đáng yêu của con người và cảnh vật của đất nước; cái đẹp của văn hóa dân tộc và đặc biệt là đối với ngôn ngữ dân tộc. Ở khía cạnh này, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh là những là những gương mặt tiêu biểu.
Tinh thần dân chủ cũng đem đến cho nội dung nhân đạo của văn học hiện đại những biểu hiện mới mẻ. Đối tượng chủ yếu của văn học hiện đại là những con người bình thường trong xã hội. Chủ nghĩa nhân đạo trong văn học hiện đại còn gắn liền với sự thức tỉnh về ý thức cá nhân của người cầm bút. Do vậy mà trong nhiều tác phẩm văn học thời kỳ này, ta thấy sự thể hiện khá sâu sắc khát vọng sống, sự đề cao tài năng, phẩm giá của mỗi con người; sự đấu tranh không khoan nhượng với luân lý, lễ giáo phong kiến để bảo vệ hạnh phúc cá nhân, đặc biệt là các vấn đề về tình yêu đôi lứa, hôn nhân, gia đình…
Ở phương diện hình thức thể loại, nếu văn học trung đại chỉ tập trung chủ yếu vào các thể loại văn vần với những hình thức chật hẹp và quy định khắc khe, nghiêm ngặt về niêm luật; văn xuôi có thì cũng là loại văn biền ngẫu và phương tiện sáng tác là chữ Hán, chữ Nôm, rất khó khăn cho sự tiếp nhận của công chúng bình dân, thì ở văn học hiện đại, ta thấy có sự phát triển hết sức đa dạng các thể loại. Bên cạnh các thể thơ cũ, đã thấy xuất hiện các thể thơ tự do, thơ văn xuôi được sáng tác bằng chữ quốc ngữ. Đặt biệt là sự xuất hiện của các thể loại văn xuôi quốc ngữ như tiểu thuyết, truyện ngắn, phóng sự, bút ký, tùy bút, lý luận phê bình văn học cũng như các thể kịch là dấu hiệu của một nền văn học hiện đại.
Tuy nhiên để có một nền văn học hiện đại phát triển trong xu hướng tiếp xúc, hòa nhập với văn học thế giới, mang những nét đặc thù như đã nói ở trên, văn học Việt Nam đã phải trải qua một quá trình cách tân, hiện đại hóa hết sức lâu dài và phức tạp với nhiều giai đoạn. Mà mỗi một giai đoạn cách tân là kết quả của biết bao nhiêu tâm huyết, tài năng của
các thế hệ cầm bút. Về đại thể, văn học Việt Nam từ đầu thế kỷ XX cho đến Cách mạng tháng Tám năm 1945, là một nền văn học đang ở trong quá trình hiện đại hóa, mà thời gian từ năm 1900 đến 1930 là những giai đoạn đầu của quá trình ấy. Trong khuôn khổ của luận văn này, chúng tôi chủ yếu chỉ tập trung khái quát tình hình văn học Việt Nam trong ba mươi năm đầu của thế kỷ XX.
Như đã nói ở trên, văn học Việt Nam trong khoảng ba mươi năm đầu thế kỷ XX là nền văn học đang ở trong tiến trình hiện đại hóa. Tiến trình này trải qua hai chặng đường chủ yếu:
Chặng đường thứ nhất, diễn ra trong khoảng hai mươi năm đầu thế kỷ XX. Quá trình hiện đại hóa bắt đầu bằng sự hình thành các thể văn xuôi quốc ngữ. Chữ quốc ngữ vốn do các giáo sĩ phương Tây sáng tạo ra vào khoảng thế kỷ XVII nhằm phục vụ cho mục đích truyền giáo. Sau gần ba thế kỷ phát triển, với sự tham gia cải tiến, sáng tạo của của các thế hệ giáo sỹ phương Tây và trí thức Việt Nam, cho đến cuối thế kỷ XIX, chữ quốc ngữ về cơ bản đã hoàn thiện và từ địa hạt tôn giáo, nó chuyển dần sang lĩnh vực văn hóa, văn học. Đầu thế kỷ XX, ý thức được sự thuận tiện cũng như tầm quan trọng của nó trong việc truyền bá tư
tưởng văn minh phương Tây, nâng cao dân trí, chấn hưng đất nước, các sỹ phu trong Duy tân hội và Đông kinh nghĩa thục cũng như một số trí thức Tây học có tâm huyết như Phạm
Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh v.v…ra sức hô hào, vận động cho việc truyền bá và học chữ quốc
ngữ. Nói về tầm quan trọng cũng như sự tiện lợi của chữ quốc ngữ, thơ Đông kinh nghĩa thục có đoạn viết:
“Trước hết phải học ngay quốc ngữ, Khỏi đôi đường tiếng, chữ khác nhau. Chữ ta, ta đã thuộc làu,
Nói ra nên tiếng, viết câu nên bài. Sẵn cơ sở để khai tâm trí…”
Năm 1907, cùng với sự vận động, hô hào tích cực của phong trào Duy tân, Nguyễn Văn Vĩnh đã vận động đổi tờ báo chữ Hán Đại Nam Đồng Văn nhật báo thành tờ báo quốc ngữ Đăng Cổ tùng báo với hai tôn chỉ: truyền bá học thuật phương Tây và cổ động cho chữ quốc ngữ. Tiếp theo Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh và phái Nam Phong cũng tích cực ra sức truyền bá chữ quốc ngữ. Năm 1917, trên tạp chí Nam Phong số ra đầu tiên, Phạm Quỳnh đã có hẳn một bài luận thuyết bàn về Văn quốc ngữ.
