Duy Anh, Hồ Anh Thái
Quan tâm, chú trọng đến cuộc sống của con người là nội dung nổi bật trong những sáng tác của Ma Văn Kháng, Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái. Phản ánh cuộc sống của con người với những thăng trầm, những bề bộn, những phần chìm, phần nổi, các tác giả muốn khẳng định giá trị và vai trò của con người trong cuộc sống thường nhật, hướng tới việc xây dựng con người có tính cách hoàn thiện, có tài và có tâm, góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp, đậm tính nhân văn.
Chúng ta nhận thấy rằng, các tác phẩm của Ma Văn Kháng, Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái đều miêu tả những tồn tại trong cuộc sống thường nhật với muôn vàn những điều khiến chúng ta chua xót, áy náy và vô cùng ám ảnh tuy mỗi nhà văn có một cách thể hiện khác nhau. Cách thể hiện của Ma Văn Kháng nhẹ nhàng, sâu kín, Hồ Anh Thái mạnh mẽ, quyết liệt, hóm hỉnh; Tạ Duy Anh thì bí ẩn, sâu sắc. Mỗi người có cách nhìn về cuộc sống hiện thực khác nhau, đều viết về cái xấu cái ác trên mỗi phương diện khác nhau nhưng người đọc cảm nhận được chung một tấm lòng đau đáu trước sự sa sút của nhân cách con người, và ta còn tìm thấy sự lạc quan, tin tưởng vào cuộc sống của mỗi nhà văn bởi Ma Văn Kháng, Hồ Anh Thái, Tạ Duy Anh luôn tâm niệm viết về cái ác nhưng không chỉ để phê phán cái ác mà còn mong sao để góp một phần nào đó để đẩy lùi cái ác. Tạ Duy Anh đã cho rằng: “Tự tôi đặt cho mình sứ mệnh phải viết, để cho cái ác nếu không biến mất thì cũng vì những trang viết của tôi mà mỗi ngày ít đi một chút, một chút, như những hạt bụi” (Tạ Duy Anh).
Ma Văn Kháng là nhà văn có sự đóng góp nỗ lực rất lớn đối với nền văn học nước nhà. Trong sáng tác về mảng thế sự đời tư, Ma Văn Kháng miêu tả cuộc sống với chiều sâu mọi mặt của đời sống. Trong bài viết “Tiểu thuyết, một giá trị không thể thay thế, Ma Văn Kháng cho biết: Tiểu thuyết chính là cuộc đời ở tầng sâu nhất của nó. Với quan niệm này, Ma Văn Kháng chứng tỏ rằng những tác phẩm của mình viết ra không đơn giản chỉ là một tác phẩm nghệ thuật để giải trí đơn thuần mà tầng sâu ý nghĩa của nó mới là vấn đề quan trọng. Nhà văn vừa phản ánh cuộc sống với cái nhìn chân thực, vừa cắt nghĩa, lý giải những vấn đề phức tạp trong cuộc sống theo cảm nhận của mình. Trong bài viết “Khi nhà văn đào bới bản thể ở chiều sâu tâm hồn”, Lã Nguyên cũng đã khẳng định điều này: “Đào bới bản thể mình ở chiều sâu tâm hồn, Ma Văn Kháng đã cất lên tiếng nói riêng. Nhiều sáng tác được Ma Văn Kháng viết ra cứ y như là để nối lời, tiếp lời, đúng hơn là để đối thoại, tranh biện với các ý thức xã hội, ý thức nghệ thuật của thời đại. Có vô khối những cuộc đối thoại, tranh biện trong tiểu thuyết, truyện ngắn của Ma Văn Kháng: tranh biện về con người, về văn chương nghệ thuật”.
