Môi trường thiên nhiên và văn hóa nông thôn ngoại thành Hà Nội để xây dựng văn hóa ứng xử

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Văn hóa ứng xử của người Hà Nội trong thời kỳ đổi mới hiện nay pdf (Trang 50 - 54)

Nội trong những năm gần đây

2.2.1. Môi trường thiên nhiên và văn hóa nông thôn ngoại thành Hà Nội để xây dựng văn hóa ứng xử dựng văn hóa ứng xử

Là một phần không thể tách rời của môi trường thiên nhiên và xã hội của thủ đô Hà Nội, môi trường thiên nhiên, xã hội nông thôn ngoại thành hiện nay vẫn còn những diện mạo, sắc thái riêng tương đối.

Các yếu tố địa hình bằng phẳng, đồng ruộng màu mỡ, sông hồ và núi (ở Sóc Sơn) đã tạo nên môi trường thiên nhiên phải nói là viên mãn ở ngoại thành Hà Nội. Xét tương quan với các vùng trong nước, trước tiên với vùng châu thổ sông Hồng, điều kiện địa lý- tự nhiên ở ngoại thành Hà Nội thuộc loại thuận lợi nhất cho cuộc sống con người. Lại thêm yếu tố là vùng ngoại vi của Thủ đô, cho nên điều kiện lao động, sản xuất nơi đây dường như chưa bao giờ đẩy con người phải vào tình thế cam go.

Việc xây dựng khu công nghiệp mới, đô thị mới đang và sẽ tạo nên sự đan xen giữa cư dân đô thị mới và cư dân các làng.

Môi trường thiên nhiên ở không ít làng ngoại thành, nhất là Từ Liêm, Thanh Trì, Gia Lâm, đã cơ bản là môi trường thiên nhiên nhân tạo. Bởi lẽ cảnh quan làng là các nhà cao

tầng bằng bê tông, kính với những con đường bê tông; ao hồ bị lấp gần hết để nhường chỗ cho các cơ sở sản xuất - kinh doanh tiểu - thủ công nghiệp hoặc chế biến nông nghiệp; ngoài đồng là các gia trại trồng và nuôi các loại cây con cao sản có tính CNH, HĐH.

Tại những làng của vùng sâu, vùng xa thuộc các huyện Gia Lâm, Đông Anh, nhất là Sóc Sơn, đặc trưng bởi mối quan hệ cổ truyền: gia đình - họ mạc - xóm trên, xóm dưới. Kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế từ gần 10 năm nay đã xâm nhập vào các quan hệ kinh tế - xã hội của làng. Từ đó, làm thay đổi thái độ, cách thức ứng xử của người dân nông thôn ngoại thành Hà Nội. Phong cách sống, nhịp sống của nhiều cư dân nông thôn năng động hơn, có nhiều tính tự chủ hơn, thoáng hơn; do đó có thể tăng cường mức độ giao lưu văn hóa của họ với bên ngoài, từ làm ăn cho đến vui chơi.

Do hợp tác xã kiểu cũ không còn, hợp tác xã kiểu mới còn đang hình thành nên mô hình kinh tế ở nông thôn ngoại thành chủ yếu là kinh tế hộ gia đình. Từ đó truyền thống văn hóa gia đình, lễ hội làng và các phong tục tập quán như hiếu, hỷ, lễ tết cũng được chú ý bảo tồn và phát huy. Tuy vậy, việc kế thừa những di sản văn hóa truyền thống cũng có những hình thức uyển chuyển trong phong trào xây dựng văn hóa làng. Hương ước mới không chỉ chú ý đến việc kế thừa, phát huy những điều khoản tích cực của hương ước cũ, mà cũng cụ thể hóa nhiều điều luật, pháp lệnh của Nhà nước cho phù hợp với điều kiện văn hóa của mỗi làng.

