Trong chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp của viện kiểm sát nhân dân có công tác kiểm sát thi hành án và tại điều 9 Pháp lệnh thi hành án năm 1993 cũng quy định “Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật của đương sự, cơ quan thi hành án, chấp hành viên...”. Có nghĩa giữa cơ quan thi hành án và kiểm sát viên tồn tại một quan hệ chặt chẽ. Bản án, quyết định của
tòa án có hiệu lực pháp luật phải được thi hành, và cơ quan thi hành án là người chịu trách nhiệm chính. Việc bản án, quyết định của tòa án được thi hành trên thực tế mới đảm bảo được tính giáo dục phòng ngừa đối với cộng đồng, mới khẳng định được sự nghiêm minh của pháp luật. Thời điểm án được thi hành cũng là thời điểm kiểm sát viên hoàn thành nhiệm vụ được giao đối với một vụ án cụ thể. Thực hiện công tác kiểm sát thi hành án kiểm sát viên có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành án đúng quy định, tự kiểm tra việc thi hành, trực tiếp kiểm sát việc thi hành án của cơ quan thi hành án cùng cấp và cấp dưới, quyền kháng nghị và yêu cầu khi có căn cứ đối với cơ quan thi hành án... Pháp luật hiện hành quy định cơ quan thi hành án không phải là cơ quan độc lập mà chịu sự quản lý nhà nước của cơ quan hành chính nhà nước, và sự quản lý về chuyên môn của Cục Thi hành án trực thuộc Bộ tư pháp, điều này đã ảnh hưởng không ít tới chất lượng thi hành án, vấn đề này sẽ được sửa đổi khi luật thi hành án ra đời. Khi cơ quan thi hành án là một cơ quan độc lập, mối quan hệ với kiểm sát viên sẽ có sự thay đổi.