XỬ LÝ VI PHẠM PHÁP LUẬT VỀ

Một phần của tài liệu Thực tiễn áp dụng các quy định pháp luật về quản lý CTNH ở Việt Nam (Trang 38)

Để các quy định pháp luật về quản lý CTNH được đưa vào áp dụng triệt để trên thực tế và thực hiện toàn diện trên phạm vi cả nước, rất cần đến những yếu tố: Sự quản lý Nhà nước, ý thức trách nhiệm của các chủ thể liên quan trực tiếp đến quản lý CTNH và những yếu tố khác. Trong đó, sự nhận thức về vai trò trách

nhiệm và ý thức tự giác thực hiện của các chủ thể liên quan trực tiếp đến quản lý CTNH là yếu tố cơ bản và quan trọng nhất. Do đó, chúng ta đã không ngừng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức tự giác, phổ biến kiến thức về quản lý CTNH cho mọi chủ thể trong xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn xảy ra quá nhiều hành vi vi phạm pháp luật quản lý CTNH bởi rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Vì vậy, bên cạnh việc đẩy mạnh các công tác xã hội như tuyên truyền, vận động…, Nhà nước còn đặt ra một hệ thống các chế tài xử lý những hành vi vi phạm trên nhằm mục đích đưa hoạt động quản lý CTNH vào khuôn khổ nhất định, bao gồm các chế tài dân sự, hình sự, hành chính. Theo đó, bất cứ chủ thể nào vi phạm quy định pháp luật về quản lý CTNH sẽ phải chịu trách nhiệm tương ứng.

* Trách nhiệm hành chính

Hiện nay, những quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đã được quy định tại Nghị định số 81/2006/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 09/08/2006. Theo đó, trách nhiệm đối với hành vi vi phạm pháp luật quản lý CTNH được quy định trong nhiều điều luật khác nhau như:

i) Hành vi xả nước thải có chứa CTNH vượt tiêu chuẩn nằm rải rác từ Khoản 14 đến Khoản 25 Điều 10 của Nghị định với mức tiền phạt từ 19.000.000 đồng đến 55.000.000 đồng.

ii) Hành vi vi phạm quy định về thải khí, bụi (Điều 11); Vi phạm các quy định về thải chất thải rắn (Điều 14); Vi phạm các quy định về quản lý, vận chuyển và xử lý chất thải (Điều 15) với mức tiền phạt được quy định từ 5.000.000 đồng đến 37.000.000 đồng.

iii) Hành vi vi phạm quy định về ô nhiễm đất (Điều 21); Vi phạm quy định về ô nhiễm môi trường nước (Điều 22); Vi phạm quy định về ô nhiễm không khí (Điều 23); Vi phạm về khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư, khu bảo tồn thiên nhiên (Đ24) với mức tiền xử phạt được áp dụng là từ 20.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng.

Ngoài chế tài phạt tiền, trong các điều luật trên còn kèm theo hình thức phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả như: tước giấy phép môi trường, tạm thời đình chỉ hoạt động, buộc khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra…

Có thể nói, vi phạm hành chính là dạng vi phạm khá phổ biến trong lĩnh vực môi trường nói chung và quản lý CTNH nói riêng. Trong thời gian qua, các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam đã phát hiện và xử lý khá nhiều hành vi vi phạm thuộc dạng này. Chẳng hạn như: Ngày 15/08/2007, Cục Cảnh sát môi trường phát hiện hơn 70 bao tải chất thải y tế nguy hại chưa được khử trùng của bệnh viện Việt Đức được bán ra ngoài. Khi điều tra, Thanh tra Cục Bảo vệ môi trường còn phát hiện bệnh viện này chưa đăng ký chủ nguồn sở hữu CTNH với cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường [30]. Như vậy, bệnh viện Việt Đức đã có 2 hành vi vi phạm: Hành vi không lập hồ sơ đăng ký có phát sinh CTNH; Hành vi vận chuyển, xử lý CTNH không đúng quy định. Căn cứ vào các quy định pháp luật về lĩnh vực này, Thanh tra Cục Bảo vệ môi trường quyết định xử phạt hành chính bệnh viện Việt Đức 20 triệu đồng, trong đó:

- Hành vi không lập hồ sơ đăng ký có phát sinh CTNH vi phạm Khoản 4 Điều 15 (phạt tiền từ 10 triệu đến 15 triệu đồng đối với hành vi không lập hồ sơ, đăng ký có phát sinh CTNH đối với trường hợp phải lập hồ sơ, đăng ký với cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh), bị xử phạt 12,5 triệu đồng.

