Chính sách thương mại của chính quyền Việt Nam giai đoạn (1897 1945)

Một phần của tài liệu Quan hệ thương mại Việt - Trung qua khu vực Lào Cai từ 1802 đến 1945 (Trang 38 - 41)

(1897 - 1945)

Với hoà ước Giáp Thân - 1884 (Patơnôtre) Pháp đã đặt toàn bộ nước Việt Nam dưới quyền cai trị của chúng. Sự có mặt của quân Pháp ở Bắc Kỳ đã đẩy lùi ảnh hưởng của Trung Hoa khỏi Việt Nam và đe doạ chủ quyền các tỉnh giáp giới của Trung Hoa… Nhà Thanh đã cho quân tràn sang chiếm đóng một số địa điểm như Chũ và Kép, Lạng Thương, Lạng Giang, Yên Bạc, Đồng Đăng, Lạng Sơn, Quảng Yên… chiến sự xảy ra ác liệt giữa quân pháp và quân nhà Thanh. Do bị thiệt hại nặng nề , không giữ được Lạng Sơn hải quân Pháp đã kéo đến đánh phá Phúc Kiến và vây Đài Loan. Chính phủ Pháp đã hạ lệnh cho Công sứ Pháp ở Bắc Kinh là Patenôtre điều đình với Lý Hồng Chương là Tổng lý nha môn và hai bên đã kí hoà ước hoà bình, thân hữu và thương mại ở Thiên Tân, gọi tắt là hoà ước Thiên Tân vào tháng 6 năm 1885. Hoà ước này chấm dứt chiến tranh Pháp - Hoa, quân đội Trung Hoa phải rút khỏi Bắc Kỳ, Trung Hoa công nhận sự hiện diện của Pháp tại Việt Nam, chấm dứt vĩnh viễn quan hệ thượng quốc - chư hầu giữa Trung Hoa với Việt Nam [9; 253].

Đối với Pháp, yếu tố Trung Quốc có tính quyết định với hai danh nghĩa. Đằng sau những công cuộc ở Đông Dương của Pháp vào thế kỷ XIX đã có một dự án Trung Quốc, một ý muốn chiếm được quyền thâm nhập ưu đãi vào thị trường bao la của một đất nước lục địa. Nước Pháp đến thị trường này muộn, tìm mọi cách bù đắp sự thiệt thòi so với đối thủ Anh của mình. Do đó, đối mặt với “chính sách mở cửa” mà nước Anh đã thực hiện ở Quảng Châu, Pháp sẽ hình thành “chính sách dòng sông” trên sông Dương Tử, nhằm vào việc kiểm soát độc quyền những cửa sông Mêkông và giải bờ thuộc lãnh thổ Việt Nam của khu Nam biển Đông [5; 12 - 13]. Sự thất bại của Trung Quốc vào năm 1885 có tầm quan trọng đặc biệt vì nó sẽ tạo nên sự thoả hiệp Pháp - Trung; không có sự thoả hiệp này thì sự kiếm soát của Pháp đối với Đông Dương sẽ không thể tồn tại lâu dài.

Hoà ước Giáp thân- 1884 công nhận Việt Nam chịu sự bảo hộ của Pháp, do đó Pháp thay mặt Việt Nam giải quyết những vấn đề liên quan đến biên giới các tỉnh Vân Nam, Quảng Đông và Quảng Tây của Trung Hoa. Để thi hành điều 3 của hoà ước Thiên Tân về việc cắm mốc biên giới giũa Trung Quốc và Bắc Kỳ, Pháp và Trung Quốc đã kí công ước 1887 (ngày 26 tháng 6). Do Pháp cần Trung Quốc mở cửa cho việc buôn bán với vùng Hoa Nam và làm đường sắt lên Vân Nam nên trong công ước Constans kí năm 1887, Pháp đã cắt đất của Việt Nam nhượng cho Trung Hoa toàn vùng hữu ngạn sông Mã và trọn vùng tả ngạn sông Đà phía trên Lai Châu [9; 261]. Thỏa ước Bắc Kinh 1887 đã mở cửa ba tỉnh miền Nam Trung Quốc cho Pháp vào buôn bán và đã trao cho Pháp quy chế được ưu đãi nhất. Năm 1889 Pháp lập lãnh sự quán Mông Tự ở Vân Nam. Sau khi những phái đoàn nghiên cứu của Pháp đi khắp miền Nam Trung Quốc từ 1895 đến 1898, nhiều dự án rộng lớn nối liền mỏ thiếc, mỏ đồng, mỏ sắt của Vân Nam với mỏ than ở Bắc Kỳ ra đời [5; 78].

Tháng 3-1886, thực dân Pháp đánh chiếm Lào Cai. Suốt 10 năm liền chúng phải lo đối phó với cuộc đấu tranh của đồng bào các dân tộc Lào Cai.Trong thời kỳ này, tuy chưa có thể tiến hành khai thác thuộc địa quy mô lớn nhưng thực dân Pháp cũng đã cấp giấy phép cho các hãng buôn, cho các nhà tư sản thăm dò khai thác khoáng sản.

