được bản chất xã hội nông thôn đương thời.
Bức tranh nông thôn được miêu tả chân thực và sinh động tạo nên sự lôi cuốn kỳ lạ cho ba tiểu thuyết Thời xa vắng, Bến không chồng, Mảnh đất lắm người nhiều ma. Nhưng nếu bức tranh ấy chỉ được thể hiện bằng toàn những gam màu sáng, sặc sỡ, toàn những hình khối hoàn hảo, trơn láng... thì có lẽ nó đã không hấp dẫn đến vậy. Mà trong những bức tranh này, đôi khi những màu tối, những hình khối méo mó lại là những điểm nhấn đầy thu hút cho bức tranh nghệ thuật về cuộc sống ấy.
Trong ba tiểu thuyết Thời xa vắng, Bến không chồng, Mảnh đất lắm người nhiều ma, cuộc sống nơi thôn dã được các tác giả miêu tả tỉ mỉ, chi tiết đến
độ dù không sống trong những ngôi làng ấy, nhưng nếu được đưa đến đấy, ta sẽ có thể đi từ đầu làng đến cuối xóm mà không sợ bị lạc. Ta có thể tìm ra đình làng Đông, tìm ra cây cầu Đá Bạc, tìm đến và gõ cửa nhà bà Khiên, bà Nhân, nhà chú Vạn...trong Bến không chồng. Ta có thể tìm ra ngõ nhà cụ đồ Khang trong Thời xa vắng. Ta cũng có thể đến chiêm ngưỡng sự phong lưu của nhà ông Hàm, nhà ông Thủ, nhà ông Phúc trong Mảnh đất lắm người nhiều ma mà không cần phải hỏi thăm đường. Nói như thế để thấy rằng qua ngòi bút của các tác giả Dương Hướng, Lê Lựu, Nguyễn Khắc Trường, những ngôi làng Đông, làng Hạ Vị, làng Giếng Chùa bỗng quá đỗi thân quen, gần gũi với độc giả. Đấy là cái tài của các tác giả. Nhưng đấy chưa phải là tất cả. Những tác phẩm ấy còn thu hút người đọc ở ngòi bút miêu tả hiện thực khách quan, không nể nang, né tránh.
Cả ba tác phẩm đều phản ánh xã hội trong những giai đoạn nhạy cảm, đấy là thời kì cải cách ruộng đất, thời kì bước đầu xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa đầy bỡ ngỡ, lúng túng của đất nước. Phản ánh thời kì này, cả ba tác giả đều mạnh dạn phản ánh sự thật, những sai lầm trong quản lí kinh tế, quản lí xã hội của ba làng quê cũng như của tất cả các làng quê khác ở Việt Nam trong thời kì bấy giờ. Suốt một thời kì, phong trào đấu tố địa chủ, cường hào ác bá, tay sai đế quốc được phổ biến, tiến hành rầm rộ ở các địa phương. Khi chính sách này về đến các địa phương, có thể hiểu nôm na rằng xã hội này là của những người nghèo, nghèo kiết xác, của những người không biết chữ, của các “ông bà nông dân”. Những người giàu có là những đối tương cần triệt tiêu, cần loại bỏ triệt để trong xã hội. Những người có một chút miếng ăn, của cải cũng có nguy cơ bị các “ông bà nông dân” đấu tố. Và có rất nhiều hành động bình thường bỗng trở nên bất thường, trở thành hành động chỉ điểm tay sai. Có nhiều tiểu thuyết đã phản ánh những hiện hiện thực hết sức u ám, đó là có những nơi người ta tiến hành đấu tố theo chỉ tiêu, mỗi địa phương phải bảo đảm đấu tố được bao nhiêu phần trăm địa chủ, bao nhiêu phần trăm cường hào ác bá, bao nhiêu phần trăm phản động tay sai bán nước hại dân như các tiểu thuyết: Người đàn bà buồn củaPhan Hách,
như một lưỡi dao hành hình kéo lê đi khắp các làng quê, khắp các hang cùng ngõ hẻm gây hiểm họa, chết chóc đến cho bất cứ ai vô tình hay cố tình chạm phải nó. Hai tiểu thuyết Bến không chồng, Mảnh đất lắm người nhiều ma đều nói đến, phản ánh cái buổi tối tăm nghiệt ngã ấy của đất nước. Dĩ nhiên mức độ có khác nhau. Nhưng trong đó, người đọc được chứng kiến tương đối đầy đủ những ngang trái, oan trái của giai đoạn này. Đấy là những cảnh hàng xóm tố cáo nhau, vu vạ cho nhau như việc cả làng Đông tố địa chủ Hào (Bến không chồng), cả làng Giếng Chùa tố gia đình Vũ Đình Đại (Mảnh đất lắm người nhiều ma). Đấy là cảnh con cái xỉa xói tố cha mẹ mình là địa chủ để thể hiện mình tiến bộ, thức thời, thoát ly giai cấp phi vô sản như việc vợ chồng Vũ Đình Phúc tố cáo cha ruột của mình (Mảnh đất lắm người nhiều ma). Và cũng có cảnh những con người bị hành hình một cách oan ức, thương tâm như Xèng, Xình, Hinh vì bị nghi là việt gian phản động. Cũng có những cảnh cười ra nước mắt khi có những con người được bổ nhiệm vào địa vị cao nhất của địa phương nhưng hành trang duy nhất chỉ là cái sự nghèo hơn người, cái sự thất học đến một chữ bẻ đôi cũng không biết như trường hợp chủ tịch Đột... Tất cả những điều đó là hiện thực của những trang sử đen tối nhất của nước nhà mà nhiều năm sau người ta còn nhắc tới, còn phải rùng mình.
