Phần Hộ i:

Một phần của tài liệu Tìm hiều di tích đình Triều Khúc (Trang 47 - 53)

Trong những ngày hội, cùng với nghi lễ thờ thành Hoàng là những trò chơi truyền thống như : đấu vật, điệu múa “Con đĩ đánh bồng” (hay còn gọi là múa bồng), múa rồng và múa cờ là điệu múa diễn vào ngày 12 trong lễ tế giã đám.

Múa bồng diễn ra trong hai ngày. Ngày mồng 10 khi dân làng tổ chức rước sắc phong và mũ áo của đức Phùng Hưng từ đình sắc lên Đại Đình để thờ trong thời gian diễn ra hội, và ngày 12 rước từ Đại Đình về Đình Sắc. Mỗi khi đoàn rước dừng lại thì màn múa bồng lại diễn ra và sau khi đám rước đến nơi, sau mỗi tuần tế cũng có xen một màn múa bồng.

Điều đặc biệt trong lễ hội làng Triều Khúc là người tham gia múa bồng không phải là con gái mà là con trai đóng giả, số lượng người tham gia múa bồng thì tuỳ theo từng năm mà cặp múa có thể là 1 hay 2 đôi.

Nhìn bên ngoài ta thấy, múa bồng trong lễ hội làng Triều Khúc là một điệu múa mang tính chất hầu lễ và tiến chúc Thành Hoàng, được thực hiện trong thời gian tế lễ, để tạ ơn và cầu xin thánh thần phù hộ cho dân làng bước sang một năm mới có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Nhưng khi đi sâu vào cách thức, động tác của nó thì ta thấy múa bồng là một hình thức sinh hoạt văn hoá dân gian, mang tính chất phồn thực, hay nói một cách khác nó chính là một hình thức sinh hoạt sân khấu dân gian cổ truyền của người Việt - cư dân nông nghiệp trồng lúa nước. Sau này mỗi khi người dân làng Triều Khúc tổ chức lễ hội với nội dung thờ thánh thần, thì màn múa bồng đã trở thành màn múa mang tính chất nghi lễ, tôn giáo.

*Múa Rồng:

Múa Rồng là một điệu múa truyền thống của làng, theo truyền thuyết dân gian, múa rồng có từ khi bắt đầu làm đình thờ Bố Cái Đại Vương. Con Rồng là hình ảnh tượng trưng cho sự ôn hoà của trời đất và là vật linh thiêng của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước, đồng thời nó cũng là biểu tượng của sức mạnh vương quyền. Đời nào cũng vậy, dù có những thay đổi lớn về mặt chính trị xã hội, những điệu múa rồng của làng Triều Khúc vẫn không bị mai một. Chẳng những thế, trang phục và đạo cụ của đội rồng còn luôn được giữ gìn tốt và củng cố thêm.

Múa rồng được bắt đầu từ sáng ngày mồng 10, khi dân làng tiến hành lễ rước sắc phong từ Đình sắc về Đại đình. Đi đầu đám rước là đội múa rồng gồm từ 8-10 người. Một người đứng ở vị trí đầu rồng, một người cầm quả

cầu đi trước, trong quả cầu có một hạt ngọc (tượng trưng cho việc nhả ngọc linh châu). Mọi động tác múa rồng được thực hiện theo chỉ dẫn (ra hiệu) của người cầm quả cầu và tiếng trống khẩu.

Những người tham gia múa rồng trong trang phục gọn gàng, màu sắc đẹp, mặc theo kiểu quần lính ngày xưa, áo ngắn mầu đỏ hoặc mầu hồng, quần dài mầu trắng, khăn chít mầu đỏ, thắt lưng xanh hoặc đỏ, chân đi đất, quần xà cạp .

Nhạc cụ chủ yếu là cái trống lớn, thanh la và chũm choẹ. Tiết tấu động tác nhanh chậm phụ thuộc vào tiếng trống. Khi tiếng trống đánh chậm, các động tác múa nhẹ nhàng, ngược lại khi tiếng trống dồn dập, thôi thức thì điệu múa trở nên sôi nổi, mạnh mẽ tạo nên sự hấp dẫn lôi cuốn người xem. Bên cạnh múa rồng còn có múa sư tử kèm sông song và một số người cầm gậy, đeo mặt nạ cùng múa.

* Tục chạy cờ:

Ngày 12 là ngày tế giã đám. Sau buổi tế hội làng kết thúc bằng tục chạy cờ (hay còn gọi là múa cờ). Điệu múa này tương truyền là nhằm nhắc lại sự tích Phùng Hưng kén chọn người tài xung quân trước khi tổ chức tấn công thành Tống Bình, đánh đuổi quân xâm lược giành lại độc lập cho nước nhà. Điệu múa cờ nhằm nhắc lại sự tích đó.

Địa điểm diễn ra tục múa cờ là khu vực trước cửa đình và khu vực cánh đồng trước mặt (đồng quan). Khi phần tế lễ vừa kết thúc thì tiếng tù và, thanh la cùng trống mõ nổi lên như khí thế xuất trận. Trước cổng đình một lá cờ lớn được kéo lên. Một đoàn người gồm từ 20-40 thanh niên trai tráng khoẻ mạnh đã được chuẩn bị trước, ăn mặc quần áo theo kiểu binh lính ngày xưa, người cầm cờ kẻ cầm gươm, đao, giáo, mác,mã tấu, xà mâu .... mỗi người một thứ chia làm hai phe (phe ta và phe địch ), chạy theo hai hướng bên phải và bên trái trước cửa đình .

Đoàn quân dẫn đàu là một người vác một lá cờ lớn rầm rầm vác vũ khí chạy vòng tròn ra cánh đồng trước mặt. Chạy được khoảng 400 m thì hai bên quay mặt hướng vào nhau tiến tới gặp nhau ở đoạn đường chiếu thẳng từ

cổng đình ra, cả hai nhóm dừng lại. Tại đây hai bên làm các động tác như giao đấu, sau đó cầm các thứ vũ khí múa chéo nhau nhiều lần liên tục và chạy về đình theo một vòng tròn khép kín. Từ cổng đình, tiếng trống ngũ liên vẫn thôi thúc liên hồi tiếng nhạc, tiếng thanh la, tù và dồn dập, mọi người đứng trước cổng đình reo hò ầm ĩ cổ vũ hai đội quân cho tới khi họ về tới đình mới thôi.

Thời gian diễn ra tục chạy cờ kéo dài từ 60- 90 phút. Sau đó tất cả những người tham gia chạy cờ, các đội múa rồng, múa bồng, các đô vật cùng bà con trong làng kéo vào đình, đứng trước hương án làm lễ lạy tạ thánh và kết thúc hội.

*Các hoạt động trò chơi trong lễ hội Triều Khúc:

Bên cạnh múa bồng, múa Rồng, trong hội Triều Khúc còn có nhiều trò vui chơi giải trí khác như thi vật, trò chơi bắt vịt, chọi gà, chơi cờ, đá cầu .... Đó là những nội dung quan trọng làm cho ngày hội thêm sôi nổi, mà bất cứ ai đến xem hội cũng đều được xem và góp vui. Có thể nói tính chất dân gian đậm đà của hội làng nói chung và hội Triều Khúc nói riêng chính là ở chỗ đó.

+ Thi vật.

Thi vật là môn thể thao, một sinh hoạt văn hoá mang tinh thần thượng võ khá phổ biến trong các dịp lễ hội của người Việt. Trong ngày hội ở làng Triều Khúc, vật cũng là môn thể thao được đám trai làng ưa chuộng. Ngoài đám trai tráng trong làng ra, trong những ngày này, trai trámg ở những làng xung quanh cũng đến tham gia góp vui. Theo các cụ già kể lại, trước kia sới vật của làng Triều Khúc thu hút không ít các đô vật nổi tiếng trong làng như: Kẻ Đăm, Mai động, Thanh trì …. Nhiều lần các đô vật nổi tiếng ở đây đã giành giải hạ các đô nhất (cạp chiếu đỏ), đô nhị (cạp chiếu xanh), của Hà thành .

Hội thi vật được bắt đầu từ ngày 11 đến ngày 12 và diẽn ra từ sáng đến trưa. Có nhiều năm, do yêu cầu của nhân dân trong làng và trai tráng các nơi khác thì phải đến ngày 14-15 giải vật mới được phá .

Địa điểm diễn ra thi tài là một khoảng sân rộng trước cửa Đại Đình. Trước đó nơi đây đã được một số trai làng dọn sạch sẽ, dùng cuốc xẻng san xới vật và khu vực đứng xem, để người xem không xô đẩy, chen lấn ảnh hưởng đến cuộc thi tài.

Bên cạnh xới vật được0 đặt một chiếc trống cái hiệu lệnh cho cuộc thi tài. Người cầm trịch hay còn gọi là người cầm chầu điều khiển cuộc thi tài là người được dân làng cử ra. Đó là một người đàn ông có tuổi, am hiểu và giỏi về môn vật. Khi người cầm trịch nổi một hồi trống dài báo hiệu thì cuộc thi bắt đầu.

Trước khi các đô vật vào cuộc, người cầm trịch có nhiệm vụ căn dặn và khuyến khích các đô vật thi tài trên tinh thần thượng võ. Cụ thể các đô vật phải tuân theo một số quy định như không được sử dụng những miếng đòn hiểm như đấm, đá, húc đầu vào yết hầu, mạng mỡ của đối thủ, khi có sự cố như tuột khố, hoặc một đô vật bị bật ra ngoài xới , người cầm trịch sẽ bỏ chầu (tức là im tiếng trống ) thì các đồ vật phải dừng lại sửa chữa. Khi bị ngã ngửa ,”lấm lưng trắng bụng” hoặc bị đối phương nhấc bổng trên không thì đô vật đó đã thua.

Về giải thưởng năm nào tổ chức vật cũng trao ba giải: Giả nhất, giả nhì, giả ba. Ngoài ra làng còn trao giải thưởng cho những thanh niên làng lần đầu tiên tham gia thi đấu đã chơi hay và trao giải cho những người có tinh thần thi đấu.