Trong mỗi giai đoạn văn học, Ma Văn Kháng có cái nhìn khác nhau về cuộc sống, về con người. Sáng tác trong giai đoạn đầu của Ma Văn Kháng chủ yếu ngợi ca con người mới của thời đại chiến tranh vệ quốc có đau thương, mất mát nhưng hào hùng oanh liệt. Nhân vật trong sáng tác về lịch sử dân tộc của Ma Văn Kháng giai đoạn đầu thường mang đậm ý nghĩa điển hình, tiêu biểu cho một tầng lớp, một cộng đồng, một dân tộc. Trong sáng tác về mảng thế sự đời tư, ngòi bút của nhà văn hướng tới tất cả những vấn đề nóng hổi của cuộc sống thế sự, thế thái, nhân tình. Ông đi sâu vào từng khía cạnh của cuộc sống con người mới có tình yêu, hôn nhân, những toan tính thấp hèn, những ước mơ, khát vọng cao đẹp, hạnh phúc và bất hạnh của con người…Nhà văn trăn trở, lo lắng đến quặn lòng trước những xô bồ của cuộc sống, nơi có sự thờ ơ, đạo đức giả, sự phi lý, bất ổn trong quan hệ của con người với con người trong gia đình và ngoài xã hội. Những tác phẩm văn học thời kỳ đổi mới của Ma Văn Kháng là lời tâm sự, lời đối thoại, tranh biện của tác giả với mọi người về cuộc đời, về văn chương nghệ thuật. Nhà văn muốn khẳng định một điều: cuộc sống tuy có nhiều cái bất biến, muôn màu muôn vẻ nhưng chất chứa nhiều ý nghĩa; mặc dù cuộc sống có bề nổi là những vòng luẩn quẩn trong bao toan tính thấp hèn, những
xuống cấp của nhân cách con người, nhưng chìm dưới mạch ngầm vẫn là chiều sâu của căn cốt tình người, những giá trị tiềm tàng của con người như một vùng sâu thẳm chưa bao giờ khám phá hết.
Văn học thời kỳ đổi mới có cái nhìn về con người và cuộc sống một cách mới mẻ do yêu cầu của hiện thực thời đại, của thị hiếu người đọc và ngay bản thân văn học. Văn xuôi Việt Nam gần đây đã áp sát cuộc sống và con người, bước đầu mang lại cho bạn đọc một cảm nhận trung thành, gần gũi về thực tại; văn học thể hiện được tính dân chủ, nhân bản, đa dạng của cuộc sống. Quan niệm về nghệ thuật và con người trong mỗi giai đoạn văn học không chỉ là điểm xuất phát để tìm hiểu nội dung của tác phẩm văn học cụ thể mà còn cung cấp một cơ sở để nghiên cứu phát triển, tiến hoá của văn học. Ma Văn Kháng là một trong những tác giả tiên phong trong sự nghiệp đổi mới văn học. Nhà văn tâm niệm rằng nhà văn phải có giá trị riêng biệt, đặc sắc, sáng tạo. Quan niệm về con người trong sáng tác của Ma Văn Kháng từ giai đoạn mang tính sử thi sang thế sự đời tư có những chuyển biến rõ nét trong tư duy nghệ thuật. Con người công dân, con người tập thể, con người chính trị được bổ sung thêm con người cá thể có số phận riêng, có thế giới nội tâm tiềm thức, bản năng riêng. Trong xã hội hiện đại, những vấn đề của đời sống thường nhật có những biến đổi dữ dội, tốt xấu khó phân biệt được và hoàn cảnh sống mới đã đặt con người trong nhiều sự lựa chọn khắc nghiệt. Đứng trước những bề bộn cuộc sống, Ma Văn Kháng không hề né tránh mà cố gắng tìm ra một lối đi mới trong sáng tạo tác phẩm để phản ánh hiện thực. Ma Văn Kháng là một nhà văn có trách nhiệm và lương tâm trong nghề văn, ông có cái nhìn nhìn rất đầy đủ về con người. Điều này được minh chứng qua nhiều trang viết cảm động và chân thực của ông về con người. Vì thế, đọc văn Ma Văn Kháng, chúng ta luôn cảm thấy day dứt, xót xa cùng tác giả và đồng cảm với số phận các nhân vật đang rơi vào bế tắc, cùng hy vọng và vui mừng cho những con người tìm thấy lẽ sống, niềm tin trong cuộc sống.
Cảm thông với con người, chia sẻ cùng con người trong mọi hoàn cảnh đó là nội dung nổi bật trong cảm hứng sáng tác của nhà văn Hồ Anh Thái. Với quan niệm “nhà văn đích thực phải tử tế”, Hồ Anh Thái viết văn một cách không mệt mỏi, và qua từng tác phẩm của anh, bạn đọc dường như hiểu thấu tấm chân tình của tác giả
đối với cuộc sống, đối với con người. Cũng như Ma Văn Kháng, Hồ Anh Thái tâm niệm cuộc sống có mạch với mạch ngầm và mạch lộ thiên, có cái được, có cái mất, có hạnh phúc và bất hạnh đan cài.
