CHƯƠNG 3: HIỆN TRẠNG VÀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP ĐỂ BẢO LƯU, PHÁT TRIỂN HÁT DÔ.
3.2. Một số giải pháp để bảo tồn và phát triển làn điệu hát Dô
Sau khi có Nghị quyết 5 khóa VIII của Đảng thì vấn đề bảo tồn, phát huy và phát triển những giá trị văn hóa truyền thống để xây dựng nền văn hóa mới dân tộc và hiện đại hay nói đúng hơn là truyền thống và cách tân. Nhưng có thể nói vấn đề bảo tồn, phát huy, phát triển như thế nào, bằng hình thức nào, giải pháp ra sao đòi hỏi sự tìm tòi, thận trọng. Bởi hiện nay, những bối cảnh và hoàn cảnh sinh hoạt cũng đã khác xưa rất nhiều. Vì lẽ đó bảo tồn, phục hưng và phát huy hát Dô là làm sao vẫn giữ được bản chất nhân văn, bản sắc dân tộc, cũng như tính cộng đồng, cộng cảm ở làng xã. Vấn đề đặt ra với hát Dô hiện nay là chúng cần được bảo tồn và phát huy như thế nào trong điều kiện xã hội nước ta đang chuyển hóa từ một xã hội nông nghiệp sang xã hội công nghiệp thông qua sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đang được xúc tiến mạnh mẽ trong điều kiện đất nước ta ngày càng giao lưu mở rộng với các nước trên thế giới. Sự tồn tại của văn hóa dân gian chính là sự tồn tại dân tộc, mất văn hóa dân gian là mất đi nguồn gốc, mất đi bản sắc. Cần phải làm gì và làm như thế nào với không chỉ dân ca hát Dô mà còn với các dân ca khác đó chính là vấn đề của rất nhiều những cơ quan chuyên trách.
Vì vậy, Ủy ban nhân dân xã Liệp Tuyết đã đưa ra những hướng, giải pháp bảo tồn và phát triển điệu hát này.
Trước hết, đề nghị cần sự phối hợp đồng bộ giữa Bộ văn hóa thể thao và du lịch, Sở văn hóa thông tin Hà Tây với các có quan chuyên nghành như Hội văn nghệ dân gian Việt Nam, Hội văn học nghệ thuật nhằm phát huy chức năng của từng cơ quan đơn vị và việc bảo tồn di sản này.
Tiếp theo là các hoạt động văn nghệ hay các phong trào quần chúng tham gia một cách thường xuyên. Để không chỉ người dân vùng đó biết mà người dân cả nước và thế giới biết đến hát Dô.
Thứ nữa, xã Liệp Tuyết còn tích cực vận động những người biết hát truyền dạy cho thế hệ mai sau những thanh niên để biết về một miền quê giàu truyền thống văn hóa và có một loại hình dân ca độc đáo.
Cuối cùng là vấn đề ngân sách, tài chính. Bởi vật chất có tốt thì đời sống tinh thần, văn hóa được nâng cao. Vì vậy, xã Liệp Tuyết đang cần sự giúp sức của các cấp trên và sự ủng hộ nhiệt tình của người dân để công tác bảo tồn được tốt hơn.
