I . Theo công ước Bruxell 1924
Điều 4 Công ước Bruxell 1924 quy định những trường hợp, những nguyên nhân mà người chuyên chở được miễn trách nhiệm đối với hư hỏng, mất mát của hàng hoá ( Gồm 17 miễn trách )
Người chuyên chở và tàu không chịu trách nhiệm về sự mất mát hư hỏng của hàng hoá do tàu không đủ khả năng đi biển, trừ khi tình trạng đó do thiếu sự cần mẫn hợp lý của người chuyên chở trước và lúc bắt đầu hành trình để làm cho tàu có đủ khả năng đi biển .
Người chuyên chở và tàu không chịu trách nhiệm về những mất mát hư hỏng của hàng hóa phát sinh và gây bởi :
- Hành vi, sơ suất hay khuyết điểm của thuyền trưởng, thuỷ thủ, hoa tiêu hay người làm công cho người chuyên chở, trong việc điều khiển hay quản trị tàu .
- Cháy, trừ khi do lỗi lầm thực sự hay hành động cố ý của người chuyên chở gây ra
- Những tai hoạ, nguy hiểm hoặc tai nạn trên biển hay sông nước - Thiên tai .
- Hành động chiến tranh - Hành động thù địch
- Bắt giữ hay kiềm chế của vua chúa, chính quyền hay nhân dân hoặc bị tịch thu theo pháp luật
- Hạn chế vì kiểm dịch
- Hành vi hay thiếu sót của người gửi hàng hay chủ hàng của đại lý hay đại diện của họ
- Đình công hay bế xưởng, đình chỉ hay cản chở lao động bộ phận hay toàn bộ không kể vì lý do gì
- Bạo động và nổi loạn
- Hao hụt thể tích hay trọng lượng hoặc bất kỳ mất mát, hư hỏng nào khác xảy ra nội tỳ, bản chất hay khuyết tật của hàng hoá
- Bao bì không đầy đủ
- Thiếu sót hay sự không chính xác về ký mã hiệu
- Những ẩn tỳ không phát hiện được dù đã có sự cần mẫn hợp lý
- Mọi nguyên nhân khác không phải do lỗi lầm thực sự hay cố ý của người chuyên chở nhưng cũng không phải do sơ suất hay lỗi lầm của đại lý hay người làm công của người chuyên chở, nhưng muốn được hưởng quyền miển trách này phải chứng minh không phải lỗi lầm thực sự hay cố ý của ngươì chuyên chở hoặc sơ suất của đại lý hay người làm công của người chuyên chở đã góp phần vào mất mát hay hư hỏng đó
- Trong bất kỳ trường hợp nào người chuyên chở và tàu cũng không chịu trách nhiệm về mất mát hư hỏng của hàng hoá nếu người gửi hàng cố tình khai sai tính chất hoặc giá trị hàng hoá trên vận đơn
- Người chuyên chở và tàu cũng sẽ không chịu trách nhiệm đối với tổn thất mất mát của hàng hoá trong bất cứ trườnghợp đi trệch hướng nhằm cứu hộ hay mưu toan cứu hộ sinh mạng hay tài sản trên biển hoặc trường hợp đi trệch hướng hợp lý khác
Hàng hoá chở trên boong và súc vật sống, hành vi sơ suất hay khuyết điểm của thuyền trưởng hay thuỷ thủ, hoa tiêu hoặc người làm công của người chuyên chở trong việc điều khiển tàu và quản trị tàu (Lỗi hàng vận). Những sơ suất như: Điều khiển tàu đâm vào đá ngầm, mắc cạn, đóng van thông biển không chặt ... gây hỏng hàng được coi là lỗi hàng vận, người chuyên chở được miễn trách đối với những thiệt hại do những lỗi trên gây nên . Cần phân biệt với lỗi thương mại vì lỗi thương mại là những lỗi liên quan đến việc chăm sóc bảo quản hàng hoá, ví dụ : Tàu chở gạo đóng bao, trên đường vận chuyển, người chuyên chở không thông gió cho hàng hóa như yêu cầu đặc thù của loại hàng này. Khi dỡ hàng ở cảng đích, nếu hàng hoá bị mốc, lên men, do nguyên nhân độ ẩm và nhiệt độ cao thì những thiệt hại đó người chuyên chở phải bồi thường cho người nhận hàng .
II. Theo công ước Hamburg 1978
Công ước Hamburg 1978 là một công ước nâng cao trách nhiệm của người chuyên chở . Trong công ước không liệt kê các miễn trách mà người chuyên chở được hưởng như công ước Brusells 1924 .
