Hiện nay trên bề mặt địa cầu của chúng ta, không có một quốc gia nào, bất kể trình độ cao thấp đến đâu, lại không bị thu hút vào quá trình giao lưu văn hóa, theo xu hướng giữ gìn các lợi ích chung vì sự phát triển của toàn nhân loại. Qua hệ thống truyền thông đại chúng, hàng ngày mỗi người trên hành tinh có thể nắm bắt, cập nhật những tin tức phát ra từ những nơi cách xa vạn dặm. Sách, báo, phim ảnh, âm nhạc nhanh chóng vượt qua giới hạn của quốc gia, dân tộc để đến với công chúng toàn cầu. Quốc tế hóa đang là xu hướng mạnh mẽ chi phối sự phát triển của các hoạt động kinh tế trên thế giới. Từ lĩnh vực kinh tế, xu hướng này sẽ lan tỏa sang các lĩnh vực khác như chính trị, văn hóa, xã hội. Đương nhiên sự vận động văn hóa còn theo một quy luật riêng của nó. Đó là sự giao lưu qua màng lọc của văn hóa dân tộc thuộc các cộng đồng dân tộc – quốc gia khác nhau, nhằm chọn lọc tiếp thu những yếu tố thích hợp để văn hóa của mỗi cộng đồng xã hội có thể giàu có thêm lên về giá trị mà vẫn giữ được bản sắc độc đáo của mình. Đó là sự phát triển văn hóa trong tính đa dạng toàn nhân loại.
Văn hóa dân gian nói chung và lễ hội văn hóa truyền thống nói riêng là tài sản vô giá góp phần làm nên vẻ đẹp phong phú, đa dạng của nền văn hóa Việt Nam thống nhất về mục tiêu, định hướng phát triển cũng như các tính chất đặc trưng cơ bản. Trong phạm vi của một nước đa tôn giáo, đa dân tộc (54 dân tộc) như nước ta thì vấn đề bảo tồn và phát triển các văn hóa tín ngưỡng dân gian và các lễ hội truyền thống mang một ý nghĩa chính trị - xã hội – văn hóa sâu sắc. Bản sắc văn hóa dân tộc ta hàm chứa những giá trị văn hóa dân gian thể hiện rất đa dạng, xuyên suốt thắm đượm trong toàn bộ đời sống xã hội. Nó có mặt khắp nơi trong văn hóa vật thể lẫn văn hóa phi vật thể, nó in đậm vào từng cá thể, cộng đồng. Nó gần gũi với mọi người trong sinh hoạt đời thường như ăn, mặc, giao tiếp,…đến các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quân sự, ngoại giao. Giữ gìn và phát triển các giá trị văn hóa tín ngưỡng dân gian nói chung và các lễ hội truyền thống nói riêng là một trong những vấn đề mà Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm và coi đó là nội dung quan trọng trong thực hiện việc “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.
Cặp từ “lễ hội” mới thông dụng những năm gần đây để chỉ những hội hè đình đám mang tính truyền thống dân gian. Không riêng ở nước ta, các dân tộc
trên toàn thế giới ngày nay vẫn duy trì lễ hội và phát triển rầm rộ như một cuộc phục hưng văn hóa, như thể một cuộc quay về nguồn cội hết sức náo nức, vội vàng. Nào đợi đến bây giờ, từ xưa, rất xa xưa lễ hội đã là nhu cầu thiết yếu cho nhân dân, như cơm ăn, áo mặc, nước uống hằng ngày không từ một ai trong cộng đồng dân tộc. Kẻ sang, người nghèo, bậc thức giả, người bình thường tìm đến lễ hội mỗi người một cách, một tâm tư riêng. Bất cứ lễ hội của dân tộc nào, một cộng đồng nhỏ bé nào, ở lục địa nào cũng mang ý nghĩa bắt nguồn từ thời rất xa xôi, từ những huyền thoại mơ hồ, từ khát vọng, ước mơ và hình thành trên đời sống thật của con người. Lễ hội, không chỉ là lễ hội đơn thuần, hay là những trò mê tín, hoang đường gần như không tưởng, như một số nhà cực đoan đã trì chiết, mà còn là mối quan hệ vô hình với thiên nhiên, giữa con người đang sống với những vĩ nhân, anh hùng có công với nước với dân, tái tạo sợi dây liên kết các thành viên trong xã hội, mà cơn lốc trong đời sống nghiệt ngã hàng ngày xô đẩy ra nhiều phía.
