Đánh giá rủi ro là một mảng công việc quan trọng và khá phức tạp vì đòi hỏi nhiều thông tin trên các mặt khác nhau về hoạt động của Công ty khách hàng. Quá trình đánh giá rủi ro của Công ty được bắt đầu bằng việc đánh giá rủi ro chấp nhận hợp đồng, đặc biệt đối với khách hàng năm đầu tiên. Trong quá trình này, kiểm toán viên tiến hành tìm hiểu về lĩnh vực hoạt động của khách hàng, tình hình tài chính, các mối quan hệ với
các bên hữu quan, uy tín của khách hàng trên thương trường thông qua báo chí, kiểm toán viên khác... Thông thường việc đánh giá này được thực hiện bởi những người có kinh nghiệm, thường là trưởng phòng hoặc các Phó Giám đốc. Để đạt được hiệu quả cao trong công việc thì ngay từ việc đánh giá rủi ro chấp nhận hợp đồng, công tác quản lý và giám sát luôn được chú trọng.
Khi một khách hàng đã được chấp nhận, kiểm toán viên tiến hành đánh giá rủi ro kiểm toán. Công việc đánh giá rủi ro kiểm toán bao gồm việc đánh giá rủi ro các yếu tố cấu thành nên rủi ro kiểm toán. Công việc này thường được giao cho các kiểm toán viên lâu năm nhiều kinh nghiệm và có chuyên môn giỏi thực hiện vì việc đánh giá rủi ro kiểm toán phụ thuộc rất lớn vào khả năng xét đoán và sự nhạy cảm nghề nghiệp của kiểm toán viên.
Mặt khác, để nâng cao chất lượng dịch vụ kiểm toán Báo cáo tài chính, AASC đã xây dựng riêng cho mình tài liệu hướng dẫn tính trọng yếu trong kiểm toán Báo cáo tài chính. Đây có thể coi là một ưu điểm lớn của AASC trong việc vận dụng sáng tạo Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam đồng thời tạo ra một nét đặc thù riêng có của đơn vị mình trong việc xác định mức trọng yếu và rủi ro.
Bên cạnh đó, để chuẩn hoá các bước công việc của kiểm toán viên, AASC thiết kế mẫu phân tích hiệu lực của hệ thống kiểm soát nội bộ đối với số dư tài khoản, và loại nghiệp vụ theo từng cơ sở dẫn liệu trên Báo cáo tài chính. Mẫu phân tích này tổng hợp những thông tin kiểm toán viên thu thập được trong quá trình tìm hiểu hệ thống kiểm soát tác động đến số dư tài khoản và loại nghiệp vụ, làm cơ sở cho kiểm toán viên đánh giá rủi ro kiểm soát cho từng số dư tài khoản và loại nghiệp vụ. Đồng thời, nó cũng cho phép những người quan tâm hiểu được cơ sở xét đoán mức rủi ro kiểm soát mà kiểm toán viên đánh giá. Thiết kế này cũng làm giảm những bất đồng của Ban Giám đốc Công ty khách hàng với kiểm toán viên.
Tuy nhiên,việc đánh giá rủi ro kiểm soát mới chỉ được đánh giá chung cho từng khoản mục mà chưa đánh giá theo các cơ sở dẫn liệu đối với các khoản mục trọng yếu.