Xuất phát từ quan điểm cho rằng: "Con người tạo ra hoàn cảnh đến mức nào thì hoàn cảnh cũng tạo ra con người đến mức ấy" [53, tr. 55] và "trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội" [57, tr. 376], chúng ta có thể coi việc xây dựng môi trường kinh tế - xã hội lành mạnh là giải pháp cơ bản, quan trọng hàng đầu trong việc xây dựng đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên trên cả nước nói chung và ở Hải Phòng nói riêng. Phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở Hải Phòng nhằm tạo môi trường thuận lợi, để ở đó, những phẩm chất đạo đức cách mạng ở người cán bộ, đảng viên có điều kiện phát triển. Mục đích, tính chất, phương hướng, tốc độ phát triển kinh tế có ảnh hưởng tới đời sống văn hóa, đạo đức, nếu lấy tăng trưởng kinh tế làm mục đích duy nhất sẽ là môi trường làm nảy sinh và phát triển những hiện tượng vô đạo đức, phản văn hóa.
Thực hiện nghị quyết của Đảng, Hải Phòng đã chuyển nền kinh tế kế hoạch hóa, tập trung sang KTTT định hướng XHCN có sự quản lý của Nhà nước. KTTT định hướng XHCN từng bước được hình thành ở Hải Phòng, tạo ra sự phát triển mạnh về lực lượng sản xuất, nhịp độ tăng trưởng kinh tế hàng năm cao. Cơ sở hạ tầng, bộ mặt đô thị, nông thôn, hải đảo được đầu tư xây dựng, nâng cấp và cải thiện rõ. Nhiều vấn đề văn hóa, xã hội được giải quyết.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, kinh tế - xã hội thành phố còn bộc lộ những yếu kém, đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân còn gặp khó khăn, tệ nạn xã hội còn là vấn đề nhức nhối, thì việc xây dựng đạo đức cách mạng cho nhân dân nói chung và cán bộ, đảng viên Hải Phòng nói riêng gặp nhiều khó khăn và đòi hỏi phải có một quá trình với sự nỗ lực của toàn Đảng bộ và nhân dân thành phố. Để xây dựng môi trường kinh tế - văn hóa - xã hội, tạo thuận lợi cho sự phát triển đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên ở Hải Phòng, cần giải quyết tốt một số vấn đề sau:
Thứ nhất, phát triển kinh tế bằng cách đẩy mạnh CNH, HĐH, tập trung khai thác hợp lý và sử dụng có hiệu quả hơn nữa tiềm năng đất đai, biển, cảng, công nghiệp, dịch vụ, du lịch, tăng giá trị và hiệu quả kinh tế, khai thác tốt tiềm năng và lợi thế của thành phố cảng, một mũi nhọn của tam giác kinh tế phía Bắc; đẩy mạnh
việc ứng dụng khoa học công nghệ, gắn sản xuất với thị trường, hình thành sự liên kết nông - công nghiệp, dịch vụ và thị trường; khuyến khích và tạo mọi điều kiện để mọi thành phần kinh tế, các bộ phận nhân dân làm giàu chính đáng, xóa đói giảm nghèo và phát triển đa dạng các hình thức sở hữu kinh tế, mở rộng các hình thức liên doanh, cổ phần, liên kết giữa các thành phần kinh tế; tăng cường công tác đầu tư, thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia; phát triển kinh tế nhà nước, củng cố sắp xếp các doanh nghiệp nhà nước đã có để nâng cao hiệu quả kinh tế; đẩy mạnh công tác cổ phần hóa doanh nghiệp; v.v...
Những nội dung phát triển kinh tế trên nhằm làm cho kinh tế thành phố thực sự phát triển "nhanh, bền vững, gắn với vùng kinh tế động lực Bắc bộ và cả nước, phát triển mạnh kinh tế biển, công nghiệp dịch vụ, kinh tế hướng vào xuất khẩu, có khả năng cạnh tranh cao, tạo năng lực và điều kiện để hội nhập kinh tế có hiệu quả, thực hiện tốt vai trò là một động lực phát triển kinh tế của vùng và cả nước" [67, tr. 20] như tư tưởng chỉ đạo của Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XII.
Thứ hai, phát triển kinh tế phải gắn với tiến bộ và công bằng xã hội, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, phát triển văn hóa tinh thần, tạo môi trường thuận lợi cho việc xây dựng đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên.