Điều 5 công ước quy định người chuyên chở được miễn trách trong các
trường hợp sau:
+ Khi người chuyên chở chứng minh được bản thân mình, người làm công, đại lý của mình đã áp dụng mọi biện pháp hợp lý cần thiết để tránh sự kiện xảy ra mất mát, hư hỏng, hoặc chậm giao hàng và những hậu quả của nó .
+ Cháy, trừ phi người khiếu nại chứng minh được cháy xảy ra do lỗi hay sơ xuất của người chuyên chở, người làm công, đại lý của người chuyên chở .
+ Do những rủi ro đặc biệt vốn có trong loại chuyên chở súc vật sống mà gây ra mất mát, hư hỏng hoặc chậm giao hàng .
+ Khi người chuyên chở thi hành những biện pháp hợp lý nhằm cứu sinh mạng hay tài sản trên biển, trừ tổn thất chung.
III. Theo luật hàng hải Việt nam
Theo bộ luật hàng hải Việt nam thì người chuyên chở được hưởng nhiều miễn trách giống như công ước Bruxell 1924 quy định.
Điều 111 Bộ luật hàng hải Việt Nam qui định: “Trong mọi trường hợp, người vận chuyển hoặc tàu đều không chịu trách nhiệm bồi thường các mất mát, hư hỏng hàng hoá, hoặc tổn thất liên quan đến hàng hoá, nếu người người giao hàng đã cố tình khai gian về chủng loại hàng hoá, giá trị của hàng hoá khi bốc hàng và khai báo đó đã được ghi vào vận đơn, giấy gửi hàng hoặc chứng từ vận chuyển hàng hoá tương đương” .
Người vận chuyển được miễn hoàn toàn trách nhiệm nếu tổn thất hàng hoá xảy ra do :
a) Hành động, sơ suất hoặc sai lầm của thuyền trưởng, thuyền viên khác hoặc người làm công cho người vận chuyển trong điều khiển hoặc quản trị tàu .
b) Hoả hoạn mà bản thân người vận chuyển không gây ra .
c) Tai họa hoặc tai nạn hàng hải trên biển và vùng nước liên quan đến biển mà tàu biển được phép hoạt động .
d) Thiên tai bất khả kháng . e) Chiến tranh .
f) Hành động xâm phạm trật tự an toàn công cộng .
g) Hành động bắt giữ hoặc các hành động cưỡng chế khác của nhà chức trách, nhân dân hoặc toà án .
h) Hạn chế về phòng dịch .
i) Hành động hoặc sự sơ suất của người giao hàng, chủ hàng, đại lý hoặc đại diện của họ .
j) Đình công, đóng cửa xí nghiệp hoặc các hành động tương tự khác làm hạn chế hoàn toàn hay một phần công việc do bất cứ nguyên nhân nào . k) Bạo động hoặc gây rối .
l) Hành động cứu hoặc nhằm mục đích cứu tính mạng con người hoặc tài sản trên biển .
m) Hao hụt về khối lượng, trọng lượng hoặc bất cứ mất mát, hư hỏng nào khác của hàng hoá xảy ra do chất lượng khuyết tật khác của hàng hoá . n) Hàng hoá không được đóng gói đúng quy cách .
o) Hàng hóa không được đánh dấu ký mã hiệu đúng quy cách hoặc không phù hợp .
p) Khuyết tật ẩn của tàu mà người có trách nhiệm không phát hiện ra mặc dù đã thực hiện nhiệm vụ một cách mẫn cán .
q) Bất kỳ nguyên nhân nào khác, xảy ra mà người vận chuyển không có lỗi, hoặc không đồng tình với việc gây ra tổn thất, hoặc không phải do đại lý và người làm công khác cho người vận chuyển có lỗi hoặc sơ suất gây nên tổn thất .
Trong trường hợp có người được hưởng quyền miễn hoàn toàn trách nhiệm, của người vận chuyển theo quy định của pháp luật, hoặc theo sự
thoả thuận ghi trong hợp đồng, thì người đó phải chứng minh rằng người vận chuyển đã không có lỗi, không đồng tình, hoặc đại lý và những người làm công khác cho người vận chuyển cũng không có lỗi, hoặc sơ suất gây ra sự mất mát, hư hỏng của hàng hoá. ( Điều 108 Bộ luật hàng hải Việt Nam )
- Điều 105: Các bên tham gia hợp đồng đều có quyền rút ra khỏi hợp đồng mà không phải bồi thường, nếu trước khi tàu bắt đầu rời khỏi nơi bốc hàng đã xảy ra các sự kiện sau :
- Chiến tranh đe doạ sự an toàn của tàu, hoặc hàng hoá, cảng bốc hàng hoặc cảng đích được công bố là bị phong toả .
