ác điều khiển nên chính Mai Trừng đã trở thành nô lệ cho sự thù hằn. Cơn lốc của khát vọng trả thù khiến cô làm hại cả người thân của mình. Nạn nhân đầu tiên, ý định trả thù, rồi các nạn nhân tiếp theo. Mỗi ý định trả thù sẽ được trả lời bằng một xác chết. Xung quanh tuyến nhân vật chính là Cốc, Bóp, Phũ và Mai Trừng, tác phẩm còn xây dựng nhiều xác chết khác, nhiều rắp danh trả thù khác. Những nạn nhân đã bị tước mất đi quyền sống, họ không phải là nạn nhân của Mai Trừng mà là nạn nhân lối sống của chính họ. Trong tác phẩm, Yên Thanh bị sự hận thù ám ảnh đến điên dại. Vì hận Đông, Yên Thanh đã trả thù bằng cách hạ độc, giết chết con gái của Đông, rồi đốt xe của Đông, đâm Mai Trừng. Đây là người đàn bà sống chìm đắm trong nhục dục, thác loạn. Tác phẩm là lời cảnh báo, tiếng chuông rung báo động về một ngày tận thế, đó là ngày cái ác sẽ chế ngự cõi người.
Không chỉ hận thù mà những mất mát, những con đường đi lầm lỡ của con người đã tạo nên những bi kịch trong cuộc sống. Không ít những con người của xã hội hiện đại thường nhìn cuộc sống với con mắt vị kỷ, lạnh lùng. Chính vì mất niềm tin vào cuộc sống, yếu đuối trước những khó khăn của cuộc sống, nhiều người đã tự đánh mất bản thân mình, đánh mất nhân cách của mình để rồi từ ánh sáng đã bước
vào bóng tối, nhấn chìm cuộc sống trong vòng luẩn quẩn bế tắc. Tác phẩm Đi tìm
nhân vật của Tạ Duy Anh đã khắc họa những nhân vật tự biến mình thành nô lệ của cái xấu, cái ác. Đó là nhân vât “mụ Cúc” - vốn là một cô gái xinh đẹp và trong trắng nhưng đã bị gã chủ hãm hiếp mà mất đi niềm tin vào cuộc sống rồi trở thành gái điếm và chủ nhà chứa. Hay Thảo Miên - cô gái thiên thần trong sáng cũng vì chứng kiến cảnh mẹ mình ngoại tình với gã đào giếng mà mất niềm tin khiến cô quyết định bán
linh hồn cho quỷ dữ, rồi dẫn thân vào lầu xanh. Trong Đám cưới không có giấy giá
thú của Ma Văn Kháng, ta cũng thấy được sự thay đổi trong nhân cách của cô nữ sinh
Trình vốn ngoan ngoãn nhưng vì bệnh tật, vì bị bỏ rơi, vì nghèo đói, bỗng trở nên đáo để, chụp giật để trả thù đời.
1.3. Cơ chế xã hội dồn ép con người lương thiện vào những bi kịch trong cuộc sống cuộc sống
triển kinh tế - xã hội đem lại, nền kinh tế thị trường còn là mảnh đất cho những kẻ xấu lộng hành, lộng quyền và lộng ngôn tồn tại. Với lối tư duy giáo điều, máy móc, phủ nhận mọi giá trị đạo đức, lý tưởng, họ trở thành những bóng đen vô hình dẫm đạp và phá hoại cuộc sống của người khác. Trong môi trường sinh sôi của những cái xấu, người trí thức được các nhà văn xây dựng là những hình tượng của con người cao đẹp. Một loạt các nhân vật của Ma Văn Kháng bị rơi vào bi kịch như Khiêm,
Thịnh (trong Ngược dòng nước lũ); Tự, Kha, bác Thống (Trong Đám cưới không có
giấy giá thú)...là những nhân vật bị rơi vào bi kịch trong sự tương phản giữa cá nhân và hoàn cảnh xã hội. Là những người có tâm huyết với công việc, họ lại trở thành nạn nhân, luôn bị chèn ép, ngáng chân bởi những phần tử nhỏ nhen, đố kỵ, mưu chước, tìm mọi cách chèn ép người khác để tiến thân.
