IV. CÁC GIẢI PHÁP HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN OTC Ở VIỆT NAM
1. Xây dựng hành lang pháp lý cho thị trường OTC
Mục tiêu đặt ra cho việc tạo dựng khung pháp lý của thị trường OTC Việt Nam là để tạo môi trường thuận lợi cho việc phát hành và giao dịch các
CK không đủ tiêu chuẩn niêm yết trên TTGDCK, nhằm khuyến khích việc huy động các nguồn vốn trong và ngoài nước vào phát triển kinh tế đất nước, bảo đảm cho thị trường hoạt động một cách an toàn, công bằng, công khai và hiệu quả, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các nhà đầu tư tham gia vào thị trường.
Thị trường OTC không chỉ đơn thuần là một kênh dẫn vốn hết sức quan trọng, mà tự thân nó còn là trung tâm xử lý, khuyếch đại thông tin, và vì vậy nó có thể làm méo mó các thông tin, gây tin thất thiệt trên cơ sở đầu cơ trục lợi và thao túng thị trường của một số nhà đầu tư bất chính.
Do vậy việc tạo dựng một hành lang pháp lý đầy đủ, cần phải xét đến các bước từ khâu phát hành CK lần đầu tiên cho đến các tổ chức trung gian tham gia trên thị trường như môi giới chứng khoán, tự kinh doanh, tư vấn đầu tư, bảo lãnh phát hành, quản lý danh mục đầu tư và các dịch vụ thanh toán bù trừ, lưu ký chứng khoán...
Trong thời gian đầu đưa thị trường vào vận hành, hệ thống pháp lý của thị trường OTC không nhất thiết phải là các văn bản luật được ban hành một cách đầy đủ và quá chi tiết cho các mặt hoạt động để tránh cản trở tới bước phát triển của thị trường chứng khoán, mà có thể là các văn bản dưới luật.
Công việc trước tiên là phải xem xét tính đồng bộ trong hệ thống các văn bản đã ban hành để tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của thị trường OTC. Thực tế hiện nay, hệ thống văn bản pháp quy về chứng khoán còn chưa hoàn chỉnh, bị chồng chéo, một số nội dung còn mâu thuẫn. Văn bản pháp lý có hiệu lực cao nhất là Nghị định 48/1998/NĐ-CP về CK và thị trường chứng khoán, nhưng trong Nghị định có một số nội dung cần phải sửa đổi lại để không mâu thuẫn với chủ trương xây dựng và thiết lập thị trường OTC.
Nghị định của Chính phủ về thị trường OTC
Trong thời gian đầu hình thành, để đảm bảo khả năng điều chỉnh của pháp luật, việc ban hành một nghị định về thị trường OTC là cần thiết. Đây là cơ sở pháp lý ban đầu cho việc đưa vào vận hành thị trường OTC Việt Nam trong khi chúng ta chưa xây dựng được một bộ phận luật hoàn chỉnh về chứng khoán và thị trường chứng khoán. Đây cũng là cơ sở pháp lý cho tất cả các công việc chuẩn bị tiếp theo có liên quan đến việc thành lập thị trường OTC và các đối tượng tham gia thị trường...
Chính vì vậy, nghị định này cần phải được đề cập đến các vấn đề liên quan tới giao dịch, các tổ chức tham gia thị trường, các định chế trung gian, các hành vi giao dịch bị cấm và vấn đề trung gian hoà giải.
Vì phần lớn các quy phạm cho thị trường OTC sẽ tương tự như thị trường tập trung nên trong thời gian trước mắt, để thị trường OTC sớm đi vào hoạt động, giải pháp tối ưu là sửa đổi, bổ sung Nghị định 48/1998/NĐ-CP, hoàn chỉnh thành Nghị định mới điều chỉnh cho thị trường OTC. Về lâu dài, như kinh nghiệm của các nước, chúng ta phải xây dựng Luật kinh doanh chứng khoán trong đó bao gồm cả kinh doanh trên thị trường tập trung và thị trường OTC.
Việc quy định các tiêu chuẩn phát hành cũng như phương thức phát hành cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp là vấn đề cụ thể hoá các điều kiện cho sự bảo đảm của thị trường OTC lúc khởi đầu, tạo tiền đề cơ sở cho việc đưa các hàng hoá chứng khoán có chất lượng cao vào giao dịch. Cụ thể là đưa các chuẩn mực về vốn, thời gian kinh doanh có lãi trong một số năm nhất định, cơ chế bảo lãnh phát hành cũng như tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu của các cổ đông đại chúng và việc tham gia của các đối tác nước ngoài vào thị trường OTC là các vấn đề cần được xem xét một cách kỹ lưỡng.
Việc quy định các thành viên tham gia thị trường lúc khởi đầu, bao gồm cả việc cho phép thành lập các tổ chức trung gian, các định chế tài chính tham gia vào kinh doanh và các quy định về hành vi bị cấm trong giao dịch sẽ tạo ra một cơ chế vận hành hiệu quả, qua đó hạn chế được các tác động tiêu cực làm ảnh hưởng đến thị trường.
Trong thời gian đầu hoạt động của thị trường OTC, để đảm bảo cho các giao dịch được diễn ra an toàn, tránh các sự cố biến động giả tạo, việc quy định cấm các hành vi bán khống (bán các chứng khoán không thuộc sở hữu của mình) và các giao dịch bảo chứng là điều cần thiết. Cùng với quá trình phát triển của thị trường và sự hoàn thiện của khung pháp lý, nghiệp vụ này sẽ được đưa vào hoạt động nhằm làm tăng khả năng giao dịch và phong phú của thị trường.
Ngoài ra, việc quy định cấm các hành vi giao dịch nội gián (giao dịch có sử dụng các thông tin nội bộ) là vấn đề tối cần thiết, mặc dù đây là lĩnh vực khó kiểm soát, mà ngay cả các quốc gia có TTCK phát triển cũng khó lòng kiểm soát ngăn chặn được từ xa. Đây là một lĩnh vực hết sức phức tạp, bởi lẽ ở đó phần lớn sử dụng các thông tin và khả năng phán đoán của các nhà đầu tư, các nhà tư vấn và các nhà tạo lập thị trường. Tuy nhiên, trong một chừng mực nhất định, việc quy định cấm tiết lộ các thông tin chưa được phép công bố và việc giáo dục ý thức, đào tạo cho các nhà quản lý, vận hành thị trường sẽ phần nào giảm nhẹ được các hành vi vi phạm này.
Các văn bản pháp quy liên quan đến các hoạt động giao dịch trên OTC.
Để đảm bảo cho các giao dịch được diễn ra một cách liên tục, công bằng và hiệu quả, thì UBCKNN cần phải ban hành các quy chế cụ thể để hướng dẫn chi tiết các hoạt động. Đó là Quy chế giao dịch OTC, quy chế thành viên tham gia thị trường OTC; quy chế về công bố thông tin; quy chế giám sát thành viên và giám sát thị trường; quy chế tổ chức và hoạt động của
các công ty chứng khoán, các quỹ đầu tư và công ty quản lý quỹ đầu tư trên OTC...
Thiết lập môi trường pháp lý chuẩn cho hoạt động kế toán - kiểm toán, bên cạnh đó hình thành các tổ chức định mức tín nhiệm, để các nhà đầu tư yên tâm và tin tưởng khi đầu tư vào thị trường chứng khoán. Ngoài các quy chế nêu trên cũng cần có các thông tư, các quy định hướng dẫn cụ thể, trong từng thời gian cho từng loại hình hoạt động, kinh doanh cho phù hợp với điều kiện phát triển của thị trường.