Văn hóa của các làng ngoại thành nhìn chung cũng gần giống văn hóa truyền thống phát triển trên cả ba phương diện: tâm linh (tâm lý, tình cảm trong làng xóm, thờ thành hoàng làng...) văn hóa nghệ thuật (nghệ thuật biểu diễn tuồng, chèo, rối nước, quan họ và các hình thức văn hóa dân gian khác), luật tục (phong tục tập quán, hương ước). Cùng với việc khai thác di sản văn hóa, các làng cũng “mở cửa” tiếp nhận thông tin, giá trị văn hóa mới, và có cả những vật phẩm phi văn hóa và “văn hóa ngoài luồng”. Mức độ giao lưu văn hóa của nông thôn ngoại thành ngày càng được đẩy mạnh cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội. Do truyền thống dầy dặn của văn hóa làng nên các làng xã vẫn cơ bản giữ được bản sắc văn hóa của mình. Thực tế này giải thích cho sự khác biệt tương đối của văn hóa mỗi làng ngoại thành.

Chẳng hạn các làng ở huyện Từ Liêm được hình thành trên vùng đất của người Việt cổ. Cấu trúc của làng mang đầy đủ những tính chất của một làng Việt truyền thống với đình, đền, chùa, miếu, nhà thờ họ và hương ước cổ, nhất là ở vùng có nhiều danh tài là “Mỗ - La - Canh - Cót”. Các làng ở Từ Liêm có truyền thống sinh hoạt văn hóa dân gian, như bơi chải, hội thổi cơm thi, thi hát cửa đình và các trò chơi dân gian khác.

Trong những năm gần đây, dựa vào truyền thống văn hóa dân gian nhiều làng khôi phục lại trò chơi dân gian chủ yếu thông qua các hình thức câu lạc bộ, lễ hội. Phong trào “Làng vui chơi, làng ca hát đã thu hút sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân.

Các làng ở Thanh Trì mang nhiều dấu tích của vùng đầm, hồ, (Thanh Trì có tên cũ là Long Đàm, sau đổi là Thanh Đàm, nghĩa là đầm nước xanh). Văn hóa nghệ thuật truyền thống của các làng Thanh Trì cũng có nhiều tính chất văn hóa vùng Sơn Nam - “Xứ Nam”, như vai trò nổi bật của các điệu múa thiêng (múa lân, múa rồng, múa sinh tiền, múa bồng...). Trong quá trình xây dựng văn hóa làng ở đây, ngoài việc khôi phục các điệu múa thiêng, còn khôi phục nghệ thuật tuồng, chèo, cải lương và hát cửa đình. Nét đặc sắc của nhiều làng Thanh Trì là nghệ thuật múa (lân, rồng, sinh tiền và bồng). Toàn huyện có 15 đội múa rồng, 27 đội múa lân và các đội múa sinh tiền, múa bồng rải khắp các xã như: Tam Hiệp, Tân Triều, Vĩnh Quỳnh, Đông Mỹ, Tả Thanh Oai, Lĩnh Nam... Số lượng các đội múa cổ truyền lớn và phong phú, nhưng mức độ biểu diễn của các đội múa trung bình chỉ đạt 2 - 3 buổi/năm; số lượng như vậy là cao. Chất lượng biểu diễn của các đội này khá cao nên đã được cử đi phục vụ Lễ kỷ niệm 990 năm (và 995 năm mới đây) Thăng Long - Hà Nội, Festival Huế và tham gia đoàn văn hóa Hà Nội biểu diễn tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Các làng ở Gia Lâm kế thừa di sản văn hóa Kinh Bắc. ở đây đã khôi phục những trò diễn xướng dân gian cổ truyền ở Hội Dóng, hội Lệ Mật, hội Chùa Nành, hội làng Kiêu Kỵ và nhiều loại hình nghệ thuật biểu diễn cổ truyền như tuồng cổ (xã Yên Thường và Đình Xuyên), cải lương (xã Đa Tốn), múa bông sòng (xã Phú Thị), múa ải lao (xã Hội Xá), múa rắn (xã Lệ Mật)... Gia Lâm cũng phục hồi nhiều trò chơi dân gian như kéo co, đấu vật, chọi gà, cờ tướng, đánh trận giả, vẽ tranh trên gốm sứ.... Môi trường văn hóa ở các làng thuộc Gia Lâm tương

đối năng động, một phần cơ bản nhờ sự hoạt động tích cực của các loại hình câu lạc bộ (thơ, ca múa nhạc, ca trù, cải lương, tuồng cổ,...).

