uy danh dòng họ
Như đã nói, quan hệ xã hội ở nông thôn được hình thành trên cơ sở quan hệ họ hàng, thân tộc. Quan hệ họ hàng, thân tộc ở nông thôn lại diễn ra cực kỳ khắng khít, gắn bó. Chính vì thế, ở nông thôn, nếu như trong họ tộc có người làm “quan” thì cả họ tộc sẽ được hưởng lây sự kính nể, kiêng nhường của xóm làng. Gia đình cụ đồ Khang (Thời xa vắng) được cả làng nể trọng, phần vì cụ Khang là thầy đồ, phần vì cụ Khang có cậu con trai út học hành giỏi giang. Nhưng có lẽ gia đình cụ được nể trọng phần nhiều là vì hiện tại cụ có một người em trai là chú Hà làm bí thư huyện uỷ và người con trai thứ làm cán bộ huyện. Nhờ những điều có thể coi là ưu thế hơn người ấy mà gia đình cụ Khang cũng được hưởng nhiều lợi thế. Trong chuyện “giăng gió” của Sài với Hương trên sân thượng nhà
tổng Lơi trong một đêm trăng giữa mùa bão lũ, nếu như không có sự can thiệp, nhờ cái uy của chú Hà và anh Tính thì làm sao Sài gỡ nổi cái tai tiếng để đời. Nhờ chú Hà và anh Tính xếp đặt mà mọi chuyện từ có biến thành không, từ không biến thành có. Sài từ một kẻ phạm tội tày đình khiến cả gia đình không dám đi đâu, không dám ngẩng mặt lên nhìn ai, khiến cả làng bao ngày xôn xao “như là giặc giã sắp tràn về, như là làng Hạ Vị sẽ lụn bại vì chuyện ấy, như là nước sông lại lên to cuốn đi cả hàng nghìn người, như là nhà nào cũng sẽ chết đói, chết rét vì chuyện ấy” [30, tr.58-59] trở thành người vô tội, trở thành người có công phát hiện kẻ trộm bị kẻ trộm trả thù. Còn kẻ bắt quả tang chuyện của Sài thì tình ngay nhưng lí gian, bị tố cáo ngược chuyện trộm cắp trong ngày lụt. Đúng là “miệng nhà quan có gang có thép”, một chút mưu sâu, lí lẽ và uy quyền, chú Hà đã khiến cho lãnh đạo xã và quần chúng đến dự buổi định tội hôm ấy bị thuyết phục bởi một sự thật không hề có thật là Sài vô tội. Với vị trí của mình, chú Hà đã rất nhẹ nhàng dùng dư luận để “rửa nhục” cho gia đình, dòng họ, chạy tội cho thằng cháu một cách hợp pháp mà không để lại bất cứ điều tiếng gì. Địa vị của anh, của chú không chỉ giúp Sài khi anh còn là một cậu bé mới lớn bốc đồng, nông nổi. Mà ngay khi anh đã lớn, đã thành đạt, anh vẫn không thoát ra khỏi cái ô rợp bóng của anh, của chú. Đám cưới của Sài với Châu sau ngày giải phóng với đồ dẫn cưới rất sang trọng: một trăm quả cau tươi, một cân chè Thái, một cân hạt sen, một tút Thủ Đô, một chai Lúa Mới, hai nghìn tiền mặt là do một tay anh Tính lo toan. Dù rằng những sính lễ ấy phù hợp với lối sống ở thủ đô và quá đỗi xa xỉ với làng quê nghèo Hạ Vị quanh năm bão lụt, nó lại phải chuẩn bị trong một thời gian gấp gáp chỉ vỏn vẹn có mấy ngày, nhưng với tình thương em, với cương vị uỷ viên trực phụ trách nội chính của uỷ ban hành chính huyện, anh Tính cũng lo cho Sài một đám cưới tươm tất “không hề có sự cách biệt giữa quê và tỉnh” [30, tr.227]
