Ngân hàng Công thương Việt Nam được thành lập sau khi có Pháp lệnh ngân hàng - Hợp tác xã tín dụng - Công ty tài chính. Hiện nay, có 152 chi nhánh khắp mọi tỉnh thành trên cả nước. Khi mới thành lập, số cán bộ làm công tác kiểm tra, kiểm toán là 167 [11, tr. 62]. Đến năm 2010, Bộ máy kiểm tra, KTNB có 101 phòng kiểm tra, KTNB tại chi nhánh và Văn phòng đại diện, với 457 lao động, kiểm tra hoạt động của các chi nhánh trong toàn hệ thống NHCT [8]. Từ khi có Quyết định 03/1998/QĐ-NHNN3 ngày 03 tháng 01 năm 1998, Ngân hàng Công thương đã khẩn trương điều chỉnh lại mô hình tổ chức nói chung, và hoạt động kiểm tra kiểm soát nội bộ nói riêng. Một trong những nội dung quan trọng là giải quyết hậu quả của gánh nặng nợ khó
đòi (trong đó chủ yếu là từ vụ án Epco-Minh Phụng). Vì thế, việc chấn chỉnh công tác kiểm tra, KTNB trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Nhằm thực hiện Quyết định 03/1998/QĐ-NHNN3, Ngân hàng Công thương Việt Nam ban hành Quyết định số 066/QĐ-HĐQT-NHCT17 ngày 12/5/2000 về Quy chế tổ chức và hoạt động của bộ máy kiểm tra kiểm toán ngân hàng Công thương Việt Nam. Quy chế này quy định mô hình tổ chức; Nhiệm vụ của bộ máy kiểm tra kiểm toán và xét khiếu tố; Quyền hạn của kiểm tra kiểm toán và xét khiếu tố; Tiêu chuẩn của kiểm tra viên và kiểm toán viên. Theo quy chế này, mô hình tổ chức của Bộ máy kiểm tra gồm: Phòng kiểm tra kiểm toán và xét khiếu tố tại trụ sở chính; Phòng kiểm tra kiểm toán và xét khiếu tố tại Văn phòng đại diện; Phòng (tổ) kiểm tra tại chi nhánh - do Chi nhánh quản lý. Tuy nhiên, mô hình Phòng kiểm tra nội bộ tại chi nhánh (do Giám đốc điều hành) đã bộc lộ những hạn chế, kém hiệu quả vì: Giám đốc chi nhánh vừa chỉ đạo hoạt động kinh doanh, vừa chỉ đạo hoạt động kiểm tra theo cơ chế phân cấp và uỷ quyền, nên công tác kiểm tra thiếu tính độc lập, thiếu khách quan. Trên thực tế, có nhiều Giám đốc chi nhánh coi nhẹ hoạt động kiểm tra kiểm soát nội bộ, bố trí cán bộ thiếu năng lực làm công tác kiểm tra. Bên cạnh đó, cán bộ kiểm tra tại Chi nhánh còn phải thực hiện các nhiệm vụ khác do Giám đốc phân công, quyền lợi vật chất và tinh thần đều bị chi phối, nên không có những đánh giá, kiến nghị khách quan về tình hình hoạt động kinh doanh tại Chi nhánh, dẫn đến việc kiểm tra mang nặng tính hình thức, không có tác dụng thúc đẩy hiệu quả hoạt động kinh doanh trong toàn hệ thống.
Thực trạng trên, đòi hỏi phải đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy kiểm tra kiểm soát nội bộ theo hướng đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng Giám đốc, nhằm nâng cao tính khách quan và hiệu quả hoạt động của bộ máy KTKSNB, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống
Ngân hàng Công thương Việt Nam. Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng năm 2004, Hội đồng quản trị Ngân hàng Công thương Việt Nam đã ban hành Quyết định số 107/QĐ-HĐQT-NHCT1 ngày 11/05/2005 về quy chế tổ chức hoạt động của bộ máy kiểm tra kiểm soát nội bộ Ngân hàng Công thương Việt Nam. Bộ máy KTKSNB Ngân hàng Công thương được tổ chức thành hệ thống, đặt dưới sự quản lý, điều hành trực tiếp của Tổng Giám đốc NHCT Việt Nam.
Mô hình tổ chức của Bộ máy Kiểm tra kiểm soát nội bộ bao gồm: Ban KTKS nội bộ tại trụ sở chính; 02 Phòng KTKS nội bộ tại Văn phòng đại diện Miền Trung và Miền Nam; 81 Phòng KTKSNB tại Sở giao dịch, Chi nhánh cấp I; với biên chế 425 cán bộ và sẽ tiếp tục được bổ sung những cán bộ có năng lực, trình độ để đáp ứng yêu cầu của hoạt động kinh doanh. Quy chế cũng quy định chức năng, nhiệm vụ của Bộ máy KTKSNB; nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ phận cấu thành, các chức danh, cán bộ kiểm tra trong Bộ máy.
