Kế toán vốn bằng tiền

Một phần của tài liệu Kế toán tài chính, kế toán quản trị nâng cao (Trang 57 - 60)

III. KẾ TOÁN CÁC YÊU TỐ CỦA BCTC 1 Kế toán “Tài sản”

1.1.Kế toán vốn bằng tiền

a) Các quy định có tính nguyên tắc kế toán vốn bằng tiền:

* Kế toán vốn bằng tiền phải tuân thủ theo các nguyên tắc, chế độ quản lý tiền tệ của Nhà nước Việt Nam như sau:

- Đơn vị tiền tệ là đồng Việt Nam (ký hiệu quốc gia là “đ”, ký hiệu quốc tế là “VND”). Trong trường hợp nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh là ngoại tệ, phải ghi theo nguyên tệ và đồng Việt Nam theo tỷ giá hối đoái thực tế hoặc quy đổi theo tỷ giá hối đoái do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm phát sinh, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; đối với loại ngoại tệ không có tỷ giá hối đoái với đồng Việt Nam thì phải quy đổi thông qua một loại ngoại tệ có tỷ giá hối đoái với đồng Việt Nam.

Đơn vị kế toán chủ yếu thu, chi bằng ngoại tệ thì được chọn một loại ngoại tệ do Bộ Tài chính quy định làm đơn vị tiền tệ để kế toán, nhưng khi lập báo cáo tài chính sử dụng tại Việt Nam phải quy đổi ra đồng Việt Nam theo tỷ giá hối đoái do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm khóa sổ lập báo cáo tài chính, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. (Điều 11, Chương 1 - Luật Kế toán Việt Nam)

- Các loại vàng bạc, đá quý, kim khí quý phải được đánh giá bằng tiền tệ tại thời điểm phát sinh theo giá thực tế (nhập, xuất) ngoài ra phải theo dõi chi tiết số lượng, trọng lượng, quy cách và phẩm chất của từng loại.

- Vào cuối kỳ kế toán năm, kế toán phải điều chỉnh lại các loại ngoại tệ theo tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do NHNN công bố.

* Để phản ánh và giám đốc chặt chẽ vốn bằng tiền, kế toán phải thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu sau:

- Phản ánh chính xác, kịp thời, đầy đủ tình hình hiện có và sự biến động của từng loại vốn bằng tiền.

- Giám đốc chặt chẽ việc chấp hành các chế độ thu chi tiền mặt, tiền gửi, quản lý ngoại tệ, vàng bạc, đá quý.

b) Nguyên tắc hạch toán ngoại tệ: (Đọc chuẩn mực kế toán Việt Nam số 10 “Ảnh hưởng

của việc thay đổi tỷ giá hối đoái”), nghiên cứu nguyên tắc hạch toán ngoại tệ đối với các yếu tố trên báo cáo tài chính (tài sản, nợ phải trả, vốn chủ sở hữu, doanh thu và thu nhập khác, chi phí) ở phần này, vì vậy nên khi giới thiệu kế toán các yếu tố khác trên báo cáo tài chính sẽ không nhắc lại nguyên tắc hạch toán các yếu đó có gốc ngoại tệ.

Theo chuẩn mực kế toán Việt Nam số 10 (VAS10): các khoản mục phản ánh các yếu tố trên báo cáo tài chính, gồm: các khoản mục tiền tệ và các khoản mục phi tiền tệ.

+ Các khoản mục tiền tệ: là tiền và các khoản tương đương tiền hiện có, các khoản phải thu , hoặc nợ phải trả bằng một lượng tiền cố định hoặc có thể xác định được.

+ Các khoản mục phi tiền tệ: Là các khoản mục không phải là các khoản mục tiền tệ. Chế độ kế toán doanh nghiệp ban hành theo Quyết định số 15/2006/QĐ-BTC ngày 20/3/2006 quy định: Việc quy đổi đồng ngoại tệ ra Đồng Việt Nam, hoặc ra đơn vị tiền tệ chính thức sử dụng trong kế toán về nguyên tắc doanh nghiệp phải căn cứ vào tỷ giá hối đoái tại ngày giao dịch là tỷ giá giao dịch thực tế của nghiệp vụ kinh tế phát sinh hoặc tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm phát sinh nghiệp vụ kinh tế để ghi sổ kế toán.

Có thể khái quát nguyên tắc và trình tự kế toán các nghiệp vụ chủ yếu liên quan các khoản mục tiền tệ như sau:

Trường hợp 1: Đối với doanh nghiệp đang hoạt động (kể cả doanh nghiệp SXKD có hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản)

(1) Đối với các TK phản ánh các “khoản mục tiền tệ” như TK vốn bằng tiền, nợ phải thu, nợ phải trả phát sinh trong kỳ của doanh nghiệp:

- Các nghiệp vụ làm phát sinh tăng các khoản vốn bằng tiền, nợ phải thu, nợ phải trả bằng ngoại tệ (Ghi vào bên Nợ TK vốn bằng tiền, bên Nợ TK nợ phải thu, bên Có TK nợ phải trả) được ghi nhận theo tỷ giá hối đoái tại ngày giao dịch.