Tại Trường học số 5 trong tiểu thuyết Đám cưới không có giấy giá thú, với
đội ngũ lãnh đạo gồm những người như Hiệu trưởng Cẩm, Bí thư Chi bộ Dương, Bí thư thị uỷ Lại và công an Tuân đã tạo nên một “lô cốt” vững chãi đè bẹp người tốt như Tự, Kha, bác Thống. Là hiện thân của những trí thức giả danh, không có tài năng, đạo đức, những con người này trở thành bóng đen ngăn cản những hoài bão, ước vọng và sự sống đích thực của những người lương thiện.
Tự là hiện thân của cái đẹp của tâm hồn và trí tuệ. Tự là người “đẹp cả hình lẫn sắc và thanh. Ấy là lúc Tự phát tiết anh hoa…Tự được cả phần tâm lẫn phần tài. Tự là cái khối kiến thức quảng bác, là sự bất ngờ của những khám phá mới mẻ” [25,6] nhưng cuộc đời luôn khắc nghiệt và đẩy anh đến những dằn vặt, những chông chênh trong sự đối diện với cuộc sống hàng ngày. Tài năng của Tự bị dập tắt bởi những người mang danh cán bộ chính trị, nhưng trên hành động thực tế lại vô chính trị bậc nhất, vì ít học hành, tự thị về lý lịch và chức phận một cách lố bịch, chỉ biết tôn thờ một mớ tín điều, coi lý thuyết cách mạng như những giáo lý cứng nhắc, độc tôn hơn cả giáo chủ nhà thờ, sẵn sàng truy chụp, vùi dập, cho lên dàn lửa thiêu kẻ nào tỏ ra khác với quan điểm của mình” [25,394].
Tự luôn cảm nhận thấy cuộc “đời là một vại dưa muối hỏng” bởi lẽ anh nhận thấy cái éo le của cuộc đời mà anh đã trải qua: “Tư cách là thứ hàng có giá cả. Tình cảm cũng vậy. Người có lương tâm luôn bơ vơ. Kẻ có tri thức suốt đời buồn” [25,80]. Anh luôn tự hỏi, “Thời buổi này tạo ra bi kịch đó. Hay bi kịch vốn nằm trong
bản thể cuộc sống?” [25,80]. Cuộc đời và sự nghiệp của anh bị chèn ép trong những toan tính vụ lợi, trong sự ích kỷ, lòng tham của con người mà đại diện là Cẩm, Dương, Lại. Chúng đã cấu kết với nhau chèn ép Tự, ngăn cản con đường tiến thân, ngăn cản con đường vào Đảng của Tự: “Tự bị tước đoạt dần. Thôi làm chủ nhiệm. Thôi hẳn việc dạy mẫu cho sinh viên hàng năm đến kiến tập. Giải tán lớp bồi dưỡng học trò giỏi. Mất chức tổng biên tập báo tường của công đoàn. Miễn nhiệm vai trò tổ phó tổ chuyên môn và tổ trưởng Công đoàn. Không dìm nổi, nhưng chỉ được đề nghị danh hiệu giáo viên dạy giỏi truyền thống”. [25,128-129]. Với công việc của người thầy, Tự đã đạt được những thành công với lòng khâm phục và yêu mến của các thế hệ học trò. “Tự do, toả sáng, anh nhân mình lên qua công việc cao quý giáo dưỡng con người, bằng sự thăng tiến của tâm hồn và trăm ngàn nỗ lực tỉ mẩn hàng ngày”. [25,181]. Nhưng, hạnh phúc lớn lao nhất, không gì sánh