Pháp lệnh trọng tài thương mại được Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua ngày 25/02/2003 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2003 đã tạo bước đột phá mới trong cơ chế giải quyết các tranh chấp thương mại bằng trọng tài, khắc phục được các tồn tại của các văn bản trước đây quy định về trọng tài, kịp thời đáp
ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế thị trường, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và nhu cầu của các nhà kinh doanh.
Chúng tôi xin giới thiệu một số nội dung cơ bản của Pháp lệnh trọng tài thương mại (PLTTTM)
PLTTTM đã mở rộng thẩm quyền đáng kể cho trọng tài so với Nghị định 116/CP ngày 05/9/1994 về tổ chức và hoạt động của Trung tâm trọng tài kinh tế. Theo đó, trọng tài thương mại có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp phát sinh trong hoạt động thương mại khi có sự thoả thuận của các bên. Hoạt động thương mại được hiểu theo nghĩa rộng phù hợp với khái niệm “kinh doanh” trong Luật doanh nghiệp Việt Nam và được quy định cụ thể như: mua bán hàng hoá, cung
ứng dịch vụ; phân phối; đại diện, đại lý thương mại; ký gửi, thuê, cho thuê; xây dựng; tư vấn; kỹ thuật; li-xăng; đầu tư; tài chính, ngân hàng;... (khoản 2- điều 2).
2- Về hình thức giải quyết tranh chấp:
PLTTTM quy định hai hình thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài: do Trung tâm trọng tài tổ chức và do các bên thành lập. Quy định này dựa trên sự tôn trọng ý chí của các bên và bảo đảm quyền các bên lựa chọn hình thức giải
quyết tranh chấp, đồng thời cũng là sự phù hợp với quy định của pháp luật các nước trên thế giới về hai hình thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài: thường trực và Adhoc.
3- Hiệu lực của quyết định trọng tài:
Quyết định trọng tài là chung thẩm, các bên phải thi hành nếu không bị Toà án huỷ theo quy định của pháp lệnh. Pháp lệnh tạo một bước đột phá mới
trong cơ chế giải quyết tranh chấp bằng tố tụng trọng tài bởi việc quy định quyết định trọng tài có giá trị thi hành như một bản án của Toà án. Nếu các bên không tự nguyện thi hành sẽ bị áp dụng biện pháp cưỡng chế bởi cơ quan thi hành án cấp tỉnh nơi có trụ sở, nơi cư trú hoặc nơi có tài sản của bên phải thi hành. Trình tự, thủ tục và thời hạn thi hành quyết định trọng tài được tuân theo các quy định của Pháp lệnh thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành.
4- Về thoả thuận trọng tài:
Thoả thuận trọng tài là văn bản thể hiện ý chí của các bên về việc lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. Thoả thuận trọng tài phải được lập thành văn bản. Hình thức văn bản được mở rộng bao gồm cả thư, điện báo, telex, fax, thư điện tử và các hình thức văn bản khác được pháp luật quy định cho phù hợp với tình hình giao dịch kinh tế, thương mại hiện nay (Điều 9).
5- Về trọng tài viên:
Là người được các bên lựa chọn, Trung tâm trọng tài hoặc Toà án chỉ định để giải quyết tranh chấp. Trọng tài viên phải là người có phẩm chất đạo đức tốt, trung thực, vô tư, khách quan; có bằng đại học và đã qua thực tế công tác. Pháp lệnh quy định một số trường hợp không được làm trọng tài viên: người đang bị quản chế hành chính, đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, hoặc đã bị
kết án mà chưa được xoá án tích; Thẩm phán; Kiểm sát viên; Điều tra viên; Chấp hành viên; công chức đang công tác tại Toà án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án.
6- Về Trung tâm trọng tài:
Trung tâm trọng tài được thành lập khi có ít nhất 05 trọng tài viên là sáng lập viên và có các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 17 của Pháp lệnh.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp sẽ cấp giấy phép thành lập Trung tâm trọng tài theo sự giới thiệu của Hội Luật gia Việt Nam, căn cứ vào nhu cầu và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Để đảm bảo hoạt động của Trung tâm trọng tài, tránh tình trạng thành lập một cách tràn lan hoặc thành lập xong thì không hoạt động, trong thời hạn 20
ngày kể từ ngày được cấp giấy phép thành lập, Trung tâm trọng tài phải đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp cấp tỉnh nơi Trung tâm đặt trụ sở.
7- Huỷ quyết định trọng tài:
Quyết định trọng tài có thể bị huỷ khi có căn cứ theo quyết định của Pháp lệnh. Thẩm quyền huỷ quyết định trọng tài thuộc Toà án nhân dân cấp tỉnh nơi Hội đồng trọng tài ra quyết định. Quyết định huỷ hoặc không huỷ quyết định của
Trọng tài của Toà án có thể bị kháng cáo hoặc kháng nghị trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày ra quyết định và sẽ được xem xét lại bởi Toà án nhân dân tối cao. Quyết định của Toà án nhân dân tối cao là quyết định cuối cùng.
8- Mối quan hệ giữa Toà án và Trọng tài:
Trọng tài là một tổ chức phi chính phủ, quyết định không mang tính quyền lực nhà nước và cũng không đương nhiên được thi hành bằng biện pháp
cưỡng chế. Nhằm bảo đảm hiệu quả hoạt động của trọng tài, tạo điều kiện thuận lợi cho trọng tài trong quá trình giải quyết tranh chấp, Pháp lệnh quy định cụ thể mối quan hệ hỗ trợ của Toà án đối với trọng tài trong suốt quá trình giải quyết tranh chấp. Toà án có thể hỗ trợ trọng tài trong một số trường hợp như: chỉ định trọng tài viên (điều 26); xem xét quyết định của Hội đồng trọng tài về thẩm
quyền giải quyết tranh chấp (điều 30); áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (điều 33); huỷ quyết định trọng tài (điều 53).