Khi tham gia quan hệ lao động, tiền lương là trung tâm thu hút sự quan tâm của người lao động và người sử dụng lao động. Bởi nó ảnh hưởng trực tiếp tới quyền và lợi ích của các bên, đồng thời xác định nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi tham gia quan hệ pháp luật lao động.
Trên thực tế, các tranh chấp phát sinh giữa người lao động và người sử dụng lao động phần lớn bắt nguồn từ tiền lương, bởi vì nó là sâu xa của mọi vấn đề khi quyền lợi của các bên bị xâm phạm. Có rất nhiều dạng vi phạm pháp luật về tiền lương, tuy nhiên trong phạm vi khoá luận này chỉ trình bày vi phạm pháp luật về tiền lương tối thiểu.
a. Xử lý vi phạm
Hiện nay ở nước ta, văn bản điều chỉnh vấn đề này là Nghị định số 113/2004/NĐ-CP ngày 16/04/2004 quy định xử phạt hành chính về hành vi vi phạm pháp luật lao động.
* Các dạng vi phạm pháp luật về tiền lương tối thiểu
Hiện nay, các hành vi vi phạm pháp luật về tiền lương tối thiểu ngày càng nhiều, tựu trung lại có hai dạng vi phạm pháp luật về tiền lương tối thiểu:
Thứ nhất, hành vi trả lương cho người lao động thấp hơn tiền lương tối thiểu do nhà nước quy định. Theo Điều 55 Bộ Luật lao động thì: “mức lương của người lao động không được thấp hơn mức lương tối thiểu do nhà nước quy định”. Mọi hành vi trả lương cho người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu về nguyên tắc đều bị coi là vi phạm pháp luật. Vấn đề đặt ra ở đây là phải xác định như thế nào là hành vi “trả lương cho người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu”. Bởi vì, có những trường hợp trên thực tế mặc dù mức trả lương cho người lao động thấp hơn lương tối thiểu nhưng lại không bị coi là vi phạm pháp luật. Chẳng hạn lao động A được trả lương 350.000 đồng/tháng với công việc là
nhân viên trực điện thoại theo giờ (làm việc 2 giờ vào buổi sáng các ngày 2,4,6 trong tuần). Mặc dù mức lương thực tế trả cho A thấp hơn mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định nhưng lại không bị coi là vi phạm pháp luật vì: Mức lương tối thiểu theo quy định của pháp luật được áp dụng trong điều kiện làm việc bình thường (8h một ngày). Trong ví dụ trên, thời gian làm việc của người lao động trong một ngày làm việc thấp hơn thời gian chuẩn nên mức lương người lao động được trả không thấp hơn mức lương tối thiểu, do đó không bị coi là vi phạm pháp luật về tiền lương tối thiểu.
Như vậy, khi xác định hành vi vi phạm pháp luật về tiền lương tối thiểu chúng ta không chỉ nhìn vào mức lương mà người lao động được hưởng mà phải trên cơ sở tính toán, chế độ lao động, định mức lao động, thời giờ làm việc...
Thứ hai, hành vi trả lương bằng lương tối thiểu cho người lao động làm công việc yêu cầu trình độ chuyên môn kỹ thuật đã qua đào tạo, hoặc điều kiện lao động không bình thường, hoặc cường độ lao động không nhẹ nhàng nhất. Đây là hành vi vi phạm phổ biến về tiền lương tối thiểu hiện nay, bởi người sử dụng lao động luôn biện minh rằng mình đã trả lương không thấp hơn mức lương tối thiểu do nhà nước quy định. Với loại hành vi vi phạm này, chỉ cần có một trong các hành vi trên đã bị coi là vi phạm pháp luật về tiền lương tối thiểu rồi mà không cần cả ba hành vi trên.
* Trách nhiệm pháp lý áp dụng khi vi phạm pháp luật về tiền lương tối thiểu.
