I. BỐI CẢNH THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH TIỀN TỆ THẾ GIỚI VÀ
2. Đặc trưng thị trường ngoại hối Việt Nam thời gian qua
2.1. Những biến động về tỉ giá và thay đổi trong cơ chế điều hành tỉ giá
Kể từ sau đại hội đảng VI tháng 12/ 1986, nước ta xoá bỏ cơ chế kế hoạch hoá tập trung chuyển sang cơ chế thị trường có sự quản lí của nhà nước, đánh dấu một bước ngoặt lớn, một sự chuyển mình trên nhiều phương diện. Lĩnh vực tài chính – tiền tệ và vấn đề tỉ giá hối đoái cũng được điều chỉnh căn bản, chế độ đa tỉ giá trước đó làm mất cân đối nghiêm trọng nền kinh tế đã bị xoá bỏ.
Tiêu chí 1986 1987 1988 1989 1990 1991 1992 1993
Tỉ giá chính thức 80 368 3000 3900 - 8818 11200 10642 Tỉ giá tự do 425 127 5000 4100 - 9865 11215 10675
Chênh lệch (lần) 5,6 3,5 1,7 1,1 - 1,1 1,0 1,0
( Nguồn : vụ quản lí ngoại hối, NHNN )
Tháng 3/ 1989, chế độ trợ giá trong hoạt động ngoại thương bị loại bỏ. Hai trung tâm giao dịch ngoại tệ tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh ra đời năm 1991, đến 1/ 10/1994 thì thành lập thị trường ngoại tệ liên ngân hàng. Tỉ giá chính thức, tính bằng USD, được ấn định căn cứ vào chỉ số lạm phát, lãi suất, cán cân thanh toán, có tham khảo tỉ giá tự do và giá vàng. Trên cơ sở đó, các NHTM xây dựng tỉ giá giao dịch liên ngân hàng hàng ngày với biên độ do NHNN qui định trong từng thời kì. Sau thời gian ổn định quá lâu 1993-1996, tỉ giá chính thức ngày càng xa rời tỉ giá thực ( tăng khoảng 50% so với năm 1990 ), đến tháng 7 năm 1997 khủng hoảng tài chính –tiền tệ Châu Á nổ ra. Đầu năm 1998, NHNN phải đưa ra một loạt các biện pháp hành chính : ban hành Qui chế quản lí ngoại hối, nghiệp vụ mua bán ngoại tệ mới, qui định về trạng thái ngoại tệ và trạng thái tiền đồng....; tiến hành can thiệp trực tiếp trên thị trường : thay đổi biên đổi dao động và điều chỉnh tỉ giá chính thức nhằm thu hẹp khoảng cách giữa tỉ giá giao dịch của các NHTM với tỉ giá tự do.
Điều chỉnh tỉ giá qua các năm
Lần điều chỉnh 13/ 10/1997 16/02/1998 07/ 08/1998 26/02/1999
Tỉ giá 11.175 11.800 12.998 13.889
Biên độ (+/-%) 10,0 10,0 7,0 0,1
Mức lạm phát 14% 5,6% 10% 6,8%
( Nguồn : NHNN )
Cơ chế tỉ giá chính thức còn nặng về hành chính, chưa linh hoạt với biến động của thị trường tiền tệ, trong khi đó, nền kinh tế phát triển, các nhân tố thị trường phát huy tác dụng, các quan hệ hợp tác giao lưu kinh tế mở rộng, đặc biệt là hợp tác quốc tế, đòi hỏi có những chuyển biến thích hợp trong cơ chế điều hành tỉ giá và thống nhất giữa tỉ giá chính thức và tỉ giá liên ngân hàng nhằm ổn định thị trường
ngoại tệ và sau đó là ổn định nền kinh tế, điều hoà các mối quan hệ giữa các chủ thể khác nhau trong nền kinh tế.
Ngày 25/ 02 /1999, NHNN Việt Nam chính thức công bố : Quyết định số 64/1999/QĐ-NHNN 7 về việc công bố tỉ giá hối đoái giữa đồng Việt Nam với các ngoại tệ, và Quyết định số 65 về việc qui định nguyên tắc xác định tỉ giá mua bán ngoại tệ của các tổ chức tín dụng được phép kinh doanh ngoại tệ. Nói chính xác thì tỉ giá không còn là công cụ mà là mục tiêu trung gian của chính sách tiền tệ thông qua kênh giá tài sản. Cơ chế mới này linh hoạt ở chỗ : thứ nhất, nó phản ánh chính xác và linh hoạt giá trị thực tế sức mua đối ngoại của VND ; thứ hai, Nhà nước có thể can thiệp thị trường ngoại hối chủ động hơn bằng các biện pháp kinh tế thay vì chỉ sử dụng các biện pháp hành chính như trước. Từ ngày 26 / 02/ 1999 NHNN công bố hàng ngày tỉ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng giữa VND/ USD. Căn cứ vào đó tổng giám đốc hoặc giám đốc các tổ chức tín dụng được phép kinh doanh ngoại tệ xác định tỉ giá mua bán ngoại tệ theo nguyên tắc: đối với USD không được vượt quá 1% so với tỉ giá NHNN công bố ngày giao dịch gần nhất trước đó ; đối với các ngoại tệ khác do các TCTD tự xác định. Từ đầu năm 1999, tỉ giá hối đoái tăng khá đều đặn, bám sát tỉ giá thực, thị trường ngoại hối tương đối ổn định.
