hình thức sinh hoạt mang ý nghĩa chính trị - xã hội - thực tiễn
Thực hiện phương châm: Giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nghiên cứu khoa học, lý luận gắn với thực tế, học đi đôi với hành, nhà trường gắn liền với gia đình và xã hội, trong công tác giáo dục giá trị đạo đức truyền thống cho sinh viên, ngoài những giờ lên lớp môn "Đạo đức học" và các bộ môn khoa học Mác - Lênin, nhà trường, Đoàn Thanh niên, Hội sinh viên... cần tổ chức nhiều hình thức hoạt động mang ý nghĩa chính trị - xã hội - thực tiễn nhằm giáo dục giá trị đạo đức truyền thống cho sinh viên. Điều này hoàn toàn phù hợp với phương pháp giáo dục hiện đại là phương pháp kết hợp, sử dụng nhiều phương pháp giáo dục cho những đối tượng và môn học khác nhau. Đối với môn "Đạo đức học" chúng ta vừa kết hợp phương pháp thuyết giảng, phương pháp động não, phương pháp thảo luận nhóm v.v... với phương pháp thực hành, phương pháp đi thực tế, phương pháp bài tập thực địa v.v...
Trên thực tế, những năm gần đây Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội sinh viên Việt Nam cũng như Hội sinh viên ở các thành phố, ở các trường đại học và cao đẳng đã tổ chức nhiều hình thức hoạt động mang tính giáo dục giá trị đạo đức truyền thống cao, thu hút đông đảo sinh viên tham gia, nhưng so với yêu cầu và khả năng vốn có của sinh viên, các hình thức hoạt động này cần được triển khai một cách rộng khắp và đa dạng, phong phú, hợp với lứa tuổi sinh viên hơn nữa. Các phong trào như: "Tuổi trẻ giữ nước", "Thanh niên lập nghiệp", "Sinh viên Việt Nam rèn đức, luyện tài vì tương lai tương sáng"; phong trào giúp đỡ và chăm sóc bà mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình có công với cách mạng gặp hoàn cảnh neo đơn, những người già cả ốm đau không nơi nương tựa, ngày thứ bảy tình nguyện. Riêng ở Hà Nội, các chương trình "Xây dựng hình ảnh người sinh viên Thủ đô ngàn năm văn hiến"; "Tuổi trẻ học đường Thủ đô tiến bước dưới cờ Đảng thi đua học tập - rèn luyện, lập công xuất sắc trong phong trào Thanh niên tình nguyện"; các cuộc thi "Tìm hiểu truyền thống 25 năm Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" hoặc "Tìm hiểu Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng bộ thành phố Hà Nội" v.v... đã tạo ra những "sân chơi" bổ ích cho sinh viên. Đây là dịp để sinh viên có cơ hội thể hiện tính tích cực xã hội của mình, phát huy cao độ năng lực tự chủ, tính độc lập sáng tạo trong hoạt động, gắn "học với hành, lý luận với thực tiễn"; biến ý thức đạo đức thành thực tiễn đạo đức; không ngừng nâng cao tình cảm đạo đức cách mạng cho mỗi sinh viên. Chính thông qua môi trường sinh hoạt tập thể giúp cho sinh viên tự vươn lên để hoàn thiện bản thân mình. Hơn 150 năm trước, trong "Hệ tư tưởng Đức", C.Mác và Ph.Ăngghen đã viết: "Chỉ có trong cộng đồng cá nhân mới có được những phương diện để có thể phát triển toàn diện những năng khiếu của mình và do đó, chỉ có trong cộng đồng mới có tự do cá nhân" [42, tr. 108].
