Những hình thức tranh chấp đất đai thường gặp

Một phần của tài liệu Công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai trên địa bàn quận Kiến An – thành phố Hải Phòng những năm gần đây (Trang 25 - 26)

* Tranh chấp hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất: Đây là dạng tranh chấp thường xảy ra ở vùng nông thôn, xuất phát từ việc sản xuất, canh tác, các hộ gia đình hoặc cá nhân đã chuyển đổi quyền sử dụng cho nhau.

Việc phát sinh loại tranh chấp này thường là do lúc chuyển đổi hai bên không làm hợp đồng viết, hoặc có hợp đồng viết nhưng đơn giản, vì thế sau một thời gian một bên cảm thấy thiệt thòi nên phát sinh mâu thuẫn dẫn đến tranh chấp.

* Tranh chấp hợp đồng thuê quyền sử dụng đất: Dạng tranh chấp này thường xảy ra do một hoặc cả hai bên vi phạm hợp đồng như: hết thời hạn thuê đất, sử dụng đất không đúng mục đích khi thuê, đòi lại đất trước thời hạn hợp đồng. Ngoài ra khi các bên giao kết phổ biến là hợp đồng miệng nên thường xảy ra tranh chấp.

* Tranh chấp thừa kế quyền sử dụng: Đây là dạng tranh chấp khá phổ biến, thường xảy ra do:

- Người có quyền sử dụng đất chết không để lại di chúc và những thừa kế theo pháp luật không thoả thuận với nhau về phần thừa kế hoặc không hiểu quy định của pháp luật thừa kế nên tranh giành nhau.

- Người sử dụng đất trước khi chết có lập di chúc để lại quyền sử dụng đất nhưng do không biết pháp luật nên một phần di chúc bị trái pháp luật hoặc hình thức di chúc không đúng pháp luật. Việc lập di chúc không rõ ràng, cụ thể cũng dễ gây tranh chấp.

* Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất: Dạng tranh chấp này diễn ra khá phổ biến trong nhân dân, việc phát sinh tranh chấp thường xảy ra do một hoặc cả hai bên không thực hiện đúng giao kết như không trả tiền hoặc không giao đất, cũng có trường hợp do bị lừa dối

hoặc sau khi ký kết hợp đồng thấy giá quá rẻ nên rút lại hợp đồng. Nhiều trường hợp do không làm thủ tục, trình tự theo quy định của pháp luật hoặc trốn thuế ( chỉ hợp đồng miệng hoặc làm hợp đồng viết tay, không nói rõ ai đóng thuế… ) cũng dẫn đến tranh chấp.

* Tranh chấp về lấn chiếm đất đai: Đại đa số loại tranh chấp này xảy ra do lấn chiếm đất đai, một số ít là do chiếm luôn diện tích đất của người khác hay có khi một hoặc cả hai bên không nắm vững pháp luật hoặc trước đó đã sang nhượng đất của người khác và khi bàn giao với nhau không rõ ràng, cụ thể dẫn đến một bên tự chiếm cho rằng mình đã sang nhượng được.

* Tranh chấp về cản trở việc thực hiện quyên sử dụng đất: Thực tế thì loại tranh chấp này là rất ít nhưng nó lại khá phức tạp, thông thường do một bên ở sâu hoặc xa mặt tiền và một bên do có thành kiến cá nhân đã cản trở bên kia thực hiện quyền sử dụng đất ( không cho đi nhờ qua, không bơm nước qua để đến được đất nhà bên kia… ) do đó dẫn đến tranh chấp.

* Tranh chấp tài sản gắn liền đất: Các tranh chấp này thường xảy ra dưới các hình thức như tranh chấp về sở hữu, thừa kế, mua bán tài sản… Nó bao giờ cũng gắn liền với việc yêu cầu công nhận quyền sử dụng đất mặc dù nội dung chính là tranh chấp tài sản.

* Tranh chấp trong vụ án ly hôn: Dạng tranh chấp này thường xảy ra trong các vụ án ly hôn, đặc biệt là những vụ án ly hôn ở nông thôn mà người vợ hoặc chồng là thành viên trong hộ gia đình được quyền sử dụng đất.

Một phần của tài liệu Công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai trên địa bàn quận Kiến An – thành phố Hải Phòng những năm gần đây (Trang 25 - 26)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(73 trang)
w