Nhờ phát huy được sức mạnh nội lực cùng với sự nhanh nhạy chớp thời cơ nên trong thời gian qua, ngành công nghiệp Đắk Lắk có nhiều biến chuyển sâu sắc. Đó là sự trưởng thành bằng chính nỗ lực vượt bậc để mở mang tầm vóc, làm thay đổi căn bản diện mạo kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và của ngành công nghiệp nói riêng. Năm 2006, giá trị sản xuất công nghiệp là 2.519 tỷ đồng (giá hiện hành), tăng 31,4% so với năm 2005.
Đến nay công nghiệp đã hình thành được một hệ thống khá đồng bộ gồm các ngành sản xuất và phân phối điện nước, khai thác mỏ, và đặc biệt là công nghiệp chế biến. Nhiều cơ sở công nghiệp có quy mô vừa và tương đối hiện đại được xây dựng và đưa vào sản xuất như chế biến cà phê, đường mía, tinh chế gỗ, cán bông, sản xuất vật liệu xây dựng…
CHƯƠNG 5 CÔNG NGHIỆP
Giá trị sản xuất công nghiệp theo ngành (giá hiện hành)
Đơn vị: Triệu đồng
Giá trị sản xuất công nghiệp đã tăng đáng kể, đặc biệt là khu vực công nghiệp chế biến ngoài quốc doanh. Công nghiệp quốc doanh Trung ương tăng cao do sản phẩm của các doanh nghiệp quốc doanh Trung ương tăng như sản xuất đường mật các loại, chế biến cà phê nhân, gỗ, điện thương phẩm, gạch các loại và có thêm một số sản phẩm mới như cà phê bột, cà phê hoà tan, điều. Khu vực công nghiệp quốc doanh địa phương, một số công ty đã tiến hành cổ phần hoá nên tổng giá trị sản xuất giảm do đã chuyển phần giá trị sản xuất của các công ty này sang thành phần kinh tế ngoài quốc doanh.
Thời kỳ 2006-2010, Đắk Lắk phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng công nghiệp khoảng 17,5-18%. Cơ cấu công nghiệp chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, đạt khoảng 85% năm 2010. Công nghiệp chế biến nông, lâm sản hướng vào các sản phẩm: cao su, cà phê, bông, điều, sắn, ngô, ca cao, cây ăn quả; các sản phẩm chăn nuôi như thịt, da; đồ gỗ tinh chế xuất khẩu, ván nhân tạo và đồ gỗ từ ván nhân tạo; các sản phẩm từ tre như giấy bao bì, đũa.
Hình thành các cụm, khu công nghiệp như khu công nghiệp tập trung Hòa Phú, cụm tiểu thủ công nghiệp thành phố Buôn Ma Thuột, cụm công nghiệp Ea Đar (Ea Kar), cụm công nghiệp Buôn Hồ (Krông Buk).
Phục hồi và phát triển một số mặt hàng thủ công mỹ nghệ: mây tre, mộc mỹ nghệ, thổ cẩm, chế tác đồ trang sức, hàng lưu niệm… phục vụ cho du lịch và xuất khẩu.