Mặt ưu điểm của việc giáo dục giá trị đạo đức truyền thống

Một phần của tài liệu Vấn đề giáo dục giá trị đạo đức truyền thống cho sinh viên Việt Nam hiện nay (qua thực tế một số trường đại học và cao đẳng ở thành phố Hà Nội) (Trang 61 - 64)

Giáo dục giá trị đạo đức truyền thống là một trong những nội dung cơ bản của giáo dục ở bậc đại học, cao đẳng của cả nước nói chung, thành phố Hà Nội nói riêng. Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến vấn đề giáo dục giá trị đạo đức truyền thống dân tộc cho toàn dân, đặc biệt là đối với sinh viên - một tầng lớp trí thức trẻ trong tương lai của đất nước. Điều đó đã tạo rất nhiều thuận lợi cho cho việc giáo dục đạo đức truyền thống dân tộc cho sinh viên. Trong xã hội, không khí dân chủ được mở ra, những tư tưởng cũ kỹ giáo điều đã dần được loại bỏ, thay vào đó là một chân trời nhận thức rộng lớn cho thế hệ trẻ. Chính sách mở cửa và sự tràn ngập các kênh thông tin cùng với chính sách kinh tế thị trường, khuyến khích mọi người hăng hái vươn lên thi đua làm giàu bằng lao động chân chính, tạo nên môi trường kinh tế - xã hội cho phép tuổi trẻ có thể vươn lên để khẳng định mình.

Trong tất cả các kỳ đại hội, Đảng ta luôn luôn quan tâm đến việc giáo dục truyền thống dân tộc cho thế hệ trẻ, xem đó là nhiệm vụ chiến lược có tính chất sống còn của đất nước. Đảng ta đã có Chỉ thị 34 về việc phát triển đảng viên trong trường học. Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII) Đảng ta khẳng định:

Đội ngũ trí thức Việt Nam giàu lòng yêu nước, đại bộ phận xuất thân từ nhân dân lao động, là tinh hoa của nền văn hóa nước nhà được Đảng, Nhà nước và nhân dân tôn trọng, tạo mọi điều kiện để cho anh chị em phát huy trí tuệ, tài năng phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân và chủ nghĩa xã hội, giữa vai trò cực kỳ quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa [10, tr. 12].

Những thành tựu mà chúng ta thu được trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa chính là chỗ: "Nhiều nét mới trong giá trị văn hóa và chuẩn mực đạo đức từng bước được hình thành. Tính năng động và tính tích cực công dân được phát huy, sở trường và năng lực cá nhân được khuyến khích. Không khí dân chủ trong xã hội tăng lên. Thế hệ trẻ tiếp thụ nhanh những kiến thức mới và có ý chí vươn lên lập thân, lập nghiệp, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc". Tại Đại hội IX, Đảng ta tiếp tục khẳng định: "Về giáo dục và đào tạo: tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học, hệ thống trường lớp và hệ thống quản lý giáo dục; thực hiện "chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa". Phát huy tinh thần độc lập suy nghĩ và sáng tạo của học sinh, sinh viên, đề cao năng lực tự học, tự hoàn thiện học vấn và tay nghề" [12, tr. 35].

Quán triệt tinh thần đó, các trường đại học và cao đẳng ở thành phố Hà Nội đã triển khai công tác này một cách tích cực. Thực tiễn cho thấy, hiện nay, cùng với những thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới mà đất nước ta đã đạt trong những năm qua, đặc biệt là 5 năm gần đây, đội ngũ thanh niên sinh viên, những người chủ nhân tương lai của đất nước, đã có sự trưởng thành đáng kể cả về chất và lượng. Hệ thống các trường đại học và cao đẳng ở Hà Nội đã có những bước phát triển mạnh mẽ về quy mô, đa dạng hóa các loại hình đào tạo; cơ hội học tập và phát triển của sinh viên ngày càng nhiều, do đó số lượng sinh viên cũng tăng nhanh đáng kể.