Trong cái nhìn về cuộc sống và con người, Hồ Anh Thái thường lý giải sự tác động của hoàn cảnh đối với từng số phận con người. Hoàn cảnh có ý nghĩa tác động đến con người, là yếu tố khách quan có khả năng cải biến con người. Theo anh, con người có thể xấu xa, độc ác từ trong bản tính, có thể do hoàn cảnh tác động làm thay đổi tính cách, đồng thời ở con người cũng tiềm ẩn sức mạnh tự thân mãnh liệt, hoàn cảnh không làm con người gục ngã và bất chấp mọi sự éo le của cuộc sống, họ vẫn đem tình yêu thương để hóa giải hận thù. Hoàn cảnh làm thay đổi con người song cũng có khi con người biết chấp nhận hoàn cảnh, cải tạo và vượt lên trên cảnh ngộ của mình. Với Hồ Anh Thái, việc lựa chọn một lối đi trong cuộc sống của con người là vô cùng khó khăn và đó cũng là bài toán lớn của con người ở tất cả mọi thời. Có hai thái cực xảy ra, thứ nhất, con người xuôi theo định mệnh, hoàn cảnh đổi thay thì con người cũng đổi thay theo để được thỏa mãn ham muốn; thứ hai là, con người chấp nhận sống cùng hoàn cảnh, hy sinh ước vọng của mình để hy sinh vì người khác. Trong cái nhìn tương quan giữa con người và hoàn cảnh, Hồ Anh Thái có cái nhìn hết sức cảm thông. Theo nhà văn, con người thật đáng được cảm thông vì “nhân vô thập toàn”, con người dễ lầm lạc, dễ dao động trước hoàn cảnh, trở nên bé nhỏ vô cùng trước những đổi thay và hiểm họa từ ngoại cảnh song con người cũng thật đáng cảm phục. Hồ Anh Thái trải lên trang viết của mình những nhân vật, những cảnh đời, những số phận...phải đối mặt với hoàn cảnh khác nhau, qua đó, tính cách nhân vật được bộc lộ một cách rõ nét. Có trường hợp ý định mong muốn chủ quan của con người không thể đối đầu được với hoàn cảnh, nó chịu khuất phục trong cuộc chiến
đấu với hoàn cảnh như nhân vật Khuynh trong Người và xe chạy dưới ánh trăng.
Trong quan niệm về cuộc đời và con người của Hồ Anh Thái, ta còn thấy quan niệm của anh cho rằng con người sống trên đời không bao giờ thoát khỏi định mệnh. Trong văn của anh, nhiều người có tài, có đức, có nhan sắc phẩm hạnh lại thường
thua thiệt đủ điều như: Toàn, Hiệp, Trang ( Người và xe chạy dưới ánh trăng), Hòa
(Người đàn bà trên đảo), Mai Trừng (Cõi người rung chuông tận thế). Con người thật nhỏ bé, đáng thương trong cái mênh mông vô định, khôn lường của số kiếp, vận
mệnh. Ngoài ra, Hồ Anh Thái còn hay lý giải sự can thiệp của bản tính con người đối với số phận của họ. Không chỉ định mệnh chi phối đời người, khiến họ bất hạnh hay hạnh phúc mà bản tính con người từ lúc mới được sinh ra đến lúc hết đời, về cơ bản, ít khi thay đổi. Đối với những kẻ xấu xa “non sông dễ đổi, bản tính khó dời”, dù chúng ta có muốn tác động đến người khác thì những thói xấu ăn sâu trong tiềm thức cũng không mất đi được. Trong sáng tác của anh, ta nhận thấy những nhân vật xấu từ trong bản chất, dù hoàn cảnh tốt hay xấu, tính cách của họ vẫn không hề đổi thay theo
chiều hướng tốt. Nhân vật Diệu trong Người và xe chạy dưới ánh trăng là một người
đàn bà dị hình, dị tướng, xấu người xấu nết hay nhân vật Yên Thanh trong Cõi người
rung chuông tận thế là một cô gái xinh đẹp nhưng sống quỷ quyệt, xấu xa. Bản tính tráo trở, lật lọng ở hai con người này muôn đời không thay đổi được.