Tiêu chuẩn hàng đầu của hành vi đạo đức là phải gắn lời nói với việc làm; hiểu biết với hành động. Mọi sự tách rời giữa lý luận với thực tiễn, lời nói với việc làm đều đáng phê phán, có thể nói: "Nhà giáo dục lớn nhất vẫn là thực tiễn, nhà trường lớn nhất vẫn là cuộc đời. Không có gì làm mất uy tín của giáo dục - nhất là giáo dục đạo đức - hơn là sự tách rời giữa lời nói với việc làm, giữa lý luận và thực tiễn" [42, tr. 109]. Với ý nghĩa đó, việc tổ chức một cách hợp lý, có kế hoạch các chương trình, các phong trào
hoạt động nhằm giáo dục đạo đức cho sinh viên là việc làm hết sức cần thiết và có ý nghĩa to lớn trong điều kiện hiện nay.
Để công tác giáo dục giá trị đạo đức truyền thống cho sinh viên qua các hình thức hoạt động mang ý nghĩa chính trị - xã hội - thực tiễn đạt hiệu quả cao, các trường và Đoàn thanh niên, Hội sinh viên cần chú ý giải quyết tốt các vấn đề sau đây.
Thứ nhất, tăng cường sự đoàn kết trong sinh viên, tạo ra sự thống nhất cao độ trong tư tưởng và hành động - đặc biệt là vấn đề tư tưởng phải thông suốt, mọi người tự giác, tích cực tham gia các hoạt động do Đoàn và Hội sinh viên phát động. Tư tưởng có thông suốt, lòng nhiệt tình có được khơi dậy ở mọi người thì công việc mới thành công. Trên thực tế, nhiều sinh viên vẫn tỏ ra chưa thực sự quan tâm đến các hình thức hoạt động ngoại khóa, một số rất ngại tham gia các phong trào. Số khác với những lý do nào đó đã tham gia một cách "miễn cưỡng", chính vì thế, các phong trào này chưa thực sự trở thành phong trào quần chúng rộng rãi đối với tất cả sinh viên.
Thứ hai, cần phải nêu gương người tốt việc tốt, sáng kiến hay trong phong trào sinh viên, điều này có tác dụng tích cực và ý nghĩa to lớn trong việc cổ vũ, động viên những sinh viên ưu tú trong các phong trào hoạt động do Đoàn và Hội tổ chức: Chính những cá nhân điển hình tiên tiến xuất hiện trong các phong trào là những tấm gương cho mọi người học tập. Bởi lẽ, con người ta sinh ra như C.Mác nói - không phải có sẵn chiếc gương soi trong tay, do đó, "người ta lúc đầu phải nhìn vào người khác, như nhìn vào một cái gương mới nhận thấy mình được".
Thứ ba, việc tổ chức các hình thức hoạt động phải hợp lý cả về thời điểm và độ dài thời gian, tránh tổ chức quá nhiều các hình thức hoạt động ảnh hưởng đến thời gian học tập và sinh hoạt của sinh viên. Trong một xã hội "đầy ắp" thông tin như hiện nay, vấn đề thời gian càng trở nên "vàng ngọc". So với các thế hệ sinh viên trước đây, sinh viên ngày nay có nhiều cơ hội học tập hơn, điều kiện học tập cũng tốt hơn... do đó họ cũng cần có nhiều thời gian hơn cho việc học bài, đến thư viện đọc sách, tham gia các đề tài khoa học. Vì vậy, việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa, các phong trào... cần phải tính toán
kỹ lưỡng, tránh hình thức, gây lãng phí thời gian, ảnh hưởng không tốt đến kế hoạch học tập của sinh viên.
Thứ tư, việc tổ chức các hình thức hoạt động này luôn luôn phải chú ý đến đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi sinh viên, không quá "nặng nề" "khô cứng", nhưng cũng không nên quá "hời hợt" thiếu sâu sắc, chỉ lấy "vui" làm chính. ở đây tính định hướng tư tưởng phải được đặt lên hàng đầu. Chúng ta biết rằng, nhân cách sinh viên là nhân cách chưa phát triển hoàn chỉnh, chưa được định hình một cách rõ nét, mọi sự lệch lạc trong giáo dục, dù là chính khóa hay ngoại khóa đều ảnh hưởng xấu đến quá trình hình thành và phát triển nhân cách ở sinh viên.
