Khái quát về điều kiện tự nhiên thành phố Hải Phòng

Một phần của tài liệu tc035 (Trang 31 - 33)

Chương II: Thực trạng thu hút vốn FDI và môi trường đầu tưở thành phố Hải Phòng.

2.1. Khái quát về điều kiện tự nhiên thành phố Hải Phòng

Hải Phòng là một trong 5 thành phố trực thuộc trung ương và là một đô thị loại 1 của Việt Nam. Ngoài tên gọi chính thức là thành phố Hải Phòng ra thì nơi đây còn được biết đến với những tên gọi không chính thức khác như: Thành phố Hoa phượng đỏ, Thành phố Cảng hay Thành Tô. Hải Phòng ở vị trí giao thông quan trọng nhất của giao thông quốc tế miền Bắc, là đầu mối của nhiều hệ thống giao thông trong và ngoài nước.

* Vị trí địa lý

Hải Phòng là một thành phố nằm trong vùng Đồng bằng Bắc Bộ, với tổng diện tích lên đến 1507,57km2. Phía Bắc và Đông Bắc giáp tỉnh Quảng Ninh, Tây Bắc giáp Hải Dương, Tây Nam giáp Thái Bình và Đông là bờ biển chạy dài theo hướng Tây Bắc – Đông Nam từ phía Đông đảo Cát Hải đến cửa sông Thái Bình. Là một trong ba đỉnh của tam giác kinh tế trọng điểm (Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh), thuộc vùng kinh tế trọng điểm 8 tỉnh phía Bắc; có hệ thống đường thủy cùng với mạng lưới đường bộ, đường sắt, cảng biển và hàng không. Đặc biệt quốc lộ 5. quốc lộ 10 đã nâng cấp theo tiêu chuẩn quốc tế, hệ thống cảng và luồng vào cảng Hải Phòng được nâng cấp, mở rộng; sân bay Cát Bi được cải tạo và nâng cấp… Chính phủ đã phê duyệt dự án xây dựng đường cao tốc mới Hà Nội – Hải Phòng, đang có kế hoạch nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội – Hải Phòng thành đường sắt hai chiều tiêu chuẩn quốc tế… là những điều kiện thuận lợi để chuyển tải hàng hóa xuất nhập khẩu cho các tỉnh vùng Bắc Bộ, các tỉnh nam Trung Quốc, đồng thời có khả năng thiết lập mối quan hệ hàng hải và hàng không với các nước trong vùng Đông Nam Á và thế giới.

Khí hậu: Chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa. Trong đó, từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau là khí hậu của một mùa đông lạnh và khô; từ tháng 5 đến tháng 10 là khí hậu của mùa hè, nồm mát và mưa nhiều. Lượng mưa trung bình từ 1600 đến 1800 mm/năm. Nhiệt độ trung bình trong năm 23-26 0C. Trong đó, tháng nóng nhất (tháng 6, tháng 7) nhiệt độ có thể lên đến 44 0C và tháng lạnh nhất (tháng 1, 2) nhiệt độ có thể xuống dưới 5 0C. Độ ẩm trung bình vào khoảng 80 – 85%, cao nhất vào tháng 7,8,9; thấp nhất vào tháng 1, 12.

Địa hình, địa chất, đất đai: Phía Bắc có hình dáng và cấu tạo địa chất của vùng trung du với những đồng bằng thuần túy nghiêng ra biển. Cấu tạo địa chất của Hải

Phòng gồm những loại đá cát kết, phiến sét, đá vôi. Diện tích đất canh tác khoàng 62.127 ha, hình thành phần lớn từ hệ thống sông Thái Bình và vùng đất bồi ven biển nên chủ yếu mang tính chất đất phèn và phèn mặn, địa hình đan xen cao thấp và nhiều đồng trũng. Diện tích bãi bồi ven biển 23000 ha gồm bãi triều đá nổi và ngập nước, trong đó khoảng 13000 ha bãi nổi, xú, vẹt,…chưa khai thác.