Cái ưu thế của gia đình có người làm quan còn thể hiện trong đám tang “có một không hai ở vùng này” của ông đồ. Một đám tang mà người làng đánh giá “ngày xưa đám ma bố tổng Lơi mổ hàng trăm con lợn, trâu bò, giã giò ăn uống rậm rịch cả hàng mười ngày giời cũng không đông được như đám này” [30,
tr.165]. Sở dĩ như vậy là vì cụ đồ có học trò ở khắp nơi, ai cũng muốn chứng tỏ mình có lòng tôn sư trọng đạo, có hiếu với người thầy vừa yêu thương vừa hiền lành. Người ta đến viếng cụ cũng vì cụ là bố của Sài – một dũng sĩ một mình bắn rơi máy bay Mĩ, đang được đài báo hết lời ca ngợi. Nhưng trong cái đám tang ấy, bên cạnh những người quen biết xa gần, cũng còn cơ man nào là những người không quen biết từ các huyện xã khác ngơ ngác, thậm thụt, cung kính và cười cợt, nghênh ngang và khúm núm... đến dự. Những con người ấy thực sự không biết cụ đồ là ai, họ cũng không đến viếng cụ vì lòng ngưỡng mộ một gia đình cách mạng, một cuộc sống mẫu mực hoặc vì sự thân thiết, yêu mến người em, người con của cụ...; họ đến vì muốn được em trai cụ, con cụ biết đến, nhớ mặt, nhớ tên. Hay nói đúng ra họ không đi đưa đám cụ đồ mà là “đưa đám ông Hà đã về làm bí thư huyện uỷ được nửa năm nay và đưa đám anh Tính uỷ viên trực phụ trách nội chính của uỷ ban hành chính huyện” [30, tr.166]. Bởi những mục đích hết sức “thiết thực” ấy mà những người đi đám luôn phải “liếc mắt xem thắp hương và khấn vào lúc nào, đứng ở đâu để ông Hà hoặc Tính chứng kiến nỗi lòng đau khổ, cung kính của họ” [30, tr.166]. Họ đùa nghịch huyên náo ngoài đường để rồi thật lặng lẽ nghiêm trang khi vào đến nhà. Họ dò la mọi phong tục lễ nghi của làng để vào nhà cư xử thành thạo, tự nhiên như gia chủ. Họ tỏ vẻ đau đớn trước linh cữu người chết nhưng luôn nhớ khấn to tên tuổi của mình cho ông Hà hoặc Tính nghe thấy và trong lòng thì thầm yên tâm về tờ đơn xin hai nghìn ngói đang nằm ở chỗ Tính. Họ đi viếng cụ đồ nhưng lại cứ phải quanh quẩn ở ngoài, chờ ông Hà đến bên linh cữu mới vào thắp hương. Và những người không quen biết ông đồ ấy, trước hoặc sau khi đưa đám đều cố đến nắm lấy bằng được bàn tay ông Hà và anh Tính để chia buồn... Thật là giả dối. Họ làm tất cả những điều ấy cốt để cho hai con người quyền cao chức trọng kia không thể quên rằng họ đã có mặt trong cái tang lớn của gia đình các anh và điều đó cũng có nghĩa là các anh sẽ không thể quên họ. Nhờ thế, người chết cũng được hưởng lây phước phần. Nhờ thế, đám tang cụ đồ Khang mới trở thành một đám tang to nhất, đông nhất trong vùng.
