Trong lịch sử đấu tranh giành độc lập, tự do và xây dựng đất nước, ngoại giao là một mặt trận, đóng vai trò quan trọng, góp phần to lớn vào những thắng lợi vẻ vang của dân tộc.
Nhận thức một cách sâu sắc tính chất của thời đại mới được mở ra từ cách mạng Tháng Mười Nga, đặc biệt là sự thức tỉnh của các dân tộc thuộc địa quyết tâm đứng lên phá bỏ xiềng xích nô lệ, giành độc lập, tự do. Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương làm cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, tiến lên chủ nghĩa xã hội, gắn sự nghiệp giải phóng đất nước với trào lưu cách mạng của thế giới. Thấm nhuần và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin trong bối cảnh quốc tế, khu vực và thực tiễn Việt
Nam, Đảng đã vạch ra đường lối quốc tế đúng đắn và điều chỉnh nó ngày càng phù hợp với sự chuyển biến của thời cuộc.
Cùng với sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà (9/1945), nền ngoại giao hiện đại của Nhà nước Việt Nam độc lập được hình thành.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và sự chỉ đạo trực tiếp của Hồ Chí Minh, ngoại giao Việt Nam đã phát huy được tính tích cực, chủ động, cùng với quân sự, chính trị tạo thành nhân tố quan trọng đưa đến những thắng lợi của nhân dân ta. Thực tế lịch sử đã chứng minh, trong cuộc đấu tranh sinh tồn, bảo vệ độc lập, hạnh phúc của mình, nhân dân Việt Nam trên mặt trận ngoại giao đã tích luỹ những bài học kinh nghiệm phong phú về nhận thức, tư tưởng, nghệ thuật vận dụng sách lược tổ chức, triển khai thực hiện chính sách đối ngoại. Lợi ích dân tộc, mục tiêu giải phóng dân tộc và xã hội cùng với những kinh nghiệm tích luỹ được đã trở thành những nhân tố quan trọng mang tính nguyên tắc cho Đảng và Nhà nước Việt Nam đề ra những định hướng cho việc tập hợp lực lượng bên ngoài, “thêm bạn bớt thù” tạo điều kiện quốc tế thuận lợi, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam trong từng thời kỳ, từng giai đoạn. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975), ngoại giao cùng với quân sự, chính trị đóng vai trò quan trọng góp phần làm nên thắng lợi lịch sử vẻ vang trong 21 năm, trong đó giai đoạn đầu 1954-1960 là giai đoạn đánh dấu bước đầu quá trình xác lập, hình thành đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam nói chung và đường lối đối ngoại nói riêng trong giai đoạn mới.
3.1. MỘT SỐ NHẬN XÉT
3.1.1. Những cơ sở hình thành chính sách đối ngoại của Đảng trong giai đoạn 1954-1960
* Đường lối chính trị của Đảng và Nhà nước Việt Nam là cơ sở quan trọng nhất
Ngày 21-7-1954, hiệp nghị Giơnevơ được ký kết, hoà bình được lập lại ở Đông Dương trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào, Campuchia. Hiệp định đã quy định việc chấm dứt chiến sự, quy định giới tuyến tạm thời và khu vực phi quân sự giữa hai miền Nam – Bắc Việt Nam ở vĩ tuyến 17 và việc chuyển quân tập kết của hai bên. Hiệp định cũng cấm đem vào Việt Nam mọi quân đội và vũ khí, đạn dược, cấm thành lập các căn cứ quân sự của nước ngoài, ở cả miền Bắc và miền Nam. Hiệp định dành cho nhân dân Việt Nam quyền tự do bằng cuộc tổng tuyển cử 7-1956 và có những điều khoản bảo vệ tính mệnh và tài sản của mọi người được tự do lựa chọn vùng mình sinh sống...
Nhưng đế quốc Mỹ đã ngang nhiên can thiệp vào miền Nam Việt Nam, phá hoại hiệp định Giơnevơ, phá vỡ tổng tuyển cử thống nhất đất nước Việt Nam.
