Hạn chế và nguyên nhân

Một phần của tài liệu Phòng ngừa và hạn chế rủi ro tín dụng tại ngân hàng thương mại cổ phần các doanh nghiệp ngoài quốc doanh (VPBank) (Trang 63 - 66)

- A/O DN theo dõi thu gốc, lãi, phân tích, rủi ro theo từng đối tượng, khu vực khách hàng.

2.3.2. Hạn chế và nguyên nhân

- Mặc dù tỷ lệ nợ quá hạn của VPBank rất thấp và tất cả nợ quá hạn đều có tài sản đảm bảo, song chất lượng tín dụng của ngân hàng chưa thực sự cao, bởi việc xử lý nợ tồn đọng còn gặp nhiều khó khăn ở khâu xử lý tài sản đảm bảo. Nguyên nhân chính thuộc về phía khách hàng gây khó khăn cho cán bộ tín dụng trong khâu thanh lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ.

- Theo phân loại nợ theo quyết định 493, nợ dưới tiêu chuẩn tăng khá nhanh từ năm 2005 đến năm 2007 (Năm 2007, nợ quá hạn tăng gần gấp 4 lần năm 2005), nguyên nhân một phần thuộc về ý thức khách hàng, cố ý không trả nợ gốc và lãi đúng hạn, một phần thuộc về cán bộ tín dụng không quản lý sát sao khách hàng, không có thói quen thông báo cho khách hàng nợ gốc và lãi hàng tháng khách hàng phải trả, hoặc khi ngân hàng quyết định thay đổi lãi suất cho vay, cán bộ tín dụng không kịp thời thông báo tới khách hàng để khách hàng chuẩn bị. Do đó, có những khoản nợ khách hàng chậm trả dưới 5 ngày cũng được coi là nợ quá hạn.

- Tuy tỷ lệ Nợ quá hạn/ Tổng dư nợ từ năm 2005 đến năm 2007 có xu hưóng giảm, song, xét về số tuyệt đối, Nợ quá hạn năm 2007 gấp khoảng 3,5 lần so với năm 2005 là do một số nguyên nhân:

+) Trong thời gian qua mặc dù VPBank đã có rất nhiều các văn bản sửa đổi bổ sung hướng dẫn về việc kiểm tra sau vay của cán bộ tín dụng, trên thực tế cán bộ tín dụng của VPBank vẫn chưa nhận thức được đầy đủ sự cần thiết của công đoạn này. Các hình thức và phương pháp kiểm tra thường chỉ mang tính chiếu lệ bởi đây là công việc hết sức phức tạp và khó khăn, đòi hỏi phải có sự hợp tác rất lớn từ phía khách hàng. Trong giai đoạn xin vay vốn, khách hàng buộc phải xuất trình toàn bộ hồ sơ giấy tờ cần thiết chứng minh về tình hình tài chính của doanh nghiệp mình để được cho vay. Tuy nhiên sau khi ngân hàng đã giải ngân, việc yêu cầu khách hàng báo cáo về tình hình tài chính đôi khi rất khó khăn, khách hàng thường thực hiện không đầy đủ, số liệu không trung thực và kém hợp tác. Việc kiểm tra tình hình hoạt động thực tế của khách hàng cũng không phải là một việc dễ dàng, đòi hỏi nhiều thời gian, công sức và trong nhiều trường hợp nếu không có kỹ thuật viên chuyên môn thì cũng rất khó xác định. Hơn nữa hiện nay mỗi cán bộ tín dụng ở VPBank phải quản lý một lượng khách hàng tương đối lớn, đồng thời phải không ngừng tìm kiếm thêm khách hàng mới để cho vay, kết quả là việc kiểm tra sau cho vay chỉ mang tính chất tượng trưng và đối phó. Đây cũng là một điểm yếu cần khắc phục của VPBank trong thời gian tới.

+) Hệ thống công nghệ thông tin hiện nay của VPBank còn yếu kém. Đối với các doanh nghiệp trong thời đại hiện nay, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ và đầy tính xã hội như ngân hàng, hệ thống công nghệ thông tin đóng vai trò rất quan trọng, là cầu nối cho mọi hoạt động bên trong và bên ngoài ngân hàng. Vậy mà ở VPBank, ngân hàng vẫn đang trong nỗ lực bước đầu để tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn lực vô giá này. Sự liên kết thông tin mới chỉ dừng lại trong pham vi nội bộ chi nhánh, không có bất cứ sự liên kết thông tin nào giữa các chi nhánh với nhau, giữa các chi nhánh cấp 1, chi nhánh cấp 2 và hội sở chính. Việc một khách hàng

đến chi nhánh A bị từ chối cho vay nhưng lại được chấp nhận cho vay ở chi nhánh B là điều hoàn toàn có thể do không có nguồn thông tin liên kết giữa các chi nhánh. Việc này rõ ràng đã gây lãng phí chi phí và nguồn lực cho ngân hàng trong việc thẩm định 2 lần một khách hàng, hơn nữa lại làm tăng rủi ro tín dụng cho ngân hàng. Ngay cả hệ thống phần mềm xử lý trong chi nhánh cũng chưa đạt yêu cầu. Việc tính lãi cho khách hàng tuy có phần mềm hỗ trợ song hay gặp trục trặc và cán bộ tín dụng thường phải tính lại bằng tay. Việc chuyển nợ quá hạn, chuyển lãi cho khách hàng đôi khi bị nhầm lẫn, hầu hết các công đoạn đều được làm hết sức thủ công, chưa có hệ thống tự động in lãi, tính lãi, chuyển nợ quá hạn, thống kê.. hiệu quả.

- Ngoài ra còn một số nguyên nhân khách quan ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng của ngân hàng. Đó chính là những tác động từ môi trường kinh tế, chính sách vĩ mô, hệ thống luật pháp... Hiện nay, hành lang pháp lý của ta chưa được đồng bộ và đầy đủ, cần thời gian để hoàn thiện điều này gây cản trở lớn cho công tác hạn chế rủi ro tín dụng của ngân hàng.

Qua những phân tích trên có thể thấy được những kết quả rất đáng tự hào cũng như những vấn đề còn tồn tại trong quá trình quản trị rủi ro tín dụng tại VPBank. Vấn đề là làm thế nào để phát huy được những điểm mạnh, hạn chế những điểm yếu, vừa tạo điều kiện nâng cao tỷ lệ giải ngân giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, đầu tư phát triển kinh tế, vừa đảm bảo tăng trưởng dư nợ tín dụng lành mạnh đối với VPBank là một điều vô cùng quan trọng và có ý nghĩa trong thời điểm hiện nay.

Một phần của tài liệu Phòng ngừa và hạn chế rủi ro tín dụng tại ngân hàng thương mại cổ phần các doanh nghiệp ngoài quốc doanh (VPBank) (Trang 63 - 66)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(82 trang)
w