Hiện nay ở Việt Nam có bốn loại chế tài áp dụng cho người có hành vi vi phạm pháp luật lao động là: Chế tài hành chính, dân sự, kỷ luật và hình sự. Tuy nhiên, với hành vi vi phạm pháp luật về tiền lương tối thiểu hiện nay chỉ mới áp dụng hai loại chế tài đó là chế tài hành chính và dân sự. Mặc dù theo quan điểm của Tổ chức lao động quốc tế, thì hành vi trả lương cho người lao động thấp hơn mức lương lương tối thiểu do Nhà nước quy định phải chịu các biện pháp chế tài, kể cả chế tài hình sự nếu cần thiết và nghiêm trọng. Nhưng
trong Bộ Luật hình sự năm 1999 chưa có một điều khoản nào quy định hành vi trả lương cho người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu là phạm tội. Đây cũng là vấn đề đáng lưu ý trong pháp luật nước ta, bởi có những hành vi vi phạm pháp luật về tiền lương tối thiểu nghiêm trọng làm ảnh hưởg tới trật tự trị an xã hội. Như vậy nên chăng có quy định chế tài hình sự cho loại tội phạm mới này. Còn chế tài kỷ luật hiện nay cũng không dược áp dụng trên thực tế bởi vì ở khu vực Nhà nước hầu như không có vi phạm pháp luật về tiền lương tối thiểu.
Về trách nhiệm hành chính, trước kia được quy định trong Nghị định số 38/CP ngày 25/06/1996 xử phạt hành chính về hành vi vi phạm pháp luật lao động. Theo đó, mức phạt tiền là: 3.000.000 đồng đối với một hành vi vi phạm pháp luật về tiền lương tối thiểu đã nêu trên.
Nghị định số 38/CP đã tạo ra cơ sở pháp lý để phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về tiền lương tối thiểu, góp phần ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm. Tuy nhiên, việc quy định mức phạt tiền 3.000.000 đồng chung đối với các hành vi vi phạm pháp luật về tiền lương tối thiểu là chưa hợp lý, bởi có nhiều dạng vi phạm khác nhau với tính chất, mức độ không giống nhau.
Năm 2002, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật lao động và Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2003 có quy định về xử lý vi phạm trong vấn đề tiền lương. Mặt khác, các hành vi vi phạm pháp luật ngày càng tăng về số lượng và mức độ nghiêm trọng, thậm chí còn xuất hiện các dạng vi phạm mới mà pháp luật trước đó chưa dự liệu điều chỉnh hết. Những quy định của Nghị định số 38/CP trước tình hình mới đã trở nên lỗi thời, nảy sinh nhiều mâu thẫn, đòi hỏi phải có sự thay đổi để phù hợp với tình hình mới. Do đó, ngày 16/04/2004 Chính phủ ra Nghị định số 113/2004/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính về hành vi vi phạm pháp luật lao động để thay thế. Đồng thời năm 2006 Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật lao động, đã hoàn thiện hơn các chế tài xử lý khi vi phạm pháp luật về tiền lương tối thiểu.
Hiện nay mức xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm pháp luật về lương tối thiểu từ 1.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng tuỳ thuộc vào mức độ vi phạm của người sử dụng lao động. Ngoài ra, nghị định còn quy định biện pháp khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây nên là buộc người sử dụng lao động phải bồi thường những thiệt hại cho người lao động.
Ngoài trách nhiệm hành chính, người sử dụng lao động có thể phải bồi thường thiệt hại cho người lao động khi có hành vi vi phạm pháp luật về tiền lương tối thiểu. Theo nguyên tắc bồi thường thiệt hại phải đầy đủ, kịp thời, không chỉ với các thiệt hại trực tiếp mà cả thiệt hại gián tiếp. Do đó, người sử dụng lao động, ngoài việc phải bồi hoàn số tiền lương đã trả thiếu cho người lao động mà đáng ra họ được hưởng, còn phải bồi thường thiệt hại do hành vi trả lương thiếu gây ra làm ảnh hưởng tới cuộc sống cả về vật chất lẫn tinh thần của họ. Việc tính toán bồi thường thiệt hại phải trên cơ sở thực tế và tính đúng, tính đủ các thiệt hại trong thực tế. Để đảm bảo người lao động có thể sử dụng tiền bồi thường đó để bù đắp những thiệt hại về vật chất lẫn tinh thần và khắc phục những khó khăn do hành vi vi phạm gây ra.
b. Tranh chấp về tiền lương tối thiểu và giải quyết tranh chấp về tiền lương tối thiểu
Tranh chấp lao động về tiền lương tối thiểu hiện nay có hai loại, đó là tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động và tranh chấp tập thể giữa tập thể người lao động và người sử dụng lao động.
Hiện nay ở nước ta, tranh chấp về tiền lương tối thiểu chủ yếu xảy ra bởi những nguyên nhân sau: Một là, người sử dụng lao động trả lương cho người lao động thấp hơn so với mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định. Hai là, sau khi đấu tranh, người sử dụng lao động đã đồng ý trả lương cho người lao động đủ do với lương tối thiểu do Nhà nước quy định nhưng để làm được điều đó lại cắt giảm các khoản phụ cấp mà trước đó có quy định trong hợp đồng lao động vẫn còn hiệu lực. Ba là, dưới sự tác động của các quy luật của nền kinh tế thị trường, tiền lương thực tế của người lao động bị giảm sút, trong khi đó Nhà
nước chưa kịp điều chỉnh tăng tiền lương tối thiểu nên người lao động thường đòi tăng lương để đảm bảo tiền lương thực tế nhưng người sử dụng lao động không đồng ý, gây ra phản ứng từ phía người lao động.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam thì trong quá trình giải quyết tranh chấp về tiền lương tối thiểu, các bên có thể tiến hành thương lượng bất cứ lúc nào để giải quyết tranh chấp. Mặc dù đây là thủ tục không mang tính bắt buộc và có ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết tranh chấp. Tuỳ thuộc vào loại tranh chấp mà có cách giải quyết theo các thủ tục khác nhau:
Thứ nhất, đối với tranh chấp lao động cá nhân về tiền lương tối thiểu, trước hết phải được tiến hành hoà giải ở Hội đồng hoà giải lao động cơ sở hoặc hoà giải viên lao động thông qua phiên họp hoà giải. Nếu hai bên hoà giải thành, thì lập biên bản hoà giải thành và các bên có nghĩa vụ thực hiện. Nếu hoà giải không thành hoặc một bên tranh chấp vắng mặt đến lần thứ hai theo giấy triệu tập hợp lệ mà không có lý do chính đáng thì mỗi bên có quyền yêu cầu toà án nhân dân giải quyết tranh chấp.
Ngoài ra, theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 166 Bộ Luật lao động đã được sửa đổi, bổ sung thì trong trường hợp tranh chấp bồi thường thiệt hại về tiền lương tối thiểu khi chấm dứt hợp đồng lao động thì toà án nhân dân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp mà không nhất thiết phải qua hoà giải ở cơ sở.
Thứ hai, đối với tranh chấp lao động tập thể về tiền lương tối thiểu được giải quyết như sau: khi có tranh chấp, Hội đồng hoà giải lao động cấp cơ sở hoặc hoà giải viên lao động tiến hành hoà giải thông qua phiên họp hoà giải. Nếu hoà giải thành thì lập biên bản hoà giải thành và các bên phải có nghĩa vụ thực hiện các thoả thuận ghi trong đó. Trong trường hợp hoà giải không thành thì lập biên bản hoà giải không thành và mỗi bên đều có quyền yêu cầu Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện giải quyết (nếu tranh chấp tập thể về quyền). Trường hợp các bên không đồng ý với cách giải quyết của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện thì tập thể lao động có thể yêu cầu Toà án nhân dân cấp tỉnh giải quyết hoặc đình công. Đối với tranh chấp lao động tập thể về lợi ích, thì các bên có quyền yêu cầu hội đồng trọng tài lao động cấp tỉnh giải quyết.
Trường hợp không đồng ý với phương án hoà giải của hội đồng trọng tài lao động thì tập thể lao động có quyền đình công.