Nhìn chung trong hội làng Triều Khúc, vật là một hình thức sinh hoạt văn hoá phổ biến, có vai trò quan trọng trong ngày hội thu hút được đông đảo người xem và tham dự.

+ Bắt vịt :

Bắt vịt cũng là trò chơi dân gian có tính truyền thống ở hội làng Triều Khúc. Trò chơi này không chỉ dành riêng cho đám thanh niên trai tráng, mà cho tất cả mọi người (là nam giới) có khả năng bơi lội, ham thích tham gia. Nơi diễn ra trò này là ao làng, thời gian là buổi trưa, hoặc buổi chiều ngày 12, khi buổi lễ ở đình đang nghỉ. Bắt đầu dân làng cho thả một con vịt xuống ao (đôi khi dân

làng còn quẳng thêm cả bòng, bưởi) sau đó những người tham gia cuộc chơi cùng nhau nhảy xuống ao, tìm cách (bơi hoặc lặn) đến gần để bắt vịt. Bắt vịt là một trò chơi diễn ra rất sôi nổi và náo nhiệt, tập trung được nhiều người tham gia. Dưới ao là cảnh người đuổi vịt, trên bờ mọi người đứng xem cổ vũ, reo hò ầm ĩ. Ao rộng vịt bơi nhanh nên có khi cuộc chơi diễn ra hàng giờ vẫn không kết thúc. Trò chơi chỉ kết thúc khi con vịt được bắt, phần thưởng giành cho người thắng cuộc chính là con vịt bị bắt.

Như vậy ngoài ý nghĩa vui chơi, giải trí, trò chơi bắt vịt yêu cầu người tham gia phải có sức khoẻ, sự mau lẹ và mưu trí.

+ Đánh cờ : (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Đánh cờ là một trò chơi giải trí, nên được nhiều người ưa chuộng. Khác với lối chơi cờ người như ở một số hội khác như hội Lim, hội Yên Thế ... Ở hội Triều Khúc, các quân cờ không dùng người. Theo quan niệm truyền thống của dân làng, nếu dùng người đóng vai trò quân cờ thì những người tham gia vào cuộc chơi sẽ phải gặp nhiều điều không may trong cuộc sống .

Ở đây các quân cờ được khắc bằng tên (bằng chữ Hán) vào một tấm biển gỗ vuông, sau đó đem gắn với một cây gậy dài khoảng 1m và cắm ở những vị trí đã định.

Sân cờ được bố trí ở trước cửa Đại Đình, ở mỗi giao điểm đều được đào một lỗ nhỏ để người chơi có thể dễ dàng chuyển dịch quân cờ theo ý mình. Lối chơi cờ này được người Triều khúc gọi là “Cờ Bỏi”.

Ngoài các hình thức lễ hội và các tò chơi kể trên, trong hội làng Triều Khúc còn có nhiều trò vui khác như đá cầu, chọi gà, tổ tôm,... Theo các cụ kể lại, trước đây những năm được mùa nhân dân làm ăn phát đạt, làng còn tổ chức đón cô đầu, kép hát ở Khâm Thiên và mời các phường chèo, phường tuồng về diễn trò ở sân đình vào buổi tối.

*Một vài nhận xét về lễ hội đình Triều khúc.

Lễ hội là một nhu cầu văn hoá không thể thiếu được ở đình Triều Khúc, nó đã in sâu vào tâm thức của mỗi người dân làng Triều Khúc. Chỉ có lễ hội người dân mới được tự thể hiện tín ngưỡng của mình đối với thần thánh, mới

được bày tỏ lòng thành kính, biết ơn đến thành hoàng đã nghe thấy lời cầu nguyện của họ, ban cho họ một mùa màng tốt đẹp, cuộc sống ấm no hạnh phúc, những người còn vướng mắc trần bụi thì đến bày tỏ tâm sự, cầu mong có sự giải toả, mọt đức tin để đủ can đảm bước tiếp.

Lễ hội ở đình Triều Khúc đã đem lại niềm vui, niềm hy vọng, đem lại đối với văn hoá tinh thần thật lớn lao, đã ôn lại truyền thống hay, ý tưởng đẹp , đạo lý cao cả của người xưa , có tác dụng giáo dục toàn thể mọi người nhất là thế hệ trẻ “Khuyến thiện, trừng ác”.

Lễ hội diễn ra đảm bảo nội dung truyền thống về lịch sử,văn hoá, đoàn kết đấu tranh xây dựng quê hương mình ngày một giầu đẹp, tưởng nhớ tới công đức của vị Thành Hoàng làng góp phần cho thế hệ trẻ hiểu sâu sắc hơn về quê hương mình .Trong lễ hội không thiếu những cái hay nhưng cũng không ít những cái dở. Vì vậy bỏ cái dở giữ lại cái hay không phải dễ. Cho nên phải kế thừa có chọn lọc và phê phán để tiếp thu cái tinh tuý, cái hồn của lễ hội xưa.

CHƯƠNG 3

Một phần của tài liệu Tìm hiều di tích đình Triều Khúc (Trang 47 - 53)