- Tàu bị giữ lại theo lệnh của nhà chức trách địa phương, mà không do lỗi của các bên tham gia hợp đồng.
- Tàu bị nhà nước trưng dụng.
- Có lện cấm vận chuyển hàng hoá ra khỏi cảng bốc hàng hóa hoặc vào cảng đích .
- Điều 106: Hợp đồng mặc nhiên chấm dứt, không bên nào phải bồi thường thiệt hại nếu sau khi hợp đồng đã ký kết và trước khi tàu rời khỏi nơi bốc hàng mà không bên nào có lỗi gây ra các trường hợp sau đây :
- Tàu được chỉ định chìm, đắm, mất tích, bị cưỡng đoạt hoặc coi là hư hỏng không thể sửa chữa được hoặc việc sửa chữa là không kinh tế .
- Hàng hoá ghi cụ thể trong hợp đồng bị mất .
Nhìn chung, khi hàng hoá bị tổn thất, mất mát, thiệt hại trên đường vận chuyển hay khi còn nằm trong sự kiểm soát của người chuyên chở, người chuyên chở bị coi như phải chịu trách nhiệm về những tổn thất, mất mát, thiệt hại đó . Người chuyên chở muốn giải thoát trách nhiệm đối với những tổn thất, mất mát, thiệt hại không do lỗi của mình gây nên thì phải chứng minh được nguyên nhân tổn thất, mất mát, thiệt hại phải là một trong những căn cứ miễn trách đã được nêu ra trong luật điều chỉnh hợp đồng thuê tàu hoặc vận đơn.
Luật hàng hải Việt Nam và Công ước Bruxell 1924 liệt kê các miễn trách mà người chuyên chở được hưởng (17 miễn trách), bao gồm các nguyên nhân khách quan, thiên tai bất khả kháng, lỗi của người thuê chở và mọi nguyên nhân không phải lỗi của người chuyên chở, người làm công cho người chuyên chở. Trong luật hàng hải Việt Nam và Công ước Bruxell 1924, còn một miễn trách cho người chuyên chở, đó là hành vi sơ xuất trong việc điều khiển và quản trị tàu của thuyền trưởng thuỷ thủ hoặc người làm công cho chuyên chở. Miễn trách này bị nhiều người cho là vô lý, đặc biệt là các chủ hàng xuất nhập khẩu. Nhưng nếu tìm hiểu kỹ, ta thấy miễn trách này cũng có lý của nó . Ta biết rằng, đi biển là một nghề thực sự vất vả và đầy rủi ro, người thuỷ thủ ngoài việc phải chịu đựng sự thiếu thốn về vật chất như thực phẩm tươi sống, các tiện nghi sinh hoạt, sự nhồi lắc liên tục của sóng gió, mà vẫn phải làm việc ngày này qua ngày khác như bình thường, người thuỷ thủ còn phải chịu sự thiếu thốn về tình cảm, sự bức bí về không gian nhỏ hẹp trên một con tàu, sự ức chế về thần kinh do hành trình dài ngày trên biển (có khi nhiều tháng không gặp gia đình). Với những yếu tố ảnh hưởng đó, thì việc điều khiển tàu có thiếu độ chính xác và gây tai nạn có tỷ lệ cao hơn so với các ngành nghề khác là một điều có thể hiểu được. Vì vậy, một phần trách nhiệm gánh chịu rủi ro được đẩy sang vai người thuê chở, giảm bớt trách nhiệm cho chủ tàu, người chuyên chở. Nó lý giải tại sao có nhiều nước đưa căn cứ miễn trách này vào luật quốc gia nước mình và nhiều nước phê chuẩn công ước Bruxell 1924.
Công ước Hamburg 1978 hạn chế phạm vi miễn trách cho người chuyên chở. Mọi tổn thất, mất mát, hư hỏng hoặc chậm giao hàng đều bị suy đoán là lỗi của người chuyên chở. Muốn thoát trách nhiệm người chuyên chở cần chứng minh rằng mình đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết, hợp lý để tránh sự kiện gây ra mất mát, hư hỏng hoặc chậm giao hàng và những hậu quả của nó hoặc các trường hợp miễn trách đã liệt kê trong công ước. Đặc biệt, trong công ước này người ta loại bỏ trường hợp miễn trách nhiệm cho người chuyên chở đối với những lỗi của thuyền trưởng, thuỷ thủ, người làm công cho người chuyên chở,
trong điều khiển và quản trị tàu. Có thể khi loại bỏ miễn trách này, người ta nghĩ rằng điều kiện đi biển hiện nay, với nhiều trang thiết bị hiện đại, đã làm cho công việc của người đi biển đỡ vất vả hoặc có nhiều cải thiện hơn so với điều kiện hoàn cảnh của thời kỳ trước.
Công ước Hamburg 1978 với quy định trách nhiệm nặng nề, căn cứ miễn trách giảm nên các chủ tàu ít áp dụng . Đó cũng là một trong những lý do tại sao cho đến nay có ít nước phê chuẩn Công ước này
Chương III
Một số lưu ý khi ký kết và thực hiện hợp đồng chuyên chở hàng hoá xuất nhâph khẩu bằng đường biển
I/ Đối với hợp đồng chuyên chở hàng hoá bằng tàu chợ:
Trong chuyên chở hàng hoá bằng tàu chợ, bằng chứng của hợp đồng là vận đơn. Vận đơn do các hãng tàu phát hành, nên việc sửa đổi các điều kiện cho có lợi cho người thuê chở là điều không tưởng. Người thuê chở chỉ còn cách duy nhất để bảo vệ mình, đó là lựa chọn các hãng tàu tốt có giá vận chuyển hợp lý, tìm hiểu các bảng lịch trình chạy tàu của các hãng, xem có chuyển tải không. Nếu tuyến đường của mình gửi hàng, có hãng đi thẳng thì nên chọn đi thẳng, nhằm giảm thiểu rủi ro cho hàng hóa.
Trước khi gửi booking note, cần phải xin một vận đơn về nghiên cứu trước, tránh trường hợp khi xảy ra thiệt hại, tranh chấp, mở vận đơn ra mới thấy quá nhiều điều miễn trách cho người chuyên chở, thì đã quá muộn, không làm được gì nữa.
Khi điền các thông số vào booking note cần phải ghi rõ tính chất của hàng hoá. Người chuyên chở căn cứ vào các thông số đó để thu xếp giao container rỗng phù hợp. Người gửi hàng phải đặc biệt lưu ý điều này đối với hàng nguy hiểm, hàng cần nhiệt độ bảo quản thấp, hàng hoá có tính chất ăn mòn .
Người chuyên chở căn cứ vào những khai báo trong booking note, để hỏi cảng đến xem có hạn chế gì không, quyết định có nhận chuyên chở hay không. Người gửi hàng phải thông báo rõ ràng các thông tin về hàng hoá, nếu thiếu có
thể gây hỏng hàng (như trường hợp contaier chở chuối, nhiệt độ chỉ cần +5 độ C mà người chuyên chở không được thông báo rõ ràng, đã cho chạy xuống –18 độ C đã làm hỏng toàn bộ hàng). Đối với hàng hoá nguy hiểm, cần phải cách ly với các hàng khác đi cùng chuyến (Pháo hoa rất dễ cháy nổ, phải có quy trình và khu vực bảo quản riêng).
Số lượng container phải chính xác, để người chuyên chở thu xếp chỗ, trọng lượng để người chuyên chở tính toán khối lượng nhận hàng .
Tên cảng đến cũng cần phải chính xác, vì nếu người chuyên chở đã xếp xuống tàu, mới phát hiện ra thì tiền bốc xếp lại rất tốn kém. Nếu vận đơn được cấp sai tên cảng đến so với L/C đã mở thì việc thanh toán sẽ gặp nhiều khó khăn.
II / Các lưu ý đối với hợp đồng chuyên chở hàng hoá bằng tàu chuyến :
Hợp đồng thuê tàu chuyến điều chỉnh mối quan hệ giữa người thuê tàu với người chuyên chở/chủ tàu. Nhưng do có những ràng buộc chặt chẽ giữa người gửi hàng và người nhận hàng bởi hợp đồng mua bán, cho nên dù ít hay nhiều, trực tiếp hay gián tiếp, hợp đồng thuê tàu cũng quan tâm cả đến quyền lợi của người gửi hàng nếu người thuê tàu là người nhận hàng, người nhận hàng nếu người thuê tàu là gửi hàng. Cùng với một hành trình vận chuyển dài trên biển đầy rẫy rủi ro, bất ngờ rình rập, không một ai từ người chuyên chở, người thuê tàu đến người nhận hàng dám khẳng định chắc chắn một điều gì, một bất chắc gì không xảy ra .
Mặt khác, hợp đồng thuê tàu,văn bản pháp lý điều chỉnh mối quan hệ giữa các bên cũng không thể bao quát được tất cả các vấn đề phát sinh, dù có vẻ hoàn thiện như các hợp đồng mẫu, cũng không tránh khỏi các tranh chấp. Do đó, với tư cách người đi thuê tàu chúng ta cố gắng hạn chế điều đó, thông qua việc tìm