Trong thời gian qua Việt Nam đã áp dụng một loạt các biện pháp trong việc quản lí ngoại hối và điều hành tỉ giá, đã từng bước tạo cho tỉ giá được sống với đời sống thực của thị trường thông qua tỉ giá giao dịch bình quân của thị trường liên ngân hàng với một biên độ hạn hẹp cho trước. Đặc điểm của chính sách tỉ giá trong thời gian qua là sự vận động của các nhân tố kinh tế vĩ mô đưa đến định hình một chế độ “ tỉ giá hối đoái cố định từng thời kì ”có điều chỉnh theo các sự kiện lớn về tài chính, tiền tệ của khu vực và thế giới. Tuy nhiên có thể nói Việt Nam đã điều hành chính sách tỉ giá khá thành công, tuy tình trạng “ sùng bái ngoại tệ ” và sự bất hợp lí trong cơ cấu lãi suất vay- gửi nội tệ và ngoại tệ vẫn còn. Nhưng về cơ bản
các văn bản mới về quản lí ngoại hối ngày càng phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế đối ngoại và thông lệ quốc tế, góp phần làm cho VND dần trở thành đồng tiền ổn định, có uy tín hơn trên thị trường tài chính cũng như thị thương mại quốc tế.
2.2. Những biến động lãi suất và cơ chế điều hành lãi suất
Trong giai đoạn đầu thời kì đổi mới năm 1989, Nhà nước phải dùng ngân sách nhà nước bù lỗ cho các ngân hàng thực hiện cơ cấu lãi suất ấn định theo đối tượng, ngành nghề và kì hạn. Năm 1990 lãi suất trần tín dụng và sàn tiền gửi được áp dụng nhưng còn phân biệt theo kì hạn và loại hình khách hàng. Cơ chế lãi suất còn nhiều bất hợp lí : Lãi suất thấp hơn tỉ lệ lạm phát, lãi suất tiền gửi cao hơn cho vay, phân biệt giữa tổ chức kinh tế và cá nhân, khu vực quốc doanh và ngoài quốc doanh, chênh lệch lãi suất cho vay ngắn hạn lớn hơn trung, dài hạn, tiền gửi thanh toán không được hưởng lãi. Giai đoạn 1992-1996, Ngân sách Nhà Nước chấm dứt bù lỗ, ngân hàng được áp dụng cho vay theo lãi suất thoả thuận đối với khu vực ngoài quốc doanh. Từ năm 1993, nhà nước bỏ hẳn hình thức lãi suất theo ngành, chỉ qui định trần và sàn lãi suất theo kì hạn giao dịch.
Năm 1993 thị trường nội tệ liên ngân hàng ra đời theo quyết định 136/QĐ-NH2 nhưng hoạt động yết ớt và kém hiệu quả, ban đầu có tổ chức các phiên giao dịch theo tuần và sau đó là theo ngày làm việc của ngân hàng. Hàng hoá chủ yếu là trái phiếu, tín phiếu kho bạc, tín phiếu ngân hàng có thể chuyển nhượng, song sau đó từ năm 1996 nền kinh tế có phần suy giảm, hấp thụ vốn kém, tình trạng dư thừa vốn khả dụng làm cho thị trường nội tệ liên ngân hàng hầu như không còn hoạt động. Từ 1/1/1996, NHNN chỉ qui định trần lãi suất cho vay,và giới hạn chênh lệch lãi suất cho vay – tiền gửi bình quân tối đa là 0,35 %/ tháng, từ đó các ngân hàng thương mại tự qui định lãi suất cụ thể. Việc xoá bỏ qui định về chênh lệch lãi suất đầu năm 1998 và việc kiểm soát lãi suất tiết kiệm ngoại tệ năm 2000, đã tạo cơ sở tự do hoá lãi suất. Trong năm 1999 và 2000, giảm liên tục trần lãi suất cho vay, do
những dấu hiệu giảm phát và tình hình mất cân đối cung - cầu tín dụng trong nền kinh tế, tuy nhiên không đạt được mục tiêu thống nhất chính sách lãi suất và kích cầu đầu tư.