Chính sự truyền bá rộng rãi chữ quốc ngữ như vậy đã tác động tích cực đến sự hình thành tầng lớp công chúng văn học mới cũng như sự ra đời và phát triển nền văn xuôi nước ta.
Nhưng điều kiện quan trọng hơn cho sự phát triển của văn xuôi quốc ngữ ở giai đoạn này phải kể đến sự xuất hiện và phát triển của báo chí cũng như phong trào dịch thuật. Từ văn thông tin báo chí và văn dịch thuật mà câu văn xuôi nghệ thuật tiếng Việt ra đời, trưởng thành và phát triển.
Thực ra mầm mống của văn xuôi nghệ thuật tiếng Việt đã xuất hiện vào cuối thế kỷ
XIX với một số sáng tác như bài ký Chuyến đi thăm Bắc Kỳ năm Ất Hợi của Trương Vĩnh Ký (1876), truyện Thầy Lazaro Phiền của Nguyễn Trọng Quản (1887)…Nhưng phải đến đầu
thế kỷ XX thì mới có hẳn một phong trào viết văn xuôi quốc ngữ, đặc biệt là ở miền Nam.
Năm 1910, Trần Thiện Trung đã cho ra đời cuốn tiểu thuyết Hoàng Tố Anh hàm oan viết
theo lối mới khá chững chạc. Tuy nhiên những sáng tác văn xuôi trong giai đoạn này cũng mới chỉ là những thử nghiệm bước đầu chứ chưa thực sự có giá trị cao về mặt nghệ thuật và phạm vi phát triển của nó cũng mới chỉ thu hẹp ở một số đô thị ở miền Nam. Văn xuôi giai đoạn này chủ yếu vẫn tập trung ở mảng dịch thuật.
Nhìn một cách tổng quát, sự phát triển của văn học Việt Nam trong giai đoạn này vẫn
gắn với những tên tuổi của những tác giả thuộc phong trào Duy tân, Đông kinh nghĩa thục
như Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, Nguyễn Thượng Hiền, Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng, Lương Văn Can, Lê Đại…Với tư tưởng canh tân, họ kêu gọi nâng cao dân trí, khai thông dân khí, hô hào thực nghiệp, bỏ hư văn, học khoa học, phổ biến chữ quốc ngữ, mở rộng báo chí…Qua đó, họ đã tạo nên cả một phong trào sáng tác thơ văn tuyên truyền cổ động có nội dung chính trị mới mẻ, mang hơi thở và khí phách thời đại. Tuy nhiên bộ phận văn học này cũng chỉ mới thể hiện sự đổi mới về tư tưởng chính trị, xã hội và học thuật mà chưa có sự đổi mới thực sự về tư tưởng thẩm mỹ.
Tóm lại là ở giai đoạn này, văn học đã có sự đổi mới về nội dung tư tưởng. Chẳng hạn về ý thức hệ, văn học chủ yếu chịu sự chi phối của ý thức hệ tư sản; về lý tưởng chính trị xã hội, chủ nghĩa yêu nước đã gắn với lý tưởng cách mạng dân chủ tư sản, khác với văn học trung đại chủ nghĩa yêu nước không thể tách rời lý tưởng tôn quân...Về mặt nghệ thuật, văn học giai đoạn 1900 – 1920 vẫn chưa có những đổi mới đáng kể. Các tác giả chỉ dừng lại ở mức độ cách tân nghệ thuật sáng tác của nhà nho trước kia. Tiêu biểu nhất là thơ văn yêu nước và cách mạng. Còn nhiều tác phẩm thể hiện những vấn đề mới của cách mạng bằng
hình thức nghệ thuật cũ. Các tác giả còn ít dùng chữ quốc ngữ để sáng tác, chưa bỏ được lối văn biền ngẫu, thơ vẫn là loại thể được ưa chuộng, ngôn ngữ vẫn còn mang tính chất cầu kỳ, bóng bẩy...