Người Việt Nam có câu: “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, có nghĩa là trong cuộc sống xã hội, con người ta tốt nhất là nên giỏi một nghề nào đấy hoặc là bản thân có được một chỗ đứng trong xã hội, hay nói cách khác là có danh vị trong xã hội. Nếp nghĩ ấy có từ thời cha ông xa xưa, và đến thời hiện đại, bị chi phối bởi sự phức tạp của nền kinh tế thị trường thì cái tư tưởng ấy vẫn không hề tỏ ra cổ xưa, ấu trĩ, trái lại, nó được thể hiện càng đa dạng, đa sắc màu hơn. Người ta cố gắng phấn đấu tạo được chỗ đứng cho mình trong xã hội. Người ta tìm đến danh vọng bằng nhiều cách, nhiều con đường khác nhau. Trước là để thoả ước nguyện, khát vọng của bản thân, sau là được đứng trên người khác, được người khác cậy nhờ. Quả thật vậy, như một điều mặc nhiên trong xã hội ta, khi có việc đến bất cứ cơ quan công sở nào thì không gì vui sướng hơn là gặp được người quen giúp đỡ. Gia đình nào có người làm lớn, con cháu sẽ được hứa hẹn một tiền đồ, một tương lai tương đối sáng sủa. Cũng không ít những công ty nhà nước mà khi bước chân vào người ta lầm tưởng là công ty gia đình bởi mối quan hệ dây mơ rễ má chằng chịt... Đấy là một thực trạng chung của xã hội. Trên thực tế, cái chức luôn liên quan đến cái quyền, cái chức thường quyết định cái lợi. Mà như đã nói, cái lợi ấy không chỉ gói gọn trong bản thân người có chức mà còn lợi lây sang gia đình, họ hàng, thậm chí có khi có cả những người xóm giềng thân thích.
Tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma đã tái hiện sinh động một thực trạng tương tự như thế. Hai chàng trai xóm Giếng Chùa vì sợ cảnh chết chóc của chiến tranh nên đào ngũ về địa phương, đã bị bí thư đảng uỷ xã người xóm Trại trừng trị riết róng bằng cách bắt ăn cơm nhà, làm việc công ích cho xã quanh năm suốt tháng. Không nhờ người cùng làng có chức vị trong tỉnh đội che chở, mách nước thì làm sao rửa được cái án đào ngũ và trả được mối thù với ông bí thư đảng uỷ người xóm nhập cư, bắt ông ta rớt chức xuống làm phó thường dân với số phiếu ít ỏi trong cuộc bầu cử khoá mới vì đã dám đắc tội với dân gốc làng này. Hay như nhân vật Vũ Đình Phúc, từ khi trúng chân chủ nhiệm cuộc sống gia đình Phúc khấm khá lên rất nhiều. Không những thế, Phúc còn đưa được mấy người anh em trong họ vào Đảng và giúp em trai, chị gái mua được gạch ngói làm nhà
với giá gần như là cho không, chỉ bằng một phần mười giá trị thực. Không những thế, làng trên xóm dưới, có chuyện gì cũng không ai dám đụng đến “dòng họ Vũ Đình”...
Thế đấy, nếu trong họ có người quyền cao chức trọng thì người thân sẽ không chỉ được hưởng những mối lợi về tinh thần mà còn được hưởng những quyền lợi thiết thực về vật chất. Chính vì thế nên ở các địa phương, đặc biệt là những vùng nông thôn, khi tầm nhìn của người dân mới chỉ dừng ở sau luỹ tre làng, khi mà người lãnh đạo có thể tự do làm mưa làm gió, hoàn toàn nắm quyền sinh quyền sát trong tay, tình trạng “say chức”, tranh quyền đoạt lợi vẫn thường diễn ra và diễn ra có phần khốc liệt. Người ta đấu đá nhau để giành các cương vị trong chính quyền, với mục đích vừa là để thoả mãn khát vọng của bản thân, vừa là để tạo ra quyền và lợi cho bản thân, gia đình và bà con thân tộc. Trịnh Bá Hoành, Vũ Đình Đại, Trịnh Bá Thủ, Vũ Đình Phúc, hai thế hệ nối tiếp nhau của hai dòng họ, là những con người bị cái tham vọng ấy cuốn vào vòng xoáy điên cuồng của cuộc chiến tranh giành quyền lực. Những con người này vừa là chủ thể gây lên cuộc chiến âm thầm và dai dẳng ấy, nhưng đồng thời họ cũng là nạn nhân. Trịnh Bá Hoành quyết “được ăn cả, ngã về không” để giành chức lí trưởng, cuối cùng chức không có, tài sản tiêu tán, chỉ còn lại một mối hận lớn trong lòng. Vũ Đình Đại thì đạt được chức nhưng ở trên vị trí ấy chẳng được bao lâu, để rồi sau đó, đấy lại là một trong những yếu tố khiến người ta kết tội ông là địa chủ bóc lột nhân dân. Trịnh Bá Thủ vì bảo vệ chức vị của mình mà không từ bỏ một thủ đoạn nào, thậm chí còn vô tình gây họa, giết chết cả người thân. Vũ Đình Phúc cũng vì danh vị mà mang tội bất hiếu chửi cha và suốt ngày phải lo lắng, suy nghĩ mánh khóe...
