Thứ nhất, hoạt động quản lý CTNH nếu được thực hiện đồng bộ và hiệu quả sẽ là chìa khóa để tháo gỡ thách thức do môi trường đang đặt ra với nhân
loại. Do đó cần phải có những quy định pháp luật hoàn thiện để kiểm soát quá trình quản lý CTNH nói riêng và qua đó thực hiện được mục tiêu bảo vệ môi trường.
Thứ hai, khi những tác hại do CTNH gây ra đối với sức khỏe con người được kiểm soát và loại bỏ, con người sẽ không phải đứng trước nguy cơ bị đe dọa sức khỏe và tính mạng từng ngày, từng giờ bởi những căn bệnh hiểm nghèo từ CTNH.
Thứ ba, phát triển bền vững là phạm trù được hình thành do nhu cầu của bảo vệ môi trường [25, tr. 15]. Khái niệm “phát triển bền vững” đã được nêu rõ tại tuyên bố Riodejaneiro: “Để thực hiện được sự phát triển bền vững, bảo vệ môi trường nhất thiết sẽ là bộ phận cấu thành của quá trình phát triển và không thể xem xét tách rời quá trình đó”. Nhà nước ta đã có quan điểm thống nhất về khái niệm này tại Khoản 4 Điều 1 Luật Bảo vệ môi trường 2005: “Phát triển bền vững là phát triển đáp ứng được nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu đó của thế hệ tương lai trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, đảm bảo tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường”. Như vậy, nếu giải quyết được vấn đề quản lý CTNH thì chúng ta sẽ không phải lo ngại rằng quá trình phát triển kinh tế sẽ làm tổn hại lớn đến môi trường. Nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, đời sống con người dần được nâng cao và môi trường được bảo vệ… chính là mục tiêu mà Đảng và Nhà nước ta đang hướng tới.
Thứ tư, khi nhìn vào hệ thống pháp luật hiện hành quy định về quản lý CTNH và quá trình triển khai chúng trên thực tiễn, ta thấy hệ thống pháp luật này đã có rất nhiều tiến bộ so với trước đây. Song, vẫn không tránh khỏi những bất cập khi đưa vào áp dụng. Do đó, cần tìm ra những giải pháp tích cực để hệ thống pháp luật này hoàn thiện và phù hợp với nhu cầu thực tiễn hơn.