Qua những giải pháp của các cơ quan chức năng, chúng tôi cũng mạnh dạn đưa ra những ý kiến những quan điểm của mình để bảo tồn làn điệu có một không hai này:
Lễ hội hát Dô phải được phục hồi. Từ lễ hội được mở vào năm 1926, các cụ kể lại rằng: Lúc đó Liệp Tuyết được chia thành 5 thôn 7 trại, gần đến ngày mở hội mọi việc đều được chuẩn bị chu đáo kỹ càng, việc sửa sang đền thờ, may sắm cờ lọng được chuẩn bị trước hàng năm. Cả 6 thôn 7 trại đều tập trung các con hát tập hát. Ngoài lý do làm cho ngày hội được long trọng trang nghiêm, còn một lý do nữa. Đó là sự đua tài rất quyết liệt giữa các thôn với nhau trong dịp lễ hội. Tinh thần đó càng thúc đẩy nhân dân ra sức tập luyện và chuẩn bị chu đáo. Các con hát đều là trai thanh gái lịch, chủ yếu là tầm tuổi từ 13 đến 18 tuổi. Vì vậy, gia đình nào có con được tham gia hội hát Dô thì rất vinh dự và tự hào. Hơn nữa, nơi đây là không gian tâm linh, tín ngưỡng linh thiêng, thu hút rất đông du khách thập phương. Hội Dô là một hội lớn trong vùng và là một trong những lễ hội đặc biệt của vùng xứ Đoài, nhưng gắn với một tục hèm mà 36 năm mới tổ chức một lần. Thiết nghĩ, trong những năm vừa qua chúng ta đã phục hồi, phát triển dần những làn điệu hát Dô. Nó đã vượt qua được ngưỡng cửa của những quy định, những tục lệ cổ xưa tức là chỉ được hát trong những ngày hội ở đền Khánh Xuân, thì tại sao chúng ta phải ràng buộc
trong giới hạn thời gian là 36 năm. Hội Dô nên tổ chức đều đặn khoảng vài năm một lần, vì tính từ năm 1926 đến nay hát Dô chưa được tổ chức lần nào. Lễ hội là dịp để mọi người có dịp gặp gỡ trò chuyện, cũng là dịp để những di tích này có người trông nom, chăm sóc và sự đóng góp hảo tâm của những người yêu mến mảnh đất nơi đây. Đặc biệt, nơi đây còn có thể kết hợp với chùa Thầy, chùa Tây Phương tạo nên một hình thức du lịch độc đáo: du lịch tâm linh tín ngưỡng. Lễ hội đền Khánh Xuân được khôi phục và hoàn chỉnh không chỉ có những tác động mạnh mẽ đến khơi dậy nền văn hóa dân tộc mà còn lưu giữ và trao truyền những tinh hoa văn hóa truyền thống của địa phương, giúp giáo dục được thế hệ trẻ, những người sẽ là lớp kế cận sau này. . Lễ hội ấy phải giữ được sắc thái cổ truyền kết hợp với nội dung mới. Theo chúng tôi chỉ có vùng hát Dô có Hội Dô mới bảo tồn và phát huy được truyền thống tinh hoa văn hóa, bởi đó chính là môi trường sống. Theo tinh thần tiếp thu có chọn lọc, lễ hội hát Dô tiếp thu có chọn lọc, có phê phán “bình cũ, rượi mới”, lễ hội Dô có bảo tồn mà vẫn cải tạo nội dung cho phù hợp.
Bảo tồn không gian hát Dô. Có thể nói, đền Khánh Xuân chính là một không gian hát Dô đặc biệt. Đền Khánh Xuân được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVIII [22,87], dưới thời phong kiến đã được các triều vua ban các sắc phong thần cho phép dân làng thờ tự lâu dài. Hệ thống sắc phong với những quy định chặt chẽ của làng là cơ sở pháp lý cho việc giữ gìn, bảo vệ di tích trong những năm trước cách mạng. Đến ngày nay thời gian đã trên 200 năm trải qua mưa nắng thời gian và sự biến đổi của thiên nhiên, thời tiết, độ bền của vật liệu xây dựng đã giảm. Ngôi đền đã xuống cấp mặc dù đã được địa phương nhiều lần tu sửa, nhưng vì kinh phí để tu sửa không nhiều nên việc tu sửa không đồng bộ, không mang tính thống nhất mang tính chắp vá. Khung gỗ mái bị mối xông võng mái, tường nhà bị rạn nứt do lún móng. Các hoa văn ở bốn góc đao và Long Ly chầu Nguyệt đều bị nứt gãy. Ngôi đền rất cần được tu sửa lại để bảo
vệ nguyên trạng. Vì vậy, việc sửa lại cần sự ủng hộ của nhân dân và cả địa phương với chính quyền cấp trên để có thể giữ nguyên trạng di tích lịch sử văn hóa này. Hiện tại, khi chúng tôi đến thì thấy đó là một ngôi đền khang trang và rất đẹp. Khi tiếp xúc với người dân và ông thủ đền Nguyễn Văn Ly (60 tuổi) chúng tôi cảm nhận được sự kính trọng và lòng tôn nghiêm của ngôi đền này với cuộc sống người dân nơi đây. Vì vậy, có thể thấy đền Khánh Xuân không chỉ một không gian lễ hội mà đó còn là một tín ngưỡng tâm linh của người dân Liệp Tuyết. Và một điểm đặc biệt là trong 108 địa chỉ thờ Tản Viên sơn thánh ở quanh chân núi Ba Vì, không một nơi nào, hay nói đúng hơn là chỉ có đền Khánh Xuân là có một loại dân ca nghi lễ - hát Dô tặng Ngài. Điều này chính là một sự ưu ái khác biệt mà người dân nơi đây có được. Ngày nay, lễ hội vẫn sẽ được duy trì trên một bình diện mới, mang một nội dung nhân văn mới gắn với những giá trị nhân văn truyền thống. Tưởng nhớ công ơn của những người đã khuất, những người có công với nước, với cộng đồng, ước vọng về một cuộc sống hạnh phúc, vươn lên để dành những thành quả lao động nhiều hơn… là nội dung lành mạnh trong đời sống tâm linh của mỗi con người Việt Nam xưa và nay. Nó giống như một cơ tầng tín ngưỡng mới trong các nội dung lễ hội. Sau khi sàng lọc cái cũ và đưa vào những cái mới, nhiều tiết mục nghi thức truyền thống của hát Dô vẫn còn có thể tiếp tục tồn tại trong phần lễ của lễ hội. Có thể duy trì ở phần hội những màn múa hát mang tính chất hoạt cảnh, những trò chơi giao duyên với sự khuyến khích những sáng tạo mới theo phương thức dân gian để những giá trị nghệ thuật của hát Dô vừa được bảo tồn vừa luôn có cái mới gắn với nhịp sống của thời đại.
Bảo tồn những văn bản của lời ca hát Dô. Lời ca hát Dô chính là sản phẩm của cuộc sống lao động vất vả. Nó là một di sản văn hóa vô giá, có vai trò gắn kết cộng đồng. Hát Dô cũng giống như nhiều di sản văn hóa khác, được sáng tạo rất lâu, ít nhất là trước năm 1926, rồi trải qua hai cuộc chiến tranh khốc
liệt, những người lưu giữ các giá trị văn hóa này đến hiện nay, phần nhiều là những người già, lại truyền miệng cho nên một số người đã ra đi, phần còn lại giờ đây trí nhớ cũng kém nên nguy cơ mai một là rất lớn. Thiết nghĩ, để thuận lợi cho công tác nghiên cứu, sưu tầm hát Dô trước hết cần phải có một kế hoạch khoa học, đó là công việc thuộc các cơ quan chủ quản. Chúng ta đã và đang tiếp tục đề cao vai trò của nghệ nhân. Chúng ta cần phải sưu tầm, tìm hiểu, nghiên cứu toàn bộ những giá trị di sản văn hóa phi vật thể và chăm sóc các nghệ nhân dân gian những người thầy tài năng trí tuệ và hết lòng vì sự nghiệp bảo tồn này. Công tác bảo tồn di sản đặc biệt là ghi chép, ghi hình, ghi tiếng, dàn dựng những tiết mục liên quan đến hát Dô để làm sao đảm bảo được tính nguyên gốc, không bị nét hiện đại xâm nhập. Điều này xảy ra ở nhiều nơi trong các khâu như dựng lại phục trang cổ…. Việc tu sửa, bảo tồn cần tôn trọng tối đa tính nguyên bản, nguyên gốc nhằm tránh làm sai lệch giá trị lịch sử và khoa học của di sản hát Dô.
Phát triển tiềm năng du lịch to lớn của đất nước theo hướng du lịch văn hóa, sinh thái môi trường trong thời kỳ mới là một chủ trương lớn của nhà nước ta. Từ đó, việc đưa văn hóa vào du lịch sẽ mở ra một hướng đi có nhiều triển vọng to lớn trong việc bảo tồn và phát huy vốn văn hóa dân gian. Hát Dô cần và có thể hòa nhập vào xu thế này.
Một môi trường nữa có thể góp phần vào việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy, phát triển nghệ thuật hát Dô là làm cho những thành phần thích hợp của nó sống lại dưới dạng chuyên nghiệp bằng những phương tiện,hình thức như hội diễn, liên hoan, đưa lên làn sóng truyền thanh, truyền hình, có sự bổ sung phương thức biểu hiện mới như nhạc đệm, nâng cao chất lượng vũ đạo, và ở một trình độ cao hơn là dùng những yếu tố nghệ thuật trong hát Dô để làm chất liệu – chủ đề - đề tài cho những sáng tạo mới. Ở môi trường này hát Dô không
tự thân vận động để bảo lưu và phát huy mà như một đối tượng, một chất liệu để vận hành vào những quy trình sáng tạo khác nhau, chúng ta có thể gọi đây là môi trường đặc dụng.