Các dân tộc ba nước Đông Dương với lịch sử đấu tranh hàng ngàn năm qua đã từng gắn bó với nhau trong tình láng giềng hữu nghị, hiện đang đứng trước nguy cơ làm những con tốt đen trên bàn cờ quốc tế. Đế quốc Pháp thất bại nặng nề nhưng vẫn còn “tiếc rẻ” Đông Dương, muốn dùng thủ đoạn để ở lại. Đế quốc Mỹ với tinh thần chống cộng điên cuồng, muốn dập tắt phong trào cách mạng giành độc lập của các dân tộc, muốn dùng Đông Dương thành lá chắn chiến lược chặn đứng ảnh hưởng của chủ nghĩa xã hội. Không buộc được Pháp trụ vững ở Đông Dương, Mỹ muốn nhảy vào tự biến
Đông Dương thành cầu nối chiến lược ở Châu Á. Song song với các hành động quân sự, Mỹ ra sức dùng biện pháp ngoại giao gây sức ép nhằm làm cho Liên Xô, Trung Quốc không ủng hộ Việt Nam, đồng thời lôi kéo nhiều nước khác cùng Mỹ thực hiện tội ác. Từ năm 1954-1960, trải qua 6 năm, chính quyền Ngô Đình Diệm được Mỹ nuôi dưỡng và dùng vũ lực đặt lên ở miền Nam Việt Nam, được Lansdale và hàng trăm cố vấn Mỹ giúp sức, dùng đôla, vũ khí, phương tiện hiện đại tiến hành một cuộc chiến tranh liên miên đánh vào nhân dân Việt Nam dưới chiêu bài tố cộng, diệt cộng. Với những cuộc hành quân lớn nhỏ, những cuộc càn quyét nhằm tiêu diệt phe đối lập, đánh vào lực lượng vũ trang, bắt tù và tàn sát hàng vạn người dân vô tội, nhốt hàng triệu người vào các trại tập trung, những khu trù mật, khu dinh điền..., cướp ruộng đất của nông dân trả cho địa chủ, đàn áp các tầng lớp công nhân, tiểu thương, trí thức... Ở thành thị, chính quyền Ngô Đình Diệm bóp nghẹt mọi quyền tự do, dân chủ, tạo nên một cuộc sống ngột ngạt ở miền Nam. Chế độ buôn dân, bán nước của Diệm không có cơ sở xã hội, phải tạo ra tầng lớp địa chủ tư sản mại bản quân phiệt làm chỗ dựa. Vì vậy, muốn giữ vững địa vị thống trị của mình, Mỹ - Diệm phải dùng biện pháp tàn bạo nhất, phát xít nhất; dùng nhà tù và lưỡi lê để chống lại nhân dân, buộc nhân dân phải khuất phục dưới áp lực của một nhóm nhỏ mà tiêu biểu cầm đầu là gia đình họ Ngô. Sự đàn áp và khủng bố ngày càng tăng bất chấp dư luận rộng rãi trong và ngoài nước, Mỹ - Diệm đã đạp lên oán hờn xương máu miễn biến miền Nam thành một quốc gia riêng biệt theo ý đồ của Mỹ. Mức độ tột cùng của sự tàn bạo là vào năm 1959 khi Diệm cho máy chém đi khắp nơi, chặt đầu bất cứ ai có ý nghĩ chống đối lại, “thà giết nhầm còn hơn bỏ sót”.
Trong khi lao vào cuộc chiến tranh chống nhân dân Việt Nam, chia cắt lâu dài đất nước ta, đế quốc Mỹ đã cố nặn ra khối hiệp ước xâm lược
Đông Nam Á, nhằm lôi kéo các nước tạo sức mạnh quân sự, chính trị phản động. Nhưng quan trọng hơn là Mỹ tìm mọi cách chia rẽ, mọi thủ đoạn ngoại giao và áp lực để tìm sự nhất trí và câu kết giữa đế quốc và các thế lực phản động nhằm chia cắt lâu dài nước Việt Nam, bảo đảm cho sự thành công của chiến tranh xâm lược ở Đông Dương, để vững bước tiến trên con đường tội ác, hết nấc thang này đến nấc thang khác.
Ba nước Đông Dương có vị trí chiến lược quan trọng về nhiều mặt ở vùng Đông Nam Á và Thái Bình Dương đang trở thành “sân khấu” diễn biến các âm mưu đen tối dồn dập của các cường quốc và chư hầu của họ. Nhưng Việt Nam – một dân tộc nghèo nhưng không hèn yếu, đã có truyền thống đấu tranh bất khuất hàng nghìn năm – dưới sự lãnh đạo của Đảng, đoàn kết chiến đấu cùng nhân dân Lào, Campuchia “thà chết chứ không chịu làm nô lệ”.
