độ hôn nhân và gia đình
Nhóm các tội phạm được quy định tại chương XV BLHS xâm phạm vào hai quan hệ xã hội khác nhau đó là HN&GĐ. Tuy nhiên, hai nhóm quan hệ xã hội này lại có mối quan hệ chặt chẽ với nhau: hôn nhân là cơ sở của gia đình còn gia đình hạnh phúc giữ cho hôn nhân bền vững. Cho nên, các nhà làm luật đã quy định các tội xâm phạm chế độ HN&GĐ vào một chương. Vì vậy, căn cứ vào khách thể trực tiếp bị xâm phạm có thể chia các tội phạm này thành hai nhóm: nhóm các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và nhóm các tội xâm phạm chế độ gia đình.
Nhóm các tội xâm phạm chế độ hôn nhân
1- Tội cưỡng ép kết hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện tiến bộ (Điều 146 BLHS 1999)
Chế độ hôn nhân được xây dựng trên nguyên tắc cơ bản là hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, bên trai và bên gái được quyền quyết định kết hôn theo ý muốn, không ai được ép buộc nhưng phải đảm bảo các điều kiện kết hôn do luật định như: đủ tuổi, không phải là người đang có vợ, có chồng, không thuộc những trường hợp bị cấm kết hôn.
Khách thể của tội phạm: Khách thể của tội phạm này chính là nguyên tắc hôn nhân tự nguyện - một trong những nguyên tắc cơ bản của Luật HN&GĐ Việt Nam. Nói cách khác, hành vi phạm tội đã xâm phạm nguyên tắc hôn nhân tự nguyện được ghi nhận ở Điều 64 Hiến pháp 1992 và Điều 2 Luật HN&GĐ 2000.
Chủ thể của tội phạm: Chủ thể của tội phạm này trước hết phải là người có năng lực TNHS.
Tội cưỡng ép kết hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ có mức tối đa của khung hình phạt là 3 năm tù, cho nên theo quy định tại khoản 3 Điều 8 BLHS 1999, đây là tội phạm ít nghiêm trọng. Vì vậy, chủ thể của tội phạm này phải từ đủ 16 tuổi trở lên.
Trên thực tế, chủ thể của các tội này thường là những người đã trưởng thành có quyền uy nhất định trong gia đình của bên nam hoặc bên nữ (cha, me, ông bà, anh chị) nhưng cũng có thể là người lợi dụng uy quyền về mặt công tác (thủ trưởng đối với nhân viên) hoặc về mặt tín ngưỡng (chức sắc trong tôn giáo) hoặc bên nam, đối với bên nữ hoặc ngược lại.
Mặt khách quan của tội phạm: tội cưỡng ép kết hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện tiến bộ đòi hỏi người phạm tội phải có hành vi cưỡng ép kết hôn hoặc có hành vi cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ.
Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC ngày 25- 09-2001 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, TANDTC, VKSNDTC hướng dẫn áp dụng các quy định tại chương XV - Các tội xâm phạm chế độ HN&GĐ (sau đây gọi tắt là Thông tư số 01) đã đưa ra khái niệm cưỡng ép kết hôn như sau: cưỡng ép kết hôn là dùng mọi thủ đoạn bắt buộc người khác (bên nam, bên nữ hoặc cải hai bên) phải kết hôn trái với ý muốn của họ. Theo Thông tư số 01, cản trở hôn nhân tự nguyện tiến bộ là dùng mọi thủ đoạn để ngăn cản việc kết hôn của người có đủ điều kiện kết hôn theo luật định hoặc có hành vi cản trở người khác duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ hoặc buộc họ phải cắt đứt quan hệ đó.
Các hành vi cưỡng ép kết hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ nói trên chỉ CTTP nếu đã được thực hiện bằng các thủ đoạn có tính chất bạo lực, tác động tới ý chí của người bị hại như hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc thủ đoạn khác.
