Thời gian hiện thực hàng ngày

Một phần của tài liệu Thời gian và không gian nghệ thuật trong tiểu thuyết Sống mòn của Nam Cao (Trang 31)

2. Không gian nghệ thuật

2.1.1. Thời gian hiện thực hàng ngày

Trong những ngày tháng của năm 1940, xã hội Việt Nam đang rơi vào thảm cảnh. Mặt trận Bình dân tan vỡ, thực dân tăng cường bắt bớ, giam cầm và kiểm duyệt một cách gắt gao. Người dân phải chịu “một cổ hai tròng” dưới sự cai trị bóc lột của thực dân Pháp và sự nhũng nhiễu đục khoét của bọn chức dịch phong kiến tay sai. Thêm vào đó, chiến tranh thế giới thứ hai đang diễn ra ở một nơi xa xôi cũng lan rộng đến Việt Nam khi Nhật nhảy vào Đông Dương tấn công Pháp. Bao nhiêu người dân nghèo lam lũ vốn đói khổ lại càng đói khổ hơn. Nam Cao đã thành công khi tái hiện lại những cảnh đói nghèo ấy. Trong hầu hết tác phẩm của mình, Nam Cao không trốn tránh thực tại, không theo đuổi “ánh trăng vú mộng tròn đầy

của muôn đời thi sĩ” mà biết hòa nhập với đời, mở hồn ra đón lấy những âm thanh vang động của đời, của cuộc sống nghèo khổ tăm tối đang diễn ra chung quanh và ở ngay cả chính bản thân mình. Điều đó đã làm nên phong cách Nam Cao, của một nhà văn hiện thực phê phán xuất sắc.

Cũng bắt nguồn từ hiện thực ấy, Sống mòn là tác phẩm khắc họa cuộc sống của Thứ, nhân vật trung tâm tác phẩm. Xoay quanh nhân vật Thứ cùng với một số nhân vật khác như Oanh, San cùng làm nghề dạy học hay gia đình ông Học làm nghề bán đậu phụ và làm con sen, đứa ở như Mô, u em, Lân…, Nam Cao đã thành công khi dùng thời điểm hiện tại tái hiện lại cuộc sống của con người trước Cách mạng.

Mở đầu tác phẩm là một thời điểm hiện tại, một buổi sáng khá đẹp trời “phương Đông trắng mát màu hoa huệ, đã ngả qua màu hồng của tuổi dậy thì, để bây giờ

nhếnh nhoáng màu vàng cháy”[3; tr.5]. Thời gian ở đây như đang trôi đi, đang vận động đúng với qui luật tự nhiên gắn với sự kiện Thứ đang xem bài để chuẩn bị xuống lớp. Một buổi sáng bắt đầu công việc hàng ngày của Thứ, của một người có học vấn khá cao (đỗ Thành chung) nhưng vì đau yếu, thất nghiệp nên phải chấp nhận làm “giáo khổ trường tư”, lương thấp, thời gian làm việc nhiều “Tám giờ nói

luôn luôn, cử động luôn luôn, chẳng lúc nào ngơi. Thì giờ học trò ở lớp rút đi, nên thầy phải dùng đến từng phút con con để có thể dạy hết bài. Tất cả các bài làm đều

phải chấm ở nhà. Thành thử mỗi ngày y bận rộn đến mười giờ, công việc mỏi mệt quá đi cày. Thế mà lương mỗi tháng, chỉ vẻn vẹn có hai chục đồng”[3; tr.8]. Hay

đấy cũng là công việc của San khi bắt đầu một ngày mới. Mở đầu tác phẩm bằng một buổi sáng sớm nhưng buổi sáng sớm trong Sống mòn khác với buổi sáng sớm trong tác phẩm Tắt đèn. Trong Tắt đèn, đó là một buổi sáng bất thường với cổng làng khóa chặt, với tiếng chiêng trống thúc sưu, đòi thuế inh ỏi như báo hiệu một ngày mới kinh hoàng với những bắt bớ, gông cùm. Còn Sống mòn mở đầu là một buổi sáng cũng bình thường như bao buổi sáng khác gắn với sinh hoạt của những con người lao động nghèo khổ như Thứ, San hay những phu nhà máy rượu bia. Và với các trạng từ chỉ thời gian ở hiện tại xuất hiện với tần số khá cao như “Một hôm”,

Bây giờ”, “Ít lâu nay”, “Hôm nay”, “Một lúc sau”, “Ngừng một lát”, hầu như toàn tác phẩm vẫn xoay quanh cái hiện thực hàng ngày ấy.

Thế nhưng hiện thực hàng ngày trong Sống mòn như giãn ra, dài ra trong gần một năm làm nghề dạy học của Thứ. Nó không giống với hiện thực ồn ào trong Số đỏ với bao nhiêu sự kiện dồn dập xảy đến trong một xã hội bát nháo nửa Tây nửa Ta hay cuộc sống nghèo khổ nơi làng quê của chị Dậu trong một mùa sưu thuế. Nó cũng không giống với thời gian hiện thực trong Bước đường cùng của Nguyễn Công Hoan, các sự kiện liên liếp xảy ra dẫn anh Pha xuống bước đường cùng của sự phá sản: bị ăn hối lộ ở cửa quan, bị móc ruột qua sưu thuế, phụ thu lạm bổ, bị bóc

lột trong lao động, bị tai nạn sau vụ lụt…Thời gian hiện thực trong Sống mòn là một thời gian hiện thực mòn mỏi, luẩn quẩn trong những lo âu thường nhật, là thời gian giam hãm, làm cho con người cảm thấy tù túng, ngột ngạt.

Trước hết, các nhân vật trong Sống mòn thường lo âu về chỗ ở. Thứ và San đã phải chuyển nhà đến hai lần từ căn nhà thuê của bà béo rồi chuyển sang ở trường, từ nhà trường chuyển sang ở nhà ông Học. Hay anh phu xe kì kèo với ông Học để mướn được căn nhà lá. Cả Oanh, người đàn bà tính toán, nhỏ nhen, lắm mồm luôn phàn nàn về việc bỏ tiền thuê nhà mở trường cũng đã một lần chuyển nhà để làm nơi tịnh dưỡng cho Đích. Có an cư mới lạc nghiệp nhưng họ nào có được an cư. Chiến tranh lan đến, hầu hết mọi người đều tản cư, mất việc làm: Thứ, San thất nghiệp phải trở về quê, ba mẹ con thuê ở ngôi nhà lá phải trả nhà về quê sinh sống bằng nghề mò cua bắt ốc, Đích chuyển về dưỡng bệnh trong tình trạng sắp chết.

Và trong cuộc sống hàng ngày đang diễn ra ấy, con người luôn bị ám ảnh, bị mòn mỏi về tinh thần. Thế nhưng sự mòn mỏi ấy không giống với sự chán nản, buồn bã vì không tìm được nguồn vui, niềm hạnh phúc của những cô gái mới về nhà chồng hay những chàng công tử phong lưu đã chán cảnh ăn chơi phù phiếm. Sự mòn mỏi tinh thần của Thứ, San, Oanh…bắt nguồn từ những “bận rộn tẹp nhẹp vô

nghĩa lí” đã ngốn hết thời gian của họ. Đó chính là cái đói, làm sao cho khỏi chết đói, mọi người đều bắt buộc phải nghĩ đến cái ăn, miếng cơm tưởng chừng như đơn giản nhưng đối với họ là vô cùng quan trọng. Họ không được no ấm để nghĩ đến thú chơi lan, chơi kiểng hay uống trà tàu, họ cũng không có thời gian để dành cho những nỗi buồn vu vơ của mối tình oan trái, éo le. “Một miếng khi đói bằng một gói

khi no”, phải chăng câu tục ngữ ấy còn hàm chứa ý nghĩa khi những ai lâm vào tình trạng đói khổ thì họ mới hiểu hết được giá trị của miếng ăn mà Sinh trong Đói của Thạch Lam là một ví dụ “Khi có đủ ăn, đủ mặc, chàng không để ý đến cái đói,

không bao giờ nghĩ đến. Bây giờ chàng mới được hiểu biết cái đói như thế nào. Chàng rùng mình khi nghĩ đến trước cái mãnh liệt của sự đói. Chàng cảm thấy sự

cần dùng của thân thể tràn áp được cả những lệ luật của tinh thần. Mùi xào nấu đồ ăn ở dưới nhà đưa lên làm cho chàng khó chịu vô cùng (…). Trước kia, khi nghe

chuyện người ta tranh giành nhau về miếng ăn, chàng vẫn mỉm cười khinh bỉ.

Chàng cho rằng miếng ăn là sự không đáng kể, chỉ có cái thanh cao trong sạch của

linh hồn mới là cần. Nhưng bây giờ, trong phút đói này, chàng mới thấy rõ cái cần

mạnh mẽ của miếng ăn là thế nào” [22; tr.69]. Với Thứ và San, những người có học vấn cũng không tránh khỏi tình trạng đó. Họ đã từng cãi nhau, chọc tức Oanh trong những bữa ăn kham khổ chỉ toàn cơm nấu từ gạo xấu với một ít rau muống luộc. San đã từng tính toán tỉ mỉ những xu rau, hào gạo trước mặt Oanh. Thứ và San cũng đã bận tâm về việc nhờ người nấu cơm cho mình sau khi chuyển nhà.

So với thành thị, đời sống của con người thôn quê còn thê thảm hơn “Người

thôn quê làm quần quật suốt đời như một kẻ chung thân bị khổ sai mà chẳng có

quyền nghĩ đến gì hơn, ngoài mỗi ngày mấy bữa cơm gạo đỏ như nâu, đậu, ngô

khoai, mà họ ăn chẳng đủ no, ăn mải miết vội vàng, như chỉ cốt ngốn thật nhiều, cho đầy bụng thì thôi, chẳng kịp biết ngon. Họ sống dò dẫm, tối tăm, suốt đời chỉ

những sợ cùng lo” [3; tr.153]. Cũng chính thôn quê đó, nơi những người thân Thứ phải chịu đói cũng là nơi chôn nhau cắt rốn của hầu hết mọi người ở xóm ngoại ô. Thứ, San, Đích ra đi từ nơi nghèo khổ mong tìm được cuộc sống tốt hơn. Hay Mô, vợ chồng ông Học, người phụ nữ có hai đứa con gái cũng thế. Họ đều phải lo toan đến miếng ăn, đến cái đói. Duy chỉ có vợ chồng anh phu xe là không phải bận tâm về miếng ăn nhưng cuộc sống của họ là một cuộc sống tạm bợ, mau hợp cũng chóng tan. Tóm lại, hầu như các nhân vật trong Sống mòn luôn bị hành hạ, bị giày vò, bị ám ảnh bởi cái đói, lúc nào cũng lo chết đói, “lúc nào cũng lo làm thế nào cho không chết đói”.

Nhưng trong cái thời gian hiện thực hàng ngày ấy, Thứ và San cũng đã từng khao khát hạnh phúc. Thứ đã từng ngắm Tư ngày ngày đi qua cổng trường, đã từng thầm thương trộm nhớ những bóng cô áo tím áo xanh, San đã từng làm quen với con gái bà béo. Hay niềm hạnh phúc thực sự đã đến với Mô, Hà và vợ chồng anh phu xe - những con người nghèo khổ ít được ai quan tâm, tôn trọng. Thế nhưng hiện thực hàng ngày trong Sống mòn cũng giống như hiện thực hàng ngày trong cuộc sống của chúng ta, nghĩa là có vui sướng, hạnh phúc cũng có buồn bã, khổ đau. Thứ đã từng hùa nhau với San trêu chọc Oanh rồi Thứ buồn bã đâm ra nghĩ ngợi; Mô - Hà đã từng hạnh phúc nhưng hạnh phúc ấy không kéo dài khi Hà sinh con bị bệnh, không đi làm được, mẹ Hà thì bị tai nạn xe chẹt hay hạnh phúc của vợ chồng anh phu xe thật ngắn ngủi. Cũng trong một lần về quê, Thứ náo nức muốn được gặp vợ con, được gần vợ con trong một tháng nghỉ hè nhưng vì nghĩ vợ đánh bạc nên Thứ đã đánh vợ, khiến không khí gia đình mất vui.

Là một chàng thanh niên hăm hở bước vào đời, Thứ khao khát một cuộc sống hữu ích, cao cả. Thứ có quan niệm khá sâu sắc, đúng đắn về ý nghĩa chân chính cuộc sống: “Mỗi người sống phải làm thế nào cho phát triển tận độ những khả năng

của loài người chứa đựng ở mình. Phải gom góp sức lực mình vào công việc tiến bộ

chung. Mỗi người chết đi phải để lại một chút gì cho nhân loại” [3; tr.233]. Nhưng “đau đớn thay cho những kiếp sống khao khát muốn lên cao nhưng lại bị áo cơm

ghì sát đất” [3; tr.233]. Chính thời gian hiện thực hàng ngày tù đọng, đóng kín bắt Thứ phải sống “cái lối sống quá ư loài vật, chẳng còn biết đến một việc gì ngoài cái việc kiếm thức ăn đổ vào dạ dày”, một lối sống mà Thứ hết sức khinh ghét. Thứ khao khát một cuộc sống rộng lớn luôn luôn đổi mới. Nhưng cuộc đời đã giễu cợt

giấc mộng giang hồ của Thứ và bắt Thứ kéo lê cuộc sống đơn điệu, mòn mỏi, tù đọng “Y sẽ chẳng bao giờ tự ý rời nổi cái trường này. Cuộc đời ở đây cố nhiên là chẳng đẹp

gì, nhưng chắc chắn là y có ăn, có mỗi tháng ít nhiều để giúp gia đình. Đi là đến những cái chưa thấy đâu, sự bấp bênh, một cuộc đời chưa biết thế nào là chắc chắn. Y chép

miệng: - Giá chúng mình chưa có vợ con gì cả” [3; tr.23]. Cũng chính trong cuộc sống tù đọng đóng kín đó, “chất độc ở ngay trong sự sống” đã thấm vào máu từng người. Chất độc ấy vùi dập những gì tốt đẹp, kích thích những gì nhỏ nhen, xấu xa trong con người. Thứ cũng không tránh được sự nhỏ nhen xấu xa trong cuộc sống đang xảy ra chung quannh mình với vợ con, với bạn bè đồng nghiệp. Thứ có lúc nghĩ tới sẽ phản bội vợ, vũ phu với vợ, phản bội bạn bè và mong cho bạn chết. Nghe tin Đích ốm nặng, Thứ thầm mong Đích chết ngay lúc ấy. Thứ đã khóc “khóc cho cái chết của chính tâm

hồn y”.

Nhìn chung, cả thế giới nhân vật “bị áo cơm ghì sát đất” trong Sống mòn như xuội đi trong cái vòng luẩn quẩn của thời gian hiện thực hàng ngày mòn mỏi. Nhưng cuộc sống vốn mòn mỏi ấy càng thê thảm hơn khi chiến tranh thế giới lan đến, đe dọa trực tiếp tinh thần mọi người dân Việt Nam “Sự thật ở bên ngoài to lớn quá, mạnh mẽ quá, ăn hiếp hẳn cuộc đời tưởng tượng, hiện hình bằng giấy trắng mực đen” [3; tr.280].

Cuộc sống hàng ngày vốn đau khổ, chật vật, mòn mỏi trong những nỗi lo cơm áo thì chiến tranh diễn ra, lan đến, cuộc sống con người càng thê thảm hơn. Nó kéo tụt con người xuống vực sâu của đói khổ, thất nghiệp. Cuộc sống hàng ngày như bị xáo trộn, lật tung. Thứ, San, Oanh đã phải thất nghiệp, Đích bệnh nặng. Cả gia đình ông Học phải điêu đứng vì đậu làm ra bán không được, ba mẹ con ở ngôi nhà lá phải trả nhà về sống ở thôn quê, bao nhiêu người tản cư, thất nghiệp, chi phí sinh hoạt đắt đỏ…Có thể nói, thời gian Thứ lên trường sau dịp nghỉ hè, cuộc sống hàng ngày của con người vốn mòn mỏi như ngọn đèn khuya sắp cạn dầu, tàn bấc thì chiến tranh lan đến như một ngọn gió đã làm cho những ngọn đèn kia chao đảo, lay động những ánh sáng yếu ớt. Và những ánh sáng yếu ớt kia có nguy cơ vụt tắt khi xung quanh chỉ là màn đêm tăm tối.

Phải chăng cũng chính vì phản ánh cuộc sống trong cái thời gian hiện thực hàng ngày này mà Nam Cao đã đặt tên cho tác phẩm là Chết mòn, một cái chết đang dần dần đến như một căn bệnh nan y sắp phá hủy từng phần cơ thể. Nhưng “chết” có vẻ rùng rợn và ám ảnh độc giả quá; có lẽ vì vậy mà Nam Cao đã đổi tên thành Sống mòn, những kiếp sống mòn mỏi, sự sống như đang bị bong ra, tróc ra trước sự bào mòn của thời gian hiện thực hàng ngày, giảm bớt nỗi ám ảnh trong lòng độc giả. Nhưng Chết mòn hay

Sống mòn, đằng nào chẳng là cái chết của bao con người đang sống trong cái thời buổi tăm tối tiền Cách mạng.

2.1.2. Thời gian hồi tưởng:

Trong thời gian hiện thực của cuộc sống hàng ngày ấy, Sống mòn không phải là tác phẩm được xây dựng theo lối hướng ngoại thường xuyên chịu sự chi phối, tác động của các sự kiện bên ngoài. Người đọc sẽ không thấy những cảnh thúc sưu, bắt bớ, gông cùm, cảnh bán con bán chó như của chị Dậu trong Tắt đèn hay cái xã hội bát nháo nửa ta nửa Tây như trong Số đỏ. Có thể nói, Sống mòn là tiểu thuyết nội tâm thông qua những suy tư, dằn vặt của Thứ. Thời gian được trần thuật trong tác phẩm còn là thời gian hồi tưởng, “hồi tưởng hiện ra từ từ, không cố ý, ngỡ như vô

tình, thậm chí ngay cả khi nhà văn chủ tâm đi vào thế giới hồi tưởng của nhân vật”

[31, tr.466]. Trong cái thời điểm hiện tại lại gợi nhớ quá khứ rồi trở về hiện tại. Ở đây hiện tại, quá khứ như đan xen nhau. Nhìn mẹ mình sau bao ngày tháng đi xa trở về, Thứ nhận ra mẹ mình “già và xấu đi nhiều quá đến nỗi y tưởng như mình xa nhà đến mấy chục năm”[3; tr.17]. Nhìn vợ, Thứ thấy “Liên già đi đến mười năm. Khuôn mặt trái xoan xưa, đã có cạnh ra. Dáng người và chân tay nặng nề thêm. Đôi mắt trong trẻo, long lanh, đã

hơi mệt mỏi”[3; tr.17]. Mới ba năm nhưng người thân của Thứ đã thay đổi, gia đình đã nghèo khổ hơn xưa. Hiện tại như gợi nhớ quá khứ, quá khứ làm cho thực tại càng thêm chua xót. Đấy là sự thật làm lòng Thứ quặn thắt. Là một người con trai trưởng trong gia đình, được học hành tử tế nhưng Thứ chẳng giúp ích gì cho gia đình, để cho người thân phải sống khổ. Hồi tưởng đó làm cho Thứ càng thêm khổ tâm, chua xót.

Một phần của tài liệu Thời gian và không gian nghệ thuật trong tiểu thuyết Sống mòn của Nam Cao (Trang 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(87 trang)