của người hà Nội trong những năm gần đây
2.1. Thực trạng xây dựng văn hóa ứng xử của người dân đô thị Hà Nội trong những năm gần đây những năm gần đây
2.1.1. Môi trường thiên nhiên và văn hóa ở đô thị Hà Nội để xây dựng văn hóa ứng xử ứng xử
Môi trường thiên nhiên của đô thị Hà Nội: là tổng hợp toàn bộ thế giới vật chất của tự nhiên (thiên nhiên thiên tạo) và của thiên nhiên do con người tạo ra (thiên thiên nhân tạo). Có thể nói môi trường thiên nhiên ở nội thành chủ yếu là thiên nhiên nhân tạo. Tại các đô thị ngoại thành (các thị trấn) thiên nhiên thiên tạo (tự nhiên) và thiên nhiên nhân tạo vẫn giao hòa với nhau. Các sông Tô Lịch, Kim Ngưu đã được chỉnh trị và kè bờ. Đoạn sông Hồng chảy qua nội thành Hà Nội cũng đang được nghiên cứu chỉnh trị. Các hồ: Hoàn Kiếm,Trúc Bạch, Tây, Bảy Mẫu, Ba Mẫu, Thiền Quang, Thành Công, Đống Đa, Giảng Võ... đã và đang đuợc nạo vét hoặc chỉnh trang, tôn tạo ven bờ. Từ giữa thập niên 90 (thế kỷ XX) Hà Nội đã chú trọng vai trò cây xanh và vành đai cây xanh ở nội đô và ven đô. Việc phân bố cây xanh được chấn chỉnh lại, nhất là tại khu vực phía Bắc Thành phố. Đã chú ý hạn chế trồng cây theo kiểu vườn tạp tại các tuyền phố mới.
Hệ thống công viên và cảnh quan thiên nhiên được cải tạo. Các công viên: Thống Nhất, Bách Thảo, Thủ Lệ, Thanh Nhàn... đã đuợc cải tạo, nâng cấp đẹp hơn. Một số tuyến phố được xây dựng theo tiêu chí cảnh quan văn hóa như phố: Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng, Hoàng Quốc Việt... Hà Nội đã chú ý đến tính thẩm mỹ của các công trình kiến trúc (nhà ở, công trình công cộng, cầu...). Trong Thành phố đang tiếp tục tạo dựng hệ thống tượng đài, như tượng Lý Thái Tổ, quyết tử để Tổ quốc quyết sinh…
Các di tích lịch sử - văn hóa được đẩy mạnh tôn tạo, như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, một số di tích trong Thành cổ Hà Nội, di tích cách mạng, đền, chùa, phủ, nhất là xung quanh khu vực Hồ Gươm, Hồ Tây. Các di tích này trở thành điểm đến của khách du
lịch với ý nghĩa tích cực là biến những nơi này thành những tiểu môi trường văn hóa thiên nhiên.
Dấu hiệu rõ nhất của việc cải thiện môi trường thiên nhiên ở nội thành là tại một số nơi đã có chim bay lượn và làm tổ; đã chú ý đến tỉ lệ diện tích nhà ở nói riêng và các thể khối kiến trúc nói chung với diện tích cây xanh, thảm cỏ và không gian sinh thái.
Môi trường sinh thái ở nội thành cũng được cải thiện, nhất là nước sạch và thu gom rác thải. Hệ thống thoát nuớc Thành phố hiện chủ yếu là hệ thống cống chung để thoát cả nước mưa, nước thải sinh hoạt và công nghiệp. Gần đây, tại một vài khu phố đã bắt đầu xây dựng hệ thống phân loại nước thải riêng. Từ năm 2001 tình hình cung cấp nước sạch được cải thiện hơn, nhờ triển khai thực hiện chương trình cấp nước sạch Phần Lan tại nhiều khu phố. Hà Nội (cả nội, ngoại thành) hiện có 9 nhà máy nước chính. Số hộ dân được dùng nước sạch tăng từ 68% (1996) lên 97,8% trong những năm gần đây.
Việc thu gom rác công nghiệp, rác sinh hoạt đã có tiến bộ nhất định. Công ty Môi
trường đô thị Hà Nội hiện thu gom được khoảng 1.980m3/ngày; tức là chiếm khoảng 40 -
60% lượng rác thải của toàn Thành phố. Đã bước đầu đa dạng hóa các hình thức xử lý chất thải rắn, như chôn lấp tại các bãi rác Thành phố (Mễ Trì, Lâm Du, Tây Mỗ, Nam Sơn), ủ phân hữu cơ tại Nhà máy chế biến rác Cầu Diễn, đốt rác thải bệnh viện tại Tây Mỗ, Cầu Diễn.