Lễ hội nào cũng chan chứa âm thanh và hương sắc, tràn ngập khói hương, hoa trái trống kèn. Người đến lễ hội mang theo niềm hân hoan hướng thượng và hướng thiện, khát vọng bình an và hạnh phúc, niềm tin sâu kín và khát vọng ẩn giấu trong mỗi con người. Điều chắc chắn là ai ai đến lễ hội cũng mong tận hưởng sự hoan lạc thanh khiết, hào hứng và thanh thản tâm linh. Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam cũng không ra ngoài quy luật chung đó. Hàng năm, có đến hàng triệu lượt người hành hương về núi Sam cúng bái và cầu nguyện cuộc sống phát đạt an lành.
Là một lễ hội cấp quốc gia ở Việt Nam, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam phát sinh từ tín ngưỡng hoang đường đã thành lễ hội truyền thống dân gian, mang nhiều nét đẹp tín ngưỡng và văn hóa cổ truyền vốn có tự thân. Đó là tín ngưỡng thờ Mẫu đã có sự đan xen với các tín ngưỡng khác thể hiện sự giao lưu văn hóa. Lễ hội có hai phần: Phần lễ gồm Lễ tắm Bà, Lễ thỉnh sắc Thoại Ngọc Hầu, Lễ Túc Yết, Lễ Xây Chầu và Lễ Chánh Tế; Phần hội gồm Lễ Khai hội và Lễ Phục hiện. Những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp này cần phải được giữ gìn hơn nữa để hòa nhập vào nền văn hóa chung của dân tộc Việt Nam và phù hợp với xu thế phát triển chung của thời đại.
Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam đã có một quá trình lâu dài tồn tại và gắn bó với khách hành hương trong cả nước nói chung và nhân dân tại địa phương nói riêng. Trải qua thời gian khá dài như vậy nhưng Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam
vẫn bảo tồn được những nét văn hóa độc đáo của mình. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ An Giang, thị xã Châu Đốc nói riêng và của Đảng Cộng sản Việt Nam nói chung, truyền thống văn hóa tín ngưỡng dân gian thờ Mẫu của Lễ hội vẫn được bảo tồn, phát huy và trở thành một bộ phận của nền văn hóa thống nhất trong đa dạng của dân tộc Việt Nam.
Ngoài ra, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam còn là một sản phẩm du lịch văn hóa. Du khách đến với núi Sam một cách rất tự nguyện không cần quảng cáo, đã vậy khách đáo lệ hàng năm ngày một đông hơn, bởi vì người ta đến đây để củng cố niềm tin bằng tâm linh, lợi thế tuyệt đối này không phải muốn mà có, cho nên phải khai thác triệt để. Lễ hội vẫn còn tồn tại không ít những mặt hạn chế nhất định cần phải khắc phục. Vì vậy, vấn đề đặt ra ở đây là phải tìm ra giải pháp hữu hiệu để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc cho một hoạt động tín ngưỡng dân gian, đồng thời phát huy tiềm năng du lịch sẵn có của Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam. Sự quan tâm chăm lo của Đảng và Nhà nước, của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền ở các địa phương là việc làm quan trọng để Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam ngày càng gắn bó mật thiết với quần chúng nhân dân và là một Lễ hội cấp quốc gia có quy mô lớn thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước.