II) Nội dung
b) Sự nghiệp khẩn hoang
Nguyễn Công Trứ không những là một quan tướng giỏi, mà lại là một nhà chính trị có tài kinh tế, một kiến trúc sư về thủy nông, khai hoang, lấn biển vùng duyên hải Bắc Bộ, khơi nguồn mạch sống cho dân nghèo.
Trong đời làm quan của Nguyễn Công Trứ, trái với ý nguyện của ông lúc đầu là thực hiện những phương sách của thời bình, hầu như gắn hết thời gian ông phải
“Xếp bút nghiên theo việc kiếm cung”. Chỉ có mấy năm là thời kì ông làm Doanh điền sứ (1827-1830) ông mới có dịp “thượng trí quốc, hạ trạch dân” làm nên một sự nghiệp hiển hách mà ngày nay chúng ta còn phải khâm phục đó là ông đã có công quai đê, lấn biển, di dân lập ấp, xây dựng lên hai vùng đất mới: Tiền Hải (Thái Bình), Kim Sơn (Ninh Bình).
Sinh ra và lớn lên tại huyện Quỳnh Côi cũng có nghĩa là sinh ra và lớn lên giữa vựa lúa châu thổ sông Hồng, Nguyễn Công Trứ sớm nhìn thấy người làm ruộng và nguồn gốc của hạt gạo. Vả lại, ở thế kỉ XVIII một huyện lị nằm giữa một vùng quê, con quan và con dân chưa tách biệt lắm. Có thể ông cũng đã từng nhấc cần câu lang thang cùng lũ trẻ quanh vùng. Tình yêu thiên nhiên với ông trước hết là tình yêu con người, cây lúa, cánh đồng. Dạo đó, những năm 1778-1790, biến động lịch sử ngót ba thế kỉ xô đẩy nhiều lớp người dân bần hàn phiêu tán chưa vợi đi mà còn có chiều hướng gia tăng. Nguyễn Công Trứ theo cha chạy gồng gánh về quê nhà lánh nạn, trong sự hỗn loạn của “chuyển động brao” là như thế. Về quê (1790), nhà vừa bị đốt phá trơ lại sự điêu tàn. Thê hương và hoang phế nén vào lòng ông. Rồi trên cái nền đất hương hỏa của nhà mình, bà con, họ hàng, làng nước đến. Kẻ tranh tre, người nứa lá góp sức, góp công dựng cho gia đình ông một nếp nhà đơn xơ nhưng ấm tình người. Nguyễn Công Trứ lớn lên giữa tình thương của làng quê nghèo. Thương mình, thương cha mẹ mình, thương bà con thân thuộc, thương người, dấy lên trong tuổi thơ của ông. Ông biết mang ơn những người nông dân đất Uy Viễn từ đó. Thế là trong bước sa cơ của gia đình, Nguyễn Công trứ dần nhận ra chân lẽ sống. Người nông dân nghèo ở đâu cũng vậy cả. Nghèo và khổ của Nguyễn Công Trứ được chia sẻ trong sự nghèo của xóm làng. Ông nhập vai nông dân từ những ngày đầu về với vùng quê Uy Viễn là vậy. Ông là một nhà Nho đích thực. Ông cũng lại là nhà nông hiểu biết đường cày, thấu hiểu mơ ước và tấm lòng của người làm
ruộng. 19 năm kể từ ngày mồ côi cha (1800-1819), Nguyễn Công Trứ đã trải qua tình cảnh đó.