Các làng ở Đông Anh tích cực xây dựng Làng Văn hóa. Chính vì thế từ năm 1994, Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội đã bắt đầu thí điểm xây dựng Làng Văn hóa ở đây. So với các huyện khác, Đông Anh có phong trào xây dựng các đội nghệ thuật cổ truyền không chuyên mạnh nhất. Toàn huyện có 2 đội ca trù, 12 đội cải lương, 29 đội chèo, 12 đội tuồng, 1 đội rối nước, 20 đội nghệ thuật biểu diễn cổ truyền khác. Các đội này đều có số lượng diễn viên, nhạc công và các cơ sở vật chất nhất định. Số buổi biểu diễn của một số đội rất cao. Thí dụ: đội rối nước thôn Đào Thục (xã Thụy Lâm) biểu diễn 83 buổi/năm, trong đó có 13 buổi biểu diễn tại địa phương, 30 buổi biễu diễn giao lưu và 40 buổi biểu diễn ở nước ngoài; đội ca trù Lỗ Khê (xã Liên Hà) biểu diễn trung bình 20 buổi/năm; đội quan họ Lỗ Khê biểu diễn 25 buổi/năm... Qua đó cho thấy mức độ hưởng thụ văn hóa nghệ thuật ở các làng thuộc huyện Đông Anh là lớn. Môi trường văn hóa ở các làng Đông Anh cơ bản vẫn dựa vào truyền thống văn hóa.

Các làng tại Sóc Sơn xây dựng môi trường văn hóa chủ yếu vẫn dựa vào điều kiện nông nghiệp - nông thôn: vừa đặc trưng của vùng đồng bằng, vừa có đặc trưng của vùng trung du miền núi. Các làng ở đây do điều kiện đất đai tương đối thuận lợi, nên xây dựng

được nhiều trung tâm văn hóa - thể thao thôn (làng) với diện tích tối thiểu 1000m2 (không

kể sân vận động, ao hồ, cây xanh). Các trung tâm này gồm đủ các thiết chế văn hóa, thể thao như phòng thư viện, đài truyền thanh, sân thể thao tổng hợp, sân khấu ngoài trời, phòng làm việc đa năng. Các loại hình nghệ thuật truyền thống ở đây không được phục hồi phong phú bằng Đông Anh, Gia Lâm; nhưng hoạt động của các lễ nghi phong tục ở đây vẫn còn sâu đậm đường nét văn hóa truyền thống. Mức độ hoạt động của các tệ nạn xã hội không cao. Nguyên nhân khách quan có lẽ bên cạnh sự thành công trong việc phòng - chống tệ nạn xã hội, thì quan hệ thị trường và CNH, HĐH, đô thị hóa chưa ảnh hưởng sâu sắc đến môi trường văn hóa Sóc Sơn.

Nhìn chung tại các làng ngoại thành, cuộc vận động TDĐKXDĐSVH nhờ cơ bản dựa vào phong trào xây dựng Làng Văn hóa nên đã thu hút sự tham gia tích cực của nhiều

ngành, đoàn thể và tầng lớp nhân dân. Năm 2004 có 82/579 làng đạt danh hiệu “Làng Văn hóa” cấp huyện; 11 làng đạt danh hiệu “Làng Văn hóa” cấp thành phố [48, tr.27].

Nội dung xây dựng Làng Văn hóa gồm:

- Có đời sống kinh tế - xã hội phát triển, đời sống tinh thần phong phú. - Thực hiện chương trình dân số - kế hoạch hóa gia đình.

- Thực hiện nghiêm túc các quy ước về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.

- Thực hiện hòa giải những mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân. - Chấp hành tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Những nội dung trên đây được các ngành, đoàn thể phối hợp thực hiện trong cuộc vận động TDĐKXDĐSVH, nhất là tại các làng được công nhận là Làng Văn hóa cấp huyện, cấp Thành phố. Đây là môi trường văn hóa thuận lợi đối với việc xây dựng văn hóa ứng xử của cư dân nông thôn ngoại thành.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Văn hóa ứng xử của người Hà Nội trong thời kỳ đổi mới hiện nay pdf (Trang 50 - 54)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(102 trang)