Qua cái thời đen tối ấy, rồi qua nhiều năm nữa, đến những năm đầu của thời kì đổi mới, xã hội Việt Nam bước sang một trang khác, bớt u ám hơn, sôi động, nhạy cảm và vì thế phức tạp hơn nhiều. Lúc này, trong xã hội những tàn tích phong kiến nặng nề trộn lẫn một cách kì quặc với những hậu quả của những cơ chế phi tự nhiên áp đặt nhiều năm, lẫn những áp lực mới của một nền kinh tế thị trường què quặt đang đến, tạo nên một sự hỗn loạn lạ lùng và tệ hại trong tất cả các quan hệ xã hội. Xã hội phân hoá. Nội bộ tầng lớp lãnh đạo phân hoá nặng nề, cụ thể đó là hiện tượng phân chia bè phái trong lãng đạo chính quyền. Trong tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma, bằng những hiểu biết sâu sắc, tuyệt vời về thực trạng nông thôn vùng châu thổ sông Hồng lâu đời, tác giả Nguyễn Khắc Trường đã phản ánh sinh động tất cả những vấn đề đó.
Nhìn vào cơ cấu chính quyền xã Giếng Chùa, dễ dàng nhận thấy tư tưởng thống trị ở đây là tư tưởng cục bộ địa phương và phân chia bè phái.
Trong cơ cấu lãnh đạo xã, có hai người được lọt vào danh sách lãnh đạo như một điều đặc biệt. Nhân vật thứ nhất là Trần Văn Sửu. Sở dĩ nói cái sự thăng tiến của Sửu là một điều đặc biệt là vì Sửu xuất thân là người xóm Trại. Mà trong suy nghĩ của người làng Giếng Chùa thì “xóm trại vẫn là xóm của dân ngụ cư, dù thế nào cũng không thể là cái xương sống của xã” [52, tr.121] và “đất có thổ công sông có hà bá, thành hoàng vùng này chưa đến nỗi mạt vận phải chuyển bài vị sang dân ngụ cư xóm trại” [52, tr.122]. Với cái tư tưởng cục bộ địa phương thống trị không biết từ khi nào, ở địa phương, không ai là dân nhập cư mà có thể ngự trên ghế cao của làng lâu. Thậm chí, có người xóm Trại đã leo lên đến chức bí thư đảng uỷ xã mà cũng bị quần chúng dân gốc làng Giếng Chùa cho rớt phiếu xuống làm thường dân, lại còn bị một phen sính quýnh vì những rắc rối trong chuyện giấy tờ, lí lịch, chỉ vì cái tội đã lỡ trừng phạt con em làng Giếng Chùa đào ngũ. Bởi cái “tiền sử” như vậy nên những người dân xóm Trại luôn kiêng dè dân gốc ở đây. Và khi tham gia chuyện chính quyền, bao giờ những người nhập cư ấy cũng khiêm nhường nhận chức phó chứ không bao giờ dám tranh chiếu trên ở địa phương, dù cho số phiếu có cao tới đâu. Nhân vật thứ hai là bí thư chi bộ Xuân Tươi. Xuân Tươi cũng không phải là dân gốc của vùng này. Theo tiêu chuẩn lựa chọn lãnh đạo của dân vùng này thì cả hai nhân vật trên đều không đủ tiêu chuẩn. Nhưng họ đã trúng cử với số phiếu cao và được xếp vào những vị trí quan trọng. Sở dĩ như vậy là vì những người có uy quyền nhất trong xã đã ra mặt vận động cho họ trúng cử. Hay nói cách khác lúc bấy giờ ở xã chỉ có hai phe cánh lớn đó là phe của dòng họ Trịnh Bá, đứng đầu là Trịnh Bá Thủ và phe của dòng họ Vũ Đình, đứng đầu là Vũ Đình Phúc đang tranh giành địa vị, cả hai phe đều đang cần người để chi phối số phiếu của đối phương trong các kì đại hội. Thế nên, dù vẫn còn tồn tại tư tưởng phân biệt địa phương nhưng những người nắm giữ quyền hành kia vẫn bỏ phiếu và vận động mọi người bỏ phiếu cho người nhập cư vì họ nghĩ “thà thế còn hơn là để rơi vào tay người đối chọi với mình. Rồi sẽ lôi kéo hắn
dần dần” [52, tr.229] và cũng là để chứng tỏ với mọi người mình không phải là người “hẹp hòi bè phái”...
Thế nhưng có thể thấy không ở đâu mà chính quyền, đảng bộ địa phương hỗn loạn, chia năm xẻ bẩy hơn Giếng Chùa. Chỉ một chi bộ nhỏ với số lượng đảng viên khiêm tốn (bởi người ta không thích giới thiệu thêm đảng viên mới), nhưng đã tồn tại đến ba phe. Một phe của những người thuộc dòng họ Trịnh Bá gồm các nhân vật như Thủ, Cao, Vi, Vu... Một phe của những người thuộc dòng họ Vũ Đình gồm các nhân vật như Phúc, Địch, Tính... Phe còn lại là những người trung lập như Sửu, Xuân Tươi, Hiển Vinh, Tùng, Chỉnh... Nhưng ngay trong số những người thuộc phe trung lập cũng tồn tại hai nhóm người khác nhau. Những người như Xuân Tươi, Hiển, Vinh, Tùng, Chỉnh là những người hoàn toàn trung lập, không bị lôi kéo bởi bất kì phe nhóm nào, dĩ nhiên mỗi người mang một lí do khác nhau. Còn chủ tịch Trần Văn Sửu thì trung lập kiểu cơ hội, kiểu láu cá của những người nhập cư luôn bị khinh thường, bị chèn ép, may mắn được đắc cử nên gió chiều nào theo chiều ấy, nhũn nhặn chờ thời, lúc thuận lợi là sẵn sàng đạp lên đầu lên cổ người khác mà tiến, kể cả những người hàng ngày Sửu vẫn tỏ ra cung kính, trung thành. Thử tưởng tượng một cái xã mà từ đầu xã đến cuối xã chỉ có khoảng năm cây số mà bị chi phối bởi một cơ cấu chính quyền be bét như vậy thì nó sẽ tồn tại như thế nào? Để củng cố quyền lực cho mình, các phe không ngừng tìm cách triệt hạ nhau. Họ không từ bỏ một thủ đoạn nào từ bịa đặt, vu khống, doạ nạt đến đào mồ cuốc mả, hãm hại, trù dập, kể cả đẩy người thân vào chỗ chết... Những con người ngay thẳng, chính trực như Tùng, như trung tá Chỉnh thấy hết những tiêu cực trong chính quyền xã, cũng trăn trở trước những thực tế diễn ra trước mắt, nhưng họ là số ít và họ cũng chưa đủ thế và lực để làm được một điều gì đó. Và bởi thế, hằng ngày những con người nơi đây sống với nhau, cư xử vói nhau lá mặt lá trái, thật giả khôn lường. Họ có thể vừa tỏ vẻ gần gũi thân thiện vừa thì thụt, xúi bẩy, kích động, ném đá giấu tay làm hại người khác. Họ cũng có thể bả lả nói cười, chén chú chén anh trong những bữa tiệc “đồng chí” nhưng trong bụng lại rủa nhau sau bữa rượu ấy sẽ sa chân lỡ bước chết dấp đi cho rảnh...