- Hành vi vận chuyển và xử lý CTNH không đúng quy định vi phạm Khoản 3 Điều 15 (phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi quản lý, vận chuyển và xử lý CTNH hoặc có chứa chất phóng xạ không đúng quy định về bảo vệ môi trường), bị xử phạt 7,5 triệu đồng.

Quản lý CTNH là một lĩnh vực vô cùng phức tạp, bao gồm nhiều công đoạn. Theo đó, các hành vi vi phạm pháp luật quản lý CTNH cũng rất đa dạng và có nhiều mức độ khác nhau. Trong khi đó, các chế tài xử phạt hành chính thường chỉ mang tính chất răn đe, cảnh cáo nhằm mục đích định hướng xử sự đúng đắn cho các chủ thể và áp dụng đối với những vi phạm chưa thật sự nghiêm trọng. Vì vậy, bên cạnh việc ban hành chế tài xử phạt hành chính, nhà nước ta còn ban hành một

loạt các quy định về trách nhiệm hình sự, dân sự đối với các hành vi vi phạm lĩnh vực này.

* Trách nhiệm hình sự

Bộ Luật Hình sự năm 1999 tuy không có những quy định riêng biệt về trách nhiệm hình sự đối với các hành vi vi phạm pháp luật quản lý CTNH, nhưng đã dành hẳn chương XVII để quy định trách nhiệm đối với hành vi vi phạm pháp luật môi trường. Với 10 điều luật quy định từ Điều 182 đến Điều 191, Bộ Luật Hình sự đã liệt kê ra hàng loạt tội danh có liên quan đến quản lý CTNH như: Tội gây ô nhiễm nguồn nước, gây ô nhiễm đất, tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người, tội gây ô nhiễm không khí… trong đó quy định nhiều khung hình phạt khác nhau tương ứng với mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm.

Ví dụ: Một chủ dự án đầu tư của nước ngoài xây dựng nhà máy lớn bên bờ sông Thị Vải. Họ cam kết sẽ có biện pháp để không gây ra ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, nhà máy đã đi vào hoạt động từ nhiều năm nay, nhưng nước thải không được xử lý đã đổ thẳng xuống sông Thị Vải làm ô nhiễm con sông này [30]. Dù đã bị xử phạt hành chính nhưng chủ dự án vẫn cố tình không thực hiện các biện pháp khắc phục của cơ quan có thẩm quyền, gây hậu quả nghiêm trọng. Căn cứ Khoản 1 Điều 183 (Tội gây ô nhiễm nguồn nước), chủ dự án đầu tư có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

* Trách nhiệm dân sự

Cũng giống như những quy định trong Bộ Luật Hình sự 1999, Bộ Luật Dân sự 2005 không có những quy định cụ thể về trách nhiệm dân sự đối với hành vi vi phạm quản lý CTNH. Tuy nhiên, bộ luật đã dành ra một số điều để quy định về chế tài dân sự đối với hành vi vi phạm môi trường. Ví dụ: Điều 270 quy định về nghĩa vụ của chủ sở hữu trong việc thoát nước thải; Điều 624 quy định về bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường. Theo đó, các cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác làm ô nhiễm môi trường gây thiệt hại thì phải bồi thường theo

quy định của pháp luật, kể cả trường hợp người gây ô nhiễm không có lỗi. Như vậy, không phụ thuộc vào việc người gây ô nhiễm môi trường có lỗi hay không, trong mọi trường hợp chủ thể đó đều phải có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại.