Sau 30 năm làm trai làng Uy Viễn (1789-1819), nghề nông đủ thấm, 42 tuổi bước vào trận bút thứ ba (Kỷ Mão, 1819), giành giải khôi nguyên. Tiếng tăm lừng lẫy đất Hoan Châu. Bỏ đường cày, vào kinh đô làm quan, nhưng hạt gạo thì gắn bó suốt đời. Nhà Nho và nhà Nông là hai nửa hợp thành trong con người tài hoa, năng động đầy nhiệt huyết, hăm hở cống hiến cho triều đại mà ông lựa chọn và chờ đợi. Với cương vị tham tán quân vụ tại Tào Hình Bắc Thành, Nguyễn Công Trứ phối hợp dẹp loạn Phan Bá Vành là không thể khác. Chung cuộc, ông đã biết nghĩ ngay đến người làm ruộng mới là điều đáng nói. Đứng trước sự rối ren của hàng trăm năm dồn lại cùng hàng nghìn người phiêu tán màn trời chiếu đất, lang thang trên mọi miền đất nước, hơn ai hết, Nguyễn Công Trứ với tấm lòng nông dân của mình đã nghĩ đến
“an cư lạc nghiệp”. Đưa dân trở về bản quán chính là đưa người cày trở về đồng ruộng là biện pháp tốt nhất giải quyết rối rắm và nghèo đói trên toàn xã hội. Đó cũng là yêu cầu lịch sử sau 300 năm binh đao. Bởi có nghề làm ruộng mà không có ruộng hoặc có ruộng mà không có người làm ruộng đều là nguyên nhân dẫn đến tình trạng đói nghèo phiêu dạy rối ren. Đưa người làm ruộng về với ruộng đồng theo sự lo toan
“người có của thường thì có lòng thường”, Nguyễn Công Trứ đã thể hiện tính nhân bản và chính ông là người tiên phong gỡ rối đầu thế kỉ XIX. Nghĩ được. Làm được. Đó là ông và lúc đó chỉ có ông mà thôi.
Sứ mạng của dân tộc ta ở thế kỉ XIX là củng cố vùng đất mới khai phá phía dưới vĩ tuyến 15, giải quyết nạn phiêu tán do nội chiến ngót ba thế kỉ để lại, sáp nhập Đàng Trong - một vùng đất, vùng người mới mở mang từ sau thế kỉ XVII với Đàng Ngoài, để xây dựng nền nhất thống quốc gia. Nhà Nguyễn hay một nhà nào khác muốn tồn tại trên tư cách là người đứng đầu nhà nước đều ý thức được sứ mạng lịch sử đó. Từ một cậu học trò đã có chuỗi tuổi thơ lang thang bên đồng ruộng Quỳnh Côi, để 38 năm sau trở lại với cương vị là một Doanh Điền Sứ của đất nước, nhà Nho - nhà Nông Nguyễn Công Trứ thích hợp hơn bất cứ một vị quan đương thời nào khác. Dẹp Phan Bá Vành là sứ mệnh lịch sử, nhưng biết nhìn nhận đội quân đói rách một thời theo Phan Bá Vành chỉ là nạn nhân tất yếu, với tấm lòng độ lượng bao dung để rồi cùng họ cần lao chia sẻ đắng cay giữa vùng đầm lầy bùn sâu nước mặn
mà làm nên hạt gạo củ khoai, mới đáng quý biết nhường nào. Việc làm này xuất phát từ tư duy khai hoang lập ấp của Nguyễn Công Trứ lúc bấy giờ.
Tiền Hải (Thái Bình), Hoành Thu, Ninh Thất (Nam Định), Kim Sơn (Ninh Bình) ngày nay là sản phẩm trí tuệ, tình cảm, tấm lòng và trách nhiệm của luồng tư duy đó.