nổi của người thầy giáo Tự lại trở thành căn nguyên bất hạnh của đời anh. “Anh nhận thấy đời sống hư đản và phồn tạp một cách lạ lùng. Anh bỗng cảm thấy thèm muốn một đời sống yên bình, giản dị” [25,276]. “Hoá ra, Tự cứ như một cuốn sách hay nhưng để sai chỗ, một kẻ có tâm hồn đẹp, rất đáng tự hào nhưng sống lầm thời lỡ cỡ” [25,283]. Trong cuộc sống với vợ, mặc dù vợ là người đàn bà có nhiều tính cách xấu nhưng Tự vẫn luôn vun vén, nâng đỡ cho tình cảm vợ chồng, nhưng “những tình cảm của anh đã bị bêu riếu. Anh gắng gỏi hoà hợp thật sự nhưng kết cục anh chỉ là con dã tràng. Anh suốt đời ngay thẳng, thiện chí, thiện tâm, vậy mà suốt đời bị lừa lọc, phản bội” [25, 309]. Vì mưu sinh, anh câm lặng và đau đớn bước lảo đảo, xiêu vẹo trên hè đường và tự dằn lòng: “Ôi, cái cuộc đời đã lên mùi khú khắm này. Cái cuộc đời nó chẳng ưu ái gì anh hết. Nó đẩy anh đến tình trạng phải đem bán cả những cuốn sách quý, …Tri thức, năng lực tiến hoá của toàn xã hội bị coi là loài ký sinh…Khốn khổ thân anh, tên trí thức quèn, bị ruồng bỏ, bị con buôn căm ghét, bị vợ khinh rẻ và cắm sừng” [25,331]. Cuộc đời Tự truân chuyên, hẩm hiu, trầy trật, khi người bạn của mình bị kiệt sức bởi những đè nén, Kha - bạn Tự đã chua xót trào nước mắt cho thân phận của bạn khi thấm thía bạn mình “Bị bạc đãi. Bị khinh rẻ. Bị đầy đoạ. Bị ruồng rẫy. Bị chà đạp. Bị vây bủa bởi bốn bề. Bị phản bội, bị vu cáo. Bị tước đoạt. Bị cướp bóc mất hết. Tiền tài không. Quyền lực không. Một chốn yên thân, không. Rồi đây một chỗ đứng trên bục giảng cũng không nốt. Chút ao ước định danh, cũng bị chối bỏ. Bị chặn các ngả
đường. Bị bít các lối thoát. Có cuộc hãm hại nào triệt để đến như thế? [25,408]. Những con người tốt sống trong cạm bẫy của những nhỏ nhen, ích kỷ, suy đồi thường gặp phải những bi kịch đau xót về tinh thần. Trước những tiêu cực của xã hội, nhà văn đã lên tiếng phản ánh chân thực mà không hề né tránh. Nhà văn không quên những tác nhân quan trọng, trong đó là lòng vị kỷ, sự ham hố vật chất danh vọng của nhiều người mà đang tâm hãm hại người khác, đẩy người tốt vào trạng thái bi kịch ghê gớm, cảm thấy cô đơn, bơ vơ và chìm đắm trước cuộc sống. Sự tác động của hoàn cảnh đối với con người đã mang lại nhiều thiệt thòi cho những con người có bản chất tốt. Hồ Anh Thái đã khắc họa rât sâu sắc những nhân vật trong tác phẩm của mình có tài, có đức nhưng luôn phải đối mặt với những hoàn cảnh éo le như Toàn,
Hiệp, Trang trong Người và xe chạy dưới ánh trăng, Mai Trừng trong Cõi người
rung chuông tận thế.