Chương 3
Thực tiễn thực hiện và một số kiến nghị nhằm hoàn thiện tiền lương tối thiểu ở Việt Nam
3.1. Thực tiễn thực hiện tiền lương tối thiểu ở Việt Nam 3.1.1. Hiệu quả đạt được
Mức lương tối thiểu hiện nay mà Nhà nước quy định đã cơ bản đáp ứng được mục tiêu đặt ra của tiền lương tối thiểu là nhằm đảm bảo tái sản xuất giản đơn và một phần tái sản xuất sức lao động mở rộng, bảo vệ quyền lợi của người lao động trong nền kinh tế thị trường, đặc biệt là bảo vệ người lao động không có trình độ tay nghề hoặc những lao động trong các ngành, nghề có cung - cầu lao động bất lợi trong thị trường. Các mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định có tác động ổn định mức sống cho người lao động ở mức tối thiểu, là một trong các biện pháp ngăn cản sự nghèo đói dưới mức cho phép. Để đạt được điều đó là do phương pháp xác định mức lương tối thiểu được tiếp cận có căn cứ khoa học và tổng hợp hơn, sát với thực tế đời sống phù hợp với khả năng kinh tế và trên các cơ sở khách quan, toàn diện có tính tới giá trị thực tế của đồng lương.
Đối với người lao động, mục đích của việc tham gia vào quan hệ lao động là tiền lương thực tế chứ không phải tiền lương danh nghĩa vì tiền lương thực tế quyết định khả năng tái sản xuất sức lao động và quyết định trực tiếp tới lợi ích của họ. Khi nền kinh tế lạm phát, giá cả hàng hoá tăng làm giảm sút tiền lương thực tế, Nhà nước đã kịp thời trực tiếp can thiệp bằng các chính sách cụ thể để bảo hộ mức lương thực tế cho người lao động bằng cách điều chỉnh mức lương tối thiểu. Cho nên thời gian qua mặc dù giá cả thị trường liên tục leo thang nhưng Nhà nước đã kịp thời can thiệp, điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu để đảm bảo sức mua của đồng lương thực tế.
Mức lương tối thiểu do Nhà nước công bố được áp dụng chung cho cả khu vực Nhà nước và ngoài quốc doanh, và khu vực từng vùng, đảm bảo tính thống nhất, tạo môi trường thuận lợi để thu hút lao động, điều chỉnh, cân đối lực lượng lao động, thực hiện chính sách phân phối lao động và thu hút vốn đầu tư. Đồng thời, tạo ra sự bình đẳng cho người lao động giữa khu vực Nhà nước, khu vực ngoài quốc doanh, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, và giữa các vùng với nhau.
Việc Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp có thể tuỳ vào khả năng của doanh nghiệp để quy định mức lương tối thiểu riêng miễn là cao hơn mức do Nhà nước quy định là có lợi cho người lao động và trên thực tế có nhiều doanh nghiệp, nhiều ngành làm được điều đó.
Việc Nhà nước quy định mức tiền lương tối thiểu riêng áp dụng cho khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đã thực sự bảo vệ được người lao động trước sức ép của công việc và tránh khỏi tình trạng bị bóc lột sức lao động. Đặc biệt, ở khu vực này, Nhà nước đã quy định mức lương tối thiểu theo vùng, đã đảm bảo sức mua của mức lương tối thiểu tại các vùng có yếu tố tự nhiên, kinh tế khác nhau, góp phần điều tiết cung- cầu lao động giữa các vùng, nâng cao hiệu quả sử dụng lao động, tạo ra dòng di chuyển lao động và dân cư hợp lý giữa các vùng, đồng thời tạo ra môi trường thuận lợi để thu hút vốn đầu tư.
Nhà nước quy định tiền lương tối thiểu vùng đã đáp ứng được nhu cầu chi tiêu tối thiểu cho người lao động và gia đình họ phù hợp với mức sống tối thiểu ở vùng họ sinh sống. Đó là một chính sách rất thực tế, tạo điều kiện cân đối được kinh tế giữa các vùng, miền khác nhau.
Về vấn đề vi phạm và xử lý vi phạm pháp luật về tiền lương tối thiểu đã có những quy định hợp lý. Đặc biệt là việc quy định cụ thể các mức phạt với