Chặng thứ hai, diễn ra từ khoảng năm 1920 đến năm 1930. Quá trình hiện đại hóa đã đạt được nhiều thành tựu. Văn học không chỉ đổi mới về nội dung mà cả nghệ thuật cũng đã khác trước rất nhiều.
Văn xuôi nghệ thuật đã phát triển mạnh hơn trước với sự phong phú của nhiều thể loại. Ở thể loại tiểu thuyết, phải kể đến những gương mặt tiêu biểu như Hồ Biểu Chánh ở trong Nam với hàng chục tiểu thuyết dày dặn; Hoàng Ngọc Phách, Trọng Khiêm ở ngoài Bắc với
các tác phẩm Tố Tâm, Kim Anh lệ sử. Truyện ngắn ở giai đoạn này cũng đã phát triển với
những tên tuổi tiêu biểu như Phạm Duy Tốn, Nguyễn Bá Học, Nhất Linh. Về thể bút ký, có sự góp mặt của những gương mặt tiêu biểu như Phạm Quỳnh, Tương Phố, Đông Hồ… Phần lớn những tác giả kể trên thuộc lớp trí thức Tây học đầu tiên do vậy tác phẩm của họ chịu ảnh hưởng rõ rệt tiểu thuyết, truyện ngắn của Pháp.
Trên lĩnh vực thi ca, “cái Tôi” cá nhân đã bắt đầu cựa quậy từ cuối thế kỷ XVIII –
đầu thế kỷ XIX với những cá tính độc đáo như Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du, Phạm Thái, Nguyễn Công Trứ, thì đến giai đoạn này nó càng tự khẳng định mạnh mẽ hơn với Trần Tuấn Khải, đặc biệt là Tản Đà với hồn thơ phóng túng, tràn đầy tình cảm và cảm xúc. Tuy nhiên,
thơ ca giai đoạn này cũng chỉ mới dừng lại ở chỗ khẳng định “cái Tôi” cá nhân về mặt nội
dung cảm xúc và khai thác những thể điệu tự do trong thơ cổ, xét về mặt hình thức thể hiện, mà chưa thực sự cách tân một cách triệt để.
Ở giai đoạn này, văn học Việt Nam thấy xuất hiện một loại hình văn học mới du nhập từ phương Tây, tuy thành tựu còn khiêm tốn nhưng rất đáng chú ý. Đó là thể loại kịch nói
với những tác phẩm của các tác giả tiêu biểu như Chén thuốc độc, Tòa án lương tâm của Vũ Đình Long; Bạn và vợ của Nguyễn Hữu Kim; Ông Tây An Nam của Nam Xương…
Tóm lại, trong ba mươi năm đầu thế kỷ XX, tình hình văn học Việt Nam có nhiều biến động sâu sắc. Văn học dân tộc đang trong cơn vật vã dữ dội của sự sinh thành, sự lột xác để hòa mình vào với văn học hiện đại thế giới. Sự chuyển mình ấy đã đạt được những thành tựu đáng kể cả về nội dung lẫn hình thức, mặc dù nó vẫn chưa thực sự thoát ra khỏi ảnh hưởng của văn học cũ. Tuy nhiên, để giai đoạn mở đường của văn học Việt Nam trong quá trình hiện đại hóa có được những thành tựu bước đầu như vậy là nhờ sự cống hiến to lớn và hết mình của những trí thức vừa có tâm, lại vừa có tài như thế hệ của Phạm Quỳnh.
1.4. Vai trò của Phạm Quỳnh đối với văn học.
Đối với công cuộc xây dựng và phát triển nền văn học Việt Nam theo hướng hiện đại trong ba mươi năm đầu thế kỷ XX, Phạm Quỳnh với vai trò là một trong những nhà văn đi tiên phong, đã có những đóng góp nhất định, cần được ghi nhận. Sự đóng góp ấy, thể hiện trên nhiều lĩnh vực văn học: Tiếp tục công cuộc truyền bá chữ quốc ngữ đã được khởi xướng ở giai đoạn trước, cải tiến câu văn quốc ngữ, xây dựng và phát triển nền quốc văn; phát triển phong trào dịch thuật; giới thiệu những khái niệm cơ bản, mang tính lý luận về đặc điểm, kết cấu, nguyên tắc xây dựng các thể loại văn học cũng như việc phát triển các thể loại đó.