Hồ Anh Thái luôn quan niệm cuộc sống phức tạp và đầy bất trắc, không thể đoán định, không có gì là chắc chắn. Anh đưa ra những triết lý về cuộc sống của mình mà người đọc cũng như đang bị lắng theo những dòng suy tưởng ấy. Anh cho rằng trong cuộc đời này hạnh phúc thực sự là điều không có- đó chỉ là mơ ước của loài người, là sản phẩm của thứ văn chương nghệ thuật đầy ảo giác. Và, “tại sao tạo hoá cho con người cái quyền sống, đồng thời lại lấy mất của họ nhiều điều thiêng liêng và hành hạ họ khổ sở như vậy” [7,259-260]; “Trời ơi, nếu như đau khổ mất mát là sự thử thách thì cớ gì cuộc đời thử thách một con người quá nhiều như vậy?” [25,361].
Tác phẩm Người và xe chạy dưới ánh trăng là một bức tranh với những nét vẽ
nhẹ nhàng nhưng đã miêu tả một cách sâu sắc tình cảnh của nhiều mảnh đời. Đó là quãng đời của nhiều thanh niên. Đó là Toàn, một chàng trai mồ côi mẹ từ rất sớm, cha bị giết hại trong một vụ ném bom huỷ diệt 1972. Để tiếp tục ăn học, trong những ngày hè, Toàn phải đạp xích lô kiếm thêm tiền và anh tốt nghiệp đại học, được nhận công tác, làm cán bộ phiên dịch lễ tân ở một cơ quan đối ngoại. Đó còn là Trang, một con người cũng chịu đựng nhiều mất mát, thua thiệt. Trong chiến tranh, Trang mất cả cha lẫn mẹ khi còn nhỏ, đến khi lấy chồng “Trang mới cảm thấy hạnh phúc của mình tương đối trọn vẹn” nhưng không được bao lâu thì chồng Trang cũng mất trong một tai nạn giao thông, để lại cho cô một tổn thất tinh thần quá lớn. Đó còn là Khắc, một
thanh niên muốn sống cho ra người nhưng tình thế đã buộc anh trở thành bụi đời du đãng.
Trong Người và xe chạy dưới ánh trăng, tácgiả dành nhiều trang viết và tình
cảm cho Toàn, một thanh niên có đời sống nội tâm phong phú. Vì những trắc trở của cuộc đời, Toàn gần như sống mất niềm tin và xa lánh mọi người. Toàn tự thu mình vào trong vỏ kén dày đặc. Trong cái thế giới riêng tư ấy, Toàn luôn sống giữa cái hư và cái thực, xen lẫn giữa quá khứ và hiện tại. Sống trong sự cô đơn không bạn bè, không người thân thích, Toàn thường bị những giấc mơ về cái chết của người cha bị mất trong chiến tranh và cái chết của tên trộm mà anh đã giết để cứu bà Nhớn trong khung cảnh hỗn loạn của chiến tranh ám ảnh. Cuộc đời nhiều chông gai trắc trở vẫn đeo bám Toàn khi Toàn là người thanh niên giỏi giang, tháo vát, những giá trị về tài năng của Toàn luôn bị phủ nhận và bị trù dập bởi những con người có tính xấu như Khuynh. Khi cơ hội được đi học nước ngoài Toàn đã chạm tay tới, nhưng với mưu đồ đen tối của Khuynh, hắn đã cướp đi tương lai của Toàn, dành suất đi học cho đứa em vợ. Toàn thấm thía nỗi cơ cực của người luôn chịu những mất mát, chịu sự dồn ép của những người xấu tính: “Toàn đi qua cuộc chiến tranh, mất cha mẹ, mất cả sự hồn nhiên thơ trẻ trong tâm hồn. Tưởng rằng hêt chiến tranh sẽ không mất gì nữa, thế mà anh lại bị tước mất khát vọng được tiếp tục