Phải xã hội hóa văn hóa của hát Dô để nó sống trong lòng của người dân. Theo GS. TS Tô Ngọc Thanh Chủ tịch Hội văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng: “Chúng tôi khôi phục lại môi trường tâm thức và tâm linh của nhân dân thì cả làng ủng hộ… Như thế là chúng tôi trả lại và đó chính là xã hội hóa văn hóa. Và chỉ có như vậy thì di sản mới có thể sống được”. Chỉ có sống giữa quần chúng thì những di sản độc đáo ấy mới có chỗ trú chân, mới là chính mình. Vì vậy, nó nảy nở rất nhanh và bền vững. Xã hội hóa hát Dô nói riêng và xã hội hóa văn hóa dân gian nói chung đang được tiến hành nhanh chóng, khẩn khoản.
Phổ biến truyền thống giáo dục, vốn di sản hát Dô trong nhân dân, đặc biệt là trong các trường học. Như chúng ta đã biết thì hát Dô là vốn di sản quý của Liệp Tuyết nhưng chẳng lẽ cứ trưng bày trong tủ kính, phủ ni lông lên thì như vậy nó sẽ nhanh chóng bị mai một và không còn. Qua đó ta phải biến nó thành di sản chung của dân tộc. Vì vậy, các cấp, các ngành phải động viên, hướng dẫn nhân dân biết yêu mến những nét quý giá để bảo tồn phát huy, sử dụng trong đời sống xã hội. Phổ cập dưới hình thức, nhiều cách. Gắn nó với chương trình giáo dục thẩm mỹ hay văn hóa dân gian ở các cấp học. Việc nuôi trồng những giá trị văn hóa cổ truyền ở đây cần được lưu ý đến tâm lý của từng lứa tuổi. Nếu như các em nhỏ học ở cấp tiểu học thì cần cải biên và chỉnh sửa một chút để những tiết mục gần với đồng dao, hơn nữa còn nên gắn với các trò chơi để như vậy, các em vừa có thể học, vừa có thể chơi, nâng cao hiệu quả của hát Dô. Có thể cải biên những tiết mục có kỹ năng hay những khúc hát, làn điệu có lối đồng ca để từ đó luân phiên xen kẽ giữa giọng nam và giọng nữ, giữa các bộ phận của một tốp, giữa đơn ca và đồng ca.
Khuyến khích những người làm công tác văn học nghệ thuật, đặc biệt là các nhạc sĩ, các tác giả xây dựng các tiết mục, tác phẩm, chương trình dựa trên chất liệu hát Dô. Nếu có thể được thì hát Dô càng được bảo tồn, phát triển.
Ươm mầm tài năng thông qua Câu lạc bộ hát Dô. Đó chính là lớp kế cận những tầng lớp đã sắp không thể hướng dẫn được nữa. Vì vậy, phải tích cực chủ động đối với những thanh niên.
Tiểu kết
Như vậy với việc nêu ra những thực trạng, tình hình cụ thể của làn điệu hát Dô thì chúng ta đã thấy những bước phát triển, những thăng trầm của làn điệu này để từ đó có những giải pháp phù hợp với nó.
Sự thăng trầm của hát Dô một phần do chiến tranh, phần nữa do sự hiểu biết còn non kém của nhân dân, càng làm những lời ca hát Dô trở nên thất truyền và mai một. Những giải pháp ấy đã bước đầu thực hiện có hiệu quả nhưng còn rất nhiều vấn đề cần phải bàn. Để hát Dô thực sự sống trong tâm tưởng vùng đất ấy thì phải làm cho những người dân hiểu sâu sắc, bởi chính họ sẽ là những chủ nhân của di sản văn hóa này. Chính vì vậy, hát Dô cần được nhân rộng được phổ biến một cách mạnh mẽ. Đặc biệt, phải làm cho những lời ca hát Dô sống ngay trên mảnh đất Liệp Tuyết này.
C. KẾT LUẬN
Nằm trong hệ thống dân ca nghi lễ ở trung du và đồng bằng Bắc Bộ, hát Dô mang những đặc điểm chung của loại thể, như có liên quan trực tiếp đến lịch tiết nông nghiệp, truyền thống thờ các vị thần và ca ngợi công lao của Tản Viên sơn thánh, một vị thần trong tứ bất tử của Việt Nam, cũng như những bài ca về lao động, về cuộc sống bình dị của nhân dân. Nhưng được sinh ra từ vùng quê Liệp Tuyết, một vùng đất đặc thù với địa hình bán sơn địa, quanh năm phải chịu những trận lụt lội do dòng sông Tích tràn về, rồi dần dần những cảnh lụt lội ấy đã không còn khi công tác thủy lợi được chú trọng thì cảnh ngập úng mới được khắc phục. Đây còn là một vùng đất cổ, xuất hiện từ thời Hùng Vương thứ Sáu (Khánh Xuân