Dẫu vậy thì cái bả lợi danh vẫn vô cùng hấp dẫn, thu hút lòng ham muốn của con người. Trong cuộc sống, người ta luôn cố gắng tạo một vị trí cao trong xã hội cho bản thân, cho con em mình bằng nhiều cách. Trịnh Bá Hàm đã bỏ tiền ra vận động cho em là Trịnh Bá Thủ trúng bí thư xã để không ai còn dám coi thường dòng họ Trịnh Bá và cũng là để dòng họ ông có đủ uy lực triệt hạ dòng họ Vũ
Đình. Thủ lên làm bí thư xã lại dẫn theo Cao - cháu vợ anh vào ghế phó ban công an xã. Dựa vào quyền lực của mình, Thủ còn ra sức vận động cho Cao trúng hội đồng nhân dân xã, dẫu rằng trong mắt mọi người Cao vẫn chỉ là một kẻ thích diễu võ giương oai, thích phô trương, có tính học đòi lấc cấc. Nhờ Thủ mà Dinh, con ông Hàm, cháu gọi Thủ bằng chú, chưa hết hạn nghĩa vụ đã được ra quân để đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Cũng vì có Thủ ở trên cao nên những đứa cháu của anh như Ưởng, Ngạc mới dám hung hăng, hống hách, suốt ngày thích gây gổ đánh nhau với người khác... Cái kiểu ăn theo, dựa bóng ăn phần như thế này cũng được phản ánh trong tiểu thuyết Bến không chồng. Anh Đột đơm ràng chân đất mắt toét, một chữ bẻ đôi cũng không biết, nhưng nhờ tính chất nhiễu nhương của xã hội trong thời kì cải cách ruộng đất mà được bầu vào ghế chủ tịch xã. Cơ may của Đột cũng khiến em gái Đột, cô Tý Hin được “đổi đời”, được ngồi vào cái ghế chánh văn phòng của xã.
Có thể nói lối sống tình cảm, đoàn kết, quan hệ họ hàng khắng khít, gắn bó, luôn che chở, bảo bọc cho nhau là một nét đẹp trong văn hoá của người Việt. Nét văn hoá ấy đáng được giữ gìn, đáng tự hào và đáng được tôn vinh. Nhưng nếu sự đoàn kết gắn bó ấy được tôn vinh đế mức “muốn có một chân dù nhỏ, từ đội sản xuất trở lên, và ai muốn vào Đảng thì nếu không có họ hàng thân thích với những người đang nắm chính quyền, thì cũng phải là người được thu nạp vào trong vây cánh mới có điều kiện để phấn đấu” [52, tr.424] thì sẽ là tai hoạ. Nó là mầm mống nảy sinh các phe cánh trong chính quyền. Nó sẽ biến các quan hệ xã hội rạch ròi, khách quan thành quan hệ gia đình du di, cả nể... Và vì thế, nó kìm hãm sự phát triển của xã hội, tạo cơ hội cho người ta móc ngoặc tham ô... Thực tế là thế, bất cứ cái gì, kể cả những điều tốt, nếu quá đà sẽ ra tiêu cực. Ở các tiểu thuyết kể trên, thực tế ấy mới chỉ được thể hiện phần nào. Các tác giả qua tác phẩm của mình chỉ muốn phản ánh mối quan hệ họ hàng thân tộc nặng nề ở các làng quê. Nhưng cũng vì thế, những tiêu cực, những trì trệ của xã hội do những mối quan hệ đó gây ra được bộc lộ, bộc lộ một cách tự nhiên, không gượng ép, không che đậy.