Hạn chế trong tạo dựng môi trường thiên nhiên - sinh thái tại nội thành hiện nay là việc tăng số lượng cây xanh tại bốn quận cũ rất khó khăn. Cây xanh ở phố cổ, phố cũ giảm dần. Do diện tích eo hẹp, nên việc cải thiện môi trường thiên nhiên - sinh thái về lâu dài vẫn rất khó khăn. Việc phân loại các dạng nước thải, xử lý rác thải, nhất là rác thải bệnh viện, tiếng ồn do các phương tiện giao thông gây ra, khói bụi công nghiệp... đang làm phát sinh nhiều vấn đề trong quản lý môi trường thiên nhiên - sinh thái và gây ảnh hưởng tiêu cực đến thái độ, cách thức ứng xử của con người.
Môi trường xã hội và văn hóa đô thị Hà Nội: là toàn bộ các quan hệ dân số, kinh tế, văn hóa… bao quanh và liên quan đến đời sống con người ở đô thị.
Trong thời kỳ 1990 - 2004, tỉ lệ dân số đô thị ở Hà Nội đã tăng từ 45,4% (năm 1990) lên khoảng 58% (năm 2004) và sẽ còn tiếp tục tăng trong những năm tới. Mức tăng này của Thành phố Hồ Chí Minh là gần 10%, Hải Phòng 3%, Đà Nẵng gần 6%. Mức tăng chung của cả nước là 5%. Mức tăng dân số đô thị Hà Nội là cao nhất nước. Hàng năm số người nhập cư vào Hà Nội giao động từ 40.000 - 60.000 người, trong khi số xuất cư ra khỏi Thành phố chỉ vào khoảng 50% số đến. Dân số nội thành Hà Nội tăng nhanh, chủ yếu do mức tăng cơ học trong điều kiện diện tích dành cho đô thị hầu như không tăng. Cho nên
mật độ dân số ở nội thành Hà Nội rất cao: năm 1989 là 2.185 người/km2 thì hiện nay gần
3.100 người/km2. Mật độ này đã cao hơn 2,5 lần Thành phố Hải Phòng và hơn cả Thành
phố Hồ Chí Minh.
Sự phát triển dân số ở đô thị, nhất là ở nội thành Hà Nội hiện nay có đặc điểm là giảm sinh, tăng tuổi thọ bình quân trong dân cư và gia tăng dân số lao động trẻ nhập cư vào Thành phố. Kết quả là diễn ra quá trình “già hóa” dân số sở tại, song lại tăng tỉ lệ lao động trẻ nhập cư và hạt nhân hóa các gia đình. Cùng với việc gia tăng tỉ lệ lao động trong các ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ kinh tế - kỹ thuật, việc đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo đã làm cho chất lượng nguồn nhân lực được cải thiện đáng kể. 86% lực lượng lao động có trình độ trung học cơ sở trở lên; riêng số tốt nghiệp trung học phổ thông đã chiếm 45,3%. Trên toàn Thành phố (cả nội, ngoại thành) hiện có 44 trường đại học, cao đẳng; 34 trường chuyên nghiệp; 41 trường dạy nghề và 89 cơ sở dạy nghề, 112 viện nghiên cứu chuyên ngành [31, tr.18]. Trong đội ngũ lao động Hà Nội, đã có hơn 10.000 người có trình độ trên đại học; hơn 200.000 người có trình độ đại học và hơn 100.000 người có trình độ trung cấp.
Nguồn nhân lực có chất lượng cao là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế. Quá trình chuyển sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, nhất là sự phát triển các thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN trong những năm gần đây đã thúc đẩy xã hội hóa các hoạt động kinh tế, văn hóa của người dân đô thị Hà Nội.
Quá trình xã hội hóa các hoạt động kinh tế diễn ra theo hướng đa dạng hóa hình thức sở hữu, tổ chức, quản lý và phân phối; từ đó thúc đẩy dân chủ hóa không chỉ trong lĩnh vực kinh tế. Quá trình dân chủ hóa sẽ xác lập ngày càng đầy đủ hơn các quyền và nghĩa vụ của
các công dân và của các cộng đồng dân cư đô thị (tổ dân phố, khu tập thể, cộng đồng nghề nghiệp, tổ chức tín ngưỡng - tôn giáo.v.v...).
Các quan hệ và hoạt động văn hóa của người dân đô thị Hà Nội cũng phát triển theo hướng xã hội hóa, dân chủ hóa. Biểu hiện rõ nhất là sự phát triển của các câu lạc bộ văn hóa, các cụm văn hóa - thể thao theo hình thức tự quản. Thành phố hiện có 23 nhà văn hóa của các ngành, đoàn thể, trường đại học với hàng trăm câu lạc bộ văn hóa nghệ thuật. Riêng Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt - Xô hiện nay có 26 câu lạc bộ sở thích với gần 3.000 hội viên thường xuyên học tập, sinh hoạt. Hàng năm thu hút gần 75.000 lượt người tham gia, nhằm thỏa mãn nhu cầu văn hóa nghệ thuật của người dân đô thị.
Các mối quan hệ và hoạt động văn hóa của người dân đô thị khá đa dạng như quan hệ và hoạt động văn hóa nghệ thuật, tín ngưỡng - tôn giáo, dịch vụ văn hóa... Chỉ tính riêng các hoạt động dịch vụ văn hóa đã rất đa dạng. Người ta tính sơ lược đã có đến gần 50 dạng dịch vụ văn hóa - thông tin khác nhau, từ dịch vụ phòng trà, ca nhạc, trò chơi điện tử, INTERNET, karaoke... cho đến dịch vụ ăn hỏi và tổ chức lễ cưới, dịch vụ tang lễ, dịch vụ viết sớ, kêu khấn ở đình, chùa, phủ...
Sự đa dạng các mối quan hệ và hoạt động dịch vụ văn hóa phản ánh tính gắn kết giữa văn hóa với kinh tế, kinh tế với văn hóa. Đây là một dạng gắn kết cơ bản để hình thành các mối dây liên hệ thiết yếu đối với môi trường xã hội, môi trường văn hóa. Nhưng phải nói rằng, sự gắn kết giữa kinh tế và văn hóa trong điều kiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN chưa hoàn thiện. Nên đã xuất hiện không ít tiêu cực làm vẩn đục môi trường xã hội, môi trường văn hóa, ví dụ các tệ nạn xã hội, văn hóa phẩm ngoài luồng, sản phẩm phi văn hóa, phản văn hóa.
Cùng với sự đa dạng hóa các quan hệ và hoạt động văn hóa, mức độ giao lưu văn hóa của người dân đô thị cũng diễn ra tấp nập và rộng mở hơn. Giao lưu văn hóa diễn ra giữa các cộng đồng trong nội thành, giữa nội và ngoại thành, giữa Hà Nội với các địa phương trong cả nước, giữa Hà Nội với khu vực và quốc tế.
Trong quá trình hội nhập quốc tế, chỉ riêng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật Hà Nội đã tiến hành trao đổi giao lưu các loại hình sân khấu, âm nhạc, mỹ thuật, múa, nhiếp ảnh, điện ảnh với 32 nước trên thế giới thuộc tất cả các châu lục. Sơ bộ thống kê có đến 12
cách thức trao đổi, giao lưu các giá trị văn hóa nghệ thuật với nước ngoài, như tổ chức các tuần văn hóa, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về văn hóa của một số nước trong khu vực và thế giới, trao đổi đoàn nghệ thuật biểu diễn,… [4, tr.76 - 85].
Tính gắn kết giữa môi trường xã hội và môi trường văn hóa ở đô thị từ năm 2001 đến nay có một chất xúc tác rất quan trọng là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Cuộc vận động này đang thu hút sự tham gia phối hợp của các ngành, đoàn thể vào thực hiện 7 phong trào văn hóa chủ yếu sau đây:
- Xây dựng người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến. - Xây dựng gia đình văn hóa.
- Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư. - Xây dựng làng, tổ dân phố, cụm dân cư, ký túc xá văn hóa.
- Xây dựng công sở, doanh ngihệp, đơn vị lực lượng vũ trang... thành những đơn vị văn hóa.
- Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại. - Phong trào học tập, lao động sáng tạo.
Từ các phong trào chủ yếu này, các ngành, đoàn thể căn cứ vào điều kiện cụ thể đã phát động nhiều phong trào văn hóa gắn trực tiếp với chức năng, nhiệm vụ của mình, như ngành Y tế phát động phong trào “Làng Văn hóa - Sức khỏe”, ngành Giáo dục - Đào tạo phát động phong trào “Nhà trường Văn hóa - Học sinh: Văn minh, Thanh lịch, Hiện đại”, và xây dựng môi trường trường học không có khói thuốc lá...
Kết quả chính, nổi bật của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” là hình thành những mô hình cộng đồng dân cư văn hóa như: “ Làng Văn hoá”, “Tổ dân phố Văn hóa”... Ngoài ra, trong quá trình triển khai cuộc vận động, ở mỗi địa phương đều xuất hiện những mô hình riêng phù hợp thực tế: “ Cầu thang Văn hoá” ở Quận Cầu Giấy; “ Số nhà Văn hoá” ở Quận Hoàn Kiếm; “ Ngõ Văn hoá” ở Quận Ba Đình; “ Làng Văn hoá - Xã Văn minh” ở Huyện Gia Lâm...và các mô hình khác như: “Đơn vị Văn hóa”, “Ký túc xá Văn hóa”....Đối với mô hình “ Gia đình Văn
hoá” vẫn được đặc biệt coi trọng, tiếp tục duy trì và phát triển trên cơ sở sự kế thừa từ cuộc vận động xây dựng NSVM-GĐVH trước đó.
Việc hình thành các mô hình văn hóa ở đô thị đánh dấu sự trưởng thành của môi trường văn hóa. Có thể nói các mô hình văn hóa là những điển hình về sự phát triển văn hóa với những khuôn mẫu văn hóa đã khá ổn định và phát huy trong thực tế cuộc sống dưới dạng quy chế, quy ước... Môi trường xã hội, môi trường văn hóa là bối cảnh, điểm tựa để xây dựng văn hóa ứng xử của người dân Thủ đô.