Bằng những ngòi bút hiện thực sắc sảo, không né tránh, không khoan nhượng, các tác giả Lê Lựu, Dương Hướng, Nguyễn Khắc Trường đã đưa đến cho người đọc những hình dung, những cảm nhận rõ nét nhất về những bước thăng trầm trong quá trình phát triển của nông thôn Việt Nam. Đấy là những sai lầm đáng tiếc trong thời kì cải cách ruộng đất, quá trình hợp tác hoá nông nghiệp của những năm 50, 60 của thế kỉ XX. Đấy là những thất bại không thể cứu vãn của mô hình hợp tác xã sản xuất theo lối quan liêu bao cấp của những năm 70, 80 của thế kỉ này. Thời kì đầu hợp tác xã còn làm tròn nhiệm vụ lịch sử của nó. Nhưng chúng ta đã thất bại khi xây dựng những mô hình hợp tác xã mở rộng với qui mô lớn trong khi trình độ văn hoá, tổ chức, quản lí của cán bộ vẫn còn trì trệ, lạc hậu, sản phẩm mồ hôi nước mắt của người lao động thực chất trở thành một thứ vô chủ mà những phần tử quan liêu, bè phái theo kiểu dòng họ tha hồ đục khoét, tham ô... Tình trạng xã hội này còn được phơi bày trong nhiều tiểu thuyết khác, mà Thủy hoả đạo tặc của tác giả Hoàng Minh Tường cũng có thể được kể đến như là một ví dụ tiêu biểu. Những vấn đề kể trên vừa có thể gọi là những hạn chế nhưng nó cũng là những tất yếu lịch sử khi mà quan hệ sản xuất phát triển không phù hợp với trình độ của lực lượng sản xuất. Cái đáng quý là chúng ta biết thẳng thắn nhìn nhận và chấp nhận sự thật để khắc phục. Cả ba tác phẩm chỉ mới dừng lại ở việc phản ánh, chưa hướng tới một giải pháp cụ thể, hữu hiệu cho sự đổi mới phương thức quản lí và sử dụng con người, đổi mới phương thức sản xuất và quản lí kinh tế ở nông thôn. Dẫu vậy, các tác giả đã tỏ rõ sự quan tâm sâu sắc đến các vấn đề của nông thôn, dám nghĩ và dám nói những điều mình trăn trở trong tác phẩm. Đấy là sự thẳng thắn, nghiêm túc khi nhìn nhận những vấn đề xã hội. Còn một vấn đề khác cũng vô cùng thu hút sự quan tâm của các tác giả, đó là vấn đề con người, vấn đề số phận con người. Trong lịch sử loài người, con người chính là thước đo sự phát triển của xã hội. Xã hội nào mà trong đấy con người được hưởng tự do, được sống yên vui, no đủ, hạnh phúc, được tự bộc lộ mình, đấy là một xã hội phát triển. Còn trong một xã hội mà con người không có được những quyền tối thiểu của con người, không quan tâm đến vấn đề con người thì đấy chẳng qua
cũng chỉ là một xã hội sơ khai, điêu tàn và ấu trĩ.
Ấy thế mà trong suốt một khoảng thời gian tương đối dài của sự phát triển đất nước, vấn đề con người, con người cá nhân tạm thời bị nhạt nhoà, ít được quan tâm, hay nói đúng ra là nó bị tạm lãng quên. Ta có thể cảm nhận rõ điều ấy hai tiểu thuyết Thời xa vắng và Bến không chồng.
Ở tiểu thuyết Thời xa vắng của Lê Lựu, cuộc sống của nhân vật Giang Minh Sài đã thể hiện điều đó. Cả cuộc đời Sài sống một cuộc sống như là sống nhờ, sống hộ, bị che lấp. Chưa bao giờ Sài tự sống cho mình, theo ý mình, tự quyết định được điều gì cho bản thân. Trong mối quan hệ nhỏ ở gia đình, Sài sống trong cái bóng của cha, của chú, của anh trai. Sài lấy vợ theo ý cha. Sài không được bỏ vợ dù trong lòng ghét cay ghét đắng là vì sợ chú, sợ anh. Sài đi nhập ngũ như lẩn trốn tất cả, lẩn trốn dư luận, lẩn trốn Hương, lẩn trốn tình yêu đầu đời trong sáng của mình là do quyết định của một hội đồng những người lớn trong gia đình luôn yêu thương, chăm sóc và lo lắng cho Sài. Còn trong mối quan hệ lớn với xã hội, Sài cũng lại luôn bị cái tập thể vô danh tính che lấp. Khi còn là một cậu thiếu niên, được bầu làm liên đội trưởng của xóm, Sài đã có ý thức sợ tai tiếng, sợ dư luận. Ghét vợ, không ngủ chung, không nhìn mặt vợ, thậm chí bát tương nào vợ đã chấm là Sài nhất định không chấm chung, nhưng ra ngoài vẫn phải đi cùng nhau, phải tỏ ra đoàn kết, phải tỏ ra yêu vợ cho mọi người thấy. Khi đi bộ đội, sống trong quân ngũ, thoát khỏi cái bóng của gia đình, Sài lại lặng lẽ sống, lao động và học tập theo những nguyên tắc, những kỉ luật của quân đội. Từ sau vụ cuốn nhật kí viết lại những tâm sự dành cho Hương, Sài càng co mình lại như một cái bóng vô cảm, không buồn, không vui, không giãi bày tâm sự, chỉ biết chăm chỉ làm việc cho khỏi mang cái án “tư tưởng có vấn đề”. Lãnh đạo của Sài: chính uỷ