Trong hoàn cảnh đó, thực tiễn cách mạng Việt Nam từ tháng 7-1954 đến 1960 đã cho thấy quá trình tìm ra đường lối cách mạng Việt Nam là một quá trình không đơn giản, dễ dàng. Trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng, bước khởi đâù là vô cùng khó khăn, gian khổ, nhưng có một ý nghĩa rất quan trọng. Trải qua quá trình tìm tòi, phát triển, quá các Hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (9-1960), về cơ bản đường lối chính trị của cách mạng Việt Nam đã được hình thành. Nét nổi bật và độc đáo của thời kỳ này đó là một Đảng, trong cùng một thời gian, đồng thời lãnh đạo hai chiến lược cách mạng: cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. Trên cơ sở đường lối chung của cả nước, Đại hội III đã chỉ ra đường lối cách mạng ở mỗi miền. Ở miền Bắc, “Đoàn kết toàn dân, phát huy tinh thần yêu nước nồng nàn,, truyền thống phấn đấu anh dũng và lao động cần cù của nhân dân ta, đồng thời tăng cường đoàn kết với các nước xã hội
chủ nghĩa anh em do Liên Xô đứng đầu, để đưa miền Bắc tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng đời sống âm no, hạnh phúc ở miền Bắc và củng cố miền Bắc thành cơ sở vũng mạnh cho cuộc đấu tranh thực hiện hoà bình, thống nhất nước nhà, góp phần tăng cường phe xã hội chủ nghĩa, bảo vệ hoà bình ở Đông Nam Á”[21;tr.922]. Ở miền Nam, nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam là “giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc và phong kiến, thực hiện độc lập dân tộc và người cày có ruộng, góp phần xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”[21;tr.919].
Như vậy, với đường lối chính trị độc lập và sáng tạo mà Đảng Lao động Việt Nam đề ra trong thời kỳ này là cơ sở quan trọng nhất hình thành đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
* Bối cảnh quốc tế, nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến việc hình thành đường lối đối ngoại trong giai đoạn này
Về bối cảnh quốc tế đối với cách mạng Việt Nam sau năm 1954, trước hết phải khẳng định rằng chúng ta đứng trước những thuận lợi hết sức căn bản. Đó là sự lớn mạnh không ngừng của hệ thống chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới, sự phát triển mạnh mẽ của phong trào giải phóng dân tộc và phong trào vì hoà bình của giai cấp công nhân ở các nước tư bản phát triển mạnh mẽ... đã tác động không nhỏ đến cách mạng Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi đó, tình hình thế giới lúc này đứng trước những biến động phức tạp, trong đó nổi bật nhất là mối quan hệ giữa Liên Xô - Trung Quốc – Hoa Kỳ và Việt Nam.
Trước những thay đổi của hoàn cảnh trong nước, hơn lúc nào hết, Việt Nam cần sự đồng thuận giữa các đồng minh của mình, thì mâu thuẫn Liên Xô - Trung quốc bùng nổ công khai trên phạm vi rộng. Mỹ đã nhanh chóng
nắm lấy cơ hội, tiến hành chính sách chia rẽ, khoét sâu mâu thuẫn, giảm thiểu sự đồng tình, ủng hộ, viện trợ của Liên Xô, Trung Quốc cho kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam – cuộc chiến tranh có mức độ tàn khốc nhất trong lịch sử thế giới đương đại mà Mỹ đang theo đuổi.
Có thể nói, những bất đồng và căng thẳng trong quan hệ Liên Xô - Trung Quốc đã gây ra những tác động khác nhau ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam. Việt Nam trở thành một trong những tiêu điểm thể hiện đối sách của mỗi nước. Vấn đề Việt Nam được Liên Xô và Trung Quốc “cân nhắc” cho phù hợp với lợi ích của mình. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam, đặc biệt là trong giai đoạn 1954-1960, quan hệ tam giác Liên Xô - Trung Quốc – Mỹ – quan hệ giữa một bên là kẻ thù và một bên là đồng minh chiến lược của Việt Nam có những diễn biến phức tạp. Sự mở rộng tranh chấp giữa Liên Xô - Trung Quốc, xu thế hoà hoãn giữa Liên Xô - Mỹ, cũng như Trung Quốc – Mỹ đã tác động lớn đến cách mạng Việt Nam.