Một điểm mới quan trọng là Bộ máy KTKSNB được độc lập trong hoạt động, đánh giá, kết luận, kiến nghị trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, hoạt động theo phương thức giám sát từ xa và kiểm tra trực tiếp.
Bộ máy KTKSNB có chức năng tham mưu giúp Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc kiểm tra, kiểm soát, giám sát việc chấp hành pháp luật, cơ chế chính sách của Nhà nước, của ngành, Điều lệ và các quy định nội bộ của hệ thống Ngân hàng Công thương; bổ sung hoàn thiện quy chế, cơ chế quản lý, quản trị điều hành của NHCT Việt Nam phù hợp với chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và thực tiễn hoạt động. Giúp Tổng Giám đốc điều hành thông suốt, hạn chế rủi ro trong hoạt động kinh doanh.
Sau khi hoạt động theo Quy chế mới, Bộ máy kiểm tra kiểm soát nội bộ Ngân hàng Công thương Việt Nam bước đầu hoạt động ổn định, từng bước nắm diễn biến hoạt động kinh doanh, cảnh báo sai sót vi phạm, tham mưu đề
xuất các biện pháp phòng ngừa rủi ro. Kết quả hoạt động theo mô hình tổ chức mới cho thấy, KTKSNB đã phát hiện được nhiều sai phạm xảy ra trong hoạt động kinh doanh ở nhiều chi nhánh thông qua công tác kiểm tra, đánh giá các chỉ tiêu hoạt động kinh doanh (hoạt động cho vay, đầu tư; kinh doanh ngoại tệ, thu dịch vụ, xu hướng biến động chất lượng tín dụng...), các kiến nghị của KTKSNB mang tính khách quan có chất lượng; KTKSNB đã đưa ra nhiều cảnh báo rủi ro, bài học kinh nghiệm, và được công bố rộng rãi trong toàn hệ thống. Bên cạnh đó, KTKSNB đã thực hiện rà soát các văn bản nội bộ và đưa ra các kiến nghị nhằm sửa đổi, bổ sung kịp thời đảm bảo tuân thủ pháp luật, có tính khả thi cao [8].
Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động theo mô hình kiểm tra kiểm soát trực tuyến cũng có những bất cập là:
- Bộ máy kiểm tra đặt dưới sự điều hành trực tiếp của Tổng giám đốc, trong khi lại kiểm tra chính hoạt động của Ban điều hành, nên vẫn không đảm bảo tính độc lập, khách quan.
- Do mạng lưới các phòng kiểm tra nằm ở hầu hết các chi nhánh, trên phạm vi toàn quốc, nên việc điều hành gặp rất nhiều khó khăn.
- Tình trạng địa phương hoá ở các Phòng kiểm tra tại Chi nhánh rất lớn; thực trạng “đầu voi, đuôi chuột” diễn ra phổ biến: mặc dù bộ máy kiểm tra trực thuộc Tổng giám đốc, nhưng thực chất không có sự thay đổi đáng kể trong nhận thức, lề lối làm việc của bộ phận kiểm tra tại chi nhánh, do Phòng kiểm tra vẫn đặt tại Chi nhánh, chịu sự chi phối đáng kể của Giám đốc chi nhánh trong quá trình hoạt động.
- Không quy định cụ thể tiêu chuẩn của cán bộ làm công việc, kiểm tra kiểm toán, tiêu chuẩn các chức danh trong bộ máy kiểm tra.
- Không có chiến lược đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho Bộ máy kiểm tra kiểm toán. Do đó, trình độ cán bộ kiểm tra bất cập nên khả năng
kiểm tra, phát hiện kịp thời các sai sót rất hạn chế, không theo kịp tốc độ phát triển công nghệ mới trong ngành Ngân hàng.
- Không có chế độ đãi ngộ thỏa đáng cho cán bộ làm công tác kiểm tra, hiện đang là vấn đề cơ bản để đảm bảo phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra.
Sau khi Ngân hàng Công thương Việt Nam được cổ phần hóa (tháng 07/2009) thành Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank); Để khắc phục các nhược điểm của Quy chế 107, đặc biệt sau khi có Quyết định số 36/NHNN và Quyết định số 37/NHNN, để phù hợp với các quy định của hai quyết định này, ngày 20/3/2009, Hội đồng Quản trị NHCT Việt Nam ban hành Quyết định số 132/QĐ-HĐQT-NHCT17 về Quy chế hoạt động của hệ thống KTKSNB NHCT; và ngày 30/12/2010, Hội đồng Quản trị NHCT Việt Nam ban hành Quyết định số 1973/QĐ-HĐQT-NHCT17 quy định tổ chức và hoạt động của Bộ máy kiểm tra kiểm toán nội bộ NHCT. Trong đó, có một số quy định cụ thể:
- Ban kiểm soát: Là cơ quan do Đại hội cổ đông bầu ra, thay mặt các cổ đông để kiểm soát một cách độc lập, khách quan và trung thực mọi hoạt động kinh doanh, quản trị và điều hành NHCT, chịu trách nhiệm trước Đại hội đồng cổ đông trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao.