Sự đa dạng về hình thức, sự phong phú về nội dung, sự sâu sắc về ý nghĩa tư tưởng và giáo dục phải được coi là mục tiêu hàng đầu của các hình thức hoạt động này. Có như vậy chúng ta mới đáp ứng được những yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của sinh viên, đồng thời chúng ta mới đạt được mục tiêu giáo dục giá trị đạo đức truyền thống cho sinh viên qua các hình thức hoạt động xã hội đó.
Coi trọng thực hành và ứng dụng thực tế, gắn tri thức đạo đức với thực tiễn đạo đức, mọi hiểu biết đạo đức được thể hiện qua hành vi đạo đức... đó là sự đánh giá đúng đắn nhất kết quả giáo dục đạo đức cho sinh viên. Cách chúng ta hơn 2000 năm Arisitốt (384 - 322) đã từng nói: Chúng ta bàn về đạo đức không phải để biết đức hạnh là gì mà là để trở thành con người có đức hạnh.
Tiểu kết chương 3
Để nâng cao chất lượng công tác giáo dục những giá trị đạo đức truyền thống dân tộc cho sinh viên trong các trường đại học và cao đẳng hiện nay, trước hết cần quán triệt sâu sắc các quan điểm của Đảng, đổi mới nhận thức đối với công tác giáo dục đạo đức cho sinh viên trong toàn xã hội. Trong nhiều kỳ Đại hội, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay Đảng ta luôn quan tâm và xem giáo dục là quốc sách hàng đầu, ngành giáo dục nói chung, các trường đại học và cao đẳng nói riêng, cần hết sức chú trọng hướng giáo dục
đạo đức truyền thống theo quan điểm của Đảng đặc biệt phải có những nhận thức phù hợp với yêu cầu thực tiễn, để đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Kinh tế thị trường một mặt tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển tinh thần đạo đức của mọi người, mặt khác dưới tác động tiêu cực từ mặt trái của nó, kinh tế thị trường sẽ cản trở sự phát triển tinh thần đạo đức của con người. Truyền thống và hiện đại là những yếu tố luôn có mặt trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực văn hóa tinh thần. Truyền thống và hiện đại luôn có mối quan hệ biện chứng với nhau, thúc đẩy lẫn nhau, truyền thống là tiền đề là nền tảng của hiện đại, và hiện đại là sự kế thừa là sự tiếp nối của truyền thống. Vì vậy, cần kết hợp biện chứng tính truyền thống và tính hiện đại trong giáo dục đạo đức truyền thống cho sinh viên, giúp sinh viên thấy được giữa quá khứ, hiện tại và tương lai là một dòng chảy lịch sử không có sự tách rời. Không được coi thường quá khứ, phải biết trân trọng quá khứ, vì hiện tại muốn phát triển, vươn lên phải dựa trên nền tảng của quá khứ.
Hiện nay môi trường giáo dục ở ta còn có nhiều bất cập, điều quan trọng trong giáo dục đạo đức truyền thống dân tộc cho sinh viên hiện nay là phải tạo ra một môi trường kinh tế xã hội trong sạch, lành mạnh tác động tích cực đến việc giáo dục giá trị đạo đức truyền thống dân tộc cho sinh viên.
Để thực hiện những phương hướng trên đây, cần có những giải pháp tích cực như: Đưa môn đạo đức học trở thành môn học bắt buộc vào các trường đại học và cao đẳng; phát huy cao độ tính tự giác và tính chủ động, vai trò tự giáo dục, tự rèn luyện các giá trị đạo đức truyền thống dân tộc cho sinh viên, coi đó là một giải pháp quan trọng, có ý nghĩa quyết định, thể hiện trình độ cao của sự phát triển nhân cách. Bên cạnh đó cần phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục đạo đức truyền thống, đó như là một nguyên tắc cơ bản của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa nói chung của giáo dục đạo đức truyền thống nói riêng. Giáo dục đạo đức truyền thống dân tộc cho sinh viên không phải của riêng ai, mà là nhiệm vụ của gia đình, nhà trường và xã hội. Có như vậy chúng ta mới tạo ra được những nhân cách sinh viên phát triển toàn diện có khả năng cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Kết luận
Dân tộc Việt Nam có bề dày lịch sử hơn bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước. Với điều kiện thiên nhiên vừa thuận lợi vừa khó khăn, lại luôn phải đương đầu với các cuộc chiến tranh xâm lược triền miên. Chính quá trình gian khổ đó đã hun đúc cho con người Việt Nam nhiều truyền thống vô cùng tốt đẹp và được các thế hệ người Việt Nam
kế tiếp nhau gìn giữ, phát huy, vì vậy nó trở nên trường tồn cùng lịch sử. Nhờ có những
truyền thống quý báu ấy, dân tộc Việt Nam đã đứng vững trước mọi phong ba bão táp của lịch sử. Ngày nay, các giá trị đạo đức truyền thống dân tộc vẫn tiếp tục khẳng định vị trí là cơ sở, nền tảng trong việc xây dựng nền đạo đức mới, cuộc sống mới.
Để có được nguồn nhân lực có trình độ cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bên cạnh việc thường xuyên tạo mọi điều kiện, cơ hội tốt nhất để nâng cao trình độ khoa học - kỹ thuật, nắm bắt công nghệ mới - tiên tiến, hiện đại, cần phải quan tâm đúng mức đến công tác giáo dục đào tạo nói chung, công tác giáo dục đạo đức, tư tưởng, lối sống cho sinh viên nói riêng. Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa sẽ phát triển như thế nào, có vị thế trên trường quốc tế ra sao, nền văn hóa truyền thống của ta sẽ được kế thừa bổ sung và phát triển như thế nào, phụ thuộc rất nhiều vào lớp trẻ hiện nay, trong đó có sinh viên.
Từ khi Đảng và Nhà nước ta chủ trương phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, quá trình chuyển đổi kinh tế đó đã từng bước tạo ra cơ sở vật chất - kỹ thuật cho việc phát huy tính tích cực, năng động của mọi tầng lớp nhân dân, trong đó có sinh viên. Bên cạnh mặt tích cực, nền kinh tế thị trường cũng bộc lộ nhiều khuyết tật mâu thuẫn với bản chất của chủ nghĩa xã hội.
Chính từ thực tế đó đã đặt ra yêu cầu cấp thiết phải giáo dục những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc cho tầng lớp sinh viên hiện nay, tạo ra cho đất nước những
con người vừa có năng lực vừa có phẩm chất đạo đức, yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, hăng say nhiệt tình, năng động, sáng tạo, biết trân trọng, giữ gìn và phát huy những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp vốn có của dân tộc trong điều kiện lịch sử mới.
Cũng như sinh viên cả nước, sinh viên Hà Nội hiện nay vẫn tiếp tục giữ gìn và phát huy những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam bằng những hoạt động học tập, rèn luyện, và tham gia các phong trào mang ý nghĩa giáo dục đạo đức truyền thống. Bên cạnh thành tựu và thuận lợi mà chúng ta có được cũng còn nhiều bất cập, khó khăn trong vấn đề giáo dục giá trị đạo đức truyền thống dân tộc cho tầng lớp sinh viên trong các trường đại học và cao đẳng trên địa bàn thành phố Hà Nội - trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị của cả nước. Vì vậy, để giáo dục những giá trị đạo đức truyền thống dân tộc cho sinh viên hiện nay đạt kết quả tốt hơn nữa chúng tôi xin đề xuất ba nhóm phương hướng và ba nhóm giải pháp sau: