Kết quả đã đạt được

Một phần của tài liệu Pháp luật nhượng quyền thương mại (Franchise) và thực tiễn áp dụng tại Việt Nam. (Trang 33 - 38)

B. PHẦN NỘI DUNG

2.2.1.Kết quả đã đạt được

Tại Việt Nam, hoạt động nhượng quyền thương mại đã xuất hiện từ những năm 1990, với sự tham gia của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Các hoạt động này đã mang lại doanh thu 1,5 triệu USD vào năm 1996 và trên 4 triệu USD vào năm 1998, từ đó đến nay liên tục phát triển với tốc độ tăng trưởng dự báo từ 15 - 20%/ năm [27, tr 2]. Mặc dù được coi là mới du nhập vào Việt Nam, nhưng điều đáng ngạc nhiên là phương thức

này đã được áp dụng ở hơn 80 hệ thống kinh doanh trên các lĩnh vực khác nhau. Nắm bắt được những thay đổi to lớn mà hình thức kinh doanh này tác động đến nền kinh tế - xã hội, Nhà nước ta đã có những quy định bước đầu về NQTM khá cụ thể trong hệ thống Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đó là sự ra đời của Luật thương mại 2005, Luật sở hữu trí tuệ 2005, Luật cạnh tranh 2004, Luật chuyển giao công nghệ 2006, Nghị định số 35/2006/NĐ-CP, Thông tư số 09/2006/TT-BTM, Quyết định số 106/2008/QĐ-BTC... như vậy, một khung pháp lý cho hoạt động NQTM tại Việt Nam đã hình thành và bước đầu phát huy hiệu quả. Đó là cơ sở pháp lý chính thức, đánh dấu sự thừa nhận của Nhà nước về một phương thức kinh doanh mới : kinh doanh theo lối nhượng quyền (Fanchise).

Các quy định của pháp luật Việt Nam về NQTM có thể xem là một kết quả hết sức quan trọng, tạo cơ sở cho việc áp dụng các quy định NQTM vào thực tiễn hoạt động ở Việt Nam. Sự phù hợp của những quy định này đã làm “khởi sắc” hoạt động NQTM ở nước ta trong những năm gần đây; biểu hiện là trên thị trường Việt Nam xuất hiện ngày càng nhiều các thương hiệu nổi tiếng thông qua hoạt động NQTM như: các hệ thống nhượng quyền kinh doanh toàn cầu Kentucky Fired Chicken, Burger Khan, Five Star Chicken, Carvel, 7 -eleven…; trong đó, KFC là hãng nước ngoài được đánh giá là thành công nhất với sản phẩm gà rán tại TP. Hồ Chí Minh. Các hãng nổi tiếng khác như Dunkin Donuts, Mc Donald’s cũng đã góp mặt tại thị trường Việt Nam. Chúng ta có thể thấy, những thương hiệu nước ngoài tronh lĩnh vực nhượng quyền thương mại tại Việt Nam ngày càng tăng, theo thống kê chưa đầy đủ năm 2008 có tới 32 thương hiệu nước ngoài nhượng quyền tại Việt Nam [xem phụ lục 4].

Không chỉ có các hệ thống nhượng quyền thương mại nổi tiếng nước ngoài phát triển tại Việt Nam, mà còn có các hệ thống nhượng quyền mang thương hiệu “Việt” cũng có bước phát triển vượt bậc như : Trung Nguyên, Phở 24, Kinh Đô, Foci, Ninomax, T&T, Thế giới di động, Hoa hướng

dương...Theo thống kê sơ bộ của tác giả tính đến hết năm 2008 Việt Nam có 19 thương hiệu đã và đang chuẩn bị tiến hành NQTM [xem phụ lục 4].

Qua đó, chúng ta có thể thấy được sự điều chỉnh tương đối phù hợp trong một số quy định của pháp luật về NQTM với thực tiễn hoạt động kinh doanh hiện nay ở Việt Nam. Để thấy rõ điều này, tác giả xin được đi sâu phân tích hai hệ thống nhượng quyền thương mại đã đạt được nhiều thành công từ phương thức này, đó là hệ thống NQTM của cà phê Trung Nguyên và Phở 24.

Thứ nhất, hệ thống NQTM của cà phê Trung Nguyên

Trung nguyên được xem là nhà tiên phong với sự khởi đầu khá sớm, ngày 19/6/1996 hãng cà phê Trung Nguyên chính thức thành lập tại Buôn Ma Thuột (Đaklak) và bắt đầu nhượng quyền từ năm 1998. Tháng 8/2001 Trung Nguyên chính thức có mặt tại Hà Nội và đến năm 2002, Trung Nguyên bắt đầu vươn ra quốc tế nhượng quyền thành công tại Nhật Bản, Mỹ, Singapore, Thái Lan…Đến đây, hệ thống nhượng quyền cà phê Trung Nguyên đã trở thành hệ thống nhượng quyền đầu tiên áp dụng thành công mô hình NQTM tại Việt Nam.

Thời gian đầu Trung nguyên được xem như một “hiện tượng” bởi hệ thống các quán cà phê nhượng quyền có mặt ở khắp mọi nơi, trải dài từ Nam đến Bắc với hơn 500 đại lý nhương quyền và thực sự là một thế lực của cà phê Việt Nam đối với khu vực và trên thế giới [24, tr 240].

Bên cạnh những thành công đó thì bên trong hoạt động NQTM của cà phê Trung Nguyên cũng tồn tại không ít những hạn chế, khó khăn. Do bắt đầu nhượng quyền từ rất sớm (1998) lúc này NQTM chưa được ghi nhận một cách cụ thể trong hệ thống pháp luật Việt Nam, lúc bất giờ chỉ có một quy định duy nhất có liên quan đến NQTM đó là nội dung quy định tại Mục 4.1.1 Thông tư số 1254/1999/TT-BKHCNMT ngày 12/7/1999đã đề cập đến “hợp đồng cấp phép đặc quyền kinh doanh - tiếng Anh gọi là franchise”. Nhưng quy

định này lại chưa thật sự rõ ràng và cụ thể, điều này gây ra rất nhiều khó khăn về mặt lựa chọn pháp luật để áp dụng. Vì vậy Trung Nguyên đành phải dựa trên những quy định đi vay mượn từ việc nghiên cứu các hệ thống nhượng quyền nước ngoài để áp dụng cho mình. Chính vì sự thiếu các quy định pháp luật về NQTM, nên vào thời điểm đó chúng ta có thể thấy rất nhiều quán cà phê mang tên Trung Nguyên, nhưng trong số đó lại có rất ít quán là bên nhận quyền thực sự từ Trung Nguyên, mà chủ yếu là các quán kinh doanh tự lấy tên là Trung Nguyên. Sự thiếu nhất quán trong cách bài trí, trang phục, nhân viên, diện tích quán, cơ sở vật chất, nguyên liệu, việc chấp thuận cho các nhà nhận quyền tham gia hệ thống quá dễ dàng, chưa có công cụ sàng lọc, hồ sơ nhượng quyền quá sơ sài do thiếu quy định của pháp luật...đã làm khựng lại sự phát triển của Trung Nguyên từ năm 2003 trở đi.

Các cơ quan nhà nước và chủ doanh nghiệp thì bất lực vì thiếu cơ sở pháp luật để xử lý các hành vi vi phạm xảy ra trên thực tế. Mãi đến khi Luật thương mại 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành có quy định về NQTM thì Trung Nguyên mới thực sự lập lại trật tự của hệ thống, tên thương hiệu được bảo hộ, các trường hợp vi phạm về NQTM được xử lý, thanh lọc được những thành viên trong hệ thống NQTM Trung Nguyên…

Hiện nay, tuy sức mạnh ấy đã giảm sút nhưng trường hợp NQTM của Trung Nguyên cũng để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho hoạt động NQTM ở nước ta, nhất là vai trò tiên phong của pháp luật.

Thứ hai, hệ thống NQTM của Phở 24

Nói đến nhượng quyền thương mại bài bản của thương hiệu Việt, thì ngoài cà phê Trung Nguyên ra còn phải kể đến một cái tên khác nữa, đó là Phở 24. Phở 24 là chuỗi cửa hàng phở cao cấp thuộc Nam An Group thành lập vào năm 2000 tại TP. Hồ Chí Minh. Tháng 6/2003 cửa hàng phở 24 đầu tiên được thành lập tại TP. Hồ Chí Minh. Tháng 12/2004 Phở 24 được

nhượng quyền thành công tại Hà Nội và liên tiếp sau đó được NQTM thành công ở các tỉnh như : Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu, Bình Dương… Đến tháng 7/2005 nhượng quyền thành công tại Jakarta (Indonexia) ; tháng 6/2004 Phở 24 có mặt tại Philippine…Tại diễn đàn doanh nghiệp toàn cầu (Singapore) Phở 24 đã lọt vào vòng chung khảo “Giải thưởng quốc tế về nhượng quyền’’ do Hiệp hội nhượng quyền Châu Á - FLA tổ chức cùng với 7 thương hiệu hàng đầu thế giới [24, tr 265].

Có được điều này là do việc xây dựng hệ thống, tổ chức nhượng quyền được đảm bảo thực hiện theo các nguyên tắc cơ bản, quy định cụ thể của pháp luật về hoạt động NQTM, được quy định trong Luật thương mại 2005 và các văn bản liên quan, biểu hiện như : nhượng quyền có thời hạn, có thu phí nhượng quyền, tổ chức kinh doanh đặc thù, có cơ chế kiểm tra, giám sát cụ thể, việc công bố thông tin cho bên nhận quyền theo đúng quy định của pháp luật. Mặt khác, hoạt động quảng bá của Phở 24 được thực hiện khá tốt và bài bản. Như vậy nguyên nhân của sự phát triển mạnh mẽ và vững chắc này là ở chỗ hoạt động NQTM của Phở 24 được thực hiện vào thời điểm đã có những quy định khá cụ thể về NQTM. Hơn nữa chính việc am hiểu pháp luật của chủ doanh nghiệp phở 24 (TS. Lý Quí Trung) về pháp luật NQTM, cộng với sự chuẩn bị chu đáo đã tạo cơ sở cho sự thành công này. Trường hợp của Phở 24 có điểm khác biệt rất lơn so với hệ thống NQTM của cà phê Trung Nguyên, đó là có cơ sở pháp luật và nguyên tắc tuân thủ pháp luật trong hoạt động NQTM đã góp phần phát triển thương hiệu Phở 24 cả trong và ngoài nước.

Qua việc phân tích hai hệ thống NQTM trên chúng ta có thể thấy rằng, với sự ra đời và điều chỉnh của Luật thương mại 2005 và các văn bản liên quan điều chỉnh về NQTM ở nước ta trong thời gian qua, đã tạo ra cơ sở pháp lý thúc đẩy hoạt động NQTM phát triển một cách mạnh mẽ, gặt hái được những thành công nhất định. Tạo được niềm tin cho cơ quan quản lý nhà nước về NQTM và cho các chủ thể tham gia quan hệ NQTM ở Việt

Nam. Nhưng bên cạnh đó trong các quy định của pháp luật về hoạt động NQTM cũng còn tồn tại không ít những hạn chế, thiếu sót. Gây nên những trở ngại, khó khăn, vướng mắc cho các cơ quan quản lý cũng như các chủ thể tham gia NQTM trong việc nghiên cứu và áp dụng các quy định này trong thực tiễn NQTM.

Một phần của tài liệu Pháp luật nhượng quyền thương mại (Franchise) và thực tiễn áp dụng tại Việt Nam. (Trang 33 - 38)