Ngày 2/ 8/2000, Thống đốc NHNN ban hành : Quyết định 241/2000/QĐ-NHNN1 công bố lãi suất cơ bản làm cơ sở ấn định lãi suất cho vay bằng VND. QĐ 243 công bố biên độ lãi suất USD, các ngoại tệ khác do tổng giám đốc hoặc giám đốc tổ chức tín dụng quyết định. Lãi suất cơ bản xác định trong từng thời kì, phụ thuộc chính sách tài chính –tiền tệ quốc gia, cung cầu vốn trong nền kinh tế và lãi suất cho vay trên thị trường liên ngân hàng. Lãi suất thị trường dần có chiều hướng tăng trở lại, các NHTM cũng giải quyết được vốn dư thừa bằng tín phiếu kho bạc, đầu tư ngân sách ; cầu tín dụng trong nền kinh tế đều tăng, đặc biệt trong hoạt động XNK...Từ tháng 6-2001, Ngân hàng Nhà nước chính thức thực hiện cơ chế tự do hoá lãi suất ngoại tệ, tiếp đến tháng 6-2002 thực hiện cơ chế lãi suất cho vay thoả thuận Đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng đối với khách hàng. Theo đó, các TCTD được quyền chủ động trong qui định cụ thể lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay của mình trên cơ sở cung cầu vốn, quan hệ với khách hàng .
Một loạt những thay đổi và biến động trong việc điều chỉnh lãi suất đồng nội tệ và ngoại tệ cùng với cơ chế điều hành linh hoạt cuả NHNN đã mở rộng quyền chủ động của các TCTD, tạo được liên hệ giữa lãi suất nội tệ và ngoại tệ, lãi suất USD trong nước và lãi suất USD trên thị trường quốc tế ( cụ thể là lãi suất SIBOR trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng Singapore). Tuy vốn vào ra ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn, chưa phù hợp nhu cầu nguồn vốn lớn, ổn định trung và dài hạn cho quá trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước, nhưng nhìn chung ngân hàng nhà nước đã thành công trong việc từng bước giảm lãi suất cho vay, góp phần ổn định lạm phát, kích thích hoạt động sản xuất kinh doanh. Nói cách khác với cơ chế điều hành lãi suất là công cụ gián tiếp theo xu hướng hội nhập khu vực và thế giới, đã tác động hình thành nên lãi suất bình quân, phản ánh tương đối sát cung –cầu vốn
trong nền kinh tế. Song phải lưu ý, tuy tự do hoá lãi suất là xu thế tất yếu trong nền kinh tế thị trường nhưng nó đòi hỏi một thị trường tài chính với các trung gian tài chính, đặc biệt là các ngân hàng biết quản lí rủi ro và vốn khả dụng thông qua các công cụ tài chính. Thị trường tài chính Việt Nam còn rất mới mẻ và đang trong quá trình cải tổ, chưa quen với việc quản lí vốn khả dụng một cách tích cực. Do đó để phát huy hiệu quả của việc quản lí và điều hành lãi suất cần có sự phối hợp sử dụng tốt các công cụ khác của chính sách tiền tệ. Mặt khác NHNN cần tổng hợp và cập nhật đầy đủ các thông tin, kịp thời can thiệp, theo sát với những diễn biến của thị trường.
2.3. Sự ra đời và vai trò của thị trường liên ngân hàng * Mô hình trung tâm giao dịch ngoại tệ
Trước năm 1991, Việt Nam chưa có thị trường ngoại hối chính thức, việc mua – bán ngoại tệ thực hiện tại một số ngân hàng uỷ quyền, duy trì chế độ đa tỉ giá với tỉ giá chính thức quá xa so với tỉ giá thị trường tự do. Năm 1991 là thời điểm căng thẳng giá vàng và giá USD. Trước tình hình đó, Thống đốc NHNN ban hành Quyết định 17 NHQĐ kèm theo Qui chế tổ chức và hoạt động của trung tâm giao dịch ngoại tệ, đánh dấu bước đầu việc hình thành thị trường ngoại hối có tổ chức ở Việt Nam do NHNN quản lí và điều hành. Từ tháng 8 và tháng 11 –1991 hai trung tâm giao dịch ngoại tệ tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đi vào hoạt động, thiết lập thị trường giữa NHTM và các đơn vị kinh tế, cân đối cung cầu ngoại tệ trên thị trường, xác định tỉ giá USD / VND, tiến tới hình thành thị trường ngoại hối hoàn chỉnh ở Việt Nam, đó là thị trường ngoại tệ liên ngân hàng.
