Các quy định về tiêu chuẩn kiểm sát viên

Một phần của tài liệu Thực trạng và hướng hoàn thiện chế định kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân (Trang 27 - 30)

Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân là những cán bộ của ngành kiểm sát được bổ nhiệm theo quy định của pháp luật, có nhiệm vụ thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất, pháp chế xã hội chủ nghĩa được giữ vững.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, ngành kiểm sát được tổ chức theo nguyên tắc tập trung thống nhất lãnh đạo trong ngành, đứng đầu là Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao do Quốc hội bầu ra, chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội, trong thời gian Quốc hội không họp thì chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước ủy ban thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước. Nhưng Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao không thể tự mình thực hiện hết mọi quyền năng theo luật định mà phải thông qua hoạt động của các thành viên khác, đặc biệt là đội ngũ kiểm sát viên. Để thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các lĩnh vực hoạt động tư pháp, phát huy tính hiệu quả trong hoạt động, đòi hỏi các kiểm sát viên phải nắm vững pháp luật và kiến thức của nhiều ngành khoa học liên quan, không ngừng nâng cao hiểu biết về chính trị - xã hội và nhiệm vụ cách mạng trong từng giai đoạn. Công tác kiểm sát và thực hành quyền công tố là một nhiệm vụ chính trị, mọi hoạt động của

kiểm sát viên đều nhằm phục vụ nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược mà Đảng và Nhà nước định ra trong từng thời kỳ (từng giai đoạn Cách mạng). Vì lẽ đó, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ thôi chưa đủ, người kiểm sát viên phải có đạo đức chính trị, phải trung thành với Tổ quốc và chủ nghĩa xã hội, có ý thức pháp luật cao, đấu tranh không khoan nhượng với bất cứ hành vi vi phạm pháp luật nào. Kiểm sát viên phải là người “công minh, chính trực, khách quan, thận trọng” như lời Bác Hồ dạy. Là lực lượng chủ yếu của Viện kiểm sát nhân dân, những công dân được bổ nhiệm làm kiểm sát viên phải đáp ứng được các điều kiện, tiêu chuẩn theo pháp luật quy định, đó là những tiêu chuẩn chung và riêng đối với kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân.

* Về tiêu chuẩn chung

Luật Tổ chức viện kiểm sát nhân dân và Pháp lệnh kiểm sát viên 2002 quy định về tiêu chuẩn chung của kiểm sát viên như sau: “Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có phẩm chất, đạo đức tốt, liêm khiết và trung thực, có trình độ cử nhân luật, đã được đào tạo về nghiệp vụ kiểm sát, điều tra, có tinh thần kiên quyết bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, có thời gian làm công tác thực tiễn theo quy định của pháp luật, có sức khỏe để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao, thì có thể được bổ nhiệm làm kiểm sát viên”. (Điều 43 - Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2002 và điều 2 Pháp lệnh Kiểm sát viên 2002). Như vậy, tiêu chuẩn chung của người được tuyển chọn bổ nhiệm làm kiểm sát viên gồm có tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, thời gian công tác thực tiễn và sức khỏe đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ. Những tiêu chuẩn này được hướng dẫn cụ thể tại Thông tư liên tịch số 01/TTLT- VKSNDTC- BQP- BNV- UBTVQH. Tiêu chuẩn này đã được đề cập tới tại điều 53, Sắc lệnh số 13/SL ngày 26 tháng 01 năm 1946 với quy định: “Vào ngạch thẩm phán phải có đủ ba điều kiện chung: Có quốc tịch Việt Nam, không phân biệt đàn ông đàn bà; Có hạnh kiểm tốt; Chưa can án bao giờ”(theo sắc lệnh này thẩm phán gồm thẩm phán xét xử và thẩm phán buộc tội, thẩm phán buộc tội là người thực hiện chức

năng công tố), sau đó được cụ thể hơn trong luật Tổ chức viện kiểm sát 1981, 1992, Pháp lệnh kiểm sát viên năm 1993 và hiện nay là Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2002 và Pháp lệnh kiểm sát viên 2002.

* Tiêu chuẩn cụ thể đối với kiểm sát viên viện kiểm sát các cấp

Trên cơ sở tiêu chuẩn chung trên, Pháp lệnh về kiểm sát viên 2002 đã xác định tiêu chuẩn cụ thể của kiểm sát viên viện kiểm sát các cấp.

Đối với kiểm sát viên cấp huyện, phải đáp ứng tiêu chuẩn “công dân Việt Nam có đủ tiêu chuẩn trên, có trình độ cử nhân luật, có thời gian công tác pháp luật từ bốn năm trở lên, có năng lực thực hiện chức năng thực hành quyền công tố nhà nước và kiểm sát các hoạt động tư pháp thì có thể được bổ nhiệm làm kiểm sát viên cấp huyện” (Điều 18 pháp lệnh kiểm sát viên 2002)

Đối với kiểm sát viên cấp tỉnh, phải là “công dân Việt Nam có đủ điều kiện tiêu chuẩn theo điều 2 pháp lệnh, đã là kiểm sát viên cấp huyện ít nhất là 5 năm, có năng lực thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, (...) có khả năng hướng dẫn nghiệp vụ kiểm sát đối với kiểm sát viên cấp dưới, thì có thể được tuyển chọn bổ nhiệm làm kiểm sát viên viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh”, trường hợp do nhu cầu cán bộ của ngành, người có đủ tiêu chuẩn theo điều 2 và có thời gian làm công tác pháp luật từ 10 năm trở lên, có năng lực thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, có khả năng hướng dẫn nghiệp vụ kiểm sát đối với viện kiểm sát cấp dưới cũng có thể được tuyển chọn, bổ nhiệm làm kiểm sát viên cấp tỉnh. (Điều 19 Pháp lệnh kiểm sát viên 2002)

Đối với kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao, nguời được bổ nhiệm phải là người "có đủ tiêu chuẩn quy định tại điều 2 của Pháp lệnh và đã là kiểm sát viên nhân dân cấp tỉnh(...) ít nhất là 5 năm, có năng lực thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền Viện kiểm sát nhân dân tối cao,(...) có khả năng hướng dẫn nghiệp vụ kiểm sát đối với Viện kiểm sát cấp dưới"(Điều 20 - Pháp lệnh kiểm sát viên 2002)

Như vậy, điểm mới của Pháp lệnh kiểm sát viên 2002 so với pháp lệnh 1993 là có sự điều chỉnh về thời gian thực tế hoạt động của kiểm sát viên trước

khi bổ nhiệm. Đó là đối với kiểm sát viên cấp tỉnh, trước đây quy định phải có 6 năm công tác trong lĩnh vực pháp luật thì nay tăng lên 10 năm, kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao trước đây quy định phải có 8 năm công tác trong lĩnh vực pháp luật thì nay là 15 năm. Ngoài việc điều chỉnh về thời gian công tác thực tế, pháp lệnh kiểm sát viên năm 2002 còn bổ sung quy định: để trở thành kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, thì người đó phải đã từng là kiểm sát viên cấp huyện ít nhất 5 năm trở lên; để trở thành kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao thì phải là kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ít nhất 5 năm trở lên. Trong trường hợp cần thiết, có thể bổ nhiệm những người đủ thời gian làm kiểm sát viên cấp dưới trực tiếp theo quy định của pháp luật. Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo năng lực thực tiễn và quá trình phấn đấu rèn luyện đối với người được tuyển chọn, bổ nhiệm làm kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân các cấp.

Một phần của tài liệu Thực trạng và hướng hoàn thiện chế định kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân (Trang 27 - 30)