“Lúc cụ đi quân thứ đánh giặc Phan Bá Vành, thấy các miền duyên hải tỉnh Nam Định và Ninh Bình còn lắm đất hoang, mênh mang bát ngát, cỏ mọc lăng loàn, dân cư chẳng có, chỉ làm nơi ẩn lấp cho bọn côn đồ. Đến lúc giặc giã tạm yên, cụ có dâng sớ xin ba điều 1. Nghiêm pháp cấm để tuyệt phỉ bảng; 2. Minh thưởng phạt để khuyến khích quan lại; 3. Khai khẩn hoang điền để dân nghèo có nghề làm ăn”. Về việc hoang thì đại lược cụ tâu rằng: “Đời xưa các đấng vua chúa chia của phân ruộng cho dân, để dân có nghề làm ăn, yên ở chốn thôn quê cày bừa, không giám sinh lòng xiên vạy. Nay ở huyện Chân Định và huyện Giao Thủy thuộc tỉnh Nam Định, đất hoang còn nhiều, đến hàng ngàn mẫu. Nếu nhà nước lấy tiền công, cấp cho dân khẩn trị, thời tốn chẳng bao nhiêu mà lợi tự nhiên thu được mãi mãi; vả lại ở Tiền Châu thuộc phủ Kiến Xương, đất rộng mênh mông, cây cối sầm uất, giặc thường nhóm họp ở đấy, nay khai phá đi thì chẳng những mở đường sinh nghiệp cho bần dân mà lại tuyệt ở cái chỗ sào huyệt của thổ phỉ, xin xuống chỉ cho các quan tại trấn chiêu mộ dân phu khai khẩn, cứ 50 người thành lập một làng, 30 người lập thành một ấp, tính đất cho ở, lại cấp cho trâu và đồ làm ruộng, 3 năm thành điền chiếu lệ trước bộ thu thuế, làm như vậy thì đất không sót lợi mà dân mà dân cũng chăm việc cày bừa, tự nhiên dân phong có xấu cũng hóa tốt”48.
Nhà vua xem sớ xong giao xuống cho đình thần bàn. Có lẽ đình thần ít thực tế hơn lại nô lệ vào khuôn phép cũ hoặc giả không muốn Nguyễn Công Trứ, mới hàn sứ Nghệ ngày nào đã có tầm nhìn xa hơn họ, nên đã vòng vo ngăn cản. Nhà vua Nguyễn Thánh Tổ thực sự muốn dựa vào lớp người tài nhưng lại sợ mất lòng lớp nguyên lão đại thần huân cựu đã nhiều gắn bó. Nhưng nhà vua và đình thần đều phải thừa nhận việc khai hoang lập ấp là biện pháp tốt nhất để ổn định xã hội. Cuối cùng thì Nguyễn Công Trứ nhận được vua đồng ý điều thứ ba. Đó là khai hoang lập ấp. Điều thứ ba được làm cho dù hai điều đầu bị bác, thì kết quả của thực tế cũng là ba. Cái vòng vo của bọn quan lại có chút quyền hành mà chưa có nhân tâm chỉ làm
48Lê Thước, Sự nghiệp và thi văn của Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ, Nhà in Văn Tân, HN, 1928, trang 36.
cho xã hội “bẩn” thêm thôi. Chẳng đáng tích sự gì ! kẻ non kém mà tham lam, thường ỷ vào quyền lực, bởi thế xã hội mới trì trệ triền miên.
Dựa vào đình thần lại nhận ra cái tâm, cái tài của Nguyễn Công Trứ, nhà vua Nguyễn Thánh Tổ giải quyết dung hòa giao cho Nguyễn Công Trứ lãnh chức Doanh Điền Sứ. Vua phán rằng: “Việc ấy nửa năm cũng đủ, hà tất phải đợi ba năm!... Nay các hạt Bắc thành dần yên, nhân dân hơi biết hướng theo giáo hóa có thể nhân cơ hội này, đưa dân về ruộng đất, khiến yên nghiệp làm ăn, dân có của thường thì có lòng thường, bọn trộm cướp tất phải tan đi mà ngầm hóa. Vả lại triều đình khai phá không cái gì trước dạy dân chăm nghề gốc. Nay việc dinh điền đã giao cho khanh phàm việc có thể làm lợi trừ hại cho dân, cho tùy tiện mà làm, nên hết lòng xếp đặt sớm báo thành công, để yên lòng trẫm mong đợi”49.