Hồ Anh Thái luôn dành cho con người tấm lòng trân trọng và ưu ái. Nhà văn quan niệm “nhân vô thập toàn” không phải để che giấu và bao biện cho những thiếu sót trong nhân cách của con người mà anh muốn khẳng định một điều là: con người khó có thể có tính cách toàn vẹn, hoàn hảo và mong muốn nhắn nhủ một điều con người nên ý thức được điều này, bởi vì chỉ những ai nhận thức được thiếu sót của bản thân, người đó mới có thể vươn tới sự hoàn thiện. Trong sáng tác của anh, nhiều mô hình nhân vật như vậy đã được gợi tả. Họ là những con người vốn có những suy nghĩ, hành động không phù hợp với đạo đức xã hội, với cộng đồng, với chính mình nhưng dần qua những va chạm trong đời sống họ mới ý thức được những điều thiếu sót trong hành vi nhân cách của mình, họ ý thức được đâu là cái đích cần vươn tới. Hồ Anh Thái muốn khẳng định một điều: Cho dù lầm lỡ, nếu ý thức được, con người hoàn toàn có thể vươn tới sự hoàn thiện bản thân mình. Cũng từ đây, Hồ Anh Thái đã xây dựng những nhân vật khá tương thích với cách đánh giá này về con người của anh, đó là nhân vật thức tỉnh. Bao trùm lên quan niệm về con người vươn tới sự hoàn thiện với kiểu nhân vật thức tỉnh là niềm tin rất lớn của Hồ Anh Thái đối với con người. Sai lầm ai cũng có thể mắc phải, khó mà tránh cho được, nhưng sai lầm mà ý thức được để sửa chữa mới là đáng quý. Chỉ có những con người ham muốn hoàn thiện mình mới làm được điều đó. Trong mỗi con người đều có cái thiện và cái ác, thiện và ác đều tiềm ẩn trong mỗi chúng ta, nhưng chỉ có ai biết nuôi dưỡng cái thiện làm cho nó lớn dần lên và chiến thắng cái ác thì con người đó mới trở thành người
tốt.
Với số lượng tác phẩm dày dặn, Hồ Anh Thái đã chứng tỏ là người nắm bắt tinh tế nhịp sống thời đại trên cả bề nổi cũng như mạch ngầm. Anh đã trải ra trên trang viết nhiều kiếp người, cảnh người ở nhiều thời điểm, nhiều tình huống khác nhau, qua đó thể hiện cảm nhận của mình về nhân sinh. Trong thế giới nghệ thuật văn xuôi Hồ Anh Thái, người đọc sẽ bắt gặp nhiều con người, nhiều trăn trở trước các vấn đề muôn thủa của đời sống: sự vô nghĩa - có ý nghĩa, thiện - ác, lý trí - bản năng ... để vươn lên hoàn thiện bản thân. Ta cũng bắt gặp những nhân vật mang trong mình không ít bi kịch của cá nhân, bi kịch xã hội đồng thời cũng bắt gặp những con người mang trong mình thói xấu của xã hội hiện đại, có thói xấu đáng cười và cả những thói xấu đáng sợ. Đến với con người trong văn xuôi Hồ Anh Thái, người đọc sẽ phải đương đầu với những phân vân do tác giả tạo ra, bởi ở chỗ này anh dành cho con người sự cảm thương sâu sắc, ở chỗ khác thì tràn trề niềm tin nhưng cũng không ít chỗ con người hiện ra dưới ngòi bút của anh thật đáng thất vọng. Nhân vật của anh đa sắc thái và nhà văn là người đặt nhiều niềm tin, nhiều hy vọng vào lòng người do vậy dưới sự sự đa dạng trong thể hiện về các mẫu hình nhân vật, luôn là tấm lòng ưu ái của tác giả dành cho con người mặc dù nhà văn vẫn thể hiện sự buồn chán của cõi đời và của lòng người.
Qua khảo sát, có thể nhận thấy, quan niệm về con người và cuộc đời trong các tiểu thuyết về thế sự, đời tư của Hồ Anh Thái phong phú, sâu sắc hơn các tiểu thuyết mang tính sử thi của anh ở giai đoạn trước. Các tiểu thuyết viết ở giai đoạn sau cho thấy có sự thay đổi tư duy nghệ thuật của nhà văn. Con người trong các tiểu thuyết về đời tư, thế sự được nhìn nhận ở góc độ cá nhân, đời tư hơn là góc độ công dân như ở các tiểu thuyết viết về thế hệ thanh niên, trí thức. Hồ Anh Thái đã có những đóng góp đáng kể cho văn học Việt Nam hiện đại phần lớn là ở một số lượng tác phẩm phong phú về cuộc sống đô thị giai đoạn hậu chiến gắn với thế sự, đời tư. Ở đây quan niệm của nhà văn về con người và cuộc đời ngày một phong phú và phức tạp như chính cuộc sống đời thực. Xây dựng nhân vật hướng thiện, Hồ Anh Thái đặt nhân vật trong một thế giới pha trộn, xen lẫn giữa cái tốt và cái xấu, để cho nhân vật trong thế đan cài những dằn vặt, trăn trở. Với cách xây dựng đó, Hồ Anh Thái đã bứt ra khỏi cách viết