Tóm lại, quản lý CTNH là một lĩnh vực khá mới mẻ ở Việt Nam và mới chỉ được chú trọng trong những năm gần đây, nhưng chúng ta không thể phủ nhận được sự nỗ lực hết mình và vai trò to lớn của Nhà nước đối với hoạt động này. Điều đó được thể hiện ở hàng loạt các văn bản luật, dưới luật đã được ban hành để đáp ứng nhu cầu của thực tiễn quản lý CTNH. Không chỉ dừng lại ở đó, các văn bản này từng bước được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình mới. Tuy còn nhiều bất cập, song sự ra đời của các văn bản pháp luật đó đã đáp ứng được phần nào nguyện vọng của cộng đồng, góp phần vào quá trình giải quyết những áp lực nặng nề từ môi trường. Nghiên cứu diễn biến thực tế của môi trường, học hỏi kinh nghiệm quản lý CTNH của các nước trên thế giới để xây dựng và hoàn thiện pháp luật trong nước là một công việc vô cùng khó khăn và nhiều thử thách. Tuy nhiên, quá trình thực thi những văn bản pháp luật đó trên thực tế cũng là một vấn đề không kém phần nan giải. Muốn biết rằng hệ thống pháp luật đó có đầy đủ và đáp ứng được nhu cầu xã hội hay không, cần nhìn vào kết quả của quá trình thực thi chúng trên thực tế. Do đó, để triển khai thực hiện hiệu quả công tác quản lý CTNH, cần nhìn nhận đúng kết quả áp dụng những quy định pháp luật về lĩnh vực này trong thời gian vừa qua, những thành tựu đạt được và những vấn đề còn tồn tại để từ đó đúc rút được kinh nghiệm và đưa ra được những giải pháp xây dựng pháp luật theo hướng hoàn thiện hơn.

CHƯƠNG III

THỰC TIỄN ÁP DỤNG CÁC QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ QUẢN LÝ CTNH Ở VIỆT NAM VÀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN 3.1. Thực tiễn áp dụng các quy định pháp luật quản lý CTNH ở Việt Nam

3.1.1. Những kết quả đã đạt được

Trong khoảng gần 10 năm thực hiện quy chế quản lý CTNH ban hành kèm theo Quyết định 155/1999/QĐ–TTg đến nay chúng ta đã đạt được khá nhiều kết quả khả quan trong công tác quản lý CTNH. Đặc biệt, từ thời điểm Luật Bảo vệ môi trường (2005) và Thông tư số 12/2006/TT–BTNMT hướng dẫn điều kiện hành nghề, thủ tục lập hồ sơ, đăng ký cấp phép hành nghề, mã số quản lý CTNH có hiệu lực thì hoạt động này ngày càng được chú trọng thực hiện. Cùng với sự hỗ trợ từ phía Nhà nước, công tác quản lý CTNH ở Việt Nam đã đạt được những thành tựu sau:

Thứ nhất, xây dựng và từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về quản lý CTNH.

Tính đến thời điểm hiện tại, chúng ta đã có một số lượng văn bản pháp lý không nhỏ quy định về vấn đề này như: Luật Bảo vệ môi trường (2005): Quyết định số 23/2006/QĐ-TTg về việc ban hành danh mục CTNH; Thông tư số 12/2006/TT-BTNMT hướng dẫn điều kiện hành nghề, thủ tục lập hồ sơ, đăng ký, cấp phép hành nghề, mã số quản lý CTNH…

Không chỉ dừng lại ở đó, thời gian qua đã có khá nhiều văn bản pháp luật của các Bộ (ngoài BTNMT) quy định về những vấn đề liên quan đến quản lý CTNH được ban hành như: Ngày 22/10/1999, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ký Quyết định số 29/1999/QĐ–BXD về việc ban hành quy chế bảo vệ môi trường ngành xây dựng; Ngày 30/11/2007, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 43/QĐ– BYT về việc ban hành quy chế quản lý chất thải y tế…

Ngoài ra, Việt Nam cũng đã tham gia vào một số Công ước quốc tế về quản lý CTNH như: Công ước Marpol (Việt Nam ký ngày 29/08/91); Công ước Basel (Việt Nam phê chuẩn ngày 13/05/1995); Đặc biệt, vừa qua Thủ tướng Chính phủ

đã ra Quyết định số 47/2007/QĐ–TTg về việc phê duyệt kế hoạch tổ chức thực hiện Nghị định thư Kyoto thuộc công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu giai đoạn 2007 – 2010.

Thứ hai, Thực hiện tốt việc phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong việc kiểm tra, đôn đốc và giám sát việc thực hiện pháp luật quản lý CTNH ở các cơ sở; tiến hành thanh tra, phát hiện và xử lý kịp thời nhiều hành vi vi phạm lĩnh vực này, trước khi hành vi đó để lại hậu quả cho môi trường và sức khỏe con người.