Công tác giáo dục những giá trị đạo đức truyền thống dân tộc cho sinh viên trong giai đoạn hiện nay có sự đóng góp của các chủ thể giáo dục. Các nhà trường, gia đình và các cơ quan, các tổ chức đoàn thể... đã có những phương pháp, mô hình giáo dục giá trị đạo đức truyền thống dân tộc mang lại hiệu quả cao. Những phong trào như: "Tuổi trẻ giữ nước", "Thanh niên lập nghiệp" do Đoàn thanh niên phát động được triển khai rộng khắp, đã được sự hưởng ứng nhiệt tình của sinh viên, thanh niên cả nước. Qua đó, nhiều sinh viên thanh niên đã ra sức phấn đấu và vươn lên để lập thân, lập nghiệp.

Những hoạt động giáo dục, tuyên truyền về những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc, truyền thống cách mạng của Đảng của Đoàn được triển khai và đã đem lại hiệu quả. Những loại hình tuyên truyền như: Tìm hiểu về truyền thống, về nguồn, gặp mặt truyền thống... Bên cạnh đó còn có những phong trào hành động của thanh niên mang ý nghĩa giáo dục truyền thống sâu sắc như: giúp đỡ và chăm sóc các bà mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình có công với cách mạng gặp cảnh neo đơn, những người già cả ốm đau không nơi nương tựa, các phong trào đền ơn đáp nghĩa, hiến máu nhân đạo, ngày thứ 7 tình nguyện, ngày chủ nhật xanh... thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn, một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam (xem phụ lục 2: Số liệu công tác Hội và phong trào sinh viên Hà Nội năm học 2003 - 2004).

Hưởng ứng 6 chương trình hành động của sinh viên Việt Nam giai đoạn 1998 - 2003 gồm: Giáo dục và rèn luyện sinh viên; sinh viên học tập, nghiên cứu khoa học công nghệ và phát triển tài năng; sinh viên tích cực rèn luyện thể lực, xây dựng đời sống văn hóa tinh thần phong phú, lành mạnh; sinh viên tham gia xây dựng môi trường giáo dục, tích cực phòng chống tệ nạn xã hội; sinh viên chung sức cùng cộng đồng và xây dựng Hội sinh viên Việt Nam. Hội sinh viên Hà Nội đã triển khai một cách tích cực và có hiệu quả khẩu hiệu: "Sinh viên Việt Nam rèn đức, luyện tài vì tương lai tươi sáng"... Nhìn chung, thanh niên, sinh viên đã tin tưởng, ủng hộ và hăng hái tham gia vào sự nghiệp đổi mới của đất nước, họ đã biến niềm tin ấy vào chính hoạt động thực tiễn của mình, mong muốn được cống hiến đóng góp hết sức mình vào sự nghiệp cách mạng của đất nước. Trong mỗi sinh viên lòng yêu nước, tự tôn dân tộc, ý chí quyết tâm đẩy lùi đói nghèo, tụt hậu, thực hiện dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh tiến bộ cũng được nâng cao hơn. Trong điều kiện mở cửa của đất nước như hiện nay, được giao lưu với nhiều luồng văn hóa, nghệ thuật từ bên ngoài, nhưng đa số sinh viên Việt Nam vẫn giữ gìn được lối sống giản dị lành mạnh, không để kẻ xấu kích

động lợi dụng gây mất ổn định chính trị - xã hội. Đó chính là những thành công, những ưu điểm của công tác giáo dục nói chung, công tác giáo dục đạo đức truyền thống cho sinh viên Việt Nam nói riêng trong những năm qua.

Một phần của tài liệu Vấn đề giáo dục giá trị đạo đức truyền thống cho sinh viên Việt Nam hiện nay (qua thực tế một số trường đại học và cao đẳng ở thành phố Hà Nội) (Trang 61 - 64)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(128 trang)
w