- Các nghiệp vụ làm phát sinh giảm các khoản vốn bằng tiền, nợ phải thu, nợ phải trả bằng ngoại tệ (Ghi vào bên Có TK vốn bằng tiền, bên Có TK nợ phải thu, bên Nợ TK nợ phải trả) được ghi nhận theo tỷ giá ghi sổ (tính bằng một trong các phương pháp: tỷ giá thực tế đích danh; tỷ giá nhập trước, xuất trước; tỷ giá bình quân gia quyền; tỷ giá nhập sau, xuất trước).

(2) Đối với các tài khoản khác phản ánh các khoản mục phi tiền tệ (TK chi phí, doanh thu, thu nhập, vật tư, hàng hoá, tài sản cố định...) phát sinh trong kỳ bằng ngoại tệ phải ghi sổ kế toán theo tỷ giá hối đoái tại ngày giao dịch.

Khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái các nghiệp vụ phát sinh trong kỳ được ghi vào TK 515 (nếu CL lãi) hoặc TK 635 (nếu CL lỗ).

(3) Cuối năm tài chính: Doanh nghiệp phải đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ theo tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do NHNN Việt Nam công bố tại thời điểm lập Bảng CĐKT .

Mọi khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái ghi qua TK 413. Khi xử lý chênh lệch tỷ giá hối đoái sẽ ghi vào TK 515 (nếu CL lãi) hoặc TK 635 (nếu CL lỗ).

(4) Trường hợp mua bán ngoại tệ bằng đồng Việt Nam thì hạch toán theo tỷ giá thực tế mua, bán.

Trường hợp 2: Đối với đơn vị đang xây dựng cơ bản tiền hoạt động: mọi nghiệp vụ phát sinh liên quan đến ngoại tệ nếu có chênh lệch , và chênh lệch do đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ vào cuối năm tài chính hạch toán vào TK4312. Khi doanh nghiệp bắt đầu đi vào hoạt động, xử lý chênh lệch từ TK4312 sang TK242 hoặc 3387 để phân bổ dần vào TK 635 hoặc TK515 (thời gian phân bổ tối đa là 5 năm).

Nghiệp vụ phát sinh trong kỳ đối với các tài khoản vốn bằng tiền, nợ phải thu, nợ phải trả (khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ):

- Các nghiệp vụ làm phát sinh tăng các khoản vốn bằng tiền, nợ phải thu, nợ phải trả bằng ngoại tệ (Ghi vào bên Nợ TK vốn bằng tiền, bên Nợ TK nợ phải thu, bên Có TK nợ phải trả) được ghi nhận theo tỷ giá hối đoái tại ngày giao dịch.

- Các nghiệp vụ làm phát sinh giảm các khoản vốn bằng tiền, nợ phải thu, nợ phải trả bằng ngoại tệ (Ghi vào bên Có TK vốn bằng tiền, bên Có TK nợ phải thu, bên Nợ TK nợ phải trả) được ghi nhận theo tỷ giá ghi sổ (tính bằng một trong các phương pháp: tỷ giá thực tế đích danh; tỷ giá nhập trước xuất trước; tỷ giá bình quân gia quyền; tỷ giá nhập sau xuất trước).

Đối với các tài khoản khác - Khoản mục phi tiền tệ (TK chi phí, doanh thu, thu nhập,

vật tư, hàng hoá, tài sản cố định...): Khi có các nghiệp vụ kinh tế phát sinh bằng ngoại tệ phải ghi

sổ kế toán theo tỷ giá hối đoái tại ngày giao dịch.

Khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái các nghiệp vụ phát sinh trong kỳ được ghi vào TK 4132.

Cuối năm tài chính: Doanh nghiệp phải đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại

tệ theo tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do NHNN Việt Nam công bố tại thời điểm lập bảng CĐKT.

Mọi khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái ghi qua TK 4132.

Khi kết thúc quá trình đầu tư xây dựng, toàn bộ chênh lệch tỷ giá hối đoái thực tế phát sinh trong giai đoạn đầu tư xây dựng sẽ kết chuyển toàn bộ vào chi phí tài chính (lỗ tỷ giá) hoặc doanh thu hoạt động tài chính (lãi tỷ giá) của năm tài chính có tài sản đầu tư hoàn thành đưa vào sử dụng, hoặc phân bổ tối đa là 5 năm.

Trường hợp 3: Đơn vị có cơ sở kinh doanh tại nước ngoài, các khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái khi chuyển đổi BCTC sẽ được điều chỉnh theo thông tư hướng dẫn thực hiện chuẩn mực kế toán Việt Nam số 25.

Một phần của tài liệu Kế toán tài chính, kế toán quản trị nâng cao (Trang 57 - 60)