học lên” [34,259]. Những nỗi đau tương lai bị chặn đứng, bạn bè thân thiết bỏ ra đi nước ngoài, người mà anh thầm yêu trộm nhớ đi lấy chồng…như những nỗi đau dồn nén dần làm tim Toàn vật vã như những đợt sóng. Anh trở nên cô đơn, anh sợ mình có thêm những người bạn, vì “có thêm tức là nguy cơ đến lúc nào đó sẽ mất thêm. Toàn sợ nỗi đau khổ phát sinh từ nỗi mất thêm ấy…[34,118-119], anh lảng tránh đám đông, “lảnh tránh những lễ sinh nhật, lễ cưới của bạn bè. Giữa nơi đông đúc nhốn nháo, tất cả thiên về chúc tụng xã giao, Toàn buồn ghê gớm vì không thấy rõ một ai, không thấy rõ cả chính mình. Giữa đám đông mà cảm thấy đơn côi là vì thế” [34,119]. Toàn là người nhạy cảm tinh tế, tâm hồn Toàn như một cái cây trải qua nhiều tháng ngày dông bão với những nỗi buồn se
lại. Trong tác phẩm Người và xe chạy dưới ánh trăng, Hồ Anh Thái luôn quan tâm
đến những diễn biến đời thường xung quanh nhân vật Toàn. Đó là mối quan hệ của anh với những người trong khu tập thể, những người hàng xóm, nhà vợ chồng ông Khuynh, với những người bạn của anh…vv. Trong dọc hành trình ấy, anh thường lọt
vào giữa cái thiện và cái ác, cái đẹp đẽ và cái xấu xa, cái chân thực và giả dối.
Cô đơn là trạng thái thường trực của những người tốt phải sống trong những môi trường có nhiều cạm bẫy. Con người luôn cảm thấy cô đơn giữa chốn đông
người, giữa cộng đồng như Duy trong Côi cút giữa cảnh đời của Ma Văn Kháng
hoặc đó là sự cô đơn của những người lính thời hậu chiến luôn luôn phải dằn vặt giữa quá khứ và hiện tại. Sau chiến tranh trở về với cuộc sống đời thường, họ luôn cảm thấy lúng túng, hụt hẫng, lạc thời. Chiến tranh đã qua đi, cộng đồng được giải phóng, con người cũng được giải phóng nhưng hạnh phúc của mỗi cá nhân vẫn chưa được giải phóng trọn vẹn. Trong mỗi biến cố của cuộc đời, họ càng thấm thía cái thiệt thòi, thấm thía nỗi bất hạnh của bản thân mình.
Duy trong Côi cút giữa cảnh đời là cậu bé ngoan ngoãn, đáng yêu nhưng luôn
phải đối mặt với cảm giác cô đơn giữa chốn đông người, giữa đám đông từ khi được bà nội dắt đến trường trong buổi học lớp mẫu giáo đầu tiên. Từ nhỏ em đã chịu bất hạnh khi thiếu tình yêu chăm sóc của bố mẹ, bố đi bộ đội biệt tích, mẹ bỏ đi, em sống với bà nội, được bà che chở trong tình yêu thương vô bờ. Những em luôn cảm thấy niềm vui của em tan biến trong lạc lõng. “Lạc lõng vì nghèo, vì là lính mới. Vì cái gì cũng chưa biết, vì lớ ngớ” [27,61] . Em bị cô giáo khinh thường, quát nạt, giễu cợt, nhạo báng tên bố mẹ mình, bị bạn bè khinh rẻ và lảng tránh. Em trơ trọi giữa bạn bè có khuôn mặt hồng hào, có quần áo sạch đẹp, có đồ chơi…khiến em cảm thấy tủi thân, thấy “tức giận” nhưng chỉ giữ chúng ở trong lòng với khuôn mặt buồn, lầm lì. Sau buổi đầu tiên đến trường đó, Duy đã khóc và không muốn đến trường nữa. Sự lạnh lùng của cô giáo, sự nhạo báng của bạn bè như báo hiệu chuỗi ngày đi học tiếp