Vấn đề đặt ra là trước tình hình đó, Đảng và Nhà nước Việt Nam cần phân tích sâu sắc và đưa ra một đường lối đối ngoại phù hợp. Đường lối đó đã đảm bảo được quan hệ cân bằng giữa Việt Nam – Liên Xô và Việt Nam – Trung Quốc, đồng thời góp phần hàn gắn những bất đồng, rạn nứt trong quan hệ Xô - Trung, làm thất bại mưu đồ lợi dụng của Mỹ. Tuy nhiên, khi đặt mục tiêu giữ vững cân bằng trong quan hệ với Liên Xô, Trung Quốc, tăng cường củng cố quan hệ với các nước xã hội chủ nghĩa, Đảng và Nhà nước Việt Nam cũng bày tỏ thái độ của mình. Việt Nam lên tiếng tuyên bố về quyền độc lập, tự chủ của mình, thể hiện mong muốn Liên Xô, Trung Quốc dẹp bỏ bất đồng, vì lợi ích chung của cách mạng thế giới.
Như vậy, trước những diễn biến phức tạp của tình hình quốc tế, với đường lối đối ngoại đúng đắn linh hoạt, Đảng và Nhà nước ta đã góp phần
làm thu hẹp những bất đồng giữa hai nước anh em, củng cố mối quan hệ với đồng minh chiến lược của cuộc kháng chiến, từng bước tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ đường lối, mục tiêu và quyết tâm của nhân dân ta, giành chi nhân dân ta sự giúp đỡ to lớn về nhiều mặt. Việc Đảng và Nhà nước Việt Nam căn cứ vào những biến động của tình hình quốc tế, hình thành nên một đường lối chính sách đối ngoại đúng đắn, phù hợp đã tạo cho cuộc kháng chiến của ta sức mạnh tổng hợp, hạn chế một phần sức mạnh của đế quốc Mỹ, bảo đảm cho nhân dân ta đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược quy mô lớn của chúng.
* Truyền thống ngoại giao của dân tộc, tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh và những kinh nghiệm đối ngoại của Đảng.
Dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống hoà hiếu, nhân đạo và hoà bình; có ý thức sâu sắc về chủ quyền quốc gia, hữu nghị với các nước láng giềng, khiêm nhường với nước lớn. Nền văn hiến lâu đài đã đem lại cho ngoại giao Việt Nam hiện đại nhiều yếu tố văn hoá: ngoại giao Việt Nam thấm nhuần chủ nghĩa nhân văn sâu sắc, mang hình thức đa dạng và phong phú và mang đậm dấu ấn tư tưởng Hồ Chí Minh. Tư tưởng Hồ Chí Minh về ngoại giao thể hiện trong đường lối và hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam, vững vàng nguyên tắc nhưng mềm dẻo về sách lược, quán triệt tư tưởng tiến công nhưng biết giành thắng lợi từng bước phù hợp với tương quan lực lượng trong nước và quốc tế.
Nền ngoại giao Việt Nam hiện đại kiên định về nguyên tắc nhưng ứng xử tinh tế và linh hoạt; phối hợp chặt chẽ với các mặt trận kinh tế, chính trị, quân sự; kết hợp thế và lực góp phần xoay chuyển tình thế từ yếu thành mạnh; gắn lợi ích dân tộc với lợi ích giai cấp, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Truyền thống ngoại giao ấy chính là tấm gương phản chiếu nền văn hoá giàu truyền thống và bản sắc của dân tộc Việt Nam và con
người Việt Nam. Các giá trị văn hoá ấy đã được kết tinh trong nền ngoại giao hiện đại của Việt Nam nói chung, ngoại giao trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói riêng.
3.1.2. Đảng và Nhà nước Việt Nam đã phát huy cao độ tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo trong việc xác định đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam nói chung và chủ trương, chính sách đối ngoại trong giai đoạn 1954-1960 nói riêng.
Với những cơ sở nêu trên, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã đề ra một chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, làm chủ vận mệnh của mình trong mỗi bước ngoặt của cuộc chiến tranh, nhưng vẫn nêu cao tinh thần đoàn kết quốc tế, tiến hành các hoạt động ngoại giao chủ động, tích cực, linh hoạt.