Một số khó khăn trong việc phát triển hát Dô

Một phần của tài liệu Bước đầu tìm hiểu về hát Dô ở xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội (Trang 57 - 59)

CHƯƠNG 3: HIỆN TRẠNG VÀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP ĐỂ BẢO LƯU, PHÁT TRIỂN HÁT DÔ.

3.1.2.Một số khó khăn trong việc phát triển hát Dô

Văn bản hát Dô theo thời gian không còn giữ được nhiều và nguyên bản. Các bản tập hợp lại đều là những sự chắp vá. Vì vậy, không có sự thống nhất, vừa thừa lại vừa thiếu. Đây là một tổn thất rất lớn không chỉ cho vùng mà còn cho cả đất nước này. Điều này có thể hiểu được, bởi vì các văn bản hát Dô sau khi tổ chức hội xong thì phải cất giữ bản gốc tại đền, còn các bản phụ thì phải đem đốt hết nên không thể lưu truyền được trong dân gian. Đa số những văn bản còn lưu truyền đến hiện nay là do công sưu tập của các nhà nghiên cứu từ những cụ tham gia Hội Hát Dô năm xưa (tức năm 1926) và dịch từ cuốn “Quốc nhạc diễn ca”.

Lời ca nhiều khi cứng nhắc, thiếu phong phú. Đây là một thực trạng chung của các loại hình dân ca nghi lễ. Lời ca của nó thường được cố định thành văn bản do đó nó giữ được nhiều câu cổ. Vì vậy, lời ca đơn điệu, khô cứng chủ yếu là do nội dung hát Dô quy định. Điều này khác với các thể loại dân ca trữ tình như quan họ, hát Ví…. Làm cho giới trẻ rất khó tiếp cận.

Các nghệ nhân biết và thuộc lời các bài hát Dô đến nay còn lại rất ít, chỉ duy nhất bà Nguyễn Thị Lan vẫn ngày đêm truyền dạy cho các cháu, điều đó là một thiệt thòi lớn. Hơn nữa, hiện nay do thiếu cái hát nên bà Lan vẫn phải là người cái hát, dẫn dắt lối. Điều này có phần sai khác với quy định khi xưa, đồng thời tạo nên sự thiếu cân bằng.

Sự nhận thức của nhân dân còn hạn chế. Họ vẫn còn bị ám ảnh bởi lời hèm năm xưa. Lúc đầu, nhiều gia đình vì sợ lời nguyền thánh phạt mà không dám cho con, cháu của họ tham gia Câu lạc bộ hát Dô. Chính vì vậy, đó là một trở ngại rất lớn trong việc duy trì và bảo tồn hát Dô.

Một phần của tài liệu Bước đầu tìm hiểu về hát Dô ở xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội (Trang 57 - 59)