Thành viên tham gia gồm các NHTM, NH Đầu tư và phát triển được phép kinh doanh ngoại tệ, các đơn vị được phép kinh doanh XNK trực tiếp với nước ngoài..., NHNN có vai trò tổ chức và kiểm soát thị trường. Số lượng thành viên tăng đáng kể, phương thức mua bán là đấu giá, tỉ giá được thiết lập tại điểm cân bằng cung – cầu
Bên cạnh mặt góp phần bình ổn tỉ giá và đáp ứng nhu cầu ngoại tệ trong nước, trung tâm giao dịch ngoại tệ cũng bộc lộ những yếu kém : Phạm vi hẹp, đa phần chỉ bó gọn ở giao dịch trực tiếp giữa NHNN (Chi nhánh Hà Nội) và các doanh nghiệp...
* Thị trường ngoại tệ liên ngân hàng (INTERBANK)
Thị trường ngoại tệ liên ngân hàng Việt Nam (Interbank Foreign Exchange Market) được thành lập theo quyết định 203/ QĐ-NH9 và quyết định 203/ QĐ- NH13 về qui chế tổ chức và hoạt động của Interbank-là thị trường của các ngân hàng, nơi diễn ra hoạt động mua bán ngoại tệ giữa các NHTM với nhau hoặc giữa NHTM với NHNN, do NHNN tổ chức và điều hành. Ngày 01/10/1994, thị trường ngoại tệ liên ngân hàng chính thức đi vào hoạt động với 7 loại tiền tệ được mua bán chủ yếu : USD, DEM, GBP, FRF, JPY, HKD,VND. Các loại giao dịch ngoại hối được phép thực hiện trên thị trường gồm có : giao dịch giao ngay, kì hạn và hoán đổi (3/5 nghiệp vụ kinh doanh ngoại hối cơ bản, chưa có giao dịch tương lai và quyền chọn ). Doanh số tối thiểu cho mỗi giao dịch là 50.000 USD hoặc các loại tiền khác tương đương, tỉ giá áp dụng là tỉ giá mua và tỉ giá bán trên cơ sở tỉ giá bình quân USD/VND do NHNN công bố trong biên độ nhất định tuỳ từng thời kì, lúc cao lên đến +/- 10%, lúc thấp là +/-0,1%. Giao dịch được thực hiện qua điện thoại, telex, fax, hoặc mạng vi tính. Các tổ chức tín dụng thành viên phải mở tài khoản ngoại tệ và nội tệ tại sở giao dịch ( SGD ) NHNN, cuối mỗi ngày giao dịch viên phải báo cáo tình hình mua bán ngoại tệ trên thị trường, trạng thái ngoại hối cho SGD. Trong ngày, nếu các TCTD không tự cân bằng được trạng thái ngoại hối thì liên hệ với NHNN với tư cách là người mua bán cuối cùng nhằm đảm bảo tuân thủ qui chế của NHNN. So với trung tâm giao dịch ngoại tệ thì thị trường ngoại tệ liên ngân hàng là một bước phát triển đáng kể.
Doanh số giao dịch bình quân tháng trên Interbank Năm 1997 1998 1999 2000 Doanh số giao dịch (tr USD ) 58 33 217 1000 ( Nguồn : Tạp chí Ngân hàng, Số 1/2001, tr.34)
Kể từ khi ra đời cho đến nay, thị trường ngoại tệ liên ngân hàng dần dần linh hoạt và mang tính thị trường hơn. Giao dịch trên Interbank chiếm trên 90% tổng số giao dịch trên thị trường ngoại tệ, tuy nhiên hoạt động vẫn không đều đặn, quy mô giao dịch nhỏ, các ngân hàng chỉ chào giá một chiều, số lượng người mua nhiều hơn bán và chưa mang tính chuyên nghiệp. Thị trường ngoại tệ liên ngân hàng là trọng tâm của thị trường hối đoái, nó là thị trường quan trọng cả về doanh số, tỉ trọng và khả năng sinh lợi nhuận. Không thể hình dung một thị trường hối đoái mà không có các ngân hàng thương mại tham gia, vì đây là một mạng lưới các quan hệ ngân hàng đại lí chằng chịt và hoạt động thường xuyên với nhau. Tuy nhiên do thị trường tiền tệ ở Việt Nam chưa phát triển nên thị trường ngoại hối của ta vẫn chưa thực sự phát huy được vai trò của mình. Để có thể hoà nhập với thị trường quốc tế thì thị trường ngoại hối của Việt Nam cần phải được hoàn thiện hơn nữa cả chiều rộng và chiều sâu.
II. SỰ CẦN THIẾT RA ĐỜI VÀ PHÁT TRIỂN NGHIỆP VỤ HOÁN ĐỔI NGOẠI HỐI Ở VIỆT NAM - CÁC QUI ĐỊNH PHÁP LÍ CÓ LIÊN QUAN
1. Sự cần thiết ra đời và phát triển nghiệp vụ hoán đổi ngoại hối tại Việt Nam.