Sông ngòi: Hải Phòng có mạng lưới sông ngòi dày đặc với mật độ 0.65 – 0.8 km/km2 và đều là các chí lưu của sông Thái Bình đổ ra Vịnh Bắc Bộ với 5 cửa sông chính. Trong đất liền có 16 sông chính tỏa rộng khắp địa bàn với độ dài hơn 300km và những sông nhánh lớn nhỏ chia cắt khắp địa hình thành phố.

Bờ biển, biển, hải đảo: Biển Hải Phòng là một bộ phận thuộc Tây Bắc vịnh Bắc Bộ với đường bờ biển dài hơn 125km (kể cả bờ biển quanh các đảo khơi) có hình là một đường cong lõm của bờ vịnh Bắc Bộ, thấp và bằng phẳng. Mũi Đồ Sơn nhô ra biển như một bán đảo, tạo cho Đồ Sơn một vị trí chiến lược quan trọng và thắng cảnh thiên nhiên nổi tiếng. Ngoài khơi thuộc địa phận Hải Phòng có nhiều đảo rải rác, quan trọng nhất là đảo Cát Hải, Cát Bà, Bạch Long Vĩ. Trong đó, Cát Bà là hòn đảo có diện tích lớn thứ hai trong Vịnh Bắc Bộ với nhiều hang động và rừng nguyên sinh, thung lũng màu mỡ. Bạch Long Vĩ là đảo nhỏ tiền tiêu giữa Vịnh Bắc Bộ.

* Tài nguyên thiên nhiên

Khoáng sản, chủ yếu là đá vôi tập trung ở Tràng Kênh (Thủy Nguyên), Cát Bà,… với trữ lượng trên 200 triệu tấn. Khoáng sản gốc kim loại không nhiều với một số mỏ sắt Dương Quan (Thủy Nguyên), kẽm (Cát Bà), than (Vĩnh Bảo),… Muối và cát tập trung ở vùng bãi giữa sông và bãi biển Cát Hải, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, Kiến Thụy, Đồ Sơn… Năm 2004, một số nghiên cứu đã phát hiện có tiềm năng dầu khí ở ngoài khơi Hải Phòng.

Tài nguyên sinh vật, nhất là sinh vật biển với gần 1000 loài tôm cá, hàng chục loại rong biển với nhiều loại có giá trị kinh tế cao như: tôm he, tôm rồng, đồi mồi, của biển, sò huyết, ngọc trai, bảo ngư… cùng nhiều bãi cá thuận lợi cho khai thác như: bãi giữa vịnh Bắc Bộ, bãi Bạch Long Vĩ, hòn Mê, hòn Mát… với độ rộng hơn 10.000 hải lý vuông, trữ lượng cao và ổn định (có trên 100 loài có giá trị kinh tế, sản lượng có thể khai thác trên 2 triệu tấn/năm). Hải Phòng được Bộ Thủy sản xác định là 1 trong 4 ngư trường lớn của toàn quốc, là vùng trọng điểm phát triển kinh tế thủy sản của Việt Nam. Ngoài ra, còn có hơn 12 nghìn ha vừa phục vụ cho khai thác, vừa có thể nuôi trồng thủy sản nước mặn và lợ.

Tài nguyên rừng: Hải Phòng còn có rừng ngập mặn và rừng cây lấy gỗ, cây ăn quả, tre, mây… với diện tích 17.000 ha. Rừng nguyên sinh Cát Bà với thảm thực vật phong phú, đa dạng, nhiều loại thảo mộc quý hiếm như lát hoa, kim giao, đinh,… hệ động vật đa dạng với 36 loài chim (đại bang, hải âu, đa đa, én…). Đặc biệt là loài vọc đầu trắng, trên thế giới chỉ thấy ở Cát Bà. Chính sự đa dạng về chủng loại, chi họ của hệ động thực vật nơi đây đã biến vườn quốc gia Cát Bà và các danh thắng trên đảo trở thành một khu du lịch nổi tiếng. Cát Bà được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển quốc tế.

Một phần của tài liệu tc035 (Trang 31 - 33)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(71 trang)
w