May mà trong sự hiệp hòi, bẩn thỉu của đình thần ấy còn có nhà vua sáng suốt đỡ hẹp hòi. “Lúc cụ mới ra, chỉ có một ít thủ hạ người làng cụ đi theo. Về sau dân sở tại nghe tiếng cũng ra ứng mộ rất đông, cụ liền phát cho ngưu canh điền khí, chia đất khai khẩn. Hễ ai mộ được mười người thì lập thành một giáp, nhận ruộng hơn trăm mẫu, mộ được mười lăm người lập thành một trại, ba mươi người lập thành một ấp, năm mươi người lập thành một lý (làng). Cụ lại tâu xin lấy tiền công làm cho nhà ở, cấp trâu cho cày, cứ năm người thì cấp một con trâu, một cái bừa, một cái cày, một cái thuổng (xuổng), một cái cuốc, một cái liềm, sức cá ông chiêu mộ lĩnh về cấp phát. Nếu ai để bản phần hoang phế hoặc trốn tránh thời phải mộ người khác và phải đền tiền thuê công. Vì cụ có lòng công bằng, lại biết cách yên ủi người dưới, nên dân tình thuyết phục, kẻ xa người gần, cha dắt con, chồng dắt vợ, lũ lượt kéo đến, chỗ cày, chỗ cuốc, nơi đắp, nơi đào, chẳng quản tay bùn chân lấm, đi sớm về trưa, mong làm sao cuốc bẫm cày sâu, lúa xanh khoai tốt, để cụ có lòng mừng, ai là ai nấy cũng đều mừng”50. Kết quả đầu tay của công việc khai hoang lập làng của Nguyễn Công Trứ là việc ra đời huyện Tiền Hải “Một dải Tiền Châu liên tiếp bãi biển. trước kia cây cỏ rậm rạp, bọn cướp hay tụ tập ở đấy, không ai giám đến gần. Đã có câu nói “Ai giám đến đùa quấy ổ giặc mà chơi. Lãnh dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ đến nơi, chiêu tập phủ dụ lòng người mới yên. Bèn đem đất Tiền Châu cùng đất đối
49Mai Khắc Ứng, Đôi điều về tồn chất của Nguyễn Công Trứ, NXB Thuận Hóa, 2004, trang 68-69.
50 Lê Thước, Sự nghiệp và thi văn của Uy viễn tướng công Nguyễn Công Trứ, Nhà in Văn Tân, HN, 1928, trang 37.
ngạn bên tả bên hữu đo đạc đất hoang chia cấp cho dân nghèo, thành 14 lí, 27 ấp, 20 trại, 10 giáp, số đinh được hơn 18 970 mẫu (Lý 600 mẫu, ấp 400 mẫu, trại 200 mẫu, giáp 120 mẫu. cứ 100 mẫu trừ đình chùa thổ trạch, đất mạ, đất già (nghĩa địa) 30 mẫu, còn thành điền 70 mẫu)”51.“Ngày tháng mười, năm Minh Mạng thứ chín (1828) cụ tâu xin thành lập một huyện gọi là huyện Tiền Hải. Huyện Tiền Hải ra đời có 7 tổng là: Tân Cơ, Tân An, Tân Định, Tân Thành, Tân Hưng, Tân Phong, Tân Bồi (bao gồm 14 làng, 27 ấp, 20 trại, 10 giáp với 2 350 nhân khẩu trên tổng diện tích đất đai là 18 970 mẫu mà Đại Nam thực lục đã ghi như trên. Đến thời Tự Đức thì rời sang làng Hoàng Tân, tổng Tân Định (vị trí hiện nay). Huyện ấy trước thuộc Nam Định, nay cắt ra sáp nhập địa hạt tỉnh Thái Bình”52
Qua địa danh hàng tổng đều có chữ “tân” (mới) cho phép ta nghĩ rằng các vùng dân cư mới lập này gồm những người nghèo thiếu ruộng ở sở taị và những người phiêu tán vô gia cư nhiều nơi khác tụ lại dưới sự che chở của quan Dinh Điền Sứ Nguyễn Công Trứ.