- Hệ thống kiểm tra, kiểm soát nội bộ: Là tập hợp các cơ chế, chính sách, quy định, quy trình nội bộ, cơ cấu tổ chức của NHCT; được thiết lập trên cơ sở phù hợp với quy định pháp luật hiện hành và được tổ chức thực hiện, nhằm đảm bảo phòng ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời các rủi ro và đạt được các mục tiêu mà NHCT đã đặt ra.
- Kiểm tra, kiểm soát nội bộ: Là hoạt động kiểm tra, kiểm soát việc tuân thủ các quy định của pháp luật, quy chế, quy định nội bộ, quy trình nghiệp vụ của NHCT; qua đó tổng hợp, rà soát, đánh giá tính hiệu lực, hiệu
quả hoạt động của hệ thống kiểm tra, kiểm soát nội bộ, nhằm phát hiện, ngăn ngừa và kịp thời kiến nghị xử lý những tồn tại, sai phạm, góp phần đảm bảo NHCT hoạt động an toàn, hiệu quả, đúng pháp luật.
- KTNB: Là hoạt động kiểm tra, rà soát, đánh giá một cách độc lập, khách quan đối với hệ thống kiểm tra, kiểm soát nội bộ; đánh giá độc lập về tính thích hợp và sự tuân thủ các chính sách, quy định, quy trình được thiết lập trong NHCT, qua đó đưa ra các kiến nghị, tư vấn nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các hệ thống, các quy định, quy trình, góp phần đảm bảo NHCT hoạt động an toàn, hiệu quả, đúng pháp luật.
- Bộ máy kiểm tra, KTNB bao gồm: Ban kiểm tra KTNB tại Trụ sở chính; phòng kiểm tra KTNB tại các Văn phòng đại diện; phòng kiểm tra, KTNB tại các chi nhánh NHCT; thực hiện hoạt động kiểm tra, KTNB dưới sự chỉ đạo, điều hành trực tiếp của Ban kiểm soát NHCT.
- Về tổ chức: Bộ máy kiểm tra, KTNB của NHCT được thành lập và hoạt động theo Luật các TCTD, được tổ chức thành hệ thống thống nhất từ Trụ sở chính đến các Văn phòng đại diện, chi nhánh NHCT; trực thuộc và chịu sự chỉ đạo, điều hành trực tiếp của Ban kiểm soát NHCT.
Với các quy định trên, NHCT đã phân định rõ chức năng kiểm soát nội bộ và KTNB, đã coi trọng những nguyên tắc cơ bản là tính độc lập, tính khách quan và tính chuyên nghiệp của KTNB. Hệ thống kiểm tra, kiểm soát được coi trọng: HĐQT, Tổng Giám đốc đã chú trọng và quan tâm đến công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động nghiệp vụ trong toàn hệ thống, tạo môi trường kiểm soát chặt chẽ, phù hợp với qui định hiện hành của Nhà nước như: xây dựng các hệ thống qui chế điều hành hoạt động khá đầy đủ; Hệ thống kiểm tra, KTNB độc lập với bộ phận nghiệp vụ... Kết quả hoạt động của bộ phận kiểm soát nội bộ đã phát hiện và chấn chỉnh kịp thời các sai sót trong công tác quản lý, điều hành các bộ phận nghiệp vụ; tham mưu đề xuất với
Ban lãnh đạo sửa đổi bổ sung các qui chế, quy định nghiệp vụ phù hợp với đặc điểm hoạt động và các quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, Quy chế mới vẫn có những mặt hạn chế:
- Việc quy định mô hình tổ chức Bộ máy kiểm tra, KTNB chuyên trách xuyên suốt từ Trụ sở chính đến các chi nhánh, vẫn chưa đảm bảo tính độc lập, khách quan trong hoạt động kiểm tra, kiểm toán (tồn tại chưa thể khắc phục được).
- Bộ phận kiểm tra, kiểm toán nội bộ trực thuộc Ban kiểm soát đảm bảo tính độc lập khách quan cho hoạt động kiểm tra, kiểm toán nội bộ. Tuy nhiên, tính kịp thời của thông tin kiểm tra, kiểm toán không cao, do kết quả kiểm tra, kiểm toán được thông tin cho Tổng giám đốc thường chậm, không thường xuyên, liên tục như khi trực thuộc sự quản lý, điều hành trực tiếp của Tổng giám đốc. Hơn nữa, điều kiện thường xuyên tiếp cận, phát hiện các sai phạm trong hoạt động bị hạn chế hơn so với khi trực thuộc sự quản lý, điều hành của Tổng giám đốc.
- Chưa có quy chế tuyển dụng, đào tạo nguồn nhân lực làm công tác kiểm tra, kiểm toán.