nguyên tắc hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự
Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định các nguyên tắc hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự là nhằm xác định những tư tưởng mang tính chỉ đạo cần quán triệt về mặt nhận thức và hành động trong quá trình thực hiện. Việc xác định một cách rõ ràng các nguyên tắc hợp tác không những tạo ra cơ sở pháp lý để thực hiện một
cách thống nhất những cam kết song phương và đa phương của Đảng, Nhà nước ta như Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02-01-2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới đã chỉ rõ: "Tổ chức thực hiện tốt các công ước quốc tế, hiệp định tương trợ tư pháp và các hiệp định phòng, chống tội phạm mà Nhà nước ta đã ký kết hoặc gia nhập", mà còn là một bước thể chế hóa đường lối đối ngoại "đa phương hóa, đa dạng hóa" trong thế chủ động của Đảng được xác định tại Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 khóa VII và tiếp tục được khẳng định tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng.
Điều 340 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định:
Hợp tác quốc tế trong hoạt động tố tụng hình sự giữa các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với các cơ quan có thẩm quyền tương ứng của nước ngoài được thực hiện trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc của nhau của nhau, bình đẳng cùng có lợi, phù hợp với Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và những nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế [9].
Điều 343 Bộ luật này còn quy định: "Căn cứ vào các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có thể..." [9].
Như vậy, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định bốn nguyên tắc hợp tác quốc tế trong hoạt động tố tụng hình sự: 1) nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, không can thiệp vào công việc của nhau, bình đẳng và cùng có lợi; 2) nguyên tắc phù hợp với Hiến pháp và các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế; 3) nguyên tắc phù hợp với các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập và quy định của pháp luật Việt Nam; 4) nguyên tắc có đi có lại.