Nguyễn Danh Phương, đương kim tri huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An thủa đó, được nhà vua Nguyễn Thánh Tổ bổ nhậm làm tân tri huyện Tiền Hải mới này. Ông là vị tri huyện đầu tiên của vùng đất mới mở này. Trong tinh thần hưng phấn chung, Nguyễn Công Trứ khảo sát thực địa với công quỹ đang có, tổ chức khai khẩn lập thêm “4 lý, 4 ấp, 1 trại ở 2 xã Ninh Cường, Cát Hải. Xin biệt lập làm một tổng thuộc huyện Nam Trân, được 5 ấp, 2 trại, 3 giáp ở tổng Hoành Nha, cũng biệt lập 1 tổng thuộc huyện Giao thủy. còn các ấp trại lẻ tẻ đều theo tổng sở tại mà lệ thuộc” 53. Sau khi việc khai lập huyện Tiền Hải đã hoàn tất, quan tri huyện Nguyễn Danh Phương đã nhậm nhiệm sở, Nguyễn Công Trứ về kinh báo kết quả và tâu thêm: “Dân nghèo còn hơn 1000 người xin lãnh ruộng hoang để khai khẩn. Trộm thấy ở các huyện Yên Khánh, Yên Mô thuộc Ninh Bình, cùng chỗ đối ngạn với huyện Nam Chân thuộc Nam Định, một dải đất bãi biển còn nhiều đất hoang rậm cấy lúa được chẳng kém gì Tiền Hải. Xin đến đo đạc để lập thành ấp, lí”
51Đại Nam thực lục, tập IX, trang 123-124
52 Lê Thước, Sự nghiệp và thi văn của Uy viễn tướng công Nguyễn Công Trứ, Nhà in Văn Tân, HN, 1928, trang 38.
Ông lại được nhận nhiệm vụ mới tiếp tục vận động thu góp dân phiêu tán đến khai hoang vùng biển Ninh Bình và lập nên huyện Kim Sơn. Cũng như ở huyện Tiền Hải, Nguyễn Công Trứ chia dải đất bồi có tên là Cồn Thoi bên ngoài làng Yên thổ và Ninh Mật (Thổ Mật) thuộc huyện Yên Mô thành từng lô song song đều có “mặt tiền”
là bờ biển. cũng là một kiểu dự phòng quyền lợi phát triển tương lai cho mổi làng. Với hệ thống kênh đào, đường sá, đê sông, đê biển tạo thành khu dân cư mới như một mạng lưới “đơm” phù sa tạo nên thế rửa chua, thua mặn tự nhiên và bồi lắng tự nhiên.
Sách Đại Nam thực lục ghi rằng:
“Bắt đầu đặt huyện Kim Sơn, lệ vào phủ Yên Khánh Ninh Bình. Lãnh Dinh điền sứ là Nguyễn Công Trứ, ở phía ngoài đê Hồng Lĩnh đo được số ruộng hoang là 14 620 mẫu, chia cấp cho dân nghèo là hơn 1 260 người, lập thành 3 làng, 22 ấp, 24 trại chia làm 5 tổng, tâu xin đặt việc riêng một huyện gọi là huyện Kim Sơn, chọn người hợp với địa phương làm tri huyện để phủ dụ khuyên bảo. Nhà ở, lương tháng, trâu cày và điền khí của dân thì do quan cấp cũng như lệ huyện Tiền Hải. Vua cho là được bèn sai chọn đặt tri huyện, chế ấn triện cấp cho, dựng huyện kị ở làng Quy Hậu”54.
Theo giải nguyên Lê Thước viết trong cuốn “Sự nghiệp và thi văn của Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ” thì huyện Kim Sơn thành lập gồm có 7 tổng là: Chất Thành, Hồi Thuần, Quy Hậu, Hướng Đạo, Tự Tân, Tuy Lộc, Lai Thành. Tổng mang tên Hướng đạo bởi đó là nơi vị Doanh điền sứ gặp ông Nhương người dân sở tại. Ông Nhương đã tận tình hướng dẫn Nguyễn Công Trứ đi xem xét thực địa trước khi tổ chức đưa dân đến khai hoang. Vậy là tên mỗi tổng của huyện Kim Sơn đều hàm chứa một ý nghĩa ghi nhớ như lưu niệm, như hoài bão. 1000 người chưa có nơi ăn chốn ở mà Nguyễn Công Trứ đã tâu với nhà vua đầu tháng 8 năm Mậu Tí (Minh Mệnh thứ 9-1828), có lẽ đại bộ phận là dân công giáo trót theo Phan Bá Vành nổi