Giải pháp bảo tồn các giá trị của lễ hội huyện Thọ Xuân

Một phần của tài liệu Lễ hội ở huyện Thọ Xuân -Thanh Hóa với việc phát triển du lịch địa phương (Trang 66 - 67)

3.2.1.1. Đầu tư trùng tu các di tích gắn với lễ hội

Toàn huyện Thọ Xuân có 312 di tích lịch sử - văn hóa, có những di tích lịch sử cấp quốc gia, có di tích cấp tỉnh, cấp xã, hay của làng. Những di tích nơi đây như một chứng tích thời gian, minh chứng cho lịch sử phát triển văn hóa về tâm linh, tín ngưỡng người Việt nói chung và vùng đất Thọ Xuân nói riêng, gắn bó mật thiết với đời sống tinh thần của người dân qua nhiều thế hệ. Việc đầu tư di tích này cần có chọn lọc, đặc biệt những di tích có lễ hội tiêu biểu của huyện cần được quan tâm trùng tu trước tiên.

Ban quản lý các di tích gắn với lễ hội cần có chính sách thu hút và đa dạng hóa các nguồn vốn cho việc bảo tồn, tôn tạo các di tích văn hóa - lịch sử đã được xếp hạng trên địa bàn Thọ Xuân. Các nguồn vốn có thể huy động từ: Ngân sách của địa phương, doanh nghiệp tư nhân trong và ngoài nước (doanh nghiệp lữ hành, doanh nghiệp kinh doanh,…). Đối với mỗi di tích tiến hành trùng tu theo đúng kế hoạch, khu di tích Lam Kinh thì tiếp tục trùng tu theo dự án, đền thờ Lê Hoàn tiếp tục xin vốn để trùng tu, hoàn thiện không gian tổ chức lễ hội. Với lễ hội Xuân Phả thì mở rộng phạm vi tổ chức để tạo điều kiện cho du khách dễ dàng quan sát các phần hội,…

Để việc đầu tư trùng tu di tích trên địa bàn huyện phải hợp lý, tránh được những sai sót, trước hết cần đặt ra một hệ thống quy trình chuẩn mực về trùng tu di tích, trong đó các tiêu chuẩn về vật liệu, phương pháp thi công và tiêu chuẩn đánh giá sản phẩm trùng tu phải được xác định trên cơ sở các tiêu chí khoa học, kỹ thuật. Có như vậy, công tác bảo tồn và trùng tu di tích mới vươn tới các chuẩn mực quốc tế và bảo đảm về ý nghĩa bảo tồn tính chân thực, chính xác trong trùng tu di tích.

3.2.1.2. Đưa cộng đồng trở thành chủ thể của lễ hội

Từ hàng chục năm nay, những khuôn mẫu lễ hội được tổ chức theo kiểu sân khấu hóa (như lễ hội đền Hùng) được thường xuyên truyền hình trực tiếp trên vô tuyến truyền hình đã ảnh hưởng mạnh đến tư duy của các cán bộ quản lý văn hóa ở các tỉnh thành trong cả nước. Họ thường đưa các lực lượng văn công chuyên nghiệp xuống và trình diễn cho người dân xem. Hậu quả tiêu cực nhất mà cách làm lễ hội này mang lại là: Thứ nhất, biến người dân vốn là chủ thể của lễ hội thành những người khán giả đơn thuần; Thứ hai, khi lực lượng nòng cốt này rút đi thì toàn bộ những gì đã được đầu tư cũng “rút” theo. Điều này đi ngược lại với nguyên lý bảo tồn di sản: Di sản văn hoá phải được bảo tồn sống trong lòng các cộng đồng.

Để tránh xu hướng làm lễ hội theo cách sân khấu hóa như trên đồng thời để người dân các cộng đồng sở tại tham gia vào lễ hội như là chủ thể. Trong quá trình tổ chức lễ hội, chúng ta phải luôn tuân thủ nguyên tắc: Không áp đặt ý chí chủ quan của mình vào cộng đồng. Từ xây dựng kịch bản tổng thể đến kịch bản chi tiết ở từng nghi thức, diễn xướng của lễ hội, từ phân công thực hiện đến luyện tập phải luôn thảo luận cùng với lãnh đạo địa phương và những người đại diện cho các cộng đồng. Nếu điều này làm tốt sẽ tạo được lòng tự hào của người dân về lễ hội mà họ đã góp công góp sức xây dựng nên. Đó cũng chính là sức mạnh tinh thần để lễ hội sống trong lòng cộng đồng.

3.2.1.3. Khôi phục và giữ gìn những giá trị truyền thống của lễ hội

Qua hơn 10 năm thực hiện Chỉ thị 27/CT-TƯ ngày 12/1/1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII), chỉ thị 14/1998/CT-TTg ngày 28/3/1998 và quyết định số 308/2005/QĐ- TTg ngày 25/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, địa phương đã tăng cường công tác quản lý lễ hội, đưa lễ hội dần đi vào ổn định. Các lễ hội được đầu tư tổ chức công phu, nghi lễ trang trọng theo truyền thống, nêu bật công đức danh nhân, anh hùng dân tộc, tưởng niệm người có công với dân, với nước, đồng thời khôi phục nhiều trò chơi dân gian và các hoạt động văn hóa, thể thao quần chúng.

Tuy nhiên, hoạt động lễ hội dễ phát sinh những tiêu cực, tệ nạn: Mê tín, dị đoan, rượu chè, cờ bạc,… Tình trạng ùn tắc giao thông, mất trật tự ở nhiều lễ hội, gây nên cảnh chen lấn, trộm cắp, xả rác bừa bãi vẫn phổ biến,… Tất cả những điều đó đã làm tổn hại đến cảnh quan di tích và không khí vui tươi của lễ hội. Do đó, để lễ hội huyện Thọ Xuân ngày càng có quy mô và hoàn thiện hơn, thì bản thân những người tham gia và lãnh đạo quản lý lễ hội cần khắc phục những mặt tồn tại, phát huy những văn hóa tốt đẹp để tạo lòng tin đối với du khách trong và ngoài nước như: Tăng cường an ninh trong những dịp lễ hội; quy định giá bán chung cho các cửa hàng và thành lập đội kiểm tra tránh tình trạng bắt chẹt khách; bài trừ các tệ nạn mê tín dị đoan; không để những ăn xin hoạt động trong phạm vi lễ hội;…

Một phần của tài liệu Lễ hội ở huyện Thọ Xuân -Thanh Hóa với việc phát triển du lịch địa phương (Trang 66 - 67)