Tháng 2 - 1897, khi Pôn Đume, Bộ trưởng tài chính Pháp nhận chức toàn quyền Đông Dương, cũng là thời kỳ mở đầu cho thời kỳ khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp. Với mục tiêu mở mang “hệ thống đường sắt, đường sá, bến cảng phục vụ nhu cầu khai thác, thống trị Đông Dương”, Lào Cai trở thành một trong những trọng điểm khai thác của thực dân Pháp [Trích hồ sơ RST số 2987, cục Lưu trữ TW3].

Chương trình đầu tư hàng đầu của thực dân Pháp là mở tuyến đường sắt Hải Phòng - Lào Cai - Vân Nam nhằm mục đích vơ vét tài nguyên khoáng sản

vùng thượng du Bắc Kỳ, mở đường vào vùng Vân Nam rộng lớn của Trung Quốc.Con đường sắt được mở còn là cây cầu khai thông vùng Vân Nam (Trung Quốc) với cảng biển Hải Phòng. Để thực hiện có hiệu quả việc khai thác những nguồn tài nguyên cũng như chuyên chở hàng hoá, ngày 10 - 8 - 1901 “Công ty Pháp hoả xa Đông Dương và Vân Nam” được thành lập với vốn ban đầu là 12.500.000 Frăng. Công ty này là con đẻ của tập đoàn tư bản tài chính mạnh nhất nước Pháp [20; 54 - 55]. Thực dân Pháp ra sức bắt phu khắp các tỉnh đi mở đường sắt Hải Phòng - Vân Nam. Hàng năm chúng cưỡng ép hàng vạn người lao động ở khắp các tỉnh đồng bằng, trung du làm việc quần quật trên tuyến đường sắt Hải Phòng - Vân Nam.

Trong tổng số 379.900.000 dành cho việc xây dựng đường sắt, thực dân Pháp đầu tư tuyến Hải Phòng - Lào Cai là 250.900.000 Frăng; tuyến đường sắt Lào Cai - Vân Nam được đầu tư 129.000.000 Frăng. Riêng tuyến Lào Cai - Vân Nam, năm 1909 còn nhận được các khoản đầu tư sau: Cổ phần mới : 12.500.000 Frăng; Trái phiếu mới: 10.500.000 Frăng; Ngân sách Nam Kỳ đóng 12.500.000 Frăng. Cộng là 35.500.000 Frăng, do đó đưa vốn đầu tư cho tuyến Vân Nam lên tới 164.500.000 Frăng [11; 23 - 24].

Ngày 16 - 02 - 1902, đoạn đường sắt Hải Phòng - Hà Nội được đưa vào khai thác. Ngày 1 - 02 - 1906 đoạn đường sắt Hà Nội - Lào Cai được khai thác, ngày 11 - 04 - 1910 toàn tuyến đường sắt Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai - Côn Minh được thông xe. Sau gần 10 năm thi công, máu xương, tiền của của người dân Việt Nam đã đổ xuống 859 km đường sắt Hải Phòng - Vân Nam. Đường sắt Điền - Việt thông xe không chỉ là kết quả của nền khoa học - kỹ thuật phương Tây mà chủ nghĩa thực dân Pháp đã đưa vào Việt Nam, mà còn là thành quả lao động kỳ diệu của người dân hai nước Việt - Trung.

Lào Cai là tỉnh có thế mạnh về cửa khẩu. Ngay từ khi mới đặt chân lên Lào Cai, thực dân Pháp đã chú trọng thăm dò vơ vét nguồn thuế tại cửa khẩu

Lào Cai. Năm 1887, các đội công binh của Pháp đã khảo sát khai thông luồng lạch trên sông Hồng từ Yên Bái lên Lào Cai, mở đường thuỷ từ Lào Cai đi Trung Quốc [12; 16]. Trước sự phát triển của công cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai và cùng được tiến hành cùng với nó cho đến những năm 30, đã có cuộc xây dựng cơ sở hạ tầng chuyên chở hiện đại. Tàu thuỷ ngược sông Hồng đến tận Lào Cai vào sâu trong nội địa 800 km. Năm 1942, có 2.767 km đường sắt rộng 1m được khai thác, cộng thêm vào đấy co 464 km tuyến đường Vân Nam (Lào Cai - Vân Nam phủ), đây là con đường thay thế cho tuyến thượng nguồn sông Hồng [5; 143].

Nhằm tăng cường vơ vét thuế quan ở cửa khẩu, năm 1898 thực dân Pháp xây dựng cây cầu Hồ Kiều bắc qua sông Nậm Thi, cây cầu đã chứng kiến sự trao đổi buôn bán tấp nập, giao lưu kinh tế giữa hai nước Việt - Trung trong suốt một thời gian dài. Đối với Pháp, việc xây dựng cây cầu là một phần trong kế hoạch phát triển tỉnh lỵ cho Lào Cai. Ngày 8-04-1901, khu chợ có mái che ở gần cửa khẩu được khai trương, hoạt động trao đổi hàng hoá trong vùng cũng như với Vân Nam diễn ra khá sôi nổi.Tháng 11- 1903, một khu chợ mới xây dựng khang trang ở bên Cốc Lếu cũng hoàn thành [21; 88]. Khu chợ đã tấp nập người mua kẻ bán sau khi tuyến đường sắt Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng thông xe

Một phần của tài liệu Quan hệ thương mại Việt - Trung qua khu vực Lào Cai từ 1802 đến 1945 (Trang 38 - 41)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(53 trang)
w