CƠ SỞ LÝ THUYẾT:

Một phần của tài liệu Bản chất vật lý trong các bài tập định tính ở phần cơ học lớp 10 (Trang 26 - 27)

Động lực học nghiên cứu chuyển động của các vật khi có tương tác với các vật khác. Tương tác được mô tả bằng ngôn ngữ của của các lực tác dụng lên vật. Các chuyển động xảy ra trong không gian và thời gian, tính chất của chúng được thể hiện trong các định luật của chuyển động. Cơ sở của động lực học chất điểm là ba định luật Newton. Định luật I Newton đã khẳng định về sự đồng tính và đẳng hướng của không gian đối với hệ qui chiếu quán tính. Tính đồng tính của không gian có nghĩa là không gian không có những điểm khác nhau về tính chất. Tính đẳng hướng của không gian là sự bình đẳng về tính chất của nó theo mọi hướng. Điều đó có nghĩa là nếu một vật nào đó không chịu tác dụng của ngoại lực mà đứng yên ở một thời điểm nào đó đối với hệ qui chiếu quán tính và giữ nguyên trạng thái nghĩ trong suốt thời gian sau thì không gian là đồng nhất đối với hệ đó. Nếu vật không chịu tác dụng của ngoại lực, ban đầu chuyển động với một vận tốc nào đó và giữ nguyên vận tốc đó trong suốt thời gian sau thì không gian là đẳng hướng. Định luật II Newton xác lập mối quan hệ giữa gia tốc của chất điểm chuyển động trong một hệ

qui chiếu quán tính với các lực tác dụng lên nó. Tác dụng của lực lên một vật không phụ thuộc vào vấn đề vật đang đứng yên hay chuyển động theo quán tính hoặc dưới ảnh hưởng của các lực khác. Lực tác dụng lên vật sinh ra gia tốc có hướng trùng với hướng mà lực đã tác dụng lên vật. Định luật III Newton xác định mối liên hệ giữa các lực do các vật tương tác lẫn nhau. Tác dụng giữa các vật bao giờ cũng có tính chất tương hỗ. Nói cách khác lực do tương tác giữa các vật gây ra bao giờ cũng xuất hiện thành từng cặp trực đối nhau : lực và phản lực. Chúng bao giờ cũng cùng loại nhưng đặt vào hai vật khác nhau.

Trong động lực học tương tác giữa các vật được xem là đã cho. Chẳng hạn, tương tác hấp dẫn giữa các chất điểm được mô tả bằng định luật vạn vật hấp dẫn, tương tác tĩnh điện giữa các điện tích điểm được mô tả bởi định luật Coulomb. Biểu thức của những lực đưa vào các định luật Newton được rút ra từ các lĩnh vực khác nhau của vật lí mà trong đó chúng được nghiên cứu.

Các bài toán động lực học thường gặp có hai dạng chính đó là : Xác định chuyển động khi biết trước nguyên nhân gây ra sự biến đổi của chuyển động hay còn được gọi là “bài toán thuận” và xác định nguyên nhân gây ra sự biến đổi của chuyển động (lực tác dụng) khi biết trước qui luật biến đổi của chuyển động. Việc giải các bài toán động lực học phải bắt đầu từ việc phân tích tất cả các lực tác dụng lên vật mà ta đang xét. Sau đó, vận dụng các định luật Newton để thiết lập các mối quan hệ giữa các đại lượng đã biết và chưa biết bằng hệ thống các phương trình, rồi đi giải hệ thống các phương trình đó để trả lời các yêu cầu sau khi đánh giá các kết quả về mặt ý nghĩa vật lí cho phù hợp với điều kiện ban đầu của bài toán.

Sự tương tác giữa các vật sinh ra lực làm biến đổi chuyển động. Dưới những tương tác khác nhau thì có các loại lực khác nhau như : lực không đổi, lực phụ thuộc vào thời gian, lực phụ thuộc vào khoảng cách, lực phụ thuộc vào vận tốc,….

Do đó, tùy điều kiện cụ thể của từng bài toán mà có những cách tiếp cận khác nhau để phát hiện bản chất vật lí của vấn đề.

Một phần của tài liệu Bản chất vật lý trong các bài tập định tính ở phần cơ học lớp 10 (Trang 26 - 27)