tự trong hiện trạng chính tả tiếng Việt
Tình hình sử dụng âm đệm ở các vùng phương ngữ trong Tiếng Việt đã phần nào cho chúng ta thấy được sự thiếu thống nhất về cả mặt chữ viết lẫn phát âm các tiếng có chứa âm đệm các vùng phương ngữ. Một phần nào đó điều này đã thể hiện hiện trạng thiếu thống nhất về mặt chính tả nói chung và chính tả của các tiếng chứa âm đệm nói riêng. Hiện nay, chúng tôi thấy có sự tồn tại song song 2 cách
viết của một số lượng không nhỏ các tiếng có chứa âm đệm. Hiện tượng này không phải là mới bắt đầu gần đây mà từ những năm trước đã có hiện tượng này rồi. Theo các tác giả Nguyễn Kim Thản, Nguyễn Văn Tu, Nguyễn Trọng Báu “hiện tượng rụng âm đệm [w] còn đang tiếp diễn ở cả hình thái nói cũng như ở hình thái viết”[16,tr 49]. Và họ đưa ra một loạt các tiếng có hiện tượng rụng âm đệm :
khoeo---kheo khuỷu---khỉu khuỵu---khịu luẩn quẩn ---lẩn quẩn loăng quăng---lăng quăng ngoảnh ---ngảnh ngoẹo---nghẹo ngoao---ngáo nhụy ---nhị nhuyễn ---nhiễn quào---cào quắp ---cắp quàu quạu---cau cạu
Như vậy, xét về mặt thời gian hiện tượng rụgn âm đệm này không phải là mới mà nó đã diễn ra từ rất lâu. Nhưng trên thực tế, các tiếng chứa âm đệm mà bị rụng mất âm đệm không phải hoàn toàn đã biến mất. Chúng ta có thể tìm thấy trên các văn bản khác nhau sự tồn tại của 2 tiếng (chứa âm đệm và không chứa âm đệm) . Nói cách khác cả 2 cách viết này cùng tồn tại đồng thời với nhau. Điều này thể hiện tình không nhất quán về mặt chính tả.
Hiện nay, hiện tượng rụng âm đệm vẫn đang tiếp tục diễn ra. Chẳng hạn như tồn tại song song các từ sau:
chuệch choạc---chệch choạc chuệch choạng---chệch chạng
chuếnh choáng---chếnh choáng choạng vạng---chạng vạng bầu đoàn---bầu đàn thỏa thuê---thỏa thê đuểnh đoảng---đểnh đoảng phá hoại---phá hại sáng loáng---sáng láng
chua loét---chua lét hoạnh họe---hạnh họe loay hoay---lay hoay loanh quanh---lanh quanh ngoắt ngoeo---ngoắt nghéo ngoắc ngoải---ngắc ngoải xúy xóa---xí xóa xuề xòa---xề xòa xuệch xoạc---xệch xạc
Hiện tượng rụng âm đệm này là một hiện tượng rất phổ biến trong lớp từ vựng hiện nay. Cái bất cập là sự tồn tại cả 2 cách viết chính tả như vậy. Nhưng ngoài hiện tượng rụng âm đệm theo các tác giả Nguyễn Kim Thản, Nguyễn Trọng Báu, Nguyễn Văn Tu, trong Tiếng Việt còn “có hiện tượng thêm âm đệm vào lời
nói do quy luật đồng hóa chi phối”[16, tr 49]. Ví dụ: đàng hoàng đoàng hoàng
Tuy nhiên hiện tượng thêm âm đệm không nhiều, chúng ta rất ít gặp. Bởi vì theo các tác giả này “hiện tượng rụng âm đệm thì được coi là vẫn phù hợp với chuẩn mực phat âm, còn hiện tượng thêm âm đệm ấy vào thì không được coi là chuẩn mực”[16, tr50]. Điều này có nghĩa là hiện tượng rụng âm đệm là một hiện tượng bình thường nhưng hiện tượng thêm âm đệm lại là một hiện tượng bất bình thường của ngôn ngữ. Đây là một điều hiển nhiên và dễ thấy. Các tiếng rụng âm đệm nếu xét về chính tả, nhờ không có âm đệm nên giảm đi một số lượng các vần
đáng kể. Còn xét về mặt phát âm, các tiếng này phát âm dễ dàng hơn nhiều so với các tiếng có chứa âm đệm. Sự biến đổi này đi theo hướng: từ phức tạp đến đơn giản. Ngược lại với hiện tượng này, hiện tượng thêm âm đệm là một sự biến đổi nghịch hướng: Từ đơn giản đến phức tạp. Đây là một sự đi ngược đối với quy luật tự nhiên nói chung và quy luật ngôn ngữ nói riêng.
Qua sự phân tích trên đây có thể thấy được rằng: Vấn đề chính tả hiện nay đang còn nhiều tranh luận. Đặc biệt là sự tồn tại song song của 2 cách viết của cùng một từ. Điều này sẽ dẫn đến tính không nhất quán giữa các văn bản. Một vấn đề được đặt ra cho những nhà nghiên cứu nói chung và cho những nhà nghiên cứu ngôn ngữ nói riêng là phải làm thế nào cho Tiếng Việt có một hệ thống chính tả chuẩn. Mà trước hết xét trong trường hợp này, các nhà nghiên cứu cần phải thống nhất được với nhau cách viết nào đúng và cách viết nào sai. Có nghĩa là cách viết có âm đệm là chuẩn hay cách viết không có âm đệm là chuẩn. Vấn đề này hiện nay đang còn nhiều tranh luận. Mặc dù hiện tượng rụng âm đệm và cuộc tranh luận về 2 cách viết này đã diễn ra từ lâu nhưng cho đến nay vẫn chưa thống nhất được.