Thông tư số 01 đã đưa ra khái niệm hành hạ, ngược đãi như sau: hành hạ, ngược đãi là đối xử tàn ác, tồi tệ đối với người khác, gây đau khổ về thể xác hoặc tinh thần như: thường xuyên đánh đập (có thể không gây thương tích), giam hãm, bắt nhịn ăn, nhịn
uống, bắt chịu rét, nhiếc móc, làm nhục... nhằm mục đích cưỡng ép kết hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ.
Thông tư này cũng đã đưa ra khái niệm uy hiếp tinh thần: uy hiếp tinh thần là đe dọa sẽ gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản hoặc một lợi ích thiết thân của người bị đe dọa làm cho người đó có căn cứ để lo sợ thực sự mà phải chịu khuất phục như đe dọa sẽ đốt nhà, giết người thân, tiết lộ bí mật đời tư của người bị đe dọa, bố mẹ hoặc người thân trong gia đình, đe dọa sẽ tự tử nếu hai bên nam nữ lấy nhau... và yêu sách của cải là đòi hỏi của cải một cách quá đáng, không nhân nhượng và coi đó là một trong những điều kiện để được kết hôn nhằm cản trở hôn nhân tự nguyện giữa đôi bên nam nữ.
Thủ đoạn khác có thể là bất cứ hành vi nào khác mang tính chất ép buộc, làm tê liệt ý chí của người bị hại, buộc họ phải nghe theo. Ví dụ dùng thủ đoạn có tính chất bạo
lực như đánh người gây thương tích, hoặc trong
một số trường hợp chịu ảnh hưởng của hủ tục cũ là bắt cóc phụ nữ về làm vợ bằng cách đón đường dùng vũ lực bắt người con gái đi theo (ví dụ: người H.Mông) [33, tr. 353]. Tuy nhiên, trong những trường hợp này chỉ coi là thủ đoạn của tội cưỡng ép kết hôn nếu việc bắt cóc được thực hiện hoàn toàn trái với ý muốn của bên nữ. Còn nếu hai bên nam nữ thực sự yêu nhau và muốn tiến tới xây dựng gia đình, nhưng gặp phải sự cản trở của gia đình bên trai, bên gái hoặc cả hai bên mà việc bắt cóc chỉ là giả tạo nhằm chống lại sự cản trở thì không phải là cưỡng ép kết hôn; hoặc việc bắt cóc đi là để phù hợp với nghi thức kết hôn truyền thống ở một số dân tộc (ví dụ: người Thái) [23, tr. 48] nhưng có sự đồng thuận của cả nam và nữ thì cũng không phạm tội.
Trong thực tiễn cần phân biệt những thủ đoạn nêu trên với một số trường hợp như bố mẹ góp ý kiến với con cái trong việc xây dựng gia đình dù có mang tính chất gia trưởng, nhưng không kèm theo thủ đoạn ép buộc, thì không phải là hành vi phạm tội, vì không có thủ đoạn làm tê liệt ý chí của người bị hại; trường hợp một bên đã dùng thủ đoạn gian xảo để lừa dối bên kia như che giấu hoặc sửa chữa lý lịch chính trị hoặc lý lịch tư pháp đặc biệt xấu của mình, làm cho bên kia mắc lừa đồng ý kết hôn, thì tuy cũng vi phạm nguyên tắc tự nguyện kết hôn, có thể yêu cầu xử hủy hôn nhân trái pháp luật,
nhưng không thể coi là một thủ đoạn của tội này vì không có yếu tố cưỡng ép; một trường hợp khác cần lưu ý nữa đó là người có hành vi cản trở những cuộc hôn nhân bất hợp pháp (những cuộc hôn nhân mà không đủ các điều kiện kết hôn theo quy định của luật HN&GĐ), dù có dùng những thủ đoạn như đã phân tích trên đây thì cũng không coi là phạm tội cản trở hôn nhân tự nguyện tiến bộ, mà tùy từng trường hợp có thể cấu thành các tội phạm khác như: tội cố ý gây thương tích, tội làm nhục người khác...