Đây là yêu cầu phản ánh rõ tính mục đích của phát triển kinh tế. Phát triển kinh tế có gắn với công bằng xã hội, gắn với phát triển văn hóa, tinh thần mới có thể tạo được môi trường kinh tế - văn hóa - xã hội, một môi trường tổng hợp, cho sự hình thành và phát triển những giá trị đạo đức mới, xây dựng đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Đại hội lần thứ XII Đảng bộ thành phố chỉ rõ: "Phát triển kinh tế gắn liền với phát triển văn hóa - xã hội, phát triển đô thị đi liền với xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự - an toàn xã hội, không ngừng nâng cao chất lượng đời sống tinh thần và vật chất của nhân dân" [67, tr. 20]. Theo đó, cần chú ý một số vấn đề sau:
+ Cần nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành của hệ thống chính trị của thành phố đối với việc xây dựng tinh thần đạo đức cách mạng trong đời sống xã hội
nói chung và của cán bộ, đảng viên nói riêng. Quá trình chuyển dịch từ nền kinh tế kế hoạch hóa, tập trung, quan liêu, bao cấp sang nền KTTT, nước ta chưa có được những yếu tố của nền KTTT văn minh, dư luận xã hội trong thực tế chưa có đủ sức mạnh góp phần điều chỉnh các hành vi của con người theo các giá trị chân, thiện, mỹ, thì việc nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành của hệ thống chính trị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc xây dựng tinh thần đạo đức cách mạng trong đời sống xã hội nói chung và của cán bộ, đảng viên nói riêng. Lợi ích kinh tế là động lực thúc đẩy các chủ thể tham gia vào các quan hệ kinh tế. Vai trò quản lý kinh tế của thành phố là phải tạo nên hành lang pháp lý để chủ thể kinh tế chủ động hoạt động; đồng thời phải làm cho lợi ích với tính cách là động cơ của các chủ thể kinh tế trở thành động lực cho sự phát triển xã hội và của chính sự phát triển bền vững của nền KTTT. Cần tôn trọng, ủng hộ, tạo điều kiện thực hiện các lợi ích hợp pháp, giàn xếp thỏa đáng và đúng mức các lợi ích, đảm bảo các chính sách tạo điều kiện để các thành phần kinh tế phát triển. Sự phát triển kinh tế phải hướng tới thúc đẩy phát triển xã hội và phát triển cá nhân.
Sử dụng đồng bộ các công cụ như: kế hoạch, quyết định, chính sách, biện pháp kinh tế, hành chính, tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế nhà nước và kinh tế hợp tác sẽ giữ vai trò là nền tảng vật chất của đạo đức mới, đạo đức cách mạng. ủy ban nhân dân có vai trò to lớn trong quản lý và phát triển kinh tế, với quyền lực công, ủy ban nhân dân dùng sức mạnh cưỡng chế, các chính sách kinh tế để điều tiết trên phương diện vĩ mô các lợi ích, các hoạt động kinh tế, khắc phục tình trạng hỗn loạn, bất bình đẳng, phân cực xã hội, tạo dựng và bảo vệ sự thống nhất giữa lợi ích chung và lợi ích riêng, giữa lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể, giữa lợi ích bộ phận và lợi ích toàn cục. Với ý nghĩa này, việc chúng ta giải quyết tốt vấn đề lợi ích chính là chúng ta giải quyết tốt những vấn đề đạo đức, đúng như các nhà duy vật Pháp nói: "Nếu như lợi ích, hiểu một cách đúng đắn, là nguyên tắc của toàn bộ đạo đức thì điều quan trọng là phải ra sức làm cho lợi ích riêng tư của con người phù hợp với lợi ích của loài người" [52, tr. 199-200].
Các cơ quan nhà nước trên cơ sở các văn bản của Nhà nước cần xây dựng các cơ chế tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống nạn tham nhũng trong bộ máy nhà nước và trong toàn bộ hệ thống chính trị. Gắn chống tham nhũng với chống lãng phí, quan liêu, buôn lậu, buông lỏng quản lý, đặc biệt chống các hành vi lợi dụng chức, quyền làm giàu bất chính. Thực hiện tốt các quy chế, chính sách, quy định của Đảng và Nhà nước về quản lý kinh tế; đồng thời trong thẩm quyền luật định, ủy ban nhân dân thành phố cần cụ thể hóa, hoàn thiện, bổ sung chính sách về quản lý kinh tế đảm bảo điều chỉnh các quan hệ kinh tế, kiên quyết không để sơ sở cho kẻ xấu lợi dụng. Tiếp tục cải cách hành chính, nhất là việc xóa bỏ các thủ tục hành chính phiền hà, dễ gây ra tham nhũng, sách nhiễu. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, bảo đảm dân chủ, minh bạch trong các hoạt động kinh tế, xã hội của các tổ chức và cá nhân. Các cấp cần quản lý chặt chẽ tài chính, công quỹ, đảm bảo tài chính chi đúng mục đích, đúng nguyên tắc, có hiệu quả. Tăng cường tổ chức và cơ chế, tiếp tục cuộc đấu tranh chống tham nhũng trong bộ máy nhà nước và toàn thể hệ thống chính trị, ở các cấp, các ngành, từ Trung ương đến cơ sở. Thực hiện tốt chính sách, pháp luật, quy chế của Nhà nước, cụ thể hóa các điều cấm cán bộ, đảng viên không được làm, thực hiện nghiêm quy chế dân chủ ở xã, phường, đồng thời, đề cao quản lý nhà nước bằng pháp luật. Đẩy mạnh cải cách bộ máy hành chính nhà nước, ở các cấp, làm cho bộ máy tinh gọn. Xóa bỏ các thủ tục hành chính gây phiền hà, sách nhiễu đối với cơ quan, tổ chức, công dân. Công khai hóa các thủ tục hành chính để mọi người biết, thực hiện và giám sát hoạt động của cán bộ, đảng viên, nhất là các lĩnh vực có quan hệ trực tiếp đối với công dân. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí; coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng. Củng cố và kiện toàn các cơ quan bảo vệ pháp luật; đồng thời tăng cường công tác phối hợp, tạo ra sức mạnh đồng bộ để đấu tranh có hiệu quả với tệ nạn quan liêu, tham nhũng, lãng phí.
Tăng cường vai trò quản lý nhà nước. Đó là một trong những biện pháp tốt nhất để bảo vệ giá trị đạo đức cách mạng; là vũ khí sắc bén chống lại tác động của mặt trái của cơ chế thị trường đến đạo đức, lối sống của xã hội, của cán bộ, đảng
viên ở Hải Phòng; là nền móng vững chắc cho sự nghiệp củng cố, xây dựng nền đạo đức cách mạng ở thành phố.
+ Thực hiện tốt các chính sách xã hội. Phát triển kinh tế theo chiến lược CNH, HĐH phải được quản lý chặt chẽ, tạo ra một nền KTTT văn minh, gắn liền với công bằng xã hội; đồng thời thực hiện tốt các chính sách xã hội, quan tâm đến đời sống vật chất của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ, đảng viên ở cơ sở. Thực hiện tốt chương trình xóa đói, giảm nghèo, chính sách đền ơn, đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, quan tâm đến các đối tượng thuộc diện chính sách xã hội (gia đình có công với cách mạng, thương bệnh binh, con liệt sĩ...). Đó là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, của toàn thể nhân dân thành phố, trước hết là cán bộ, đảng viên. Cán bộ, đảng viên phải tự giác, ý thức được việc thực hiện chính sách xã hội là một trong những chức năng của Nhà nước, là trách nhiệm của Đảng. Điều này không mâu thuẫn với phát triển kinh tế mà ngược lại, tạo điều kiện cho kinh tế phát triển.
+ Phát triển văn hóa tinh thần XHCN, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Cùng với việc phát triển, lành mạnh hóa nền KTTT, với việc thực hiện chính sách xã hội, thì việc phát triển văn hóa tinh thần XHCN có tác dụng to lớn đối với quá trình xây dựng đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Tiến hành cách mạng tư tưởng văn hóa, làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh giữ vị trí chủ đạo trong đời sống tinh thần của xã hội. Kế thừa và phát huy những truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại; xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người, với trình độ tri thức, đạo đức, thể lực và thẩm mỹ ngày càng cao; chống tư tưởng, văn hóa phản tiến bộ, trái với truyền thống tốt đẹp của dân tộc và những giá trị cao quý của loài người. Nghị quyết "Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" của Đảng (tháng 7–1998) cần phải được cụ thế hóa trong vấn đề xây dựng đạo đức cho cán bộ, đảng viên ở Hải Phòng.
Xuất phát từ yêu cầu xây dựng đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên, từ thực tế đời sống của Hải Phòng, có thể xác định nội dung xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh ở Hải Phòng là: tạo những điều kiện vật chất và tinh thần, bao gồm các quan hệ xã hội, các thiết chế xã hội, các giá trị vật chất và tinh thần tác động tích cực, thúc đẩy sự phát triển đạo đức cách mạng, đồng thời ngăn ngừa các phản giá trị làm xói mòn đạo đức, lối sống của người cán bộ, đảng viên. Theo đó, cần phải, bảo tồn và khơi dậy những nét văn hóa truyền thống của dân tộc, của quê hương Hải Phòng, từng bước đáp ứng nhu cầu văn hóa đến mọi tầng lớp nhân dân; duy trì, phát huy những gía trị văn hóa truyền thống, đồng thời khơi dậy niềm tự hào của nhân dân, của cán bộ, đảng viên về thành phố cảng thân yêu của mình, tạo động lực tinh thần cho họ tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng trong hoạt động thực tiễn.
Phát triển kinh tế tạo điều kiện vật chất cho sự hình thành các giá trị đạo đức cách mạng; phát triển văn hóa tinh thần tạo môi trường tác động trực tiếp vào sự hình thành các giá trị đạo đức đó. Cần chú ý phát triển đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, đạo đức, khoa học, thẩm mỹ, chính trị, pháp luật. Môi trường văn hóa lành mạnh sẽ tạo ra một "rào chắn" vững chắc chống lại các phản giá trị, những cái xấu, cái sai. Nhờ đó, người cán bộ, đảng viên có điều kiện trở thành những chủ thể tích cực trong tiếp thu, giữ gìn và phát triển hệ giá trị cơ bản của Hải Phòng. Cần phải sàng lọc, tiếp thu có phê phán những giá trị mới của thời đại và quá trình xây dựng đổi mới đất nước trong điều kiện KTTT, thúc đẩy sự phát triển nhân cách trên cả hai mặt năng lực công tác và phẩm chất đạo đức cách mạng người cán bộ, đảng viên.