Thứ ba, tranh thủ được nhiều nguồn vốn trong và ngoài nước để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho công tác quản lý CTNH. Do hoạt động quản lý CTNH cần rất nhiều vốn nên chúng ta không thể không cần có sự hỗ trợ vốn từ nước ngoài. Trong thời gian vừa qua, nước ta đã thu được nguồn vốn đầu tư đáng kể từ nước ngoài. Chẳng hạn như: Nhật Bản đã quyết định viện trợ hơn 18 triệu USD cung cấp nước sạch cho 3 tỉnh Tây Nguyên; Ngày 24/04/2007 vừa qua, Chính phủ Thụy Điển đã cam kết viện trợ 6,4 triệu USD cho các chương trình hoạt động của ủy hội sông Mê Kông (MRC) trong 3 năm, tính từ năm 2007… [30].

Thứ tư, tổ chức được các cuộc hội thảo về quản lý CTNH để đúc rút kinh nghiệm cho các địa phương, doanh nghiệp liên quan đến vấn đề này. Chẳng hạn: Cuộc hội thảo khoa học quản lý và xử lý chất thải rắn nguy hại ngày 09/06/2004 diễn ra tại Hà Nội. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức về CTNH cho quần chúng để họ hiểu một cách đúng đắn và đầy đủ nhất về tác hại của CTNH, qua đó sẽ có ý thức hơn trong việc quản lý CTNH.

Thứ năm, cơ sở vật chất cho công tác quản lý CTNH ngày càng được chú trọng đầu tư. Tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã bắt tay vào xây dựng các nhà máy xử lý CTNH hoặc tổ chức phân loại chất thải ngay tại nguồn. Ví dụ như: Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định mở rộng việc thí điểm phân loại rác từ nguồn ra 5 quận, huyện bao gồm: Quận 1, 4 ,5, 10, Củ Chi, thay vì chỉ thí điểm tại Quận 6 như năm 2007; Công ty cổ phần Long Hậu đã đầu tư 30 tỷ đồng xây

dựng nhà máy xử lý nước thải phục vụ cho khu công nghiệp Long Hậu, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An với công suất 5000m3/ngày.

Tại nhiều địa phương đã bắt đầu chú ý đến việc quản lý chất thải y tế tại các bệnh viện tuyến Huyện. Điển hình là Hải Dương với hầu hết các bệnh viện tuyến huyện đều có hệ thống xử lý nước thải y tế. Trong tháng 01/2008, Hải Dương sẽ nghiệm thu và đưa vào sử dụng hệ thống nước thải của 05 bệnh viện tuyến Huyện bao gồm: Chí Linh, Kinh Môn, Thanh Hà, Bình Giang và thành phố Hải Dương. Đây là kết quả của dự án “Áp dụng kỹ thuật tiến bộ xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại bệnh viện tuyến Huyện trong Tỉnh”. Qua đó, Hải Dương nâng tổng số lên 10 bệnh viện tuyến huyện đều có hệ thống xử lý nước thải. Nguồn nước thải của bệnh viện đã được thu gom và xử lý bằng công nghệ sinh học. Chất bẩn trong nước thải được các vi khuẩn yếm khí hoạt động phân hủy và được lọc qua lớp vật liệu lọc tạo thành nước trong. Nước thải trước khi đổ ra ngoài môi trường vào hệ thống tiêu thoát chung của bệnh viện đều được khử bằng Cloramin B [30]

Thứ sáu, Công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ quản lý CTNH cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý CTNH tại các bộ, ngành, địa phương cũng như tại các cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển, tồn trữ, xử lý, tiêu hủy CTNH được chú trọng thực hiện. Chúng ta đã tổ chức hướng dẫn việc cấp sổ đăng ký chủ nguồn thải và giấy phép quản lý CTNH theo thẩm quyền; thực hiện tốt cơ chế “một cửa” để đẩy nhanh tiến trình quản lý CTNH, tiết kiệm được khá nhiều chi phí và thời gian cho các chủ thể có liên quan.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, quá trình triển khai thực hiện quản lý CTNH đã phát sinh ra khá nhiều vấn đề bất cập cần phải khắc phục kịp thời.

3.1.2. Những vấn đề còn tồn tại

Quá trình triển khai áp dụng quy định pháp luật về quản lý CTNH trên thực tế đã bộc lộ không ít hạn chế mà chúng ta không thể không nhìn nhận.

Một phần của tài liệu Thực tiễn áp dụng các quy định pháp luật về quản lý CTNH ở Việt Nam (Trang 38)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(70 trang)
w