Tội cưỡng ép kết hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ được coi là hoàn thành từ thời điểm người phạm tội đã thực hiện một trong những thủ đoạn nói trên và đã bị xử phạt hành chính về hành vi này trước đó. Còn việc người phạm tội trong thực tế đã cưỡng ép hoặc cản trở được cuộc hôn nhân hay chưa không có ý nghĩa đối với việc định tội danh.
Mặt chủ quancủa tội phạm: Tội phạm này được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức được hành vi cưỡng ép, cản trở hôn nhân tự nguyện tiến bộ của người khác bằng thủ đoạn hành hạ, ngược đãi uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác là nguy hiểm cho xã hội, nhưng mong muốn thực hiện hành vi đó.
2- Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng (Điều 147 BLHS 1999)
Cơ sở để đảm bảo gia đình hạnh phúc là hôn nhân dựa trên tình yêu chân chính được thể hiện bằng hôn nhân một vợ một chồng. Theo Ăng-ghen "Xuất phát từ bản chất của tình yêu là không chia sẻ được... nên hôn nhân dựa trên tình yêu nam nữ do ngay bản chất của nó là hôn nhân một vợ một chồng" [1, tr. 131].
Khách thể của tội phạm: Khách thể của tội phạm này là một trong những nguyên tắc cơ bản của luật HN&GĐ - nguyên tắc một vợ, một chồng. Nguyên tắc một vợ một chồng được ghi nhận trong Điều 2 Luật HN&GĐ 2000 và Điều 4 Luật này còn quy định: "Cấm người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có vợ, có chồng".
Chủ thể của tội phạm: Chủ thể của tội phạm này là người đang có vợ, có chồng hoặc người chưa có vợ, có chồng nhưng biết rõ bên kia đã có chồng, có vợ mà vẫn kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đó.
Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng có mức hình phạt tối đa là 1 năm tù, cho nên, theo quy định tại khoản 3 Điều 8 BLHS 1999, đây là tội phạm ít nghiêm trọng. Vì vậy, chủ thể của loại tội phạm này phải từ đủ 16 tuổi trở lên và có năng lực TNHS.
Mặt khách quan của tội phạm: Người phạm tội phải có hành vi kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác trong khi đang có vợ hoặc đang có chồng, hoặc tuy chưa có vợ, có chồng nhưng biết rõ người khác đang có vợ, có chồng.
Theo khoản 2 Điều 8 Luật HN&GĐ năm 2000, kết hôn là việc nam, nữ xác lập quan hệ vợ chồng theo quy định của pháp luật về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn. Theo Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23-12-2000 của Hội đồng thẩm phán TANDTC, người đang có vợ, có chồng được hiểu là: người đã kết hôn với người khác theo đúng quy định của pháp luật, nhưng chưa ly hôn; người sống chung với người khác như vợ chồng trước ngày 03-01-1987 và đang sống chung như vợ chồng, mà không đăng ký kết hôn; người sống chung với người khác như vợ chồng từ ngày 03-01-1987 đến trước ngày 01-01-2001 và đang sống chung với nhau như vợ chồng, có đủ điều kiện nhưng không đăng ký kết hôn. Luật HN&GĐ năm 2000 không thừa nhận những trường hợp hôn nhân thực tế tại Điều 11: "Nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng thì không được pháp luật công nhận là vợ chồng".
Thông tư liên tích số 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC ngày 25- 09-2001 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, TANDTC, VKSNDTC đã đưa ra khái niệm chung sống như vợ chồng:
Chung sống như vợ chồng là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, có chồng mà lại chung sống với người khác mà mình biết rõ là đang có vợ, có chồng một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình. Việc chung sống như vợ, chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được
hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ, chồng, có tài sản chung và đã được gia đình, cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó. Trong trường hợp đã có quyết định của Tòa án tiêu hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó thì người phạm tội phải chịu TNHS về tội phạm này.
Khác với BLHS 1985, theo quy định của BLHS 1999 thì hành vi kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác chỉ CTTP khi thỏa mãn một trong hai dấu hiệu sau: gây hậu quả nghiêm trọng, tức là đã làm cho gia đình một bên hoặc hai bên tan vỡ dẫn đến chia lìa vợ chồng, con cái họ, vợ hoặc chồng, con vì thế mà tự sát hoặc gây ảnh hưởng xấu tới trật tự xã hội của địa phương; người vi phạm chế độ một vợ, một chồng đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm.
Mặt chủ quan của tội phạm: Tội phạm này được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp: người phạm tội biết rõ đối tượng mà mình đang chung sống hoặc kết hôn đang có vợ, có chồng nhưng vẫn mong muốn kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đó. Trường hợp do lầm tưởng là vợ hoặc chồng của mình đã chết, nên đã kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác, thì không phạm tội này.
3- Tội tổ chức tảo hôn, tội tảo hôn (Điều 148 BLHS 1999)
Theo quy định tại Điều 8 Luật HN&GĐ năm 2000, tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo luật định. Độ tuổi kết hôn được quy định tại Khoản 1 Điều 9 Luật HN&GĐ năm 2000: "1. Nam từ hai mươi tuổi trở lên, nữ từ mười tám tuổi trở lên".
Khách thể của tội phạm: Khách thể của tội phạm này là một trong những nguyên tắc cơ bản của luật HN&GĐ Việt Nam - hôn nhân tiến bộ. Theo nguyên tắc này, việc kết hôn của hai bên nam nữ phải tuân thủ điều kiện kết hôn nhằm đảm bảo người kết hôn đã có sự phát triển đầy đủ về mọi mặt và nhận thức được trách nhiệm đối với gia đình, xã hội, cũng như có khả năng tự chủ được cuộc hôn nhân của mình.
Chủ thể của tội phạm:Chủ thể của tội tổ chức tảo hôn là bất kỳ người nào có năng lực TNHS và đạt từ 16 tuổi trở lên, thông thường là những người thân thích của bên
nam, bên nữ. Chủ thể của tội tảo hôn là bất kỳ người nào có năng lực TNHS đã đủ tuổi kết hôn theo luật định. Trong trường hợp cả đôi bên nam nữ đều chưa đủ tuổi kết hôn thì cuộc hôn nhân này là bất hợp pháp, Tòa án sẽ xử tiêu hôn, các bên đương sự đều không phải chịu TNHS.
Mặt khách quan của tội phạm: Tội tổ chức tảo hôn và tội tảo hôn đều được biểu hiện dưới hình thức hành động.
Đối với tội tổ chức tảo hôn, hành vi khách quan của tội này là hành vi tổ chức việc kết hôn cho người chưa đến tuổi kết hôn. Theo Thông tư số 01, tổ chức tảo hôn được hiểu là việc tổ chức cho những người chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật HN&GĐ lấy vợ, lấy chồng. Người tổ chức tảo hôn biết rõ hoặc có căn cứ để biết rõ là hai người hoặc một trong hai người mà mình tổ chức lễ cưới là chưa đủ tuổi kết hôn theo luật định; nếu người đó không biết việc này hoặc nhầm lẫn về độ tuổi, thì không phạm tội này.
Theo quy định của BLHS năm 1985, thì tội phạm này được hoàn thành ngay từ thời điểm tổ chức hôn lễ, nhưng BLHS 1999 bổ sung thêm một dấu hiệu định tội là "đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm" nhằm hạn chế phạm vi xử lý hình sự đối với tội này.
Đối với tội tảo hôn, hành vi phạm tội này là hành vi cố ý duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đến tuổi kết hôn mặc dù đã có quyết định của Tòa án buộc chấm dứt quan hệ này. Chỉ cấu thành tội tảo hôn, khi hành vi khách quan có đầy đủ các dấu hiệu sau: đã có việc kết hôn với người chưa đủ tuổi kết hôn; đã có bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án xử tiêu hôn buộc chấm dứt quan hệ đó; có hành vi cố ý duy trì quan hệ vợ chồng bất hợp pháp